Bản thân là thầy thuốc phải làm gì

Lương y như từ mẫu nghĩa là thầy thuốc phải như mẹ hiền, thầy thuốc chăm sóc bệnh nhân như người mẹ hiền chăm con, có lòng yêu thương, không phân biệt giàu nghèo.

Trường Cao Đẳng Dược Sài Gòn là một trường đào tạo ngành y dược tốt, sinh viên được thực hành nhiều, thầy cô tận tâm sẵn sàng truyền đạt hết kiến thức. Thầy cô không chỉ dạy những kiến thức chuyên môn còn dạy cách để trở thành một người thầy thuốc sâu y lý – giỏi y thuật – giàu y đức. Là nơi ươm mầm những người thầy thuốc tương lai giỏi. Sinh viên được thực hành nhiều để sau khi ra trường có đủ kiến thức để chữa bệnh. Sinh viên được trau dồi kiến thức đi đôi với thực hành nhằm phát triển tư duy, sáng tạo kết hợp với lý luận thực tiễn. Sinh viên ra trường vừa nắm vững kiến thức chuyên môn, vừa có đạo đức và tinh thần cầu tiến để vững bước trên con đường y tương lai.

Liên quan đến các nguyên tắc đạo đức hành nghề dược thì theo quy định mới nhất người hành nghề dược phải rèn luyện và tu dưỡng bản thân như thế nào?

  • Bản thân là thầy thuốc phải làm gì
    (ảnh minh họa)

Căn cứ Điều 2 Nguyên tắc đạo đức hành nghề dược Ban hành kèm theo Thông tư 08/2021/TT-BYT (Có hiệu lực từ 13/08/2021) quy định về rèn luyện, tu dưỡng bản thân như sau:

1. Phải luôn rèn luyện kỹ năng giao tiếp, ứng xử, nâng cao phẩm chất đạo đức của người thầy thuốc, lương tâm nghề nghiệp và trách nhiệm với nghề, với người sử dụng thuốc.

2. Phải không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; tích cực tham gia các lớp đào tào, bồi dưỡng kiến thức; tích cực nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ khoa học – công nghệ, phát huy sáng kiến, cải tiến, đáp ứng tốt các yêu cầu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trong mọi tình huống.

Trong xã hội, mỗi một ngành nghề đều có vai trò, vị trí và ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của đất nước, đòi hỏi phải có “đạo đức nghề nghiệp”, lương tâm, trách nhiệm của người làm nghề. Và nghề y là một nghề đặc thù,cao quý, liên quan trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của một con người nên đòi hỏi mỗi cán bộ, nhân viên y tế cần nâng cao trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm, tận tụy phục vụ, phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp mà xã hội gọi là y đức.

Bản thân là thầy thuốc phải làm gì
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Bệnh xá Vân Đình, tỉnh Hà Tây cũ (20-4-1963) Người căn dặn cán bộ bệnh xá thực hiện “Lương y như từ mẫu” ( Ảnh internet)

Danh y Lê Hữu Trác đã từng nói: “Không có nghề nào đạo đức bằng nghề y và không nghề nào vô nhân đạo bằng nghề y thiếu đạo đức”, có thể nói y đức đối với người làm nghề y là những phẩm chất tốt đẹp nhất của con người nói chung và người làm nghề y nói riêng. Đó cũng là quy tắc, là chuẩn mực của ngành y, là kim chỉ nam trong hoạt động nghề nghiệp, để thầy thuốc tự giác điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với lợi ích, tiến bộ ngành y để đem lại sức khỏe và sự an lành cho con người.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng đạo đức, theo Người đạo đức là gốc và những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh về y đức là nội dung quan trọng trong tư tưởng và đạo đức của Người. Trong 20 năm, từ 1947 đến 1967, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có tới 25 bức thư gửi ngành y, thương binh - xã hội. Ngoài những lời khuyên về công tác chăm sóc, cứu chữa cho người bị bệnh, người bị thương, Người đặc biệt quan tâm đến y đức, cái đạo đức cần phải có của người thầy thuốc cách mạng, vì dân.

Theo Hồ Chí Minh: “Ngành Y tế cũng như các thầy thuốc Việt Nam phải chú trọng kết hợp Đông, Tây y và hết lòng yêu thương, chăm sóc người bệnh”.. Ngay từ những năm đầu sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong những bức thư gửi Trường Quân y năm 1946, Hội nghị Quân y năm 1948, Trường y tá Liên khu I năm 1949, Hội nghị Y tế toàn quốc năm 1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh đến trách nhiệm, nghĩa vụ và tình thương, lòng bác ái, hy sinh, sự tận tâm phục vụ, tinh thần đoàn kết học tập tiến bộ và ý thức kỷ luật của cán bộ, nhân viên ngành Y. Đặc biệt, cách đây 61 năm, trong thư gửi Hội nghị Cán bộ y tế ngày 27 tháng 2 năm 1955 của Chủ tịch Hồ Chí Minh có câu “Lương y phải như từ mẫu”, Bác cũng đã nhắc nhở nhiệm vụ vẻ vang của người thầy thuốc: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô, các chú. Chính phủ phó thác cho các cô, các chú việc chữa bệnh tật và giữ sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, thầy thuốc cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn”. Trong lời căn dặn sâu sắc “Lương y phải như từ mẫu”, Bác dùng chữ “phải” với mong muốn nhấn mạnh và gửi lời nhắn nhủ: Một người thầy thuốc đồng thời phải là một người mẹ hiền, hội tụ những đức tính tốt đẹp nhất như niềm nở, dịu dàng trong tiếp xúc, tận tình, cẩn trọng, chu đáo khi chăm sóc, ân cần, tỉ mỉ lúc dặn dò và trong những trường hợp khó khăn, nguy kịch thì sẵn sàng chịu khó, chịu khổ, hy sinh, quên mình để làm tròn phận sự cứu người. Có tình thương của người mẹ hiền thì người thầy thuốc tránh được những thói xấu như cầu lợi, kể công, phân biệt đối xử giữa giàu, nghèo, sang, hèn, hách dịch, lạnh lùng khi tiếp xúc, qua loa, tắc trách trong phục vụ, đố kỵ, kèn cựa với đồng nghiệp… “Thầy thuốc như mẹ hiền” là cốt lõi của đạo đức ngành y.

Có thể nói, tư tưởng y đức “Lương y phải như từ mẫu” lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm và khẩu hiệu của ngành y tế, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình chỉ đạo xây dựng và phát triển nền y học nước ta, là một đòi hỏi khách quan trong việc thực hành y nghiệp. Nhằm đẩy mạnh việc thực hiện chủ trương của Đảng: “Nâng cao y đức, đấu tranh đẩy lùi tiêu cực trong hoạt động khám, chữa bệnh”, ngày 06/11/1996, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã ban hành Quyết định số 2088/BYT-QĐ quy định về y đức tức là tiêu chuẩn đạo đức của người làm công tác y tế. Nội dung quy định gồm có 12 điều. Những nội dung trọng tâm của 12 điều y đức là những quy định về tinh thần trách nhiệm, thái độ của người thầy thuốc đối với bệnh nhân, thái độ niềm nở, tận tình, khẩn trương tổ chức khám chữa, tôn trọng bệnh nhân không phân biệt giàu nghèo. Trong điều trị phải tận tình, chu đáo, luôn luôn có mặt ở vị trí công tác, theo dõi chặt chẽ, xử lý kịp thời các tình huống, phải thực hiện được điều như Cố Bộ trưởng Bộ Y tế Phạm Ngọc Thạch đã nói: “Đến, niềm nở tiếp đón. Ở, tận tình chăm sóc. Đi, ân cần dặn dò”. Nội dung 12 điều y đức gồm:

  1. Chǎm sóc sức khoẻ cho mọi người là nghề cao quý. Khi đã tự nguyện đứng trong hàng ngũ y tế phải nghiêm túc thực hiện lời dạy của Bác Hồ. Phải có lương tâm và trách nhiệm cao, hết lòng yêu nghề, luôn rèn luyện nâng cao phẩm chất đạo đức của thầy thuốc. Không ngừng học tập và tích cực nghiên cứu khoa học để nâng cao trình độ chuyên môn. Sẵn sàng vượt qua mọi khó khǎn gian khổ vì sự nghiệp chǎm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
  1. Tôn trọng pháp luật và thực hiện nghiêm túc các quy chế chuyên môn. Không được sử dụng người bệnh làm thực nghiệm cho những phương pháp chẩn đoán, điều trị, nghiên cứu khoa học khi chưa được phép của Bộ Y tế và sự chấp nhận của người bệnh.
  1. Tôn trọng quyền được khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân. Tôn trọng những bí mật riêng tư của người bệnh; khi thǎm khám, chǎm sóc cần bảo đảm kín đáo và lịch sự. Quan tâm đến những người bệnh trong diện chính sách ưu đãi xã hội. Không được phân biệt đối xử với người bệnh. Không được có thái độ ban ơn, lạm dụng nghề nghiệp và gây phiền hà cho người bệnh. Phải trung thực khi thanh toán các chi phí khám bệnh, chữa bệnh.
  1. Khi tiếp xúc với người bệnh và gia đình họ, luôn có thái độ niềm nở, tận tình; trang phục phải chỉnh tề, sạch sẽ để tạo niềm tin cho người bệnh. Phải giải thích tình hình bệnh tật cho người bệnh và gia đình họ hiểu để cùng hợp tác điều trị; phổ biến cho họ về chế độ, chính sách, quyền lợi và nghĩa vụ của người bệnh; động viên an ủi, khuyến khích người bệnh điều trị, tập luyện để chóng hồi phục. Trong trường hợp bệnh nặng hoặc tiên lượng xấu cũng phải hết lòng cứu chữa và chǎm sóc đến cùng, đồng thời thông báo cho gia đình người bệnh biết.
  1. Khi cấp cứu phải khẩn trương chẩn đoán, xử trí kịp thời không được đùn đẩy người bệnh.
  1. Kê đơn phải phù hợp với chẩn đoán và bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý an toàn; không vì lợi ích cá nhân mà giao cho người bệnh thuốc kém phẩm chất, thuốc không đúng với yêu cầu và mức độ bệnh.
  1. Không được rời bỏ vị trí trong khi làm nhiệm vụ, theo dõi và xử trí kịp thời các diễn biến của người bệnh.
  1. Khi người bệnh ra viện phải dặn dò chu đáo, hướng dẫn họ tiếp tục điều trị, tự chǎm sóc và giữ gìn sức khỏe.
  1. Khi người bệnh tử vong, phải thông cảm sâu sắc, chia buồn và hướng dẫn, giúp đỡ gia đình họ làm các thủ tục cần thiết.
  1. Thật thà, đoàn kết tôn trọng đồng nghiệp, kính trọng các bậc thầy, sẵn sàng truyền thụ kiến thức, học hỏi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau.
  1. Khi bản thân có thiếu sót, phải tự giác nhận trách nhiệm về mình không đổ lỗi cho đồng nghiệp, cho tuyến trước.
  1. Hăng hái tham gia công tác tuyên truyền giáo dục sức khỏe, phòng chống dịch bệnh, cứu chữa người bị nạn, ốm đau tại cộng đồng; gương mẫu thực hiện nếp sống vệ sinh, giữ gìn môi trường trong sạch.

Thực hiện lời dạy của Bác, trên mỗi bước đi lên của đất nước, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế đã tốt nhiệm vụ và thực hiện đúng với tôn chỉ mục đích nghề nghiệp, luôn đoàn kết một lòng, phấn đấu vượt lên mọi khó khăn, gian khổ trong chiến đấu cũng như trong xây dựng cuộc sống mới, giữ gìn y đức, nâng cao tay nghề, kinh nghiệm với mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Các thế hệ thầy thuốc Việt Nam như Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Tôn Thất Tùng, Đặng Văn Chung, Trần Hữu Tước, Đỗ Tất Lợi, Tôn Thất Bách, Lê Thế Trung, Đặng Thùy Trâm... đã để lại tấm gương sáng về y đức, cống hiến trọn đời cho sự nghiệp y học và y tế của nước nhà.

Sau 30 năm đổi mới, Đảng và Nhà nước đã lãnh đạo nhân dân ta giành được nhiều thành tựu kinh tế - xã hội, vị thế và vai trò của Việt Nam ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mang lại nhiều thời cơ rất tích cực cho đất nước ta trong đó ngành y có nhiều điều kiện phát triển, đội ngũ cán bộ y tế có nhiều tiến bộ và cống hiến to lớn, nhưng những thách thức và tác động tiêu cực cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong đó là những ảnh hưởng đến vấn đề giữ gìn y đức của người làm công tác y tế.

Vẫn còn đâu đó là những “con sâu bỏ rầu nồi canh”, là nhiều hình ảnh “chưa đẹp”, nhũng nhiễu, hách dịch, gây bức xúc cho bệnh nhân và cho chính những người thầy thuốc của một bộ phận cán bộ y tế, là hiện tượng “chảy máu chất xám” trong chính nghề y….Những điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng phục vụ người bệnh và sự phát phát triển bền vững của ngành Y nói chung. Trước thực tại đó, đội ngũ y bác sĩ hiện nay cần phải không ngừng nghiên cứu, học tập nâng cao trình độ chuyên môn nắm bắt, học hỏi, ứng dụng những tiến bộ của y học thế giới vào hoạt động khám, chữa bệnh; rèn luyện y đức, vững vàng bản lĩnh, đấu tranh với những cám dỗ, tiêu cực, khó khăn để giữ gìn hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc, giữ vững bản chất nghề nghiệp, bảo vệ sự trong sáng của y đức. Đó là những việc làm vừa thường xuyên, vừa cấp bách của ngành y tế trong giai đoạn hiện nay và những thời gian tiếp theo nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khám, chữa bệnh, củng cố và lấy lại niềm tin của nhân dân đối với người thầy thuốc, xứng đáng với truyền thống “Thầy thuốc như mẹ hiền”, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.

Ngày 27/2/2016 đánh dấu kỷ niệm 61 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam. Đây là dịp để mỗi chúng ta đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác y tế nhận thức sâu sắc và khắc cốt ghi tâm lời dạy ân tình, sâu sắc, thiết thực của Bác Hồ kính yêu về nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, rèn luyện và trau dồi y đức, bồi đắp lòng nhân ái, lương tâm, trách nhiệm, giữ gìn hình ảnh, phẩm chất cao đẹp của những người thầy thuốc. Trước những thuận lợi và khó khăn trong thực hành nghề nghiệp, mỗi cán bộ y tế trên từng vị trí công tác của mình cần phải rèn luyện, phấn đấu, tu dưỡng nhiều hơn nữa để trở thành một người thầy thuốc chân chính, vừa có tài vừa có đức, xứng đáng với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lương y phải như từ mẫu”./.