Bài văn tự hào là người con vùng mỏ

VOV.VN - Vượt qua bao khó khăn, người thợ mỏ Quảng Ninh luôn nỗ lực lao động sản xuất và chiến đấu, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước bằng tinh thần "Kỷ luật - Đồng tâm".

Tỉnh Quảng Ninh còn có tên gọi thân thương - Vùng Mỏ, bởi nơi đây là cái nôi của thợ mỏ Việt Nam. Vượt qua bao khó khăn, người thợ mỏ Quảng Ninh luôn nỗ lực lao động sản xuất và chiến đấu, đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước bằng tinh thần "Kỷ luật - Đồng tâm".

Bài văn tự hào là người con vùng mỏ

Thợ mỏ Quảng Ninh tiếp nối tinh thần Kỷ luật và Đồng tâm từ 87 năm qua

Trở về nhà sau ca làm việc, niềm vui của thợ lò Nguyễn Hồng Cẩm (Phân xưởng Khai thác 1, Công ty Than Thống nhất - TKV, TP Cẩm Phả) là cùng gia đình sum họp trong bữa cơm chiều. Càng vui hơn khi hôm nay, con trai cả của anh - một thợ mỏ trẻ, cũng tan ca cùng giờ. Anh Nguyễn Hồng Cẩm kể, tình yêu với màu áo xanh người thợ đã được thắp lên từ tấm gương của cha anh, thế hệ đã rời “tay cày” để “cầm choòng, vác búa” từ những năm 60 của thế kỷ trước. Và hôm nay, anh đã gắn bó với công việc khai thác ở mỏ 25 năm, còn cậu con trai cũng có 6 năm làm thợ cơ điện hầm lò.

“Khi tôi còn là thanh niên thấy bố đi làm vất vả vì công việc nghề lò còn thô sơ. Bố vất vả nhưng quyết tâm cao, nhà anh chị em đông nhưng dạy con cái đến nơi đến chốn. Lớn lên tôi noi gương bố, xác định đi theo đúng nghề của bố. Tôi rất tự hào về gia đình mình, khi sống ở vùng mỏ Cẩm Phả, giữ nghề cha truyền con nối. Chắc chắn là con cháu nhìn thấy gương mình như thế sẽ nối tiếp sau này”, anh Cẩm chia sẻ.

Những gia đình có 3 thế hệ làm mỏ như gia đình anh Nguyễn Hồng Cẩm giờ đây không còn nhiều, nhưng những gia đình 2 thế hệ, hoặc có tới 5-6 thành viên cùng công tác trong ngành than thì không đếm xuể. Nhiều người trong số họ tới từ các miền quê khác nhau, sinh cơ lập nghiệp ở vùng đất này.

Cha truyền con nối, tình đồng nghiệp đồng đội, hàng chục vạn công nhân mỏ đã tạo nên những “phố mỏ”, “làng mỏ”, những khu tập thể đông đúc với lối sinh hoạt đặc trưng. Những năm 1930, đó là sự đồng lòng đứng dưới “lá cờ đỏ bay trên núi Bài Thơ”, là cuộc Tổng bãi công vang dội ngày 12/11/1936 với khẩu hiệu “Kỷ luật và Đồng tâm, chúng ta nhất định thắng”... Giờ đây, “Kỷ luật và Đồng tâm”, chất cởi mở hào sảng đã giúp hoà trộn, giao thoa văn hóa nhiều vùng miền với văn hoá bản địa, tiếp tục bồi đắp văn hoá cộng đồng của riêng Vùng Mỏ.

Bài văn tự hào là người con vùng mỏ

Những gia đình có nhiều thế hệ và thành viên làm mỏ tạo nên giá trị văn hoá riêng có của Vùng Mỏ Quảng Ninh

9 năm gắn bó với những đường lò mỏ Mạo Khê (TX Đông Triều), thợ mỏ 31 tuổi Bùi Văn Khoa đã trở thành gương trưởng dày dạn kinh nghiệm của phân xưởng khai thác 8. Khác với nhiều năm trước, đơn vị đang khai thác bằng công nghệ bán cơ giới hoá với năng suất cao. Được truyền lửa nghề từ những người đi trước, Khoa lại trở thành tấm gương không ngừng học hỏi nâng cao tay nghề, truyền dạy kèm cặp lứa thợ trẻ đi sau, tạo nên những phong trào thi đua sôi nổi.

“Tuy không có vóc dáng, thể hình như các đồng đội nhưng tôi có cách làm riêng. Đó là luôn luôn tìm hiểu và học hỏi, để nắm bắt được các kỹ năng công nghệ, để áp dụng vào điều kiện sản xuất tình hình mới hiện nay. Từ 1-2 năm nay, tôi luôn có nhiều sáng kiến giúp đơn vị cải thiện điều kiện làm việc, làm lợi cho đơn vị”, anh Khoa cho biết.

Mỗi năm có hàng trăm thợ mỏ trở thành thợ giỏi của ngành than, hàng nghìn sáng kiến cải tiến kỹ thuật được ứng dụng, giúp hình thành nên thế hệ thợ mỏ với những nét văn hoá của thời đại mới. Trong số đó không chỉ có những gương mặt từ đồng bằng sông Hồng, Nghệ An, Hà Tĩnh mà ngày càng nhiều hơn những “cây sáng kiến” người dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc. Họ không chỉ rèn luyện trở thành người công nhân lành nghề, nâng cao thu nhập thay đổi cuộc sống mà còn tự tin làm chủ công nghệ, phấn đấu vươn xa hơn.

Tiêu biểu phải kể đến Vừ A Vàng, lò trưởng ca sản xuất đặc thù gồm toàn người dân tộc thiểu số của phân xưởng đào lò 2, Công ty Than Dương Huy – TKV (TP. Cẩm Phả). Điều khiến anh tự hào nhất là mình đã rèn luyện, phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

“Tôi rất vinh dự khi được kết nạp Đảng trong môi trường mình đang làm việc, phấn đấu. Mình cũng hiểu trách nhiệm phải động viên, định hướng cho anh em cùng là người dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa”, anh Vừ A Vàng tin tưởng.

Bài văn tự hào là người con vùng mỏ

"Người thợ mỏ - Người chiến sỹ" không chỉ dừng lại là một phong trào thi đua học và làm theo Bác, còn là nền tảng để gìn giữ và phát huy văn hoá thợ mỏ trong đời sống và lao động sản xuất

Ngày 30/3/1959, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm mỏ Đèo Nai, nói chuyện với công nhân, cán bộ công trường, Bác dặn: “Ngày nay, khu mỏ là của nhân dân nói chung và của công nhân nói riêng. Muốn làm những người chủ xứng đáng thì phải thi đua tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”.

Ngày 15/11/1968, gặp mặt và nói chuyện với đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành Than tại Phủ Chủ tịch, Bác nhấn mạnh: “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc. Toàn thể công nhân và cán bộ phải có nhiệt tình cách mạng và tinh thần yêu nước rất cao, ý chí quyết đánh, quyết thắng rất vững, phải đoàn kết nhất trí, vượt mọi khó khăn vào một mục đích chung là sản xuất thật nhiều than cho Tổ quốc”. Những lời dạy của Bác luôn là kim chỉ nam cho các thế hệ công nhân mỏ, để hăng say lao động sản xuất và tiếp nối, lan toả những giá trị tinh thần tốt đẹp.

Ông Nguyễn Đăng Hưng, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Than Đèo Nai – Vinacomin cho biết, công ty đã xây dựng được nhà truyền thống Khu di tích Bác Hồ về thăm mỏ Đèo Nai. “Đây là nơi để DN tuyên truyền giáo dục cho cán bộ công nhân các thế hệ về truyền thống của ngành than, truyền thống kỷ luật và đồng tâm của công nhân vùng mỏ, cũng như bề dày lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển, để cán bộ công nhân, đặc biệt là thế hệ trẻ sau này luôn hiểu được truyền thống quý báu đó”.

Các phong trào “Người thợ mỏ - Người chiến sĩ”, huy hiệu “Thợ mỏ vẻ vang” do ngành than trao tặng không chỉ là danh hiệu tôn vinh mỗi người thợ, mà còn khơi dậy niềm tự hào để họ tiếp tục gìn giữ và phát huy văn hoá thợ mỏ, trên mỗi khai trường, hầm lò, trong những nếp nhà. Là người Quảng Ninh, là người Vùng Mỏ, những người công nhân ngành than đang cùng nhau tiếp bước thế hệ cha ông trên mọi chặng đường.