Bài tập đọc hiểu văn 8 có đáp án violet năm 2024

III. Tên sáng kiến; lĩnh vực áp dụng; mô tả bản chất của sáng kiến; các thông tin cần được bảo mật (nếu có):

- Tên sáng kiến: “Một số biện pháp nâng cao chất lượng đọc hiểu cho học sinh qua phân môn Tập đọc”.

- Lĩnh vực áp dụng sáng kiến:

Sáng kiến được áp dụng trong ngành Giáo dục, ở các tiết trong phân môn Tập đọc từ khối lớp 2 đến khối lớp 5 trong các trường tiểu học.

- Mô tả sáng kiến:

+ Về nội dung của sáng kiến:

Đọc hiểu văn học là quá trình cảm nhận cái đẹp, cái tinh tế của tác phẩm văn học trong mỗi con người. Nhận thức vấn đề là như vậy, nhưng một số giáo viên còn dạy theo lối dập khuôn máy móc, chỉ chú trọng vào hoạt động của thầy, giảng giải quá nhiều. Vô hình chung chúng ta đã đọc hiểu hộ học sinh từ lúc nào không hay. Học sinh chỉ biết đọc hiểu theo lối chép lại cảm xúc của thầy cô mà không có sự rung động của chính mình. Các em có thể đọc rất hay, nói rất hay nhưng cái hay đó không phải từ trái tim cũng như tấm lòng của các em. Từ đó các em mất dần khả năng đọc hiểu văn học, mất đi sự tự chủ của chính mình. Như vậy các em sẽ viết văn ngày càng yếu đi, lười suy nghĩ, không có khả năng khẳng định mình. Điều đó có ảnh hưởng rất lớn đến quá trình học tập, nhận thức của trẻ cũng như trong việc hình thành và phát triển nhân cách sau này.

Chính vì vậy việc xác định lại vị trí và tìm ra biện pháp nâng cao khả năng đọc hiểu văn học cho học sinh là việc làm hết sức cần thiết và quan trọng. Điều này không chỉ giúp học sinh luyện đọc tốt và còn góp phần tạo nên kết quả học tập cao trong môn Tiếng Việt. Xuất phát từ lý do trên, tôi chọn nghiên cứu đề tài: “Một số biện pháp nâng cao chất lượng đọc hiểu cho học sinh qua phân môn Tập đọc”.

* Biện pháp thực hiện:

1. Tập cho học sinh thói quen chuẩn bị bài trước ở nhà.

Sau mỗi bài học, tôi thường nhắc các em về nhà ôn tập bài cũ và chuẩn bị bài mới ở nhà. Tất nhiên, bằng những lời nói thông thường, các em sẽ không chuẩn bị bài nhiệt tình vì vậy, tôi linh động áp dụng các cách sau trong mỗi giờ lên lớp:

Chia nhóm: Thông thường các lớp tôi dạy có khoảng 32 học sinh, tôi thường chia các em thành 3 - 4 nhóm, có phân công nhóm trưởng. Tôi yêu cầu các em về nhà đọc bài, tự nghiên cứu bài trước. Hôm sau đến lớp, nếu là các tác phẩm thơ, các em sẽ tìm một bạn có thể đọc diễn cảm nhất trong nhóm lên đọc bài trước cả lớp sau đó thành viên trong lớp tự chấm điểm, nhóm nào được điểm cao nhất sẽ được tích điểm thưởng, cuối tháng sinh hoạt lớp nhóm sẽ được nhận quà trích từ quỹ lớp. Còn với các tác phẩm là văn xuôi, mỗi nhóm sẽ chuẩn bị hai câu hỏi để hỏi nhóm còn lại, nhóm còn lại trả lời câu hỏi và tranh luận. Với cách làm này, các em có thể tự do tìm hiểu, sáng tạo và hiểu theo cách hiểu chủ động của mình.

Trò chơi hỗ trợ nhau: Cách làm này tôi vẫn cho các em học sinh của mình chia theo nhóm. Lần lượt thành viên của nhóm sẽ đứng lên nói về một thông tin ở trong bài, đội nào nói được nhiều thông tin nhất đội đó sẽ giành chiến thắng.

Hỏi và trả lời: đây là cách làm trả lời nhanh các câu hỏi. Với cách làm này, tôi sẽ sử dụng máy chiếu và trình chiếu slide. Tôi kiểm tra khả năng tự đọc của các em ở nhà bằng cách trình chiếu lên khoảng 10 - 15 câu hỏi trắc nghiệm ngắn và yêu cầu các em trả lời nhanh. Tuy nhiên, tôi thường không đưa ra đáp án ngay, tôi yêu cầu các em ghi đáp án vào giấy và đến cuối giờ, sau bài giảng của tôi, tôi yêu cầu các em làm lại bài hỏi và trả lời một lần nữa và so sánh kết quả. Thực hiện cách làm này, tôi hi vọng ngoài việc các em có thể tự mình đọc hiểu nghiên cứu tài liệu trước ở nhà các em còn có thể tự đánh giá mình.

Với một vài biện pháp nêu trên, tôi sẽ áp dụng linh động cho từng bài giảng của mình, tôi không yêu cầu các em hiểu hoàn toàn bài ở nhà, các em có thể hiểu theo những cách khác nhau không theo chuẩn nhưng đó là vấn đề bình thường, quan trọng nhất là các em sẽ tự mình nghiên cứu tài liệu, làm việc theo nhóm và có những hình dung cơ bản nhất về bài học, từ đó có thể tạo thêm niềm cảm hứng trong việc học môn Tập đọc.

2. Tổ chức quá trình đọc hiểu cho học sinh.

Đọc thầm văn bản trong lần đọc đầu ở lớp: Đây là hình thức đọc có ưu thế hơn hẳn đọc thành tiếng vì:

+ Nhanh hơn đọc thành tiếng từ 1,5 - 2 lần.

+ Dễ tiếp nhận, thông hiểu nội dung văn bản vì học sinh không chú ý đến việc phát âm mà chỉ tập trung để hiểu nội dung điều mình đọc.

Hai công việc cần làm để dạy đọc thầm cho học sinh:

+ Chuẩn bị cho việc đọc thầm: Nhắc nhở học sinh có tư thế ngồi đọc phải ngay ngắn, có khoảng cách phù hợp giữa mắt và sách.

+ Tổ chức quá trình đọc thầm: Từ đọc to - đọc nhỏ - đọc mấp máy môi

( không thành tiếng) - đọc hoàn toàn bằng mắt, không mấp máy môi (đọc thầm).

Giáo viên cần kiểm soát quá trình đọc thầm của học sinh bằng cách quy định thời gian đọc thầm cho từng đoạn, bài. Yêu cầu học sinh báo cho giáo viên biết khi đã đọc xong. Từ đó giáo viên nắm được và điều chỉnh tốc độ đọc thầm.

Hướng dẫn tìm hiểu chủ đề và nội dung chính của bài:

Để xác định đề tài của văn bản nhiều khi cần hướng dẫn học sinh dựa vào chủ điểm của bài tập đọc hoặc dựa vào tranh minh họa để đoán về đề tài. Tôi sẽ hướng dẫn học sinh thực hiện các thao tác để xác định được đề tài:

- Hướng dẫn học sinh chỉ cần lướt mắt trên dòng ghi tên bài, những dòng có tên người, tên công việc chính,chú ý những chữ in đậm, in nghiêng,...

- Phát biểu nội dung của bài: Cần cho các em phân biệt hai kiểu văn bản để sử dụng các từ ngữ phát biểu cho phù hợp:

+ Nội dung của văn bản trữ tình thường được phát biểu mở đầu bằng các từ:“ Bài này nói về tình cảm (cảm xúc, tâm trạng, lòng yêu thương,...)

+ Nội dung của các văn bản tự sự thường được phát biểu mở đầu bằng các từ:“ Bài này kể về chuyện....”, “ Kể về việc....”

Có thể khuyến khích các em trả lời bằng cách đặt câu hỏi mang tính chủ động “ theo em thì bài này nói về điều gì?” “điều gì làm em thích nhất trong bài?”...

Hướng dẫn hiểu nghĩa các từ ngữ trong bài:

Hiểu nghĩa của các từ ngữ trong bài là yêu cầu đầu tiên với người đọc. Sách Tiếng Việt 4, Tiếng Việt 5 bước đầu hướng dẫn học sinh hiểu cách cảm nhận nghĩa của các từ ngữ trong văn cảnh cụ thể như sau:

Ví dụ: Bài “Hạt gạo làng ta” sách TV 5 tập 1. Học sinh phải trả lời câu hỏi: Vì sao tác giả gọi hạt gạo là hạt vàng? Với câu hỏi này, học sinh chỉ cần dựa vào những điều tác giả muốn nói trong từng khổ thơ (Hạt gạo kết đọng bao hương vị tinh túy của đất trời và tiếng lòng con người, hạt gạo được làm nên từ bao công sức của bao con người, hạt gạo góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc trong công cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước). Từ đó các em hiểu được giá trị của hạt gạo là hạt vàng.

Ở những bài Tập đọc thuộc văn bản nghệ thuật, việc hiểu ý nghiã một số từ ngữ có giá trị nghệ thuật là yêu cầu rất quan trọng. Ở nhiều bài, nhà văn, nhà thơ đã rất tinh tế trong cách sáng tác. Vì vậy giáo viên phải có biện pháp giúp học sinh huy động vốn hiểu biết của mình để phát hiện và chiếm lĩnh kiến thức đó một cách sáng tạo.

Ví dụ: Trong bài “Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ”, (TV4/1) nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có viết:

“Lưng núi thì to mà lưng mẹ nhỏ

Em ngủ ngoan em đừng làm mẹ mỏi

Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời của mẹ em nằm trên lưng.”

Hình ảnh “mặt trời” được diễn tả trong hai câu cuối của đoạn thơ với hai ý nghĩa khác nhau.

+ Trong câu “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi”, hình ảnh “mặt trời” gợi cho ta nghĩ đến nguồn ánh sáng và những tia nắng ấm áp giúp cho cây bắp lớn lên. hạt bắp thêm chắc mẩy. Vì vậy, có thể nói là “Mặt trời của bắp thì nằm trên đồi”.

+ Trong câu “Mặt trời của mẹ, em nằm trên lưng”, hình ảnh “mặt trời” gợi cho ta liên tưởng đến em bé (người con) đang nằm trên lưng mẹ. Em bé được mẹ che chở bằng tình yêu thương. Em bé là niềm hi vọng lớn lao và đẹp đẽ của người mẹ. Vì vậy, có thể nói: em là “mặt trời của mẹ”. Trong câu thơ cuối, “mặt trời” được dùng với phép ẩn dụ (so sánh ngầm).

Những yêu cầu như bài học này sẽ để lại trong học sinh ấn tượng về nghệ thuật dùng từ độc đáo của nhà văn, từ đó biết chú ý tìm hiểu và thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ cùng như sự sáng tạo của nhà văn.

Để hiểu và phân biệt nghĩa của tất cả các tư chỉ màu vàng, để làm điểm tựa trong đoạn văn đã đưa ra một số từ chỉ “màu vàng” học sinh dựa vào nghĩa của các từ chỉ màu vàng trong bài, cần xem từ đó diễn tả sự vật nào trong bài, từ đó huy động vốn sống,vốn hiểu biết sẵn có của mình về sự vật đó để nhận biết nghĩa của từ miêu tả. Ở bài học này, mặc dù mỗi em chỉ chọn một từ để tìm hiểu nhưng nhiều em trong lớp hợp lại sẽ có nhiều từ được cảm nhận hoặc ít nhất bài học cũng để lại trong các em ấn tượng về nghệ thuật dùng từ độc đáo của nhà văn.

Trong một số tác phẩm văn học vốn hàm xúc và có nhiều tầng ý nghĩa. Việc đọc hiểu văn bản nghệ thuật thực chất là công việc khai thác hàm ý ẩn sâu trong câu, chữ, hình ảnh, hình tượng của tác phẩm. Đối với học sinh Tiểu học, yêu cầu này là tương đối khó đối với các em. Tuy nhiên một bài Tập đọc, trong ngữ cảnh thuận lợi sách giáo khoa vẫn đưa ra những câu hỏi yêu cầu tìm hàm ý của câu văn, câu thơ.

Ví dụ: Trong bài “Tre Việt Nam” của nhà thơ Nguyễn Duy (TV4/1) có đoạn:

“Bão bùng thân bọc lấy thân

Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm.

Thương nhau tre chẳng ở riêng

Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người.”

Trong đoạn thơ này, tác giả sử dụng cách nói nhân hoá để nói về những phẩm chất tốt đẹp của tre: sự đùm bọc, đoàn kết. Nhân hoá ở đây nghĩa là gán cho tre những đặc tính của người: những thân tre bao bọc, che chở cho nhau; tay tre ôm níu nhau quấn quýt; họ hàng nhà tre sống quây quần, ấm cúng bên nhau…

Cách nói nhân hoá làm cho cảnh vật trở nên sinh động. Những cây tre như những sinh thể mang hồn người. Cách nói này giúp tác giả thể hiện được hai tầng nghĩa: vừa nói được những phẩm chất tốt đẹp của cây tre Việt Nam, vừa nói được những phẩm chất tốt đẹp, những truyền thống cao đẹp của con người Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Nhưng cũng có trường hợp đặc biệt ngược lại cho biết ý nghĩa yêu cầu người đọc tìm từ ngữ biểu đạt.

Ví dụ: Tác giả dùng những từ ngữ nào để nói về nơi dòng sông chảy ra biển? Cách giới thiệu đó có gì hay? (Cửa sông, trang 74, tập 2)

Để nói về nơi cửa sông chảy ra biển tác giả dùng những từ ngữ:

Là cửa nhưng không có khóa

Cũng không khép lại bao giờ

Cách nói rất đặc biệt cửa sông cũng là một cái cửa nhưng khác cái cửa bình thường - không có then, có khóa. Bằng cách đó tác giả làm cho người đọc hiểu thế nào là cửa sông.

Như vậy việc hướng dẫn học sinh khai thác hàm ý của lời nói một cách hợp lí đảm bảo tính vừa sức của sách Tiếng Việt 4, Tiếng việt 5 và giúp học sinh làm quen với kĩ năng đọc hiểu, khám phá những tầng nghĩa sâu xa của tác phẩm văn học làm tiền đề cho học sinh học tiếp lên các lớp học trên.

Tóm lại: Rèn cho học sinh kĩ năng tìm hiểu từ ngữ để giúp các em có khái niệm ban đầu về đặc điểm của ngôn ngữ nghệ thuật. Từ đó, khi đọc văn, các em biết chú ý tìm hiểu và thưởng thức vẻ đẹp của ngôn từ trông văn bản cũng như thấy được sức sáng tạo vô tận của nhà văn.

3. Giúp học sinh cảm nhận hình ảnh, tái hiện hình ảnh.

Một trong những đặc điểm của văn bản nghệ thuật là giàu hình ảnh. Sách Tiếng Việt 4. Tiếng Việt 5 dạy cho các em biết cảm nhận hình ảnh trong các tác phẩm văn học, cảm nhận được những hình ảnh gợi ra từ ngôn từ nghệ thuật. Các câu hỏi đưa ra cho học sinh thường đã hàm chứa gợi ý để các em có thể tự cảm nhận được các hình ảnh trong bài học.

Ví dụ: Trong bài “ Bè xuôi sông La”, TV4/2 nhà thơ Vũ Duy Thông có viết:

“ Sông La ơi sông La

Trong veo như ánh mắt

Bờ tre xanh im mát

Mươn mướt đôi hàng mi”

Hãy cho biết: Đoạn thơ miêu tả những nét đẹp gì của dòng sông La? Qua đoạn thơ, em thấy dược tình cảm của tác giả với dòng sông quê hương như thế nào?

Giáo viên hướng dẫn để học sinh thấy: Nước sông La “Trong veo như ánh mắt”: ý nói nước sông rất trong như ánh mắt trong trẻo và chứa chan tình cảm của con người. Bờ tre xanh mát bên sông “Mươn mướt đôi hàng mi”: ý nói bờ tre rất đẹp, đẹp như hàng mi “mươn mướt” (bóng láng và mỡ màng, nhìn thấy thích mắt) trên đôi mắt của con người. Qua đoạn thơ ta thấy được tình cảm yêu thương tha thiết và gắn bó sâu nặng của tác giả đối với dòng sông quê hương.

Với các câu hỏi dạng như trên, qua nhiều bài Tập đọc, học sinh dần dần tự nhận biết được những hình ảnh gợi ra trong đoạn văn, đoạn thơ. Từ đó trí tưởng tượng của các em sẽ được phát huy, khả năng hiểu hình tượng văn học dần hình thành và phát triển.

Để hướng dẫn học sinh cảm nhận được những hình ảnh nghệ thuật, TV4, TV5 đã đưa ra nhiều câu hỏi khác nhau tạo hứng thú, tìm tòi và khám phá của học sinh.

Ví dụ:

+Trong bài “Sắc màu em yêu” Tiếng Việt 5 tập 1. Câu hỏi 2 của bài có hỏi: Mỗi sắc màu gợi ra hình ảnh nào? Với yêu cầu này giáo viên hướng dẫn học sinh qua các hình ảnh:

  • Màu đỏ tượng trưng cho màu máu, màu cờ Tổ quốc.
  • Màu xanh tương trưng cho màu của đồng bằng, rừng núi, biển, bầu trời
  • Màu vàng tương trưng cho màu của lúa chín, hoa cúc mùa thu, nắng.
  • Màu trắng tương trưng cho màu của trang giấy, đóa hoa hồng bạch
  • Màu đen tương trưng cho màu của than, đôi mắt em bé, đêm
  • Màu tím tương trưng cho màu của hoa cà, hoa sim, chiếc khăn, nét mực
  • Màu nâu tương trưng cho áo mẹ, đất đai, gỗ rừng

Thực tế trong quá trình dạy học, giáo viên cần linh hoạt, sáng tạo trong việc hướng dẫn học sinh tìm hiểu, cảm nhận các hình ảnh trong bài văn, bài thơ, trong các tác phẩm mà các em được học. Một số bài tập yêu cầu học sinh tái hiện hình ảnh, cảnh vật mà các em hình dung và cảm nhận được. Với yêu cầu này học sinh trở thành người “ Đồng sáng tạo”. Các em chỉ có thể thực hiện tốt yêu cầu này khi khi hiểu được hình ảnh nghệ thuật. Các em phải miêu tả lại bằng lời của chính mình. Lời miêu tả của các em có bóng dáng của hình ảnh, cảnh vật được .

Ví dụ: Trong bài “ Mẹ ốm” của nhà thơ Trần Đăng Khoa - TV 4/1

Em hiểu những câu thơ sau muốn nói điều gì?

Lá trần khô giữa cơi trầu

Truyện Kiều gấp lại trên đầu bấy nay

Cánh màn khép mỏng cả ngày

Ruộng vườn vắng mẹ cuốc cày sớm hôm.

Với câu hỏi này có thể học sinh không trả lời được ngay. Tôi sẽ gợi ý : “Em hãy hình dung khi mẹ không bị ốm thì lá trầu, Truyện Kiều, ruộng vườn sẽ như thế nào?” (lá trầu tươi để mẹ ăn trầu, Truyện Kiều sẽ mở để mẹ đọc, mẹ sẽ ra ruộng vườn đề làm việc,…) từ đó học sinh sẽ có tìm được nội dung của đoạn thơ.

Những câu thơ trên gợi lên hình ảnh không bình thường của lá trầu, Truyện Kiều, ruộng vườn, cánh màn khi mẹ ốm. Lá trầu xanh mọi khi giờ để khô vì mẹ ốm không ăn được. Lúc khỏe mẹ hay đọc Truyện Kiều nhưng nay những trang sách đã gấp lại, rồi việc đồng áng cũng chẳng có người chăm nom. Cánh màn khép lỏng cả ngày làm cho mọi vật thêm buồn hơn khi mẹ ốm.

Với những câu hỏi nêu trên, học sinh đã được luyện tập bằng cách cảm nhận những hình ảnh rmang tính nghệ thuật về cuộc sống. Qua đó trí tưởng tượng của các em được phát huy, khả năng cảm thụ văn học dần được hình thành và phát triển. Để kiểm soát và đánh giá mức độ nhận biết và cảm thụ hình ảnh nghệ thuật trong bài văn bài thơ, học sinh còn phải tái hiện lại hình ảnh cảnh vật mà các em hình dung và cảm nhận được miêu tả trong bài học

Ví dụ: Trong bài “Về ngôi nhà đang xây” - Tiếng Việt 5 tập 2, học sinh nêu được các chi tiết hình ảnh một ngôi nhà đang xây là:

- Giàn giáo tưa cái lồng che chở

Trụ bê tông nhú lên như một mầm cây

- Bác thơ nể ra về còn huơ huơ cái bay

- Ngôi nhà tựa vào nền trời sẫm biếc

Thở ra mùi vôi vữa nồng hăng

- Là bức tranh còn nguyên màu vôi gạch

Tái hiện lại hình ảnh, cảnh vật mà các em hình dung và cảm nhận được khi đọc bài là cách thức kiểm tra, đánh giá năng lực đọc hiểu của học sinh, đánh giá khả năng diễn đạt của học sinh đồng thời cũng là một cách để rèn cho học sinh kĩ năng sắp xếp dàn ý cho bài văn. Qua đó, trí tưởng tượng của các em đươc phát huy, khả năng cảm thụ hình tượng văn học dần dần phát triển.

4. Giúp học sinh nhận xét về nhân vật, về chi tiết nhân vật, biện pháp nghệ thuật.

Nhận xét về nhân vật.

Việc luyện cho học sinh biết nhận xét nhân vật, chi tiết, biện pháp nghệ thuật… là rất cần thiết bởi nó phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học trong quá trình đọc hiểu và học tập. Thông qua đó học sinh biết bộc lộ cảm xúc, cách nghĩ của mình trước những vấn đề của cuộc sống. Trong nhiều bài tập đọc: học sinh được khuyến khích phát biểu nhận xét riêng của mình về nhân vật (cử chỉ, lời nói, hành động, phẩm chất…), về các biện pháp nghệ thuật làm nên cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

Việc luyện cho học sinh biết nhận xét về nhân vật, chi tiết, biện pháp nghệ thuật trong bài văn bài thơ, màn kịch là rất cần thiết bởi nó phát huy được tính tích cực chủ động, sáng tạo của học sinh trong việc đọc - hiểu tác phẩm văn học nói riêng và học tập nói chung. Thông qua đó, học sinh biết lộ tình cảm, cảm nghĩ của minh trước những vấn đề cuộc sống. Bởi thế sách Tiếng Việt 4, Tiếng Việt 5 đã chú trọng phát huy tính độc lập, sáng tạo của học sinh trong việc đọc hiểu văn bản nghệ thuật. Trong các tiết tập đọc các em được phát biểu, nhận xét các ý kiến của riêng mình về nhân vật (cử chỉ, hành động, lời nói, tình cảm, phẩm chất), về chi tiết, biện pháp nghệ thuật góp phần làm nên cái hay cái đẹp cho tác phẩm.

Nhận biết về tư tưởng, tình cảm của tác giả.

Mỗi tác phẩm văn học là một thông điệp của nhà văn gửi tới bạn đọc. Người đọc cần phải cảm nhận được thông điệp đó mới thực sự thấu hiểu tác phẩm. Sách Tiếng Việt 4, Tiếng Việt 5 đã chú ý tới việc luyện cho hoc sinh biết chia sẻ cảm xúc, tâm tình với tác giả và ý thức tìm hiểu khám phá những điều tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Nhiều câu hỏi của bài Tập đọc yêu cầu học sinh bộc lộ cảm nhận của mình về tâm trạng, cảm xúc, thái độ, nỗi lòng của nhà văn, nhà thơ.

Hiểu ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

Sự tồn tại cuả mỗi tác phẩm trong cuộc đời bao giờ cũng mang một ý nghĩa riêng, giá trị riêng. Yêu cầu học sinh tìm hiểu được ý nghĩa, giá trị của tác phẩm được học là muốn từng bước rèn cho các em khả năng khái quát hoá văn bản học tập, đây là một thao tác tư duy rất cần thiết với mỗi người trong quá trình học tập và trong cuộc sống. Với học sinh lớp 2, 3 chương trình sách giáo khoa đưa ra những câu hỏi phù hợp với lứa tuổi và trình độ nhận thức của trẻ, chỉ yêu cầu học sinh trả lời ở mức đơn giản, phù hợp với nội dung bài học.

Mỗi tác phẩm văn học là một thông điệp của các nhà văn gửi tới người đọc. Người đọc phải cảm nhận được thông điệp đó mới thực sự thấu hiểu được tác phẩm.

Đối với những câu hỏi trên giáo viên định hướng cho học sinh khi đọc một văn bản nghệ thuật, cần phải biết đồng cảm với tác giả. Để trả lời những câu hỏi về tình cảm, thái độ của tác giả gửi trong tác phẩm của mình. Có những trường hợp giáo viên phải hướng dẫn học sinh dựa vào một số từ ngữ, hình ảnh, chi tiết nghệ thuật trong bài để hiểu điều tác giả muốn nói. Song cũng có trường hợp giáo viên phải hướng dẫn học sinh tự cảm nhận được suy nghĩ cảm xúc cuả tác giả toát lên từ toàn bộ tác phẩm.

Với những câu hỏi tìm hiểu như trên, sách giáo khoa TV4 - TV5 đã rèn cho học sinh óc khái quát hóa - một thao tác tư duy quan trọng, để chuẩn bị cho học sinh một kiến thức vững vàng, tự tin để học tiếp lên các lớp trên. Những câu hỏi tìm hiểu về cái hay cái đẹp của bài văn, bài thơ. Nó trở thành điểm nhấn của giờ tập đọc. Qua hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài nêu trên, học sinh được tập dượt kĩ năng đọc hiểu văn bản nghệ thuật một cách bài bản. Nhiều bài đọc có giá trị thẩm mĩ cao sẽ theo các em suốt tuổi học đường, góp phần hình thành cho các em hứng thú học tập, lòng say mê tìm hiểu thế giới xung quanh qua các tác phẩm văn học.

5. Hướng dẫn học sinh luyện đọc thành tiếng trong giờ Tập đọc.

(Học sinh tiếp xúc trực tiếp với tác phẩm)

Đối với văn bản nghệ thuật: Giáo viên cần hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm thông qua việc dẫn dắt, gợi mở học sinh thể hiện tình cảm, thái độ qua giọng đọc phù hợp với hình ảnh, cảm xúc trong bài trong bài văn, đoạn kịch hay bài thơ. Đọc diễn cảm còn phụ thuộc vào sự cảm nhận riêng của từng cá nhân học sinh. Chính vì vậy giáo viên cần khuyến khích học sinh đọc sáng tạo, không nên áp đặt một cách đọc khuôn mẫu. Giáo viên tổ chức luyện đọc thành tiếng qua nhiều hình thức: Đọc cá nhân (đọc riêng lẻ, đọc nối tiếp từng câu, đoạn,…); đọc đồng thanh khi cần thiết trong trường hợp cần khắc sâu ấn tượng về nhịp điệu đọc của đoạn văn, bài thơ; giúp học sinh dễ dàng ghi nhớ đoạn văn, bài thơ cần đọc thuộc.

Thay đổi hoạt động trong giờ học, tạo không khí hào hứng cho lớp học. Tổ chức cho học sinh đọc phân vai (phối hợp nhiều học sinh đọc và mỗi học sinh diễn tả được một trạng thái tâm lí của một nhân vật…).

6. Khuyến khích đọc diễn cảm có sáng tạo.

Ở lớp 4 - 5 học sinh thực hành đọc diễn cảm nhiều hơn ở các lớp 2, 3. Kĩ năng đọc diễn cảm các văn bản nghệ thuật được luyện tập sau khi học sinh đã đạt được yêu cầu tối thiểu về trình độ đọc (đọc đúng, rõ ràng, rành mạch). Sau khi học sinh tìm hiểu bài và nắm được nội dung, ý nghĩa của bài, tôi mới hướng dẫn đọc diễn cảm và diễn cảm có sáng tạo. Trước hết học sinh tìm giọng đọc, giọng điệu, ngữ điệu phù hợp với tình huống, thể hiện tình cảm, thái độ của tác giả đối với nhận vật... và nội dung miêu tả trong văn bản. Hướng dẫn học sinh luyện tập để từng bước đạt yêu cầu theo các mức độ từ thấp đến cao như sau:

- Biết nhấn giọng ở các từ ngữ quan trọng (từ ngữ gợi tả, gợi cảm, từ làm nổi bật ý chính,...)

- Biết thể hiện ngữ điệu (sự thay đổi về tốc độ, cao độ, trường độ, cường độ,.) phù hợp với từng loại câu: câu kể, câu hỏi, câu cầu khiến, câu cảm.

- Biết đọc phân biệt lời kể của tác giả với lời nhân vật.

- Biết đọc phân biệt lời nhân vật phù hợp với lứa tuổi, tính cách (già, trẻ, người tốt, người xấu,...)

- Biết sử dụng ngữ điệu phù hợp với tình huống miêu tả trong văn bản hay thái độ cảm xúc của tác giả (vui, buồn, giận dữ,....)

Tôi thường hướng dẫn học sinh luyện đọc qua các biện pháp: đọc mẫu - phát hiện cách đọc - thực hành luyện đọc - thi đua đọc diễn cảm (tránh phân tích quá sâu và chi tiết về cách đọc). Sau khi học sinh hiểu bài đọc, gợi ý để học sinh phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế và có cách đọc phù hợp.

Ví dụ: Bài “Khuất phục tên cướp biển” - TV4/2

...Chủ tàu trừng mắt /nhìn bác sĩ quát://

- Có câm mồm không ?//

Cơn tức giận của tên cướp biển thật dữ dội.// Hắn đứng phắt dậy,/ rút soạt dao ra,/ lăm lăm chực đâm.// Bác sĩ Ly vẫn dõng dạc /và quả quyết: //

- Nếu anh không cất dao, tôi quyết làm cho anh bị treo cổ/ trong phiên tòa sắp tới.//

Đoạn văn vừa rồi đọc với giọng như thế nào? Các em cần nhấn giọng ở những từ ngữ nào? Lời nói nhân vật cần đọc với giọng ra sao?...

Giọng đoạn đầu hống hách, sau đó bực tức, hằn học, đoạn sau dứt khoát, rõ ràng, dõng dạc. Giọng tên chúa tàu hống hách, kiêu căng, giọng của bác sĩ điềm đạm nhưng kiên nghị. Câu nói của bác sĩ cần đọc rõ ràng, quả quyết đầy sức thuyết phục. Cần chú ý và nhấn giọng ở các động từ có trong đoạn văn: đứng phắt dậy, rút soạt dao ra, chực đâm, dõng dạc, quả quyết, cất dao, bị treo cổ.... Đây là những từ ngữ bộc lộ hai tính cách khác biệt, hoàn toàn đối nghịch nhau và điều đó đã làm lên sự chiến thắng của bác sĩ Ly và sự thất bại của tên chúa tàu.

  1. Tổng kết nội dung bài và bài tập luyện tập nhanh tại lớp cho học sinh.

Theo quan điểm của tôi, phần này rất quan trọng trong cả bài học, nó là phần móc nối, tổng kết lại kiến thức, ý chính trong toàn bộ bài học. Sau mỗi giờ học, giáo viên nên để lại 5 - 10 phút để tổng kết nội dung bài học theo các nội dung sau: nội dung chính của tác phẩm, một số từ cần nhớ nghĩa, một số lỗi sai hay gặp trong quá trình đọc bài.

Thông thường giáo viên giảng dạy hay bỏ qua bước này vì có thể do thiểu thời gian, giáo viên cho làm các hoạt động khác....Để thực hiện biện pháp này, giáo viên có thể yêu cầu học sinh đứng lên nói về những gì các em học được trong bài. Cách làm này không những rèn luyện cho các em khả năng tổng hợp bài, tóm tắt lại bài mà còn rèn luyện khả năng nói cho học sinh trước đám đông.

8. Bồi dưỡng vốn sống và trang bị kiến thức về văn học cho học sinh.

Đọc hiểu tác phẩm văn học phụ thuộc rất nhiều vào vốn sống của học sinh nên muốn bồi dưỡng năng lực trước tiên phải bồi dưỡng vốn sống cho các em. Khi có vốn sống các em mới có khả năng liên tưởng để tiếp nhận tác phẩm.

Trước hết là vốn trực tiếp của các em thông qua cuộc sống hàng ngày. Giáo viên cần tổ chức quá trình quan sát, tham quan thực tế để qua đó học sinh sẽ viết những gì mà học sinh thấy. Khi học sinh tham quan, giáo viên đóng vai trò dẫn dắt, gợi mở, tạo nguồn cảm hứng, khơi dậy suy nghĩ cho học sinh. Sau quan sát, làm quen với đối tượng các em cần ghi lại những gì mình tham quan, quan sát được.

Bên cạnh việc tổ chức quan sát, tham quan chúng ta cần tổ chức các buổi ngoại khoá về Tiếng Việt, văn học như: Nghe nói chuyện về các nhà thơ, nhà văn, câu lạc bộ sáng tác thơ văn, viết truyện ngắn, thi kể về các anh hùng liệt sĩ; tổ chức ngâm thơ, đọc thơ, thi đọc diễn cảm, thi sưu tầm văn học, thi đóng trò chơi trong phân môn Tiếng Việt…. Từ đó vốn sống của trẻ cũng được bồi dưỡng một cách gián tiếp.

Qua sách vở vốn sống của trẻ cũng được nâng lên vì các kinh nghiệm của đời sống, những thành tựu khoa học, văn học, kinh tế cũng như tâm tư tình cảm của các thế hệ đi trước hay hiện thực phần lớn đều được phản ánh trên các trang sách. Đọc nhiều sẽ tăng khả năng tiếp nhận lên nhiều, từ đây các em tìm hiểu và đánh giá được cuộc sống, thực hiện mối quan hệ tự nhiên và xã hội. Học sinh biết giao tiếp với thế giới bên ngoài và mọi người xung quanh. Đặc biệt khi đọc tác phẩm văn học các em không chỉ được thức tỉnh về mặt nhận thức mà còn rung động tình cảm, nảy nở những ước mơ tốt đẹp, khơi dậy năng lực hành động, sức mạnh sáng tạo cũng được nâng lên, bồi dưỡng tâm hồn cho trẻ. Vì vậy, người giáo viên cần xây dựng cho học sinh hứng thú và thói quen đọc sách.

9. Vận dụng linh hoạt các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học trong giờ Tập đọc nhằm phát huy tính tích cực của học sinh.

Vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học trong giờ Tập đọc:

Căn cứ vào các mục đích trên, tôi đã cải tiến để tìm ra phương pháp dạy học để đạt hiệu quả cao như: Soạn sẵn các câu hỏi tìm hiểu bài đưa ra cho phù hợp, lựa chọn cách giảng những từ ngữ, hình ảnh giúp học sinh đọc hiểu nội dung bài một cách dễ hiểu nhất mà phù hợp với khả năng học tập, nhận thức của lớp mình.

Ví dụ: Bài “ Người ăn xin” TV4/1.

Nếu không cho học sinh hiểu nghĩa từ “ lọm khọm” nghĩa là mô tả dáng vẻ già yếu, lưng còng chậm chạm thì học sinh không thấy hết được hình ảnh ồn lão ăn xin đáng thương.

Chúng ta biết đặc trưng của ngôn ngữ nghệ thuật là giàu hình ảnh, có sức biểu cảm và đa nghĩa. Vì vậy giáo viên cần giúp học sinh phát hiện ra những từ ngữ có tính nghệ thuật và đánh giá cảu chúng trong việc biểu đạt nội dung. Đó là các từ giàu tính biểu cảm như các từ láy, từ mang nghĩa bóng, đa nghĩa hay chuyển nghĩa...

Sử dụng có hiệu quả các đồ dùng trực quan trong giảng dạy.

Trực quan là các yếu tố có khả năng tác động đến tất cả các giác quan của học sinh trong giờ học. Trực quan trong một giờ học có rất nhiều. Chúng ta nói đến trực quan không có nghĩa chỉ là tranh ảnh, vật mẫu mà trực quan bao gồm:

- Tài liệu học tập (văn bản, câu hỏi, hình thức trình bày bài trong sách giáo khoa) đây là trực quan đầu tiên có tác dụng không nhỏ đối với học sinh.

- Tranh ảnh, vật mẫu có liên quan đến nội dung bài…

- Thiết kế bài giảng điện tử sử dụng máy chiếu cũng là một trực quan giảng dạy đạt hiệu quả cao nhưng cần sử dụng một cách hợp lí, thiết kế phông nền, cỡ chữ sao cho phù hợp, nội dung cô đọng và nhất là giáo viên cần khai thác chúng một cách hài hòa, phù hợp với tiến trình bài giảng. Tránh làm dụng bài giảng điện tử để cho học sinh xem tranh, xem phim ảnh,…

Bản thân người thầy là một trực quan sinh động trong giờ học, nó được thể hiện qua giọng đọc, cách thể hiện bài giảng (trực quan âm thanh), cách dẫn dắt vào bài, cử chỉ điệu bộ, thái độ tình cảm khi giảng bài …cách vào bài, chuyển ý hấp dẫn sẽ lôi kéo người học đến với các tác phẩm văn chương. Ta không nói đây là trực quan song tác dụng mà nó đem lại lớn hơn rất nhiều trực quan hình ảnh mà ta hay có.

Trực quan có rất nhiều nhưng chúng ta cần sử dụng trực quan như thế nào đem lại hiệu quả tối ưu nhất, đó là vấn đề mà các nhà giáo chúng ta cần lưu tâm. Việc sử dụng đồ dùng trực quan hình ảnh (như tranh ảnh, vật mẫu...) cần đúng lúc, đúng chỗ, để làm nổi bật những gì giáo viên cần tác động đến học sinh. Trong giờ học không phải bài nào cũng có trực quan hình ảnh. Với bài Tập đọc có trực quan, ta có thể sử dụng tranh ảnh, vật mẫu để giới thiệu bài gây hứng thú, kích thích tập trung của học sinh hay dùng để giảng từ khó,…Đối với những bài không có tranh ảnh, vật mẫu thì trực quan ở đây là người thầy đó là: mẫu mực trong cách ăn mặc, cư xử công bằng, tôn trọng đối với học sinh, giọng đọc cần thay đổi cho phù hợp với bài học và lôi cuốn học sinh. Giọng nói đều đều rất gây ức chế, chán nản cho người học. Người giáo viên cũng cần có sự thay đổi mình để học sinh không nhàm chán khi hàng ngày tiếp xúc với thầy cô.

Ví dụ: Đưa vật thật: Đôi giày ba ta để giải nghĩa từ “ba ta”; trong bài “ Đôi giày ba ta màu xanh” - TV4/1.

Vận dụng linh hoạt các hình thức dạy học để kích thích hứng thú học tập trong giờ học.

Tổ chức làm việc theo cặp, theo nhóm: nhằm tích cực hoá hoạt động học tập của học sinh, tạo cơ hội cho từng cá nhân được luyện tập. Thực tế ở lớp tôi, tôi đã hình thành cho học sinh nhóm ngay từ khi vào đầu năm học. Mỗi bàn là một nhóm nhỏ, mỗi tổ là một nhóm lớn, khi đưa ra bài tập hoặc yêu cầu để học sinh thực hiện, các em đã có thói quen thực hiện theo nhóm của mình như các phương pháp tôi đã nêu ở trên.

Tổ chức trò chơi học tập:

+ Nội dung trò chơi gắn liền với với bài học, phục vụ cho yêu cầu về kiến thức, kĩ năng của bài.

+ Hình thức tổ chức trò chơi: gọn nhẹ, cách tiến hành đơn giản để tất cả học sinh đều có khả năng tham gia, luật chơi rõ ràng, chặt chẽ để đảm bảo tính công bằng.

+ Chuẩn bị đủ phương tiện, điều kiện trước khi tổ chức trò chơi.

+ Tuỳ thuộc vào thời gian, nội dung bài học mà giáo viên tổ chức trò chơi sao cho phù hợp. Có thể là thi đọc nối tiếp theo tổ (nhóm), thi đọc “truyền điện”, thi đọc truyện, kịch theo vai, “ thả thơ”….

Ví dụ 1: Bài “ Một mái nhà chung” – TV3/2.

Tổ chức cho học sinh thi học thuộc lòng khổ thơ mình yêu thích bằng trò chơi “ Thả thơ - truyền điện”:

- Lớp chia làm 4 đội chơi theo 4 đơn vị tổ hàng ngày. Mỗi đội chơi cử ra 2 - 3 bạn tham gia vào trò chơi.

- Cách chơi: Giáo viên cử 1 bạn làm người thả thơ và truyền điện. Bạn đó bắt đầu đọc: “Mái nhà của chim” và đọc tên đội đọc tiếp đoạn thơ. Khi đội khởi đầu đọc thuộc lòng khổ thơ mình thuộc có quyền chỉ định đội khác và khổ thơ mà đội đó sẽ phải đọc. Nếu đội được chỉ định mà không đọc thuộc thì chuyển cho người khác đọc nhưng số điểm sẽ bị trừ đi một nửa. Cứ như vậy hết lượt 4 đội chơi. Nếu có thời gian sẽ tổ chức 2 hoặc 3 vòng. Giáo viên có thể làm trọng tài cho trò chơi và phải là người hoạt náo, tích cực nhất. Kết thúc trò chơi, giáo viên tổng kết bình chọn đội thắng cuộc và tuyên dương. Với những đội còn lại, giáo viên cũng động viên học sinh để khích lệ tinh thần học tập cho cả lớp.

+ Về khả năng áp dụng của sáng kiến:

Sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng đọc hiểu cho học sinh qua phân môn Tập đọc” đã được áp dụng hiệu quả cho các em học sinh từ khối 2 đến khối 5 ở trường tôi. Tôi cũng hi vọng với phương pháp của mình cũng có thể được mở rộng với việc đọc hiểu môn Ngữ văn cho các em học sinh ở khối Trung học cơ sở. Bản thân tôi cũng đánh giá phương pháp đưa ra khá đơn giản, không cần tốn quá nhiều chi phí đầu tư, việc thực hiện tiến hành chủ yếu qua sự chủ động của giáo viên và học sinh nhưng tin tưởng đạt được hiệu quả cao nên có thể áp dụng ở các trường tiểu học trên địa bàn trong toàn huyện và mở rộng hơn trên toàn tỉnh.

- Đánh giá lợi ích thu được hoặc dự kiến có thể thu được do áp dụng giải pháp trong đơn theo ý kiến của tác giả với các nội dung sau:

Sau một thời gian vận dụng các biện pháp trên vào công tác giảng dạy, bằng sự nỗ lực từ phía giáo viên và học sinh, kĩ năng đọc hiểu một bài tập đọc đối với học sinh trở nên có hiệu quả hơn. Các em không chỉ đơn thuần là đọc cho xong mà còn biết suy nghĩ trong quá trình đọc, hiểu được từng câu, từng đoạn rồi đến hiểu ý chung của bài. Đó là điều rất cần thiết trong đọc tập đọc ở tiểu học các em đều đọc tự tin hơn, rõ ràng hơn và quan trọng hơn hết là các em đọc - hiểu được văn bản. Điều này đã giúp các em rất nhiều trong quá trình lĩnh hội kiến thức và thực hành các kiến thức ấy trong các bài kiểm tra giữa kì và cuối mỗi học kì.

- Giải pháp có khả năng mang lại lợi ích thiết thực:

+ Giải pháp đã mang lại lợi ích kinh tế rất lớn:

- Không tốn chi phí cho việc thuê giáo viên phụ đạo cho học sinh nên tiết kiệm được một khoản chi phí khá lớn cho phụ huynh.

- Giảm chi phí mua sắm tài liệu, sách tham khảo cho học sinh và phụ huynh.

- Bố mẹ và những người lớn yên tâm công tác, lao động sản xuất hiệu quả kinh tế cũng tăng lên.

+ Giải pháp đã mang lại xã hội vô cùng quan trọng:

- Tạo môi trường học tập thân thiện, thúc đẩy sự tiến bộ của học sinh; học sinh có nhiều cơ hội được đọc, hiểu đầy đủ nội dung, hiểu được cái hay cái đẹp một tác phẩm văn học qua đó các em sẽ thêm yêu con người và quê hương đất nước.

- Giáo viên có nhiều thời gian trên lớp để dạy kiến thức nâng cao hơn cho các em.

- Những thông tin cần được bảo mật: Không có.

IV. Các điều kiện cần thiết để áp dụng sáng kiến:

1. Với giáo viên.

- Xác định mục tiêu giờ dạy.

Việc xác định rõ được mục tiêu giờ dạy sẽ giúp cho người giáo viên định hướng được việc dạy của mình đó là: Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Dạy cho ai? Đích cuối cùng của việc dạy đọc hiểu văn học trong giờ Tập đọc là cảm nhận được tình cảm của tác giả và tình cảm của bản thân thông qua tác phẩm. Vì vậy để nâng cao hiệu quả giờ dạy, giáo viên cần xác định được mục đích đọc hiểu của bài, từ đó xây dựng nội dung bài dạy cũng như hệ thống câu hỏi phù hợp để giải quyết mục đích ấy.

- Xây dựng hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài kết hợp với luyện đọc.

Việc tìm hiểu nội dung bài học qua tác phẩm văn chương đều phải đạt đến cấp độ cảm nhận được những điều tác giả muốn bộc lộ. Đó có thể là tâm sự về cuộc sống, về con người hay một quan niện sống trong xã hội... Nhờ hiểu nội dung bài đọc mà học sinh sẽ đọc tốt hơn và có thể đọc diễn cảm bài đọc. Để đạt được mục tiêu đọc diễn cảm chúng ta cũng cần bám chắc vào từ ngữ, chi tiết, hình ảnh trong văn bản học sinh mới hiểu được bài.

Hệ thống câu hỏi phải gắn gọn, cô đọng, hàm súc, câu hỏi gợi mở và có tác dụng định hướng cho học sinh đọc hiểu, hiểu được ý nghĩa của văn bản. Câu hỏi đưa ra không chỉ giới hạn trong kiến thức bài đọc mà cần phải có những câu hỏi phát triển, kích thích sự tìm tòi cái mới. Hệ thống câu hỏi trong sách giáo khoa nếu chưa phù hợp thì giáo viên có thể nghiên cứu điều chỉnh, thay đổi sao cho đạt hiệu quả cao trong việc tìm hiểu bài và đọc hiểu tác phẩm. Điều đó phụ thuộc vào tâm huyết của người giáo viên.

Giáo viên có thể linh hoạt trong việc sử dụng câu hỏi tìm hiểu bài. Có thể cho học sinh tìm hiểu trước ở nhà, có câu hỏi có thể lồng ghép vào trong quá trình giảng từ khó, có những câu hỏi sử dụng sau khi học xong bài để kiểm tra khả năng đọc hiểu của học sinh. Các câu hỏi phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí và khả năng nhận thức của trẻ. Tránh các câu hỏi quá khó, các câu hỏi buộc học sinh phải trả lời có hay không hoặc các câu hỏi có sức liên tưởng quá lớn, trừu tượng quá...

Tóm lại: Giáo viên cần chọn câu hỏi thích hợp, cụ thể hoá, bám sát nội dung, chủ đề của bài. Đảm bảo thời gian quy định và định hướng trả lời đúng trọng tâm bài học. Hệ thống câu hỏi luôn được tiến hành song song với khâu đọc văn bản. Đọc hiểu tốt để đọc tốt bài và ngược lại đọc tốt bài sẽ đọc hiểu tốt văn bản.

- Tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngoại khoá nhằm hỗ trợ việc học phân môn Tập đọc.

+ Tổ chức cho học sinh đọc truyện, xem tư liệu,…

Đọc là một nhu cầu không thể thiếu đối với con người. Qua sách vở vốn sống của trẻ cũng được nâng lên vì các kinh nghiệm của đời sống, những thành tựu khoa học, văn học, kinh tế cũng như tâm tư tình cảm của các thế hệ đi trước hay hiện thực phần lớn đều được phản ánh trên các trang sách. Đọc nhiều sẽ tăng khả năng tiếp nhận lên nhiều, từ đây các em tìm hiểu và đánh giá được cuộc sống, thực hiện mối quan hệ tự nhiên và xã hội. Đối với học sinh đa số ham đọc sách và nhất là truyện. Chính vì vậy mà tạo điều kiện cho các em đọc truyện vừa thoả mãn được nhu cầu đọc của các em, vừa giúp các em có thêm kiến thức, hiểu biết phục vụ cho các bài học .

Ngay từ đầu năm học, tôi đã xây dựng tủ sách của lớp, tổ chức cho các em đọc vào các buổi đầu giờ (2 buổi/tuần). Số sách có được có thể là từ nhà các em mang đến hoặc tôi mượn trên thư viện trường, hoặc là số sách mà tôi sưu tầm được. Ngoài ra còn có thể cho các em mượn mang về nhà đọc, sau cuối mỗi tuần đem đến để cho bạn khác mượn.

Trong các giờ đọc truyện ở thư viện, tôi đến cùng học sinh, hướng các em tìm các tác phẩm văn học nổi tiếng để đọc. Tôi thường giới thiệu qua nội dung câu chuyện để gây hứng thú cho học sinh đọc.

Tôi thường xuyên tư vấn với cán bộ thư viện về các đầu sách có liên quan để cán bộ Thư viện có thể tham mưu với Ban giám hiệu nhà trường đặt mua các đầu truyện, các đầu báo hay cho học sinh đến thư viện đọc hoặc mượn.

+ Tham gia các hoạt động ngoại khóa.

Các hoạt động ngoại khóa như: nghe nói chuyện về các nhà thơ, nhà văn, về các anh hùng liệt sĩ; tổ chức ngâm thơ, đọc thơ, thi đọc diễn cảm, thi kể chuyện, sưu tầm văn học, thi đóng trò chơi trong phân môn Tiếng Việt trong lớp học…Từ đó vốn sống của trẻ cũng được bồi dưỡng một cách gián tiếp. Tôi cũng đề xuất lên Đoàn trường tổ chức các cuộc thi sáng tác thơ văn, truyện ngắn, kể chuyện.... trong các sự kiện của nhà trường từ đó khuyến khích các em tham gia nhiều hơn.

Đây là một trong những biện pháp không sử dụng trực tiếp trong các giờ học nhưng chúng mang lại một hiệu quả rất lớn góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học phân môn Tập đọc cho học sinh.

2. Với nhà trường.

Nhà trường thường xuyên tổ chức các câu lạc bộ bình thơ, kể chuyện. Tổ chức các buổi tọa đàm, kể về các nhận vật lịch sử để phục vụ các bài tập đọc mang tính lịch sử. Ngoài ra, nhà trường cũng nên tổ chức các buổi tham quan các địa danh, các buổi dã ngoại để các em trực tiếp được trải nghiệm với thực tế làm phong phú vốn từ cho học sinh. Cùng với đó, nhà trường nên tạo mọi điều kiện như mua đầy đủ các thiết bị dạy học để giáo viên phát huy mọi khả năng của mình góp phần vào tiết dạy sinh động, hấp dẫn.

3. Với phụ huynh học sinh.

Theo cá nhân tôi đánh giá, với sự phát triển của khoa học công nghệ và nhịp sống gấp gáp ngày nay, bố mẹ các em nên dành nhiều thời gian hơn để chia sẻ quan tâm đến các con của mình trong quá trình học tập. Phát biểu ý kiến này là sở dĩ tôi nhận thấy rằng, trong môn Tập đọc nói riêng, tôi có nhắc nhở với các em về nhà các em luyện đọc, chỗ nào trên lớp chưa hiểu, các em có thể hỏi ông bà bố mẹ. Các em khá hào hứng, một số em đã thành thạo hơn, hiểu được bài ngay ở nhà nhờ được người thân giúp đỡ, có em còn tự tin xung phong kể thêm những nội dung mình biết trong lớp học. Ngược lại, cũng có em chia sẻ là bố mẹ em không có thời gian nên em không hiểu... Hơn nữa, nếu bố mẹ quan tâm tới các con của mình hơn, có thể đưa các con đến các hiệu sách, mua cho con những cuốn truyện, tập thơ đang học ở trên lớp. Bố mẹ có thể hỏi con về bài ngày hôm nay học trên lớp và yêu cầu con kể lại cho cả nhà nghe. Biện pháp này lại một lần nữa gián tiếp giúp các em hiểu bài, phát huy khả năng sử dụng ngôn ngữ và sự tự tin của bản thân. Kiểm chứng điều này là tôi đã kết hợp với 5 phụ huynh học sinh trong lớp mình để thực hiện phương pháp này. Các phụ huynh này đều theo sát quá trình học của con mình, tất nhiên theo sát không phải là suốt ngày bên con, xem con làm gì và học gì. Việc theo sát chỉ rất đơn giản là buổi tối, phụ huynh hỏi con “Con chuẩn bị bài tập đọc chưa? Con mang sách ra đọc cho cả nhà nghe bài con sẽ học nào?” Sau khi đọc xong phụ huynh có thể hỏi “Con thấy bài đọc thế nào?”, ngày hôm sau, sau buổi học trên lớp, về nhà phụ huynh có thể hỏi con “Hôm nay bài học trên lớp của con thế nào? Con kể lại những gì con học trên lớp cho cả nhà nghe? Nội dung nào con thấy thích nhất”. Tôi đánh giá những câu hỏi trên thường để kích thích sự chủ động suy nghĩ của các em học sinh, vì thế vai trò của phụ huynh học sinh là đòn bẩy để thực hiện các phương pháp mà tôi nêu ra.

  1. Về khả năng áp dụng của sáng kiến:

Sáng kiến “Một số biện pháp nâng cao chất lượng đọc hiểu cho học sinh qua phân môn Tập đọc” đã được áp dụng hiệu quả cho các em học sinh từ khối 2 đến khối 5 ở trường tôi. Tôi cũng hi vọng với phương pháp của mình cũng có thể được mở rộng với việc đọc hiểu môn Ngữ văn cho các em học sinh ở khối Trung học cơ sở. Bản thân tôi cũng đánh giá phương pháp đưa ra khá đơn giản, không cần tốn quá nhiều chi phí đầu tư, việc thực hiện tiến hành chủ yếu qua sự chủ động của giáo viên và học sinh nhưng tin tưởng đạt được hiệu quả cao nên có thể áp dụng ở các trường tiểu học trên địa bàn trong toàn huyện và mở rộng hơn trên toàn tỉnh.

Tôi làm đơn nay trân trọng đề nghị Hội đồng sáng kiến xem xét và công nhận sáng kiến. Tôi xin cam đoan mọi thông tin nêu trong đơn là trung thực, đúng sự thật, không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác và hoàn toàn chịu trách nhiệm về thông tin đã nêu trong đơn.