Xu hướng giá USD cuối năm

(TBTCO) - Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) liên tục có các động thái tăng lãi suất, tạo hiệu ứng tăng giá của đồng USD so với các đồng tiền khác và theo đó, đồng tiền nội tệ của Việt Nam không khỏi nằm ngoài vòng xoáy ảnh hưởng chung. Tuy nhiên, theo đánh giá của TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính), đồng tiền Việt Nam có thể sẽ vẫn giữ được mặt bằng giá ổn định so với USD trong phần còn lại của năm 2022.

PV: Các động thái tăng lãi suất của Fed thời gian qua gây hiệu ứng làm tăng giá đồng USD so với các đồng tiền khác? Điều này có gây áp lực với tỷ giá đồng Việt Nam so với USD không thưa ông?

Xu hướng giá USD cuối năm
TS. Nguyễn Đức Độ

TS. Nguyễn Đức Độ: Thực ra, USD đã bắt đầu tăng giá trên thị trường quốc tế từ đầu năm 2021, khi nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19. Nhưng trong suốt năm 2021, tỷ giá đồng Việt Nam so với USD vẫn ổn định ở mức dưới 23.000 VND/USD. Chỉ khi Fed bắt đầu tăng lãi suất vào đầu năm 2022 và chỉ số USD Index vượt mức đỉnh 103 điểm đạt được hồi đầu năm 2020, áp lực lên đồng Việt Nam mới bắt đầu gia tăng. Nguyên nhân có thể là do việc đồng USD tăng giá quá mạnh đã dẫn đến thị trường kỳ vọng rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh tỷ giá VND/USD ở một mức độ nào đó để hỗ trợ xuất khẩu.

PV: Diễn biến thực tế, tỷ giá VND/USD đã tăng khoảng 2% trong 6 tháng đầu năm và tiếp tục có tín hiệu tăng thêm trong tháng 7/2022. Mức độ tăng tỷ giá như trên là hợp lý hay chưa, trong bối cảnh kinh tế Việt Nam và thế giới hiện nay, thưa ông?

TS. Nguyễn Đức Độ: Nếu xét thuần túy về khía cạnh giá trị so với các đồng tiền khác trong khu vực, thì việc tỷ giá VND/USD tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2022 không phải là nhiều. Trong giai đoạn từ đầu năm 2022 đến nay, các đồng tiền trong khu vực đã giảm giá khoảng 5 - 10% so với đồng USD. Chẳng hạn như đồng Nhân dân tệ (CNY) Trung Quốc đã giảm giá khoảng 6%, đồng Bath Thái Lan cũng có mức giảm giá khoảng 8%, còn mức giảm giá của đồng Peso Philippine so với đồng USD trong khoảng thời gian này đã lên đến 10%.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tiền đồng mất giá ít hơn so với các đồng tiền khác trong khu vực trong 6 tháng đầu năm 2022 là do trước đó các đồng tiền này đã có một giai đoạn tăng giá mạnh, khi USD giảm giá. Trong khi đó, Việt Nam duy trì chính sách tỷ giá ổn định trong cả giai đoạn USD giảm giá. Bởi vậy, khi USD tăng giá, Việt Nam không cần điều chỉnh tỷ giá với biên độ lớn như các nước.

Xu hướng giá USD cuối năm
Nguồn: Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính). Đồ họa: Văn Chung

Hơn nữa, khi cân đối tác động của tỷ giá đến các chỉ số kinh tế vĩ mô khác, có thể thấy rằng mức độ giảm giá khoảng 2% của tiền đồng so với USD trong 6 tháng đầu năm 2022 là hợp lý. Thực tế tại Việt Nam những năm gần đây cho thấy, chính sách tỷ giá ổn định, xét tổng thể, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Một mặt, sự ổn định của tỷ giá giúp cho việc thu hút và giải ngân vốn đầu tư FDI diễn ra thuận lợi. Đây là nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế tại Việt Nam. Mặt khác, sự ổn định của tỷ giá giúp kiềm chế nhập khẩu lạm phát, nhất là trong bối cảnh giá hàng hóa cơ bản, đặc biệt là giá dầu, trên thế giới tăng mạnh như thời gian qua.

Bên cạnh đó, trong bối cảnh Việt Nam từng bị Bộ Tài chính Mỹ đưa vào danh sách các nước thao túng tiền tệ, sự ổn định tỷ giá sẽ giúp Việt Nam tránh được việc Mỹ áp thuế quan lên hàng hóa xuất khẩu. Kinh nghiệm của Trung Quốc cho thấy, một khi các hàng hóa xuất khẩu đã bị áp thuế quan ở mức trên 20%, thì sự giảm giá của đồng nội tệ sẽ không thể đủ để bù đắp được các thiệt hại mà thuế quan gây ra.

Ngoài ra, hiện nay quy mô xuất khẩu của Việt Nam đã ở mức cao, trên 100% GDP. Bởi vậy, khi các nguồn lực có thể xuất khẩu đã sử dụng hết, nếu Việt Nam muốn tăng xuất khẩu, sẽ phải tăng nhập khẩu nguyên vật liệu, tức là chỉ có thể làm gia công. Trong điều kiện như vậy việc điều chỉnh tỷ giá sẽ không mang lại nhiều giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Cung cầu ngoại tệ hiện vẫn giữ ở mức cân đối

"Xét trên khía cạnh cung cầu ngoại tệ, có thể thấy rằng Việt Nam không bị mất cân đối, thậm chí cán cân nghiêng về phía cung nhiều hơn. Trong những năm gần đây Việt Nam luôn xuất siêu hàng hóa, tuy nhập siêu về dịch vụ. Giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vẫn ổn định ở mức 10 - 15 tỷ USD/năm. Nguồn kiều hối vẫn dồi dào, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh. Đây là những yếu tố giúp cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam luôn thặng dư. Đó là chưa kể tình trạng đô la hóa nền kinh tế giảm mạnh. Những yếu tố nói trên, về cơ bản, tạo áp lực khiến tiền đồng tăng giá chứ không phải giảm giá. Vì vậy, để hóa giải áp lực, Ngân hàng Nhà nước đã luôn mua ròng ngoại tệ trong giai đoạn trước 2022, từ đó nâng dự trữ ngoại hối lên mức trên 100 tỷ USD". - TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính)

PV: Ông có thể cho biết đâu là những yếu tố chính có thể tiếp tục ảnh hưởng tỷ giá trong giai đoạn cuối năm 2022, việc ảnh hưởng cụ thể dự báo sẽ như thế nào? Với những ảnh hưởng đó, dự báo tỷ giá cuối năm 2022 sẽ ra sao?

TS. Nguyễn Đức Độ: Trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2022 mức lạm phát của nền kinh tế Mỹ là chỉ số cần đặc biệt chú ý, bởi nó chi phối chính sách lãi suất của Fed cũng như xu hướng tăng giá của USD trên thị trường tiền tệ quốc tế. Khi lạm phát đạt đỉnh, Fed sẽ chịu ít áp lực tăng lãi suất hơn và đà tăng của đồng USD có thể sẽ dừng lại. Lúc đó, áp lực lên tỷ giá VND/USD cũng sẽ giảm bớt.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, cho dù đồng USD có tiếp tục tăng giá trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, thì tỷ giá VND/USD sẽ vẫn ổn định. Lý do chính là Ngân hàng Nhà nước đã đạt được sự đồng thuận với Bộ Tài chính Mỹ về chính sách tỷ giá. Mặc dù chúng ta không biết cụ thể về thỏa thuận nói trên, nhưng việc Ngân hàng Nhà nước liên tục bán USD để can thiệp trên thị trường ngoại hối thời gian qua cho thấy cơ quan này sẽ không để tiền đồng mất giá quá 2% so với USD trong năm nay. Nói cách khác, mức tỷ giá VND/USD hiện nay sẽ được Ngân hàng Nhà nước duy trì cho đến cuối năm 2022.

PV: Xin cảm ơn ông!

Đồng USD mạnh, song các quốc gia châu Á vẫn kiểm soát được tình hình

Chính sách tiền tệ “mạnh tay” của FED không chỉ có tác động lớn đến kinh tế Mỹ mà còn kéo các ngân hàng trung ương toàn cầu vào xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, gây ảnh hưởng đáng kể cho tốc độ phục hồi của nền kinh tế toàn cầu.

Ngay sau khi FED tăng lãi suất, một loạt ngân hàng trung ương các nước châu Á đã có điều chỉnh lãi suất ngay lập tức, với hầu hết các ngân hàng trung ương đều tăng lãi suất từ 0,5 đến 1 điểm phần trăm. Việc FED tăng lãi suất khiến một loạt đồng tiền trên thế giới bị mất giá so với đồng USD.

Giới chuyên gia cho rằng có hai yếu tố chính thúc đẩy sự tăng giá của đồng USD hiện nay. Thứ nhất là FED thắt chặt chính sách tiền tệ (kể từ tháng 3/2022) và sẽ kéo dài ít nhất đến hết năm 2022 nhằm kiềm chế lạm phát. Thứ hai là hiệu ứng “trú ẩn an toàn” của USD trong giai đoạn bất ổn địa chính trị.

Một số chuyên gia so sánh tình trạng kinh tế hiện tại với cú sốc dầu mỏ (trong những năm 1970) khi thế giới phải hứng chịu lạm phát và suy thoái kinh tế cùng một lúc. Các nước có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nguy hiểm hơn với chuỗi giá trị toàn cầu đan xen chặt chẽ hơn, có thể dẫn đến một “cơn bão hoàn hảo” chưa từng có trong lịch sử.

Theo đánh giá của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế thế giới sẽ không bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm và lạm phát kéo dài, do các điều kiện kinh tế hiện nay đã có nhiều thay đổi đáng kể so với những năm trước đây.

Các nền kinh tế của châu Á cũng được dự báo sẽ có khả năng chống chọi tốt với đà tăng của USD, bởi tăng trưởng của các quốc gia này sẽ được lợi từ việc mở cửa trở lại nền kinh tế khi những biện pháp hạn chế phòng, chống dịch Covid-19 được dỡ bỏ hoàn toàn. Mặc dù tác động từ việc đồng USD trở lên mạnh hơn là rất lớn, song các quốc gia châu Á vẫn có thể kiểm soát được tình hình, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.