Xóm 11 ba vàng quang trung kiến xương thái bình

Xã Vũ Đông, thành phố Thái Bình, là địa danh cổ có tên “bãi Cát Vàng” đã phát hiện nhiều mộ gạch có niên đại cận sát Công nguyên.

Căn cứ vào các di chỉ khảo cổ học trên địa bàn các huyện Thái Thụy, Quỳnh Phụ, Hưng Hà… cho thấy thời hậu Hùng Vương tỉnh ta đã hình thành đất đai cương vực khá rõ ràng, trong đó vùng đất Thụy Anh (nay là huyện Thái Thụy) nổi lên bên bờ biển xanh với những bờ bãi bồi đắp bởi phù sa của các con sông. Thời hậu Hùng Vương chưa có đê điều ngăn nước lũ và nước mặn từ biển xâm nhập vào vì thế thời điểm này chưa có khái niệm “nội đồng điền, ngoại đồng điền”. Quan sát kỹ trên địa hình đương đại ta thấy vùng biển huyện Thái Thụy có đặc điểm đất đai chia thành hai vàm cao, thấp rất rõ ràng.

Theo tư liệu điền dã, sát bờ biển hiện tại của huyện Thái Thụy là dải “cồn hẹp”, chiều ngang rộng nhất đo được tại Thụy Trường chừng 4km, còn chiều dài liên tục trên 20km từ đỉnh gồ Gai thuộc xã Thụy Trường qua các xã Thụy Xuân, Thụy Hải, thị trấn Diêm Điền tới tận nút cuối Mai Diêm (Thụy Hà). Tại Thụy Trường có tới 5 đỉnh đạt cao độ +2m. Tại Mai Diêm cũng có dải triền dài 2km, cao trên dưới 2m. Cồn Động Khẩu thuộc làng An Cố (xã Thụy An) là một cù lao cát sát vòng cung cát ven biển đạt độ cao trung bình từ 1,2 - 1,4m (theo các bậc cao niên truyền ngôn, nơi đây từ thời tiền cổ đã có gò cát cao tới 20m).

Từ hướng biển dịch chuyển vào trong những cánh đồng, phía giáp sông Hóa kết quả đo “bình diện” đều đạt độ cao + 0,8m (cao hơn “rẻo” thấp vùng Thái Ninh 0,3m, cao hơn lòng chảo xã Quang Bình, huyện Kiến Xương 0,5m, hơn các xã vùng Bắc huyện Tiền Hải (như xã An Ninh, huyện Tiền Hải và thị trấn Thanh Nê, huyện Kiến Xương) 0,4m. Phía Tây huyện Thái Thụy vùng “tứ tổng” của huyện Đông Quan cũ (nay gồm các xã Thụy Ninh, Thụy Hưng, Thụy Chính, Thụy Dân, Thụy Phong) có địa hình cao hơn cả các xã thuộc thành phố Thái Bình, đạt cao độ từ 1,05 - 1,5m. Phần cận biển nổi 8 gò cát (bát đụn trang) rải rác ở các xã Thụy Hồng, Thụy Dũng và một phần xã Hồng Quỳnh. Trên các triền cao lại có nhiều gò cao như Tư Cương (Thụy Ninh), Tiến Cương (Thụy Hưng), Man Sơn (Thụy Phong), Nhạo Sơn, Tử Đô (Thụy Sơn) đều có đỉnh +2m. Xét về độ cao thì vùng đất Đông Quan cũ - nơi tiếp xúc với kẻ Cô (Quỳnh Phụ) có khả năng được hình thành sớm, song chỉ có đền Hộn (Thụy Thanh) thờ chàng Hai Long Vương nằm trong hệ thống phúc thần đời Hùng Vương, chính vùng cửa biển lưu lại hiện vật, phong tục và nhiều truyền thuyết cổ khác.

Theo tài liệu của đoàn kiểm kê di tích (Bảo tàng tỉnh) bước 2 năm 1974 thì bãi bể Thụy Xuân, Thụy Trường xưa cao hơn, rộng hơn nhiều. Đường bờ biển xa ngoài khơi hiện nay trên 3km, biến tiến, dân đã dạt vào cồn hiện tại. Các chùa Vạn Xuân, đền Tứ Xã đều lui vào từ 2 - 3km. Trong khi biển xói bờ cát, nhiều lần lộ ra những vạt rừng cây lớn đã đổ gẫy từ thời cổ trôi ra biển.

Theo các tài liệu khảo luận, cách ngày nay 2.000 năm, vùng đất Thái Thụy ngày nay vốn là rừng ven biển (làng Quang Lang “cây Báng”, xã Thụy Hải). Bằng chứng trong khi khơi cống Chỉ Bồ, nhân dân Thụy Trường đào được nhiều cây gỗ khoát thước hoặc ở tư thế chết đứng hoặc ở tư thế ngã nhào, nằm ở độ sâu 3m. Trong khi làm thủy lợi, quanh khu vực cồn Động Khẩu, Đồng Đước... nhân dân xã Thụy An cũng tìm thấy những rừng gỗ tương tự chôn sâu dưới lòng đất.

Theo các nguồn sử liệu có lẽ từ thời trung kỳ Hùng Vương đã có quan hệ giao lưu giữa dân chài Bình Lạng (Thụy Xuân, Thái Thụy) và một nhóm cư dân Bình Lạng đã lên bờ cấy lúa vì thế ở Đào Động ngày nay cũng có xóm Lãng, thôn Đồng Bình (sau năm 1954 gọi là Đồng Bằng). Đức Thánh cửa Đại Bàng Trần Đông, Trần Điển “dưỡng phụ” của vua cha Bát Hải đều có gốc gác vùng này. Một đặc điểm rất dễ nhận diện đó là “Người ở thuyền” lênh đênh mặt nước, đâu lắm cá tìm đến, nơi sóng yên neo thuyền nên khó truyền đời 5 - 7 thế hệ ở một bờ biển, sự chuyển dời lẻ tẻ, hội nhập tùy cơ nên có đặc điểm là “làng chạ”, ngoài làng Bùi Đình, làng Đặng trụ trên dải Hoành Sơn (Thụy Văn) còn mờ mờ bóng ảnh thị tộc, còn như “Tam Tri tứ miếu” (4 nhóm cư dân có riêng phúc thần), “Chi chỉ lục đình”, (6 nhóm cư dân đều có nguồn gốc khác nhau) nhưng đều có điểm chung là dù lên bờ “làm ruộng” hay “ở thuyền” họ đều “ăn sóng, nói gió” và một đặc điểm “ngại” ăn cá đồng mà thích ăn cá biển.

Một trung tâm quan trọng thứ hai của đất đai cương vực tỉnh ta là vùng Bố Hải Khẩu, tuy xuất hiện sau vùng Tiên Bố (Quỳnh Côi), Cửa Luộc, Cửa Nỗ (Hưng Hà), Cửa Vàng (Vũ Thư)... song lại có vai trò chủ đạo ở vùng hạ lưu thời hậu kỳ Hùng Vương. Nếu lấy thành phố Thái Bình làm trung tâm trong vòng bán kính 6 - 7km, địa hình vùng Bố “Bồ hoặc Bá” phía Tây Nam khá phức tạp. Vòng cồn cát dài rộng khởi nguồn từ đống Du (xã Vũ Đông, huyện Kiến Xương) chạy xuống ngã tư Lạc Đạo xuôi xuống Vũ Chính, Vũ Phúc đến thôn An Lộc cồn bị ngắt đoạn gần 1km, rồi lại nối tiếp cồn cát rộng chiếm toàn bộ làng Kiến Xá và một phần Ngô Xá, thành vòng cung giữ đất cho vùng Kỳ Bá (nay là phường Kỳ Bá và Trần Lãm, thành phố Thái Bình). Men theo cống Trần (Trần Lãm - Kỳ Bá) là dòng sông cổ hẹp nay là kênh 3 - 2 từ Bắc Cự Lộng, Nam trại Trần chạy thẳng xuống cống Ngô Xá và dòng phụ rẽ xuống thôn Thái, xã Nguyên Xá. Xa thêm 4km phía Đông Nam là dải đất cao vượt lên từ Bình Trật (xã An Bình), ngắt quãng 2km là cồn Nam Vũ Tây và Đông Vũ Sơn, đến địa đầu Vũ Lễ chia làm hai nhánh thành dải cồn Vũ Lạc và dải cồn Vũ Quý, Vũ Trung (xưa đều thuộc xã Động Trung). Đỉnh cồn ở Lạc Đạo đã bị bào mòn trải 2.500 năm nay vẫn còn cao 2,9m, Vũ Phúc cao 2m, gò Cồn kẻ Cọi (xã Vũ Hội, huyện Vũ Thư) cao 1,8m. Mặt bằng cả vùng rộng lớn từ Tân Hòa, Tân Phong, Song An, Hòa Bình, Tam Quang (Vũ Thư), Tân Bình, Trần Lãm, Vũ Phúc, Vũ Chính (thành phố Thái Bình) đều đạt cốt +1,2m. Cũng theo tài liệu khảo cứu, vào khoảng trung kỳ thời đại Hùng Vương cách ngày nay 2.500 năm, vùng cửa Kỳ Bố cũng có nhiều rừng cây rậm rạp, đến nay còn lưu địa danh chùa Ngàn (chùa trong rừng) thuộc phường Trần Lãm, thành phố Thái Bình, rừng Báng (xã Tân Bình), làng Văn Lâm (xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư). Khảo sát các gò đống từ Tân Hòa xuống tới Vũ Hội (Vũ Thư) ta gặp nhiều rẻo cao như miễu Tường An, gò Đại Bi, miễu Đại Đồng (Tân Hòa), gò Chành, núi Mễ (Mễ Sơn - Tân Phong), đống Cả, đống Nhị (Trần Lãm); đống Lễ, đống Tông (Vũ Chính)... xã Phú Xuân (thành phố) có cả khu gò Mả dài rộng mỗi chiều 200m nằm sát cạnh đường 223. Khu mộ cổ Phú Xuân có rất nhiều sành gốm có niên đại Đường Cồ muộn sát công nguyên, tại xã Tân Hòa trong khi đào đất gần miễu Đại Đồng, nhân dân đã tìm được lưỡi rìu đá. Từ thành phố lùi xuống phía Nam 5km tại đống Du, xã Vũ Đông (thành phố) và Bảo tàng Thái Bình đã phát hiện nhiều mộ gạch có niên đại cận sát Công nguyên. Tại làng Động Trung, xã Vũ Trung, huyện Kiến Xương, gia đình họ Mã trong khi di dời mộ tổ thấy tấm minh tinh đề 4 chữ: “Mã Viện chi thiếp” thế kỷ I.

Các di chỉ ven thành phố Thái Bình phát lộ các di vật sớm nhất vào thế kỷ III trước Công nguyên, tương ứng những kỷ cuối triều Hùng Vương, phổ biến vào thời quốc gia Âu Lạc - An Dương Vương. Nếu có điều kiện khảo sát sẽ chứng minh được địa danh lịch sử và dã sử sâu đậm về thời đại Hùng Vương và Thục An Dương Vương trên địa bàn tỉnh ta.