Vikin.org là gì

Vikin.org là gì

Jason Ho/ ncls group

Ngày nay, những người Viking nổi tiếng hơn bao giờ hết. Với các chương trình TV như “Vikings” hay “The Last Kingdom: The Ancient Norsemen” đã đem đến cho thế hệ sau này nhiều cái nhìn mới. Tất nhiên là có rất nhiều tư liệu được lồng vào các chương trình, là nơi mà khảo cổ học và lịch sử học hợp tác cùng nhau. Nhưng những người Viking này là ai? Họ là nhà thám hiểm, nông dân, con buôn, hay là những kẻ man dại? À, họ là tất cả những thứ kể trên bởi vì dân Viking là một dân tộc rất có tổ chức, giàu truyền thống văn hóa, được tạo nên từ đức tin, truyền thống, đội ngũ chiến binh và tham vọng về kinh tế. Nhưng hãy nhớ rằng đó là một nhóm người đa dạng sống trong một thế giới phức tạp.

THỜI ĐẠI VIKING BẮT ĐẦU KHI NÀO?

Khởi đầu thời đại Viking, được nhiều người cho rằng bắt đầu vào khoảng năm 800 Công Nguyên. Judith Jesch, giáo sư nghiên cứu Viking của Đại học Nottingham, giải thích rằng: “víkingr là những người đi khai phá, đôi khi bằng đường bộ, đôi khi bằng đường biển, và đôi khi đi cùng các nhóm khác. Víkingr không bao hàm bất kỳ sắc dân nào và nó là một thuật ngữ trung tính, có thể dùng cho nhóm này hoặc nhóm khác. Hoạt động của các víkingr không có gì khác biệt mấy, có thể là đột kích gây chiến, nhưng không hẳn chỉ dựa vào điều đó.”

Nhưng quan điểm được chấp thuận nhiều nhất là: thời đại Viking bắt đầu kể từ khi người Bắc Âu tiến hành xâm lược vào các khu vực khác, mà theo nhiều học giả, là vào năm 793 Công Nguyên, khi chinh phục Tu viện Lindisfarne ở Anh quốc. Nhưng có ý kiến khác cho rằng, nếu chỉ xem người Viking như những nhà thám hiểm vùng đất mới, thì thời đại Viking bắt đầu vào năm 725, khi người Na Uy, mang trên mình sứ mệnh hòa bình, xuôi dòng đến Ribe, Đan Mạch.

Và thời đại đó cũng chấm dứt chánh thức vào năm 1066, khi Vua của Na Uy, Harald Hardrada, tử trận trên chiến trường Stamford Bridge – cuộc xâm lược cuối cùng của các chiến binh Viking vào trung tâm Châu Âu.

CÁC VỊ VƯƠNG NỔI TIẾNG

Tên người thời Viking thường được gọi kèm chung với một biệt danh, chẳng hạn như Sigurd Phì Lũ hay Thorfill Người chẻ sọ. Đôi khi tính cách hay đặc điểm cá nhân còn được đưa vào tên, như Lover, Good, Short, Wise hay Long. Nhiều người Viking còn nổi tiếng trong các câu chuyện thần thoại hay trên các chương trình TV – mặc dù trên thực tế cuộc đời của họ kém lãng mạn và có phần tàn bạo hơn.

Harald “Blatand (Bluetooth)” Gormsson (Harald Răng Xanh) từng là Vua của Đan Mạch và Na Uy vào thế kỷ 10. Ông có công thống nhất Đan Mạch. Mặc dù đa số những người theo ông đều là dân ngoại đạo, nhưng Harald vẫn cố gắng truyền bá Cơ Đốc giáo vào vương quốc của ông. Theo nhiều học giả, ông có biệt danh “Răng Xanh” bởi vì ông có một cái răng sâu màu xanh hay thâm đen. Ngày nay, biệt danh này được đặt cho một công nghệ kết nối không dây tiêu chuẩn. Những nhà sáng tạo cho rằng kỹ năng tập hợp mọi người lại với nhau để cùng đàm phán trong hòa bình của Harald Bluetooth thì thích hợp với một công nghệ viễn thông hiện đại.

Ragnar Lothbrok (Lodbrok) là tên của một chiến binh Viking quen thuộc với mọi người nhất ngày nay. Ông được cho là đã càn quét khắp nước Anh và Pháp đồng thời thành lập đội quân The Great Heathen Army (còn được gọi là Great Danish Army hay The Great Viking Army). Tuy nhiên, cũng như Vua Arthur huyền thoại, hình ảnh của Ragnar được tái hiện bởi sự hợp nhất một số các nhân vật lịch sử với một chút tính cách trong thần thoại. Ông là một thủ lãnh trong chiến trận, là Vua của Đan Mạch và Thụy Điển và là người Scandinavia đầu tiên xâm lược đảo Anh. Đã có nhiều truyền thuyết về ông, đặc biệt là “Truyền thuyết về Ragnar Lothbrok và Gesta Danorum” (Gesta Danorum là tác phẩm của sử gia Đan Mạch thế kỷ 12 Saxo Grammaticus). Tác phẩm “Biên niên sử Anglo – Saxon” cũng viết về Ragnar như là nhà chinh phục người Viking hùng mạnh và nổi bật nhất kể từ năm 840 Công Nguyên. Cái tên Ragnar và biệt danh Lothbrok đều có nhiều biến thể khác nhau. “Lothbrok” có thể hiểu là “quần có lông” hay “quần xù xì” vì ông thường cho may những cái quần như vậy để mặc khi chiến đấu với rồng hay rắn khổng lồ và ngăn chúng cắn được ông.

Truyền thuyết kể rằng Bjorn Ironside cai trị Thụy Điển như là vị vua đầu tiên của Nhà Munsö, triều đại hoàng gia sớm nhất Thụy Điển. Ông sống trong suốt thế kỷ 9 và là con của Ragnar Lothbrok. “Truyền thuyết về Ragnar Lothbrok và Các con trai” kể lại rằng Bjorn và các anh em trai của mình kế tục ý chí của cha mà tiếp tục gây kinh hoàng lên các vùng đất của Anh, Pháp, Normandy, Lombardy. Ông và các anh em của mình là những thủ lãnh của quân đoàn Great Heathen, là một liên minh các chiến binh Viking từ Đan Mạch và các vùng Scandinavia, thường xuyên tiến hành các chiến dịch quân sự chống lại các vương quốc Anglo – Saxon trong suốt nửa sau thế kỷ 9.

NỀN KINH TẾ VÀ GIAO THƯƠNG

Người ta cho rằng lịch sử người Viking gắn liền với các cuộc tranh luận xem họ là những chiến binh hay các lái buôn. Nhưng sự phân chia này đã được chấm dứt, phần lớn trong các cuộc tranh luận mang tính học thuật. Nhiều bằng chứng về việc giao thương của người Viking được đưa ra vào cuối thập niên 70 và 80.

Chúng ta có thể cho rằng, các hành trình trên biển của dân Scandinavia không chỉ nhằm khai phá các vùng đất ở Iceland và Greenland bằng chiến tranh, mà còn bằng đường giao thương kinh tế. Tích trữ, giám tuyển, khoe khoang, và phân phối của cải là trung tâm của nền kinh tế xã hội thời Viking. Các thủ lãnh thì vận những bộ trang phục được chuẩn bị kỹ lưỡng, với các loại trang sức bắt mắt và cơ thể chải chuốt.

Các đồ trang trí Bắc Âu còn có mục đích khác là thường được dùng trong các giao dịch tiền tệ, nên người Viking thích sử dụng kim loại quý hiếm để chế tác. Sừng hưu nai cũng rất quan trọng vì chúng được sử dụng để tạo ra lược, kim, và các vật dụng khác.

Nếu như có một món đồ quá cồng kềnh so với đối tượng giao dịch, thì món đồ đó sẽ được chia thành các phần nhỏ hơn phù hợp với giao dịchđó. Cách mà người Viking sử dụng đồ trang sức của họ cũng giống như cách chúng ta sử dụng ví thời hiện đại.

VŨ KHÍ VÀ CHINH PHẠT

Các nhà khảo cổ đưa ra ý kiến cho rằng những biến đổi khí hậu trong thời điểm đó đã thúc đẩy nông nghiệp, gây ra sự gia tăng dân số mạnh mẽ, điều này đã làm cho người Viking phải lên đường tìm kiếm những vùng đất mới. Những người còn lại duy trì chế độ thủ lãnh ở quê nhà, tài trợ cho những cuộc truy tìm kho báu để cố gắng làm phong phú thêm sự giàu có, duy trì sự thống trị và quyền lực. Ngày nay vẫn còn tranh cãi về số lượng phụ nữ Viking có tham gia vào các cuộc chinh phạt. Người Viking đã tiến hành các cuộc đột kích và thiết lập nên các thuộc địa khắp châu Âu và xuôi về phía đông đến Nga. Vào giữa thế kỷ 11, đế chế của người Bắc Âu mở rộng sang Anh, Iceland, Greenland và Canada, và họ cũng tiến hành đánh chiếm các cảng ở Ý và Tây Ban Nha cũng như là ở Constantinople.

Ít nhất là từ năm 795 đến năm 836 Công Nguyên, đã có vô số cuộc đột kích với chiến lược “đánh chiếm và rút lui” của cả người Bắc Âu và người Đan Mạch vào Ireland. Có khả năng do các tu viện Cơ Đốc giáo ở Ireland là mục tiêu vì chúng được bảo vệ kém và chứa nhiều của cải dưới dạng đồ kim loại quý và cả sức người. Định cư ở những vùng đất giàu có của người Cơ Đốc giáo cũng mang lại triển vọng tốt hơn so với việc ở lại vùng quê nhà Scandinavia nghèo tài nguyên.

Một cuộc đột kích nổi tiếng đã diễn ra tại Luni, nay thuộc tỉnh La Spezia – Ý, nơi Bjorn (hoặc Hastein) gửi sứ giả đến Giám mục để thông báo cho ông ta về cái chết của mình. Sứ giả nói rằng trên giường bệnh, ông đã cải đạo sang Cơ Đốc giáo và ước muốn khi chết của ông là được chôn cất trên khu đất thánh này. Đức Giám mục cho phép người Viking đưa thi thể thủ lãnh của họ vào thị trấn. Khi người Viking đặt chân vào Luni, Bjorn đã nhảy ra khỏi quan tài của mình, xông thẳng đến cổng thành và mở đường cho những người Viking còn lại vào trong. Có một sự lầm lẫn ở đây rất buồn cười, là Bjorn tấn công vào Luni nhưng ông cứ nghĩ là đang tấn công vào Roma.

Có một sự hiểu lầm tai hại rằng người Viking thường lập đội hình “lá chắn”, đứng gần nhau trong trận chiến, giống phong cách lính lê dương La Mã hay các chiến binh Sparta. Một chiếc khiên điển hình của người Viking tương đối nhỏ và nhẹ, được sử dụng như một vũ khí phụ, phong cách của họ là lao thẳng vào trận hình đối phương, dùng sức và khiên đánh bật đối thủ. Họ sử dụng một loạt các kỹ thuật chiến đấu cá nhân điêu luyện và hiệu quả. Một trong số đó gọi là “svinfylking” (đội hình Mũi tên hoặc đội hình Nanh lợn), được sử dụng để tấn công và xuyên thủng tường chắn của kẻ thù bằng một chiếc rìu làm vũ khí chính, một thứ có hiệu quả trong việc tạo ra nỗi sợ hãi.

Rìu Dane là một vũ khí sử dụng bằng hai tay và dùng riêng trong chiến đấu. Nổi tiếng vì được sử dụng bởi các “huscarl” (tiếng Anh cổ, chỉ các cận vệ hoàng gia Bắc Âu) của Vua Harold II trong trận Hastings vào năm 1066 Công Nguyên và được mô tả trên Tấm vải Bayeux, là một tấm vải thêu dài gần 70m và cao 50cm, mô tả các trận chiến giữa vua Anh William xứ Normandy và Harold xứ Wessex. Một loại rìu chiến khác của người Viking là loại rìu có một phần lưỡi rìu kéo dài như một cái móc, sử dụng bằng một tay và còn dùng để móc vũ khí hoặc lá chắn của kẻ thù. Khi không chiến đấu, loại rìu này cũng được sử dụng để chặt gỗ.

SỨC MẠNH THỦY QUÂN – TRƯỜNG CHIẾN HẠM

Tàu chiến và các vùng biển có một tầm quan trọng rất lớn trong các nền văn hóa Bắc Âu kể từ thời kỳ Đồ Đồng. Nhiều sử gia cho rằng ngành đóng tàu của người Viking là một trong những thành tựu kỹ thuật và nghệ thuật vĩ đại nhất trong thời kỳ “Đêm trường Trung Cổ” ở châu Âu. Những chiến thuyền này lướt rất nhanh, đồng thời có đủ sức mạnh để sống sót qua các cuộc vượt biển trong khi độ mớn nước chỉ có 50 cm (khoảng 20 inch), cho phép tàu di chuyển trong vùng nước rất nông.

Những chiến thuyền này nhìn chung mảnh mai và linh hoạt, với các đầu đối xứng và có sống thuyền vững chắc. Chúng được đóng theo phương pháp “clinker built”, là phương pháp đóng thuyền trong đó các cạnh của tấm ván thân thuyền được đặt chồng lên nhau. Một số chiến thuyền có thể có đầu rồng hoặc các hình tượng khác nhô ra từ mũi thuyền và đuôi thuyền.

Những con thuyền của người Viking đã thúc đẩy họ bắt tay vào các chuyến giao thương, xâm lược và thám hiểm. Chúng là một phần quan trọng của xã hội Viking, không chỉ là một phương tiện đi lại mà còn vì uy tín mà chiếc thuyền này mang lại cho chủ sở hữu hoặc thuyền trưởng. Đó là lý do tại sao nếu một quý tộc thượng lưu không được chết trên biển cả, anh ta vẫn sẽ được chôn trong một con tàu ở trên đất liền, thường được chôn theo cả vũ khí và đồ gốm quý hiếm. Đã có một số phát hiện như vậy trong thế kỷ 20, chẳng hạn như chiếc Gokstad (từ năm 890 Công Nguyên) và chiếc Oseberg (từ đầu thế kỷ 9 Công Nguyên). Họ tin rằng những chiếc thuyền này cũng sẽ cung cấp cho họ một lối đi an toàn sang thế giới bên kia.

MỘT NGÀY THƯỜNG NHẬT CỦA NAM NỮ BẮC ÂU CỔ

Kỹ năng thủ công và khả năng đóng tàu của người Viking thường bị lu mờ bởi hình ảnh định kiến về những kẻ xâm lược hung bạo, những kẻ cướp bóc hoặc những người thám hiểm. Nhưng có nhiều khía cạnh thông thường hơn trong cuộc sống của đàn ông và phụ nữ Bắc Âu. Trong lãnh vực nghề nghiệp, người Viking là những nông dân giàu kinh nghiệm, thợ đóng tàu, thương nhân, thợ rèn, thợ kim hoàn, thợ kim loại, đầu bếp, thợ may và thợ thủ công, và di sản này vẫn còn được con cháu họ lưu truyền cho đến ngày nay.

Người Bắc Âu làm đồ trang sức dưới dạng vòng tay, nhẫn, vòng cổ, v.v… rất đẹp và tinh xảo, từ nhiều chất liệu khác nhau bao gồm đồng, sắt, vàng, bạc, hổ phách và nhựa thông. Đầu thời Viking, những món đồ trang sức này rất đơn giản, nhưng theo thời gian, các món đồ trở nên chi tiết và tinh xảo hơn.

Nơi ở của người Viking hoàn toàn được xây dựng theo các thứ bậc trong xã hội, trong đó một số người bị bắt làm nô lệ và bị bỏ lại để sống với gia súc hoặc rác rưởi, trong khi những người khác ngự trị trên ghế cao. Các hộ gia đình lớn có thể bao gồm một cặp vợ chồng, thê thiếp, phụ tá, nông dân và chiến binh, động vật, người làm công, khách và một loạt con cái của họ. Mặc dù sống chung dưới một mái nhà nhưng những công việc hàng ngày và cách phân chia thứ bậc trong cộng đồng đã tạo ra ngưỡng giữa các nhóm và khiến mọi người trở nên khác biệt với nhau.

Các bức vách của một ngôi nhà lớn thường được làm từ một cấu trúc các cây gỗ dính vào nhau, sau đó trát một lớp keo lên. Một số nhà lớn có lò rèn bên trong, mặc dù phổ biến hơn là lò rèn được đặt trong một chái nhà riêng biệt. Mái nhà thường được làm bằng tranh hoặc ván lợp bằng gỗ.

Các nhà khảo cổ cũng tìm thấy những thứ – chẳng hạn như nồi, dao, và vòng sắt – được chôn trong hoặc gần cửa ra vào. Có lẽ những đồ vật này được dùng để bảo vệ ngôi nhà khỏi những thế lực siêu nhiên từ bên ngoài. Và việc lưu ký các hiện vật đồng thời tạo nên mối liên hệ giữa cuộc sống hàng ngày của con người và ngôi nhà của họ. Người Viking cũng có một truyền thống kỳ lạ và hoàn toàn độc đáo: họ chôn cất nhà riêng của mình.

TÔN GIÁO VÀ THẦN THOẠI

Người Bắc Âu cổ đại lưu trữ rất ít tư liệu, vì vậy nguồn chính thống để chúng ta tham khảo về niềm tin tâm linh của họ đến từ các truyền thuyết của Iceland và Eddas, tuyển tập thơ ca của người Bắc Âu cổ, được viết bởi những người theo đạo Thiên chúa và chỉ có thể được tin cậy như là “bằng chứng” ở một mức độ nhất định. Nổi tiếng nhất là Prose Edda, được viết bởi một người Cơ Đốc giáo vào thế kỷ 13, chính trị gia người Iceland Snorri Sturluson.

Tôn giáo ngoại đạo cũ của người Bắc Âu cổ là một tập hợp các vị nam thần và nữ thần, tương tự như các vị thần trên đỉnh Olympia của Hy Lạp, đứng đầu là thần vương của Asgard, Odin và nữ hoàng Frigga. Đó là những câu chuyện về vùng đất nơi sinh sống của những sinh vật thần bí như yêu tinh, người lùn, người khổng lồ và quỷ tộc. Họ có những anh hùng, những chiến binh tiêu diệt những con rắn khổng lồ, và những câu chuyện của họ cũng bao gồm Cây Thế Giới (Yggdrasil) và những chữ rune kỳ bí.

Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Công Giáo hòa nhập với tôn giáo đa thần cũ và cuối cùng trường tồn đến ngày nay. Vị vua Scandinavia đầu tiên được cải đạo là Harald Klak, người Đan Mạch lưu vong (được rửa tội vào năm 826 Công Nguyên). Và một trong những bước ngoặt quan trọng nhất trong quá trình Cơ Đốc hóa Scandinavia là sự cải đạo của vua Đan Mạch Harald Bluetooth vào những năm 960.

ĐÁM TANG VIKING VÀ NIỀM TIN VÀO KIẾP SAU CỦA NGƯỜI BẮC ÂU CỔ

Người Viking tin vào kiếp sau, và các hoạt động hành lễ của họ có thể được tham khảo thông qua các nguồn khảo cổ và văn bản cổ. Một trong những cảo bản nổi tiếng nhất mô tả một đám tang của người Viking được tìm thấy trong các bài viết của Ahmad Ibn Fadlan, một thành viên của đoàn sứ giả Abbasid (còn gọi là nước Đại Thực, là vương triều Hồi giáo thứ 3 của người Ả Rập) được cử đến Volga Bulgaria (còn gọi là Volga – Kama Bulgar, tồn tại từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13, nay là phần lãnh thổ thuộc Châu Âu của Nga). Ông viết về sự hiến tế một cô gái nô lệ trong lễ chôn cất đặc biệt quan trọng của một thủ lãnh Viking. Nhưng loại nghi lễ này thật sự rất hiếm. Phổ biến hơn là người Viking tin rằng có thể mang tài sản của họ sang thế giới bên kia, vì vậy họ chôn cất những đồ vật quan trọng cùng với người đã khuất của họ.

Người Viking cũng tin rằng những chiến binh ngã xuống trong trận chiến sẽ giành được quyền vào Valhalla, một lâu đài khổng lồ nằm ở Asgard, thuộc quyền của Odin (tương truyền linh hồn của các chiến binh Viking tử trận sẽ được các Valkyrie dẫn dắt vào Valhalla). Ở đó, các chiến binh đã ngã xuống sẽ được cho ăn uống và chiến đấu cho đến Ngày phán xét Ragnarok. Vì vậy, điều cần thiết là những chiến binh Viking đã chết phải được trang bị mũ giáp, vũ khí như khi còn sống để chuẩn bị cho hành trình đến và ở lại Valhalla. Ngoài Valhalla, các cõi chết khác của người Viking bao gồm Folkvangr (dành cho các chiến binh), Helgafjell (dành cho những người sống tốt), và Helheim (dành cho những người sống hèn).

Người Viking tin rằng nếu người chết không được trân trọng, họ có thể trở lại như một “draugr” (dạng như zombie thời hiện đại) để ám ảnh người sống. Những xác sống này có thể gây nhiều rắc rối cho cuộc sống, bao gồm mất mùa, thất bại trong chiến tranh và dịch bệnh. Nếu nghi ngờ một “draugr” đang gây hại, người Viking sẽ khai quật những người mới chết gần đây và tìm kiếm các dấu hiệu hoạt động của cái xác. Khi xác định được một “draugr” cụ thể, họ sẽ chôn cất lại thi thể với nhiều đồ quan trọng hơn, cho rằng người đó là một người được kính trọng trong cuộc sống. Ngoài ra, một chiếc cọc gỗ được sử dụng để ghim cái xác xuống đất và chặt đầu để cái xác không quay lại phá hoại.

Các truyền thuyết cũng đầy rẫy câu chuyện về những người nhận được lời báo mộng từ người chết, người chết rên rỉ trong các gò mộ, hoặc ám ảnh ngôi nhà cũ của họ. Trong suốt thiên niên kỷ đầu tiên, xương người đôi khi được chôn trong nhà, bao gồm cả trẻ sơ sinh được chôn trong lò sưởi. Việc chôn cất cơ thể người chết dưới ngưỡng cửa hoặc trong các tầng hầm của ngôi nhà, hoặc chôn người chết trong nhà khi họ rời đi, rất có ý nghĩa đối với cuộc sống của họ.

TỔ TIÊN NGƯỜI VIKING VÀ DI SẢN CỦA HỌ

Thời đại Viking có thể được coi là tương đối ngắn, nhưng ảnh hưởng của họ đối với các thế hệ tương lai là rất đáng kể. Họ có ảnh hưởng đến tiếng Anh hiện đại, với những từ ngữ như “ransack” (lục soát), “window” (cửa sổ), “market” (thị trường), “outlaw” (ngoài vòng pháp luật), “husband” (chồng) và “honeymoon” (tuần trăng mật)…; người Ireland đưa thịt gà vào chế độ ăn kiêng, do họ phát hiện ra ở Trung Quốc trong các chuyến thám hiểm; trao đổi vật phẩm thông qua giao thương với Ba Tư, đế chế Byzantine và Châu Á. Trong nhiều thế kỷ tiếp theo, và cho đến ngày nay, ảnh hưởng của người Scandinavia có thể được nhìn thấy trong văn học, hàng thủ công, phong cách trang trí và ẩm thực lên các nền văn hóa bên ngoài Scandinavia.

Khi khoa học ngày nay càng lúc càng tiến bộ và dấu vết DNA ngày càng phổ biến, nhiều người sống ở Vương quốc Anh và Ireland đang nghiên cứu về nguồn gốc tổ tiên của họ và cố xác định mã gen của người Viking. Còn một cách xác đinh nhanh chóng cho thấy một gia đình có thể có nguồn gốc Viking hay không, rằng nếu họ của gia đình đó có kết thúc bằng hậu tố “-son” hoặc “–sen”, thì rất có thể tổ tiên của họ có nguồn gốc từ Bán đảo Scandinavia vào thời Viking.

Ngày nay, di sản của người Viking vẫn trường tồn mãi mãi giữa sức hấp dẫn của các chương trình truyền hình mà nói về họ như những kẻ chinh phục, nông dân và nhà thám hiểm, và cả sợi dây DNA của họ!

Theo: Riley Winters – Ancient Origins

“ROLLO KẺ CHINH PHỤC” CHIẾM VÙNG NORMANDY LÀM THUỘC ĐỊA

Vikin.org là gì

Rollo là một thủ lãnh người Viking nổi tiếng sống vào cuối thế kỷ 9 đầu thế kỷ 10 Công Nguyên. Ông được biết đến như là vị thủ lãnh cai trị và là vị Công tước đầu tiên của xứ Normandy (first Duke of Normandy). Trên thực tế thì Rollo được cho là không có sử dụng tước hiệu “Công tước” này. Đó là do những hậu duệ sau này của ông sử dụng mỗi khi nhắc đến ông. Ngày nay, Rollo trở thành một phần trong văn hóa đại chúng, điều này phải cám ơn diễn viên người Anh Clive Standen, người đã đóng vai Rollo trong chương trình TV “Vikings”. Tuy nhiên, vai diễn “Rollo” trên TV chỉ diễn tả được một phần nhỏ trong cuộc đời vị thủ lãnh vĩ đại này trong lịch sử.

Rollo, còn được biết đến như là Rollon (trong tiếng Pháp), Rou (trong tiếng Norman), và Hrólfr (trong tiếng Bắc Âu cổ). Có rất nhiều tài liệu thời Trung Cổ viết về cuộc đời của Rollo. Phần lớn được viết bởi các sử gia người Na Uy và Đan Mạch. Một bảng tiểu sử chánh thức của Rollo được ghi nhận trong tác phẩm “Lịch sử vùng Norman”, được soạn bởi sử gia Dudo xứ Saint-Quentin trong suốt nửa cuối thế kỷ 10 Công Nguyên. Vào năm 986, Dudo, một thầy tu xứ Saint-Quentin, người được cử đến Norman bởi Bá tước vùng Vermandois, đế tìm kiếm sự giúp đỡ nhằm chống lại Hugh Capet, vị Vua người Frank của vương triều Capet. Sau đó, Dudo được thuê lại bởi Richard I, cháu của Rollo, để viết lại lịch sử các vị công tước của xứ Norman này. Vào khoảng từ năm 1015 đến 1026 Công Nguyên, Dudo hoàn thành xong công trình của ông là “Liên quan đến phong tục và hành vi của các Công tước đầu tiên của xứ Norman” (De moribus et actis primorum Normanniae ducum, tiếng Anh là “Concerning the Customs and Deeds of the First Dukes of the Normans”).

ROLLO, CHIẾN BINH VIKING VÀ CON ĐƯỜNG ĐẾN QUYỀN LỰC

Rollo được ghi nhận là ra đời vào khoảng năm 860 Công Nguyên, và không rõ nơi xuất xứ, người ta chỉ biết quê hương của ông là ở vùng Scandinavia nhưng không rõ là Đan Mạch hay Na Uy. Theo sử gia Dudo, Rollo cất tiếng khóc chào đời tại vùng Dacia xung quanh dãy Alps thuộc Đông Âu. Nhiều người diễn giải vùng đó thuộc Đan Mạch. Tuy nhiên, có nguồn khác ghi nhận Rollo đến từ Na Uy. Sử gia Snorri Sturluson viết trong tác phẩm “Heimskringla” rằng có một chiến binh Viking người Na Uy là Rolf Ganger, có vài điểm giống với Rollo. Cái tên “Rolf Ganger” có nghĩa là “Rolf Người đi bộ” và biệt danh này được đặt cho ông vì “ông mập mạp đến nỗi không con ngựa nào có thể chở được ông nên ông muốn đi đâu thì đều phải đi bộ”. Vị Rolf Ganger này cũng có xuất hiện trong các tài liệu vùng Iceland – Na Uy, như quyển “Lịch sử Na Uy” viết bằng tiếng Latin và quyển “Fagrskinna”.

Rollo có thể là người Na Uy cũng có thể là người Đan Mạch, nhưng chắc chắn là ông đã bị trục xuất ra khỏi quê nhà. Theo Dudo, vị vua cai trị vùng Dacia có xung đột với gia tộc của Rollo. Khi cha của Rollo chết, ông để quyền thừa kế lại cho 2 người con trai là Rollo và Gurim. Vị vua nhân cơ hội ông chết để mở rộng lãnh thổ và “giáng tai họa xuống đầu người con trai vì tội lỗi của người cha”. Cuối cùng, vị vua quyết định tấn công Rollo, nhưng không thể nào đánh bại được ông. Cuộc xung đột kéo dài hơn 1 năm trời. Nhận thấy không có kết quả gì, vị vua quyết định đình chiến với Rollo. Rollo đón chào hiệp định đình chiến này, nhưng đâu ngờ đã trúng kế của tên vua. Khi đêm xuống, hắn đánh úp lãnh thổ của Rollo, đồng thời cho quân mai phục xung quanh. Hắn giả vờ đánh không lại để dẫn dụ Rollo ra khỏi thành, trúng bẫy mai phục của hắn. Rollo phát hiện ra mình bị kẹt giữa 2 đội quân giáp công, người của ông lần lượt ngã xuống, kể cả người em trai. May mắn là, ông chạy thoát khỏi vùng Dacia và dong buồm ra khơi về đảo Scania với đội quân còn sót lại.

Câu chuyện về việc bị trục xuất cũng được ghi nhận trong quyển “Heimskringla”. Theo Sturluson viết, Rollo là con trai của Bá tước Ragnvald, bằng hữu của vị Vua Na Uy, Harald Fairhair, với Hild, con gái của Rolf Nefia. Rollo có người em trai là Thorer, cùng nhiều người anh em cùng cha khác mẹ khác. Khi Rollo trưởng thành, ông trở thành một chiến binh Viking đáng sợ. Một mùa hè nọ, ông càn quét bờ biển Viken. Harald, vô tình cũng đang ở Viken, nghe về cuộc càn quét và rất tức giận, vì ông đã cấm người của mình cướp bóc dọc theo biên giới Na Uy. Vị vua triệu tập một hội đồng và tại đây Rollo bị tuyên bố có tội. Rollo chấp nhận hình phạt và lên thuyền ra khơi về phía Tây, nơi ông tiếp tục các cuộc càn quét của mình.

ROLLO VÀ CÁC CHIẾN BINH VIKING CÀN QUÉT PARIS, PHÁP

Rollo sống vào thời kỳ mà người Châu Âu gọi là “Thời Đại Viking”. Thời đại này kéo dài từ thế kỷ 8 đến thế kỷ 11 Công Nguyên. Suốt Thời đại Viking, các kẻ chinh phục từ vùng Scandinavian, như Rollo, thường xuyên cướp bóc tài sản khắp các vùng bờ biển. Mặc dù quần đảo Vương quốc Anh là nạn nhân của hầu hết các cuộc cướp bóc này, các chiến binh Viking cũng thường đặt chân lên lục địa Châu Âu, và đã từng vươn xa tới tận Đông Âu. Tuy nhiên, các chiến binh Viking không va chạm nhiều với các quốc gia trong lục địa Châu Âu, và các hoạt động của họ ở Đông Âu cũng không có gì bạo lực. Ở quần đảo Vương quốc Anh và ở Đông Âu, họ trở thành các người định cư lâu dài. Còn trong lục địa, họ không may mắn khi thiết lập định cư, ngoài trừ Rollo.

Trong khi Rollo phát hiện ra vùng Normandy, ông không hẳn là người Viking đầu tiên càn quét nước Pháp, hoặc vùng Tây Frank (West Francia, vùng đất phía Tây của Đế quốc Frank bị chia cắt thành Đông và Tây Frank). Người Viking đã càn quét nước Pháp từ cuối thế kỷ 8 Công Nguyên. Khi nước Pháp còn là một phần của Đế chế Carolus (Carolingian Empire, là một đế chế lớn của người Frank thời đầu Trung Cổ ở Tây và Trung Âu), hoàng đế lúc đó là Charlemagne, cho xây dựng các pháo đài dọc bờ biển để bảo vệ vương quốc của mình. Mặc dù các pháo đài này ngăn chặn được một số cuộc tấn công của người Viking, nhưng không thể ngăn cản bước tiến của họ. Một trong những cuộc tấn công nổi tiếng nhất của người Viking là Trận bao vây thành Paris vào năm 845 Công Nguyên. Năm đó, hơn 5000 chiến binh Viking đã bao vây thành Paris. Người Viking đến Paris thông qua sông Seine trên 120 chiến thuyền dẫn đầu bởi thủ lãnh Ragnar (Reginherus). Vị thủ lãnh này đôi lúc được cho là Ragnar Lothbrok, một nhân vật nổi bật trong các truyền thuyết Bắc Âu. 4 năm trước Trận bao vây, vị Ragnar này được ban cho một số vùng đất thuộc vùng Flanders (là một vùng đất lớn gồm một phần nước Pháp, Bỉ và Hà Lan ngày nay) bởi Hoàng đế Charles Hói (Charles the Bald, cháu của Charlemagne). Tuy nhiên, sớm thôi, vị Ragnar này làm mất lòng vị Hoàng đế, bị ép buộc phải hồi hương.

Để trả thù, Ragnar quyết định mở cuộc tấn công nước Pháp. Các chiến binh Viking xuôi dòng sông Seine, và cướp bóc ở Rouen trên đường đến Paris. Charles quyết tâm bảo vệ Vương cung Thánh đường Thánh Denis, về phía Bắc của Paris, nên ông tập hợp quân đội, chia thành 2 đồn trú đóng quân bên 2 bờ sông Seine. Ragnar tấn công đồn trú nhỏ hơn, đánh bại họ, và bắt luôn tù binh. Sau chiến thắng này, người Viking tiếp tục hành trình và đến được Paris vào lễ Phục Sinh. Ragnar và người của ông tiến vào thành và cướp phá. Người Viking chỉ rời Paris khi một rương vàng bạc vào khoảng 7000 livres được trả cho họ. Khi Ragnar rút quân, ông còn tiến hành càn quét một số vùng đất của người Frank nữa.

Vài thập niên tiếp theo, người Viking tiến hành nhiều cuộc tấn công trên vùng Tây Frank. Ngay cả thành Paris cũng bị tấn công tổng cộng 3 lần trong suốt thập niên 860. Trong mỗi lần đó, người Viking chỉ bỏ đi sau khi cướp bóc hoặc được trả tiền chuộc. Tuy nhiên, cùng lúc đó, người Frank bắt đầu đoán được các cuộc tấn công này. Ví dụ, năm 846 Công Nguyên, 2 cây cầu tạm được dựng lên để băng qua sông Seine đến Paris (vị trí ở đảo Île de la Cité). Hơn nữa, thành Paris đã được gia cố vững chắc để ngăn bước tiến của người Viking. Những sự chuẩn bị này được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 885, khi người Viking một lần nữa tấn công thành Paris.

Mặc dù thành Paris được gia cố vững chắc, nhưng vương quốc Tây Frank lại trở nên suy yếu dần dần từ năm 885. Ví dụ cho vấn đề này là cái chết của Vua Charles vào năm 887, và được kế vị bởi một loạt các vị vua đoản mạng khác. Người Viking nhận ra được sự suy yếu của người Frank và chớp lấy cơ hội này để tấn công thành Paris một lần nữa. Đội quân Viking, được dẫn dắt bởi Sigfred, Sinric, và Rollo, đưa ra tối hậu thư cho nhà vua Charles Phì Lũ (Charles III, hay còn gọi là Charles the Fat). Khi các yêu cầu không được đáp ứng, họ mở một cuộc tấn công vào Paris.

Cuộc chiến vệ thành chỉ còn trông chờ vào Odo, Bá tước thành Paris. Ông chuẩn bị cho cuộc xâm lược của người Viking bằng cách cho dựng 2 tháp canh bảo vệ những cây cầu được xây vào năm 864. Cuối tháng 11 năm 885, người Viking cũng đã tới nơi. Họ yêu cầu cống nạp, nhưng bị từ chối. Vì thế, họ bắt đầu cho vây thành. Thử thách lớn nhất dành cho họ là 2 cây cầu, 1 bằng đá, 1 bằng gỗ. Vì cầu bằng gỗ dường như yếu hơn nên người Viking tập trung vào điểm này trước. Họ cố gắng phá hủy tháp canh tại đây, nhưng phải mất 3 tháng mới thành công. Tháng 2 năm 886, người Viking cố phá hủy cây cầu gỗ bằng cách cho các con thuyền bốc cháy đâm vào nó. Mặc dù cây cầu không sập nhưng đã bị suy yếu. Sau đó, một trận lụt sau cơn mưa lớn cuối cùng cuốn trôi cây cầu. Ngọn tháp canh bây giờ đã bị người Viking chiếm lĩnh.

Vikin.org là gì

Tuy nhiên, tòa thành vẫn sừng sững. Tuy tấn công vào Paris, nhưng người Viking cũng tranh thủ càn quét các vùng ngoại ô xung quanh. Điều này tạo cơ hội cho người Frank bổ sung lương thực và tìm kiếm sự giúp đỡ từ bên ngoài. Đến tháng 4 Sigfred nhận ra rằng ông không thể tiếp tục vây thành được nữa. Vì thế, ông yêu cầu một món hời nhỏ (khoảng 60 livres bạc) để rút quân. Tuy nhiên, Rollo và người của mình tiếp tục vây thành. Suốt mùa hè, những người Viking còn lại tấn công lần cuối vào thành phố nhưng vẫn không thành công. Cuối cùng nhà vua cùng đội quân giải vây cũng xuất hiện.

Tuy nhiên, thay vì chống lại người Viking, Charles quyết định trả cho họ 700 livres bạc để bãi bỏ cuộc bao vây. Người Viking sau đó tấn công vùng Burgundy, lúc này đang chống lại ách cai trị của người Frank. Người dân thành Paris cảm thấy bị phản bội bởi hành động của nhà vua. Khi người Viking quay về nhà sau khi cướp phá vùng Burgundy, người dân Paris từ chối cho họ xuôi dòng sông Seine. Kết quả là, người Viking phải kéo lê những chiến thuyền của họ trên đất liền đến một khu vực sông khác ở ngoại ô. Sau khi Vua Charles bị hạ bệ vào năm 888, Odo, người được tôn vinh như là “Đấng cứu tinh của Paris”, trở thành vị vua mới của vùng Tây Frank.

Về phần Rollo, ông trở về quê nhà, nhưng quay lại Tây Frank vào đầu thế kỷ 10 Công Nguyên. Tới năm 911, ông tự thiết lập cơ sở tại Thung lũng sông Seine. Cùng năm đó ông cố gắng tấn công thành Paris nhưng không thành công. Rollo cố bao vây thành Chartres nhưng thất bại. Nhà vua, Charles Đơn Sơ ( Charles the Simple), quyết định rằng thay vì loại bỏ Rollo, tốt hơn hết là nên thỏa hiệp với ông. Kết quả là Hiệp định Saint-Clair-sur-Epte được thiết lập giữa 2 bên. Để đổi lấy vùng Neustria, Rollo phải từ bỏ cách hành xử của một người man rợ. Vùng đất này về sau gọi là vùng Normandy, người dân trong vùng gọi là người Norman, một cách nói chệch theo chữ “Northmen” ý chỉ dân Bắc Âu. Rollo sau này không còn là kẻ thù nữa mà là một trong các lãnh chúa của các đời vua Pháp.

ROLLO THIẾT LẬP HOÀNG TRIỀU NORMANDY

Theo sử gia Dudo, Rollo được vua Charles gả con gái, là Gisela, cho để kết minh. Dudo còn kể câu chuyện mà trong đó Rollo đã hôn lên chân của vua Charles, như là một dấu hiệu cho sự phục tùng. Ông đã không hài lòng về việc này vì nó cố tình xúc phạm ông. Thay vào đó, ông cho một người khác hôn chân nhà vua. Tuy nhiên, người mà hôn chân nhà vua, đã không chịu cuối xuống, mà nâng chân nhà vua lên và hôn. Điều này đã làm cho nhà vua ngã ngửa ra sau, gây cười cho mọi người có mặt ở buổi ký Hiệp định. Trong một phần khác, sử gia Dudo cho rằng Rollo đã lấy Popa xứ Bayeux, con gái của “Bá tước Berengar” và cặp đôi này có với nhau đứa con trai, William Longsword, người kế thừa của Rollo.

Rollo chết khoảng năm 932 Công Nguyên. Theo sử gia Dudo, Rollo trao quyền lực cho con trai, William Longsword, trước khi chết không lâu. Trong khi một vài nguồn tài liệu cho rằng Rollo đã cải đạo sang Công giáo, nguồn khác thì cho rằng ông vẫn là một người ngoại đạo cho tới khi chết. Triều đại của Rollo trải qua nhiều thế kỷ. Người Norman mở rộng lãnh thổ của họ, thiết lập triều đại lên Anh Quốc, Nam Ý Đại Lợi (Kingdom of Sicily, Vương quốc Sicily) và vùng Cận Đông (the Principality of Antioch, Công quốc Antioch).

TRẬN ĐÁNH TETTENHALL

Vikin.org là gì

Vào ngày 2 tháng 8 năm 910, Trận Tettenhall xảy ra gần Tettenhall hay Wednesfield ở Wolverhampton ngày nay. Trận đánh này diễn ra giữa một bên là liên minh các lực lượng Anglo-Saxon từ Mercia và Wessex dưới sự chỉ huy của Æthelflæd (tiếng Anh cổ), con gái của Vua Alfred Đại Đế, vợ của Lãnh chúa Æthelred, lãnh chúa vùng Mercia, cùng với em trai của bà là Vua Edward Trưởng Giả. Họ đối mặt với một đội quân Viking hùng hậu, không ai biết là bao nhiêu, nhưng người ta cho rằng là đến hàng ngàn. Người Viking được dẫn dắt bởi liên minh tam doanh, Vua Eowils, Halfdan, và Ingwær xứ Danelaw (lãnh thổ thuộc Liên hiệp Anh-Bắc Ireland). Để hiểu rõ trận chiến này, chúng ta phải biết được hoàn cảnh xảy ra của nó.

Dưới triều đại của Vua Alfred Đại Đế, cha của Æthelflæds và Edward, một hiệp ước được ký kết giữa người Anglo-Saxon và đội quân Viking xâm lược sau trận thảm thắng của người Anglo-Saxon tại Trận Eddington. Hiệp ước được ký kết tạo ra vùng lãnh thổ Danelaw, nằm dưới quyền của người Viking Đan Mạch và vương quốc Anglo-Saxon với Vua Alfred đứng đầu gồm 2 phần lãnh thổ, Mercia và Wessex. Liên minh giữa các vùng của người Anglo-Saxon được thắt chặt khi Vua Alfred gả con gái lớn là Æthelflæd cho Æthelred, Lãnh chúa vùng Mercia. Suốt phần đời còn lại, Vua Alfred đã thành công trong việc cầm chân đội quân Viking tại vùng trung địa và ngăn họ cướp phá các khu vực phía Nam. Nhưng sớm thôi, Vua Alfred Đại Đế mất vào năm 899 và con trai của ông, Edward Trưởng Giả trở thành vua của người Anglo-Saxon, cùng với người chị Æthelflæd và ông anh rể Æthelred cai trị vùng Mercia. Liên minh quân sự giữa vùng Wessex và Mercia trở thành một lực lượng đáng gờm kiềm chân người Viking ở Danelaw.

Năm 909, Æthelflæd và chồng bà là Æthelred cho quân đội Mercia hành quân sâu vào vùng lãnh thổ Danelaw, đến Northumbria và đặc biệt là lãnh thổ Lindsey. Trong lãnh thổ Lindsey có Tu viện Bardney, là nơi chứa tàn tích của Thánh Oswald, Vua của Northumbria. Chiến dịch diễn ra trong 5 tuần đi sâu vào lãnh thổ người Viking này nhằm mục đích thu thập lại thánh tích của Thánh Oswald và mang về lại thành Gloucester đang được tái xây dựng. Khi đội quân Mercia trở về, họ đặt thánh tích của Thánh Oswald ở Đại giáo đường trong thành Gloucester. Người Viking rất tức giận vì người Anglo-Saxon đã xâm nhập vào lãnh thổ của mình mà không thông báo. Nên vào năm sau 910, người Viking trả đũa bằng cách 3 vị vua Viking là Eowils, Halfdan và Ingwær tập hợp một đạo quân hùng hậu và bắt đầu hành quân. Người Viking lên thuyền xuôi theo dòng sông Severn xâm phạm lãnh thổ Mercia. Khi đội quân Viking đến, họ cướp bóc, phá hủy tất cả làng mạc dọc đường đi của họ. Mercia tràn ngập khói lửa, máu me và xác chết. Người Viking lo sợ bị sập bẫy trong lãnh thổ quân địch nên quyết định xuôi dòng hướng Bắc về lại Danelaw với chiến lợi phẩm. Nhưng giờ đây quân đội Wessex do Vua Edward Trưởng Giả dẫn dắt và quân đội Mercia do Æthelflæd dẫn đầu quyết định đánh úp người Viking tại Tettenhall. Chi tiết trận đánh đã bị thất lạc ít nhiều nhưng nó là trận chiến truyền thống thời Trung Cổ nơi đội hình tường chắn đối đầu với đội hình tường chắn, nơi con người lao vào chém giết lẫn nhau, cái chết và máu me ở khắp mọi nơi. Gươm, giáo, dao găm, búa, chùy vung lên, tiếng la hét vang lên khắp nơi. Người Viking dường như đã bị sập bẫy của người Anglo-Saxon và trận chiến đẫm máu trở thành một trận tàn sát. Nhưng sau nhiều giờ chiến đấu, người Anglo-Saxon đã chiến thắng và theo như Biên niên sử Anglo-Saxon đã nói rằng “nhiều ngàn người” đã bị giết chủ yếu là người Viking trong đó có ít nhất hai vị Vua Viking tử trận nếu không muốn nói là tất cả.

Trận đánh Tettenhall đã làm khuất phục người Bắc Âu Đan Mạch, và đó là cuộc tấn công lớn cuối cùng của người Viking Đan Mạch vào lãnh thổ của người Anglo-Saxon. Với những người Viking phương Bắc hùng mạnh giờ đây đã chết hoặc bị khuất phục bởi người Anglo-Saxon dưới thời Vua Edward Trưởng Giả và em gái của ông là Æthelflæd, người sau này sẽ trở thành Phu nhân xứ Mercia sau khi Lãnh chúa Æthelred chết, giờ đây có thể tập trung vào người Viking ở trung địa và khu vực phía Đông. Họ sẽ sớm lại tấn công người Viking với Æthelflæd và quân đội Mercia tấn công vùng Derby và Leicester ở trung địa, trong khi đó Vua Edward và quân đội Wessex tấn công vùng Essex và Đông Anglia. Quá trình thống nhất các vương quốc thành một quốc gia thống nhất gọi là Vương quốc Anh đã bắt đầu, tầm nhìn vĩ đại của Vua Alfred Đại đế sẽ sớm được hiện thực hóa. Trận chiến Tettenhall đã đặt nền móng cho cuộc chinh phục các vùng đất của người Viking ở trung địa và phía Đông, và dưới thời người con nuôi của Vua Æthelstan Æthelflæds và cháu trai của Vua Alfred, nước Anh cuối cùng sẽ được thống nhất.

SWEYN FORKBEARD VÀ ĐẾ CHẾ VIKING CỦA ÔNG

Vikin.org là gì

Sweyn I, còn được gọi là Sweyn Tiugeskaeg, có nghĩa là “Forkbeard”, là một thủ lãnh Viking cai trị Đan Mạch, Na Uy và Anh quốc. Ông có biệt danh là “Forkbeard” là do dựa theo bộ râu dài và tua tủa của ông. Mặc dù Sweyn đã cai trị Đan Mạch và Na Uy hàng thập kỷ rồi, nhưng ông chỉ chiếm được và cai trị nước Anh khoảng một tháng rồi qua đời. Trên thực tế, mặc dù ông được sắc phong làm Vua nước Anh nhưng lại không sống đủ lâu cho đến ngày đăng quang.

Sau cái chết của ông, đế chế của Sweyn lụn bại dần. Trong khi một trong những người con trai của ông thừa kế Đan Mạch, thì Na Uy và Anh quốc quay trở lại thời kỳ người cai trị là dân bản xứ. Tuy nhiên, lãnh thổ của Sweyn, được người con trai khác của ông là Cnut Đại Đế, thu hồi lại toàn bộ. Đế chế của Sweyn Forkbeard và con trai của ông thường đường các sử gia ngày nay gọi là Đế chế Biển Bắc hay còn gọi là Đế chế Anglo—Scandinavia.

Sweyn I được cho là ra đời vào khoảng năm 960 Công Nguyên. Cha ông là Harald I, còn được gọi là Harald Bluetooth, còn danh tánh mẹ ông thì chưa xác định được. Harald là thành viên trong Gia tộc Gorm, vương triều Đan Mạch được thành lập bởi Gorm Trưởng Lão. Gia tộc hoàng gia này ngự tại thị trấn Jelling, phía Bắc Bán đảo Jutland, Đan Mạch. Dưới sự cai trị của Harald, Đan Mạch lần đầu tiên được thống nhất làm một. Mặc dù Harald được công nhận là người có công thống nhất đất nước, nhưng chiến dịch thực sự bắt đầu dưới thời người tiền nhiệm của ông. Bên cạnh đó, Harald còn chinh phục Na Uy và cải đạo sang Công Giáo, dẫn đến kết quả là Công Giáo du nhập vào Na Uy và Đan Mạch.

SWEYN FORKBEARD NỔI LOẠN CHỐNG LẠI CHA LÀ HARALD BLUETOOTH

Không có nhiều tư liệu về thời niên thiếu của Sweyn. Ông xuất hiện trong các ghi chép lịch sử với hình ảnh là một người tàn bạo. Theo nhiều sử gia Trung Cổ, Sweyn nổi loạn chống lại cha ông diễn ra vào những năm cuối đời của Harald, vào khoảng năm 987 Công Nguyên. Biên niên sử gia người Đức, Adam xứ Bremen, cho rằng Sweyn nổi loạn là do phản đối Công Giáo hóa Đan Mạch. Tuy nhiên, tuyên bố của biên niên sử gia này hơi đáng ngờ, vì không có dấu hiệu nào cho thấy Sweyn là một người ngoại đạo. Ngoài ra, Adam có thể có ác cảm với vị vua Đan Mạch này, vì ông đã chống lại nhà thờ Hamburg-Bremen.

Câu chuyện nổi loạn của Sweyn được Sử gia Snorri Sturluson ghi chép lại trong “Heimskringla” (Biên niên sử các Vị vua Na Uy). Theo tác phẩm này, Sweyn đã yêu cầu cha ông cắt một phần Đan Mạch cho ông. Harald không có ý định chia cắt vương quốc của mình nên từ chối lời yêu cầu của con trai. Vì thế nên ông tập hợp người của mình lại, mà báo với cha ông là đi cướp bóc nơi khác, trên thực tế là đang chuẩn bị nổi loạn. Khi chuẩn bị xong xuôi, ông tấn công cha mình. Harald thắng trận chiến, vì ông có quân đội đông hơn, nhưng bị trọng thương và chết không lâu sau đó.

Theo câu chuyện khác, Harald bị đánh bại, phải chạy tới xứ Wends (cộng đồng người Slav định cư ở Đức) nơi ông chết vì bị thương. Còn phần Sweyn, ông rút lui khỏi chiến trường và khi nghe tin cha qua đời, ông tuyên bố mình là vua. Tuy nhiên, vị vua mới này bị bắt bởi Sigvaldi, thủ lãnh người Jomsviking. Sigvaldi ép buộc Sweyn phải làm hòa xứ Wends rồi mới thả ông về lại Đan Mạch.

Trong tác phẩm “Heimskringla” có ghi chép lại rằng Sweyn lấy con gái của Burizleif, Vua xứ Wends, là Gunhild làm vợ, có hai con trai là Harald và Cnut. Mặc dù Burizleif chỉ là nhân vật truyền thuyết nhưng nhiều người cho rằng ông có thể là người có thật. Sau đó Sweyn lấy Sigrid Kiêu Căng, góa phụ của Vua Thụy Điển, Eric Chiến Thắng. Có tài liệu khác cho rằng, ông lấy Sigrid sau cái chết của Gunhild. Có tài liệu khác còn cho rằng ông từ chối Gunhild mà đám cưới với Sigrid. Kết quả là Gunhild quay trở lại xứ Wends, và chỉ được người con trai đưa trở lại Đan Mạch sau cái chết của Sweyn.

NHÒM NGÓ VƯƠNG QUỐC ANH

Không lâu sau khi lên làm vua Đan Mạch, Sweyn đưa mắt đến nước Anh. Cuối thế kỷ 8, Vương quốc Anh là miếng mồi ngon cho các cuộc cướp phá của người Viking, phần lớn họ chọn các tu viện lớn được canh phòng lỏng lẻo. Thế kỷ tiếp theo, người Viking bắt đầu định cư trên đảo. Vào cuối thế kỷ 9 Công Nguyên, một khu vực lớn của đảo Anh nằm dưới quyền kiểm soát của người Viking. Khu vực đó được gọi là Danelaw, và người Viking cai trị vùng này đến giữa thế kỷ 10.

Năm 954, Eric Bloodaxe, Vị vua Viking cuối cùng của Vương quốc Northumbria, bị trục xuất, đánh dấu sự kết thúc của vùng Danelaw. Vài thập niên tiếp theo, nước Anh nằm dưới sự cai trị của các vị vua bản xứ. Năm 978, Aethelred II trở thành tân vương của nước Anh. Sự kiện này xảy ra khoảng một thập kỷ trước khi Sweyn tiếm quyền.

CƯỠNG ĐOẠT VƯƠNG QUỐC ANH DƯỚI THỜI SWEYN FORKBEARD

Trong suốt thập niên 990, Aethelred vẫn còn ngự trên ngai vàng nước Anh, và ông cai trị đến năm 1016. Đây là thời điểm bắt đầu “Thời đại Viking thứ hai”. Không giống như người Viking thế kỷ 9 và 10, đầu tiên, Sweyn không hứng thú với chinh phục nước Anh. Thay vào đó, ông thích các cuộc cướp phá hơn.

Không giống như người Viking thế kỷ 8, các cuộc cướp phá của Sweyn được thực hiện trên quy mô lớn. Ông không nhắm đến các tu viện mà nhắm đến các vùng lãnh thổ. Vì sợ người Viking phá hoại nên người Anh chấp nhận trả phí để đổi lấy sự yên ổn. Phần phí này được gọi là Danegeld, hay phí bảo hộ. Ví dụ như, vào năm 991, người Viking được trả tới 4500 kg bạc nguyên chất để đổi lấy sự yên bình trên nước Anh.

SWEYN FORKBEARD CƯỚP PHÁ LONDON

Tình hình không khả quan lắm, nhất là ở miền Bắc nước Anh, nơi người Viking tiếp tục hoành hành. Theo Biên niên sử Anglo-Saxon, vào năm 994, Sweyn mở cuộc cướp phá với London là mục tiêu tối hậu. Cảo bản này ghi nhận lại rằng:

“Năm nay đến lượt Anlaf (Olaf Trygvasson, Vua của Na Uy) và Sweyn tấn công London, vào ngày Đức Mẹ Mary giáng sinh (tức ngày 8 tháng 9), trên 490 chiến thuyền. Họ bao vây thành phố, và dự định thiêu cháy London; nhưng họ đã gây ra nhiều tổn hại và điều xấu xa hơn những gì người khác gây ra cho họ. Lạy Đức Mẹ hằng cứu giúp cho những cư dân này, và hướng dẫn họ thoát khỏi kẻ thù.”

Mặc dù người Viking thất bại trong việc tấn công London, họ chưa hẳn đã quay về quê nhà ngay. Thay vào đó, họ tấn công các vùng khác của nước Anh:

“Sau đó họ chu du, và thực hiện những hành động tàn ác nhất mà một đội quân có thể làm, trong việc đốt phá, cướp bóc và tàn sát, không chỉ ở bờ biển Essex, mà còn ở xứ Kent, Sussex và Hampshire. Tiếp đó họ bắt tất cả ngựa và bỏ đi.”

Vì lý do gì đó mà Aethelred không chịu động binh để đánh đuổi người Viking. Thay vào đó, ông chọn trả tiền cho họ để đổi lấy hòa bình như trong quá khứ:

“Nhà vua và hội đồng giải quyết bằng cách gửi cho họ số phí bảo hộ để yêu cầu họ ngưng cướp phá. Họ đồng ý điều kiện; sau đó đoàn quân di chuyển đến Southampton, và sửa chữa chỗ trú đông ở đó; nơi họ được hầu hạ bởi người dân Vương quốc Tây Saxon.” (Triều đình đã trả cho họ số phí tương đương 16.000 bảng Anh hiện tại)

Để đổi lại, Olaf quyết định cải đạo sang Công Giáo và lập lời thề không quay lại Anh cướp bóc nữa. Theo Biên niên sử Anglo-Saxon, Olaf đã giữ đúng lời thề của mình. Theo Biên niên sử thì Olaf giữ vai trò chủ đạo vào năm 994, Sweyn chỉ là vai phụ. Mặc dù Olaf đã giữ lời thề không quay lại Anh cướp phá nữa, nhưng Sweyn thì không có ý định như vậy. Theo nhiều tài liệu ghi lại, trong khi Sweyn đang càn quét nước Anh, thì Eirik Kẻ Chiến Thắng nắm lấy cơ hội để chiếm đoạt Đan Mạch. Và trong lúc đó, vị Vua Thụy Điển qua đời và Sweyn chớp cơ hội để ngồi lên ngai vàng.

TRẬN TÀN SÁT LỄ THÁNH BRICE VÀ SỰ TRẢ THÙ CỦA SWEYN

Dưới sự lãnh đạo của Sweyn Forkbeard, người Viking tiếp tục càn quét nước Anh trong những năm tiếp theo, và vào năm 1003 ông mở một cuộc tấn công tổng lực lên hòn đảo này. Vị vua Đan Mạch quyết định tấn công trên danh nghĩa cá nhân để trả thù cho sự kiện xảy ra một năm trước. Mùa xuân năm đó, Aethelred cưới Emma, chị của Richard II, Công tước xứ Normandy. Một liên minh được thành lập giữa nước Anh và Normandy, tạo chỗ dựa cho Aethelred đứng lên chống lại người Viking.

Theo Biên niên sử Anglo-Saxon, vào năm 1002 Aethelred nhận được tin người Đan Mạch ở Anh quốc lên kế hoạch ám sát ông để đoạt quyền. Để phủ đầu, ông mở cuộc tấn công bất ngờ bằng cách tàn sát tất cả người Đan Mạch ở nước Anh vào ngày Lễ Thánh Brice (tức là ngày 13 tháng 11).

Theo nhiều tài liệu ghi nhận, một trong những người Đan Mạch bị giết là Gunhild, chị của Sweyn. Nếu điều này là thật thì sẽ làm tăng mối thù giữa Sweyn nước Anh. Dù gì thì vào năm 1003, Sweyn quyết định tấn công nước Anh:

“Khi Sweyn nhận ra người Anh đang vô ý, ông bắt họ phải trả giá; ông dẫn dắt quân đội tấn công Wilton, cướp bóc và phóng hỏa toàn ngôi làng. Sau đó ông tấn công Sarum; cuối cùng thì quay lại biển, nơi ông biết có thuyền đang chờ mình.”

SWEYN VÀ CUỘC CHINH PHỤC NA UY VÀ ANH QUỐC

Trong khi đội quân Viking của ông càn quét nước Anh, Sweyn tiến hành chinh phục Na Uy, nơi đang nằm dưới quyền cai trị của người đồng đội cũ Olaf Trygvasson. Sweyn xây dựng liên minh với người Thụy Điển và các Bá tước xứ Lade, đồng loạt tấn công Olaf. Tại Trận Svolder vào năm 1000, người Na Uy bị đánh bại, và Sweyn trở thành người cai trị mới của Na Uy. Còn vận mệnh của nước Anh cũng sẽ rơi vào tay người Viking ở Đan Mạch này sau vài năm.

Vào năm 1013, Sweyn mở cuộc càn quét khác trên đất Anh, bị bỏ dở từ năm 1004. Cuộc càn quét này khác với các cuộc càn quét trước, vì ông quyết định tấn công tổng lực để chinh phục nước Anh. Theo Biên niên sử Anglo-Saxon ghi nhận:

“Trước tháng 8, Vua Sweyn và quân đội của ông tiến đến Sandwich, và sớm thôi tràn khắp từ Đông Anglia cho đến Humber-mouth, rồi tiến lên xứ Trent, rồi đến Gainsborough. Rồi sau đó khuất phục Bá tước Utred, và tất cả người dân Northumbria, rồi người dân xứ Lindsey, rồi tất cả người dân của 5 vùng Borough, và sớm thôi tất cả đạo quân này sẽ tiến đến phía Bắc Watling-street”.

Để bảo đảm lòng trung thành của các quý tộc người Anh bị khuất phục, người Viking bắt người thân của họ làm con tin. Các con tin này được để lại cho con trai của Sweyn là Cnut, canh giữ ở Gainsborough, cơ sở mới của người Viking. Vị vua Đan Mạch này tiến về hướng Nam, tiếp tục công cuộc chinh phục hòn đảo này. Khi Sweyn đến London, ông nhận thấy rằng dân chúng sẽ không chịu phục tùng, vì vậy nên ông quyết định tiếp tục đến Bath, nơi anh ta nhận được sự phục tùng của các lãnh chúa Anglo trước khi trở về Gainsborough. Vào lúc này, London đang bị bao vây. Aethelred bị ép buộc phải lưu vong và tị nạn tại Normandy của người em rể. Vị vua lưu vong này ở lại đó cho đến tận khi Sweyn chết.

CÁI CHẾT BẤT NGỜ CỦA SWEYN FORKBEARD VÀ SỰ SUY TÀN CỦA ĐẾ CHẾ

Cuối năm 1013, Sweyn đang trên đỉnh cao quyền lực và cai trị Na Uy, Đan Mạch và Anh quốc. Nhưng đến tháng 2 năm sau, ông lại qua đời. Theo ghi chép của Biên niên sử Anglo-Saxon thì vào năm 1014, “Năm đó Vua Sweyn qua đời vào ngày Lễ Giới Thiệu Chúa (tức ngày 2 tháng 2).” Điều thú vị là tác phẩm Heimskringla cung cấp thêm chi tiết về cái chết của Sweyn: “xảy ra khi Vua Sweyn đột ngột qua đời trong đêm trên giường của ông; và người Anh nói rằng Thánh Edmund đã giết ông, giống như cách mà thần Mercury đã giết Julian Kẻ Bội Giáo.”

Kết quả là sau cái chết đột ngột của Sweyn, đế chế mà ông tạo ra đã tan rã gần như ngay lập tức. Tại Anh, Aethelred trở về từ nơi lưu đày và cai trị cho đến khi ông qua đời vào năm 1016. Tương tự như vậy, ngai vàng của Na Uy được trao lại cho người bản địa. Tuy nhiên, con trai của Sweyn, Cnut, sau này sẽ hồi sinh đế chế của cha mình. Cnut cai trị nước Anh lâu hơn cha ông nhiều, cho ông nhiều thời gian hơn để gây ấn tượng với người Anh với những điều mà ông đã làm. Những việc làm của ông đã được các nhà văn Anh thời đó ghi lại, và do đó, ngày nay ông được gọi là ‘Cnut Đại đế’. Mặt khác, Sweyn chỉ trị vì nước Anh trong khoảng năm tuần, và không có thời gian để chứng minh rằng mình là một nhà cai trị có năng lực.

NGƯỜI VIKING Ở BYZANTINE: NGƯỜI VARANGIAN VÀ CÔNG CUỘC CHINH PHỤC CỦA HỌ

Vikin.org là gì

Rõ ràng rằng người Viking là một trong những dân tộc làm thương nhân, người du hành và là lính đánh thuê nổi tiếng nhất lịch sử. Họ chu du qua nhiều vùng đất, từ Bắc Mỹ cho tới Greenland, danh tiếng của họ khắc sâu vào tâm trí của người Âu lục địa. Tuy nhiên, ít người biết được là họ đã vươn đến bao xa trên bản đồ thế giới. Thực tế là, tầm ảnh hưởng văn hóa của họ trải dài tới tận miền viễn đông xa xôi, cụ thể là Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đỉnh điểm là tầm ảnh hưởng trực tiếp của họ tới sự hình thành Nhà nước Kiev Rus’ vào thế kỷ 13.

Theo Biên niên sử chính của Nga (Russian Primary Chronicle), một trong những văn bản quan trọng nhất ghi lại ảnh hưởng của người Viking lên đất Nga, người Varangian — được định danh bởi người Hy Lạp và người Slav phía Đông — định cư ở Ladoga, Nga vào giữa những năm 750, và sau đó là vùng Novgorod gần đó. Không giống như dấu vết của người Viking vùng Scandinavia, các khu định cư của họ ban đầu không được bình lặng vì họ yêu cầu cống nạp từ những người họ đã chinh phục, người Phần Lan vùng Baltic và người Slav. Do đó, họ bị đánh đuổi khỏi vùng Novgorod trong một khoảng thời gian. Tuy nhiên, điều đáng chú ý là người Phần Lan và người Slav sớm bắt đầu đánh giá cao các quy tắc mà người Varangian đã mang lại cho cộng đồng của họ và vì vậy mà họ đã mời người Varangian quay lại và mang theo những quy tắc tương tự như vậy. Đó là khi Rurik (830-870), có dòng dõi người Nga, lần đầu tiên được ghi nhận chánh thức đứng lên lãnh đạo.

Họ hàng của Rurik là Oleg chịu trách nhiệm mở rộng lãnh thổ cho người Varangian từ vùng Novgorod lên phía Nam, cuối cùng là chiếm cứ vùng Kiev và đặt nền móng quyền lực của người Varangian tại đây vào năm 882. Vùng này trở thành thủ phủ của liên bang các bộ tộc người Slav, sau này hợp nhất thành Đại Công Quốc Kiev Rus’. Nối gót Oleg, triều đại của Vladimir Đại Đế chứng kiến sự du nhập của Cơ Đốc giáo đến cộng đồng người Varangian và sự cải đạo sau đó của họ. Con cháu của Rurik và Oleg tiếp tục nắm quyền điều hành Nhà nước Kiev, cuối cùng là dẫn đến sự thành lập của Sa quốc Nga.

Không có gì ngạc nhiên khi người Varangian cũng hung hãn không kém những người đồng tộc phương Bắc. Trong khi ham muốn của những người Viking là mở rộng lãnh thổ dọc theo vùng biển Đại Tây Dương và chiếm đóng đảo Anh, thì mục tiêu chính của người Varangian là độc chiếm sự thạnh vượng của thế giới phương Đông. Họ hung hãn và cố chấp đến nỗi cố ý gây chiến với người Byzantine để đoạt lấy sự trù phú trong trường hợp họ chiến thắng.

Người Varangian là thế lực lớn trong khu vực vì họ nắm giữ hai con đường giao thương huyết mạch từ Đông sang Tây. Con Đường Volga là tuyến giao thương quan trọng ở thế kỷ 9 nối Bắc Nga, còn được gọi là Gardariki bởi người Varangian, với vùng Trung Đông, còn gọi là Serkland. Tuyến giao thương này nổi tiếng vì mối trao đổi của cải và hàng hóa từ Biển Đen tới Biển Caspian, và vẫn là hình thức vận chuyển và thương mại chủ yếu cho đến khi suy tàn vào thế kỷ 11. Cùng lúc đó, Con Đường Dnieper, trải dài từ Biển Đen đến thủ phủ của Đế chế Byzantine là thành Constantinople, cũng góp phần quan trọng vào việc bảo vệ thành phố này khỏi người Thổ.

Khi thời đại Viking chấm dứt, phía Đông chứng kiến việc dòng người Scandinavi không còn đến khu vực này của họ, và người Varangian bắt đầu đồng hóa và kết hôn với người bản xứ. Vào thời điểm Đại Công Quốc Kiev Rus’ sụp đổ vào năm 1240 dưới gót chân người Mông Cổ, người Varangian lúc này đã tương đối là không thể phân biệt được với người Slav bản địa. Bất chấp sự hợp nhất giữa các sắc tộc, điều quan trọng là phải tạo ra sự khác biệt giữa người Viking và người Varangian để hiểu rõ hơn về tác động của họ đối với lịch sử nước Nga (kỳ sau).

ĐỘI VỆ BINH VARANGIAN CỦA ĐẾ CHẾ BYZANTINE

Câu chuyện về người Varangian tiếp diễn khi họ tập hợp lại thành Đội Vệ Binh Varangian, đội quân được tuyển chọn gay gắt và nổi bật của Đế chế Byzantine nổi lên từ thế kỷ 10. Kết hợp với những kẻ đánh thuê từ vùng Scandinavia thuở ban đầu, Đội Vệ Binh tồn tại tới tận thế kỷ 14 như là đội cận vệ hoàng gia của các Hoàng đế Byzantine.

Được trang bị áo giáp chiến đấu với áo lót trong màu xanh lam và áo choàng đỏ thẫm, với những chiếc rìu chiến dài mạ vàng, hào quang sáng chói của Vệ Binh Varangian không che lấp được sức mạnh khủng khiếp mà họ gây ra cho tất cả những kẻ đe dọa tới các vị Hoàng đế Byzantine.

KHỞI THỦY CỦA ĐỘI VỆ BINH VARANGIAN

Phần lớn những gì được biết về Vệ Binh Varangian đến từ các học giả như Công chúa Anna Komnene, con gái của Hoàng đế Alexios I, và Michael Psellos, một tu sĩ từ Constantinople — cả hai đều viết về họ vào thế kỷ 11 Công Nguyên.

Người ta tin rằng Vệ Binh Varangian được thành lập vào khoảng năm 874 khi một hiệp định giữa Đế chế Kiev Rus’ và Đế chế Byzantine được ký kết rằng người Nga sẽ gởi những chiến binh đến để hỗ trợ cho Đế chế khi cần thiết.

Mặc dù hình thức ban đầu là đi lính bắt buộc, nhưng thực tế sau đó, để chắc chắn người Varangian không nổi dậy chống lại các Hoàng đế Byzantine của họ, mới đổi sang hình thức tự nguyện. Tuy nhiên, không khó để giữ các chiến binh ngoại quốc làm việc trong triều đình, vì Đế chế được cho là đối xử với người Varangian hào phóng hơn nhiều so với các lãnh chúa ở Kiev Rus’, những người có xu hướng giữ lại các khoản tiền công và phớt lờ những lời hứa về đất đai và địa vị.

BASIL II ĐƯA NGƯỜI VARANGIAN RA TIỀN TUYẾN

Hoàng đế Basil II, còn được gọi là Basil Bulgaroktonos (Diệt Dân Bulgar), người đã thực sự đưa người Varangian lên vị trí hàng đầu trong nền văn hóa Byzantine vào thế kỷ thứ 10. Sanh ra trong Vương triều Macedonia, Basil II trị vì từ năm 976 đến năm 1025, và phần lớn được tưởng nhớ vì đã ổn định Đế chế chống lại các mối đe dọa từ bên ngoài.

Tuy nhiên, sự ổn định này phần lớn là nhờ sự hỗ trợ của người Varangian, được gởi đến cho ông bởi Vladimir I của Công Quốc Kiev Rus’, và được củng cố bởi cuộc hôn nhân giữa Vladimir với em gái của Basil là Anna. Với cuộc hôn nhân này, lực lượng Varangian trở thành đơn vị được luân chuyển qua lại giữa hai cường quốc, và họ gắn bó với nhau khi nào Đế chế còn tồn tại.

Đó là khi người Varangian được cải đạo sang Cơ Đốc giáo. Một phần trong việc Basil đồng ý cho Vladimir lấy em gái ông chính là Vladimir phải chấp nhận tôn giáo của Anna. Sau đó, Vladimir cũng chính thức được rửa tội, và Kiev Rus’ tiến vào thời kỳ “Cơ Đốc hóa”.

Ban đầu, Vệ Binh Varangian được triệu tập như một lực lượng chiến đấu bổ sung trong các cuộc giao tranh giữa Đế chế Byzantine và một số kẻ thù phía Đông. Tuy nhiên, theo lịch sử cho thấy, với những kẻ soán ngôi như Basil II, thì đội vệ binh có thể dễ dàng bị lợi dụng để lật đổ triều đình cũ.

Vì vậy, Hoàng đế Basil II thực sự tin tưởng người Varangian hơn người của ông, và do đó họ được giao một vai trò quan trọng trong đội quân hoàng gia. Công chúa Anna ghi lại trong tác phẩm “The Alexiad” rằng, người Varangian được biết đến vì lòng trung thành của họ với Hoàng đế cầm quyền. Điều này liên quan đến việc cha của bà đã chiếm được ngai vàng Byzantine.

Cuối cùng, Vệ Binh Varangian trở thành lực lượng bảo vệ cho chính Hoàng đế: một lực lượng tinh nhuệ, gắn bó, luôn ở bên cạnh Hoàng đế. Tháp tùng ông đến các lễ hội và tiệc tùng, các hoạt động tôn giáo và các công việc riêng tư, Vệ binh Varangian luôn sát cánh cùng Hoàng đế và Hoàng gia.

SỨC MẠNH VÀ UY TÍN CỦA ĐỘI VỆ BINH VARANGIAN

Chỉ trong thời gian ngắn, nhờ uy tín và nỗ lực của mình mà đội Vệ Binh Varangian trở thành một trong những đội cận vệ ưu tú của Hoàng đế. Mặc dù thời gian đầu đội cận vệ chỉ bao gồm hậu duệ của người Scandinavia, nhưng khi phát triển qua nhiều năm, họ trở thành một đội quân đa chủng tộc bao gồm: người Anglo-Saxon, người Ireland, và người Scots, v.v.

Một khoảng phí từ 7 đến 16 pound vàng được thu vào mỗi khi có người muốn đăng ký tham gia đội quân này, thường là một khoảng vay hoặc ứng trước từ chính Hoàng đế để mua sắm trang thiết bị. Sau đó, các chiến binh này mau chóng trả được nợ từ khoảng tiền lương hậu hĩnh cũng như các chiến lợi phẩm thu được sau mỗi chiến dịch.

Hơn nữa, tác giả hiện đại Lars Magnar Enoksen còn cho rằng mỗi khi một vị Hoàng đế Byzantine qua đời, thì sẽ tổ chức một nghi lễ trong đó người Varangian sẽ cướp kho báu vật hoàng gia theo một tập tục Bắc Âu cổ. Điều này làm cho các chiến binh càng giàu có hơn, và càng có nhiều người từ vùng Scandinavia mong muốn được trả phí để gia nhập đội Vệ Binh Varangian.

Là đội quân điên cuồng của Đế chế Byzantine, Vệ Binh Varangian mang danh tiếng của những người Viking tổ tiên tồn tại tới tận thế kỷ 14 như là những chiến binh và là cận vệ của đế chế phương Đông này. Nhiệm vụ bảo vệ hoàng gia mà họ đã thực hiện một cách kiên cường này đã góp phần ngăn chặn những cuộc lật đổ, soán ngôi tàn ác trong Đế chế. Mặc dù lớp phòng thủ cuối cùng này đã đến hồi kết khi diễn ra cuộc bao vây thành Constantinople trong cuộc Thập Tự Chinh thứ 4 vào năm 1204 Công Nguyên, người Varangian vẫn tồn tại lâu dài vượt xa tổ tiên Viking của họ với tư cách là một lực lượng tinh nhuệ, mạnh mẽ, giàu có về tài sản lẫn quyền lực.

CNUT ĐẠI ĐẾ — MỘT NGƯỜI ĐÀN ÔNG, MỘT THẦN THOẠI, VÀ MỘT VỊ QUÂN CHỦ NGƯỜI VIKING CỦA NHIỀU VƯƠNG QUỐC

Vikin.org là gì

Cnut Sweynsson, còn được gọi là Cnut Đại Đế, là một nhà cai trị của nước Anh, Đan Mạch, Na Uy, và một phần của Thụy Điển. Lãnh thổ của ông thường được gọi là Đế chế Bắc Hải, hay là Liên Hiệp Các Vương Quốc Angle-Scandinavia và Cnut là một những nhà cai trị hùng mạnh nhất Châu Âu trong suốt thế kỷ 11. Cnut còn là một nhà cai trị thành công và có năng lực vì đã kiểm soát hoàn toàn nhiều phần khác nhau trong Đế chế của mình. Sau khi ông qua đời, Đế chế Bắc Hải nhanh chóng suy tàn. Để chế chìm dần vào quên lãng với tư cách là từng có một người Đan Mạch cai trị Anh Quốc, do nổi lên một cuộc xâm lược khác từ hải ngoại, mà còn gọi là Cuộc Chinh Phục của Người Norman, xảy ra vài thập niên sau cái chết của Cnut.

Cnut Đại Đế ra đời vào khoảng giữa năm 985 và năm 995 Công Nguyên. Cha ông là Sweyn Forkbeard, còn danh tính mẹ của ông thì lại không rõ ràng lắm. Theo nhiều tài liệu thời Trung Cổ, mẹ của Cnut là con gái của Mieszko I của Ba Lan. Trong một vài tài liệu khác, mẹ của Cnut không có danh tính, bà chỉ được gọi là Gunhild. Còn có tuyên bố rằng mẹ của Cnut là Sigrid Kiêu Căng, người từng là Nữ hoàng của Thụy Điển mà Sweyn đã lấy sau cái chết của chồng bà.

SWEYN FORKBEARD — CHA CỦA CNUT ĐẠI ĐẾ VÀ LÀ MỘT VỊ VUA NỔI BẬT NGƯỜI VIKING

So với vợ của ông thì chúng ta biết được nhiều hơn về Sweyn. Cha của Cnut là một chiến binh người Viking hùng mạnh, tiến tới nắm quyền toàn Đan Mạch vào năm 986 Công Nguyên, sau cái chết của cha Sweyn. Năm 1000, Sweyn đánh bại và tiêu diệt Olaf I Trygvessön, Vua của Na Uy. Vương quốc sau đó bị xâu xé bởi đồng minh người Đan Mạch và người Thụy Điển. Năm 1013, một thời gian ngắn trước khi qua đời, Sweyn chinh phục nước Anh. Chính Sweyn là người thành lập nên Đế chế Bắc Hải. Sau cái chết của ông, Đế chế dần suy tàn khi Na Uy, Đan Mạch và Anh Quốc lần lượt được các vị vua khác nhau cai trị. Ở Đan Mạch, do một trong những người con trai của Sweyn, Harald II, thừa kế ngai vàng. Ở Na Uy, Sweyn truyền lại cho Olaf II. Còn ở Anh là do Aethelred II làm vua.

Sau cái chết của cha ông, Cnut được đưa vào chỉ huy quân đội Đan Mạch ở Gainsborough, Anh Quốc. Có rất ít tư liệu về cuộc đời trước đây của Cnut. Trên thực tế, ông dường như chỉ là một nhân vật không mấy nổi bật cho tới tận năm 1013. Đó là năm mà Sweyn tiến hành xâm lược Anh Quốc và Cnut sát cánh cùng cha ông trên con đường mở rộng lãnh thổ. Khi Sweyn tiến tục tiến hành chiến dịch, Cnut phải ở lại Gainsborough để chỉ huy đội quân đóng tại đây. Khi Sweyn qua đời, quân đội Đan Mạch tôn Cnut là vị tân vương của nước Anh. Tuy nhiên, giới quý tộc Anh thì lại khôi phục Aethelred về lại ngai vàng.

SỰ TRỞ LẠI CỦA AETHELRED VÀ KẾ HOẠCH TRẢ THÙ CỦA CNUT

Sau khi bị Sweyn đánh bại, Aethelred phải sống lưu vong tại vùng Normandy. Khi Aethelred nhận được tin giới quý tộc muốn ông quay trở lại làm vua, ngay lập tức, ông tập hợp quân đội và ra khơi quay trở lại Anh. Nhận thấy lực lượng của mình không đủ để chống lại Aethelred, Cnut rời bỏ nước Anh và quay lại Đan Mạch. Khi người Đan Mạch đi thuyền ngang đảo Sandwich, Cnut sát hại tất cả con tin mà giới quý tộc đưa về cho cha ông như một lời cam kết hỗ trợ, và để xác trên bờ biển. Điều này nhằm mục đích gởi thông điệp cho người Anh rằng những kẻ phá bỏ lời thề sẽ bị trừng phạt. Và chỉ vài năm sau sự kiện tàn bạo trên, Cnut sẽ giáng cơn báo thù của ông lên người Anh.

Khi Cnut quay lại Đan Mạch, vương quốc đang nằm dưới quyền cai trị của người anh em của ông là Harald. Do đó, ông đề nghị rằng cả hai anh em nên cùng nhau cai trị đất nước. Không ngạc nhiên lắm khi Harald thấy đề xuất này không tốt đẹp gì cho lắm, và thay vào đó, ông đề nghị sự hỗ trợ của Cnut để xâm lược nước Anh, đổi lại, ông sẽ chấp nhận thoái vị ngai vàng Đan Mạch. Cnut chấp nhận yêu cầu của người anh em này. Năm 1015, Cnut tập hợp một đội quân 1 vạn người và chuẩn bị tiến hành xâm lược. Trong số những người tham gia vào đội quân của Cnut còn có Erik Hakonarson, người anh rể ở Na Uy của Cnut; Thorkell Thông Thái, một thủ lãnh lính đánh thuê hùng mạnh; và Eadric Streona, Quận công xứ Mercia. Thorkell và Eadric gia nhập với Cnut sau khi người Đan Mạch đã đổ bộ lên đất Anh.

Cnut đầu tiên đổ bộ lên Wessex, nơi ông dễ dàng chiếm được. Sau đó ông tấn công và bao vây Northumbria, xử tử Quận công ở đây là Uhtred, vì đã phản bội lời thề với Sweyn. Người Đan Mạch tiếp tục công cuộc chinh phục nước Anh trong nhiều tháng sau. Tháng 4 năm 1016, họ xuôi dòng sông Thames, và bao vây London. Aethelred qua đời trong cuộc bao vây này và truyền ngôi lại cho con trai là Edmund Ironside. Tại Trận Assandun vào tháng 10, người Anh bị đánh bại bởi người Đan Mạch, và Edmund bị ép phải ngồi đàm phán với Cnut. Và kết quả là, nước Anh bị chia cắt. Edmund kiểm soát vùng Wessex và Cnut cai trị phần còn lại. Khi Edmund qua đời vào tháng 1 năm tiếp theo, Cnut trở thành người cai trị duy nhất trên toàn nước Anh.

CNUT BẢO TOÀN VỊ TRÍ — HÔN SỰ VỚI PHU NHÂN CỦA AETHELRED QUÁ CỐ

Để bảo vệ vị trí của mình, Cnut hành động một cách dứt khoát và tàn nhẫn. Vì ông vẫn chưa tin tưởng được giới quý tộc Anh sau sự phản bội của họ vào năm 1013, Cnut cho người bao vây lãnh địa của họ và bắt họ giao cho người của mình xử lý. Đây còn là phần thưởng cho sự tham gia của họ vào chiến dịch cũng như đảm bảo sự trung thành của các tân lãnh chúa này. Ví dụ như, Erik được phong làm Bá tước xứ Northumbria, còn Thorkell là Bá tước xừ Đông Anglia. Hơn nữa, Cnut còn cho người xử tử các quý tộc Anh trung thành với Eadwig, anh em của Edmund. Cnut còn ra lệnh tiêu diệt toàn bộ con trai của Edmund, mặc dù họ đã cố bỏ trốn tới Hungary.

Một khi ngai vàng nước Anh của Cnut đã vững chắc, ông trở thành một nhà cai trị tốt. Ông chia nước Anh ra thành 4 khu vực hành chánh — Wessex, Mercia, Đông Anglia, và Northumbria. Hệ thống lãnh thổ như vậy sẽ là cơ sở cho nước Anh hàng thế kỷ sau đó. Cách quản lý nước Anh của Cnut không còn phụ thuộc nhiều những người đồng hương Scandinavia tiền nhiệm, ông sử dụng nhiều người Anh bản xứ hơn, chẳng hạn Bá tước vùng Wessex và Mercia được trao lại vào tay người Anh từ năm 1018. Cùng năm đó, một thỏa thuận được ký kết giữa người Đan Mạch và người Anh tại Oxford, và hạm đội của Cnut được hoàn trả nợ nần đầy đủ.

Cnut cũng có những đóng góp đáng chú ý khác cho nước Anh. Ví dụ, ông đã ban hành hai dự luật bổ sung. Mặc dù những luật này dựa trên những luật đã được Edgar Hòa Bình thông qua, nhưng đã được cải cách. Ngoài ra, một số luật mới cũng được thêm vào.

Dưới quyền cai trị của người Đan Mạch, nước Anh phát triển thạnh vượng về mặt kinh tế. Trong nhiều thập niên trước khi Cnut xuất hiện, người Viking thường xuyên đột kích các bờ biển còn lục địa thì dịch bệnh hoành hành tàn phá nền kinh tế nước Anh. Cnut mang lại sự vững chắc cho nội lực nước Anh, bảo vệ vương quốc khỏi các cuộc đột kích của người Viking, điều này thì khá dễ dàng vì dù sao ông cũng là người Viking quyền lực nhất thời bấy giờ.

TÂN VƯƠNG CỦA ĐAN MẠCH VÀ NA UY

Không lâu sau khi trở thành người cai trị duy nhất của nước Anh, Cnut cũng trở thành Vua của Đan Mạch. Người anh em của Cnut là Harald, qua đời vào năm 1018 và không có người nối dõi. Với sự trợ giúp của quân đội Anh, Cnut thành công bảo vệ ngôi vương của mình. Vì không thể có mặt cùng lúc tại Anh và Đan Mạch, ông chỉ định anh rể là Ulf Jarl, làm Bá tước xứ Đan Mạch, làm người bảo hộ cho vương quốc. Cnut tin rằng ỗng nắm chắc Đan Mạch trong tay, và tuyên bố rằng con trai ông, Harthacnut, sẽ là người kế thừa ngai vàng Đan Mạch, dưới sự bảo trợ của Ulf. Sự vắng mặt của Cnut tại Đan Mạch lại tạo cơ hội cho người Thụy Điển và người Na Uy tấn công vương quốc. Cùng lúc đó, sự vắng mặt của Cnut gây nên sự bất bình ngày càng tăng cho người dân Đan Mạch. Ulf tận dụng cơ hội để vận động người Đan Mạch bầu cho Harthacnut, người vẫn còn là một đứa trẻ, là vị vua mới. Vì thế, Ulf coi như là một người quyền lực nhất Đan Mạch.

Khi Cnut nhận được tin báo về tình hình Đan Mạch, ông rời khỏi nước Anh để giải quyết mớ rắc rối này. Năm 1026, Cnut đánh bại người Thụy Điển và người Na Uy tại Trận Helgeå. Lúc này, Cnut nhận được sự hỗ trợ của Ulf, người đã quay lại phe của nhà vua. Câu chuyện về họ tiếp tục diễn ra với buổi tiệc đếm Giáng Sinh. Một cuộc tranh cãi đã nảy ra giữa hai người. Ngày tiếp theo, Cnut lệnh cho một trong các vệ binh của ông ám sát Ulf tại Nhà thờ Chúa Ba Ngôi (sau này trở thành Đại Thánh Đường Roskidle).

Mục tiêu tiếp theo của Cnut là Na Uy. Ông bắt đầu chinh phục vương quốc này từ bên trong, bằng cách gây ra mối bất hòa giữa người Na Uy với nhà vua của họ. Năm 1028, Cnut tới Na Uy và Vua Na Uy khi đó là Olaf II Haraldsson không thể phát động môt cuộc chiến vì người của ông đã từ bỏ ông. Được ghi nhận trong “Biên Niên Sử Anglo-Saxon”, Cnut tới Na Uy từ Anh với một hạm đội gần 50 chiến thuyền và thành công trong việc loại bỏ Olaf khỏi ngai vàng vương quốc.

CNUT ĐẠI ĐẾ, NGƯỜI BẢO TRỢ CHO CƠ ĐỐC GIÁO HAY LÀ NGƯỜI NGOẠI ĐẠO?

Cnut trao Na Uy cho Hakon Eriksson, con trai của Erik Hakonarson. Năm 1027, khi Cnut quay trở về từ Rome sau khi tham dự lễ đăng quang của Conrad II, Hoàng đế La Mã Thần Thánh, ông gởi thư cho người của mình, tuyên bố rằng ông là Vua của Anh, Đan Mạch, Na Uy và một phần Thụy Điển.

Hành trình của Cnut tới Rome được cho là thể hiện cho Giáo Hội thấy ông là một quân chủ Công Giáo, một địa vị mà ông chứng tỏ bằng cách là người bảo trợ cho Giáo Hội. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ là việc bảo trợ của Cnut là do đức tin của ông hay vì mục đích chánh trị, có lẽ là cả hai. Nhưng dựa vào mối quan hệ thân tình giữa ông và Conrad thì khó có thể nói rắng ông là người ngoại đạo.

Sau khi chinh phục nước Anh, Cnut cho tu sửa toàn bộ nhà thờ và tu viện bị quân đội cướp phá. Ông còn cho xây mới nhiều tu viện và nhà thờ hơn nữa đồng thời hiến tặng nhiều bảo vật vô giá. Sự hào phóng của Cnut không chỉ mang lại lợi ích cho Nhà thờ tại Anh mà còn cho cả người dân Anh, những người hành hương từ Anh tới Rome. Nhờ mối giao hảo giữa Cnut và các quân chủ Công Giáo khác trong thời gian ông ở Rome mà những người hành hương từ Anh được giảm thuế phí (hay được miễn ở một số vùng) và được bảo vệ an toàn khi tới Rome.

Tuy nhiên, một vài hành động của Cnut lại chứng tỏ tính chất “ngoại đạo” của Cnut như mối quan hệ của ông với dàn hậu cung, xử tử các quý tộc Công Giáo sau khi chinh phạt thành công nước Anh, khoan dung với ton giáo ngoại đạo, vì nhiều binh lính người Viking của ông vẫn tôn thờ các vị thần Bắc Âu.

Ví dụ cuối cùng về lòng mộ đạo Cơ Đốc của Cnut được ghi nhận trong truyền thuyết nổi tiếng có tên là “Cnut and the Waves”. Câu chuyện gốc được tìm thấy trong tác phẩm “Historia Anglorum” thế kỷ 12, được viết bởi Henry, phó giám mục xứ Huntingdon. Trong câu chuyện này, Cnut ra lệnh đặt một chiếc ghế trên bờ biển khi thủy triều rút. Nhà vua ngồi trên chiếc ghế của mình, tuyên bố tước hiệu thống lĩnh của biển cả và ra lệnh cho sóng biển ngừng xâm phạm đất đai của mình. Đại dương không để ý đến nhà vua, và những con sóng tiếp tục ập đến, làm ướt đẫm đôi chân của Cnut. Nhà vua giật mình, tuyên bố rằng quyền lực của các vị vua trên mặt đất không là gì, và chỉ có Ngài là Đấng Tối Cao trên trời, dưới đất và trong biển cả. Kể từ ngày đó trở đi, Cnut không bao giờ đội vương miện của mình nữa mà đặt nó trên một cây Thánh Giá. Truyền thuyết đã được kể lại nhiều lần trong nhiều thế kỷ, đôi khi có thêm những chi tiết mới. Trong một số phiên bản, Cnut được cho là đã làm điều này để trách những kẻ xu nịnh.

Ngày nay, Cnut được tưởng nhớ tới như là một nhà cai trị có năng lực, đặc biệt là khi so sánh với những kẻ kế thừa ông. Ông qua đời vào năm 1035, kéo theo đó là Đế chế Bắc Hải mà ông gây dựng bị chia cắt bởi các người con trai. Tuy nhiên, không ai trong số họ có thể gìn giữ được cơ đồ của ông. Dẫn tới kết quả là Anh, Đan Mạch và Na Uy rơi vào tay các triều đại phong kiến khác.