Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ vẻ đẹp quê hương

Ai cũng có một quê hương, có nơi chôn rau cắt rốn của mình. Tôi yêu quê hương tôi da diết, cái tình yêu ấy đã nảy sinh từ thuở tôi mới lọt lòng, tôi yêu những cánh đồng thẳng cánh cò bay, dòng sông quê nước trong văn vắt, đầm sen ngọt ngào hương thơm của đất, của trời. Tôi yêu tiếng chim ca mỗi buổi sớm mai cho tôi một ngày nắng đẹp, tiếng cựa mình thức giấc cảu chồi non, tiếng quê hương tôi đang dần thay da đổi thịt. Tôi yêu cả những con người lam lũ vất vả một nắng hai sương, sớm tối cần mẫn trên cánh đồng. Quê hương đón tôi chào đời bằng dòng nước mát lành và nuôi tôi lớn lên bằng những hạt ngọc của trời. Thật tự hào biết mấy khi được là người con của mảnh đất màu mỡ này. Nơi đây đã ghi dấu bao kỉ niệm thuở ấu thơ của tôi, những buổi chiều ra chiền đê hóng mát, gối đầu lên thảm cỏ xanh mượt mà, tận hưởng cái mùi hương tinh khiết vô cùng mộc mạc của quê hương là thú vui ưa thích của tôi. Tôi cũng không quên được những ngày đi trộm ổi, những buổi ra sông bắt con tôm, con tép hay khoảng thời gian ngẩng lên bầu trời mà ước mơ về một tương lai tốt đẹp.Quê hương – tiếng gọi thân thương mà quen thuộc, quê hương nơi cho tôi những ngày ấu thơ, cho tôi hoài bão về một tâm hồn đẹp.

Dàn ý & 11 đoạn văn mẫu lớp 6

Download.vn sẽ cung cấp Bài văn mẫu lớp 6: Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát.

Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài thơ vẻ đẹp quê hương
Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát

Tài liệu bao gồm dàn ý và 11 bài văn mẫu, dành cho học sinh lớp 6. Mời tham khảo nội dung chi tiết dưới đây.

Viết đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát

1. Mở đoạn

Giới thiệu tên bài thơ, tác giả (nếu có), cảm nghĩ chung về bài thơ.

2. Thân đoạn

- Chỉ ra nội dung hoặc nghệ thuật cụ thể của bài thơ khiến em yêu thích và có nhiều cảm xúc, suy nghĩ. Ví dụ: về nội dung, bài thơ viết về đề tài gia đình thân thuộc, về tình cảm yêu thương gắn bó giữa mọi người…; về hình thức, bài thơ sử dụng thể lục bát quen thuộc, gần gũi, có cách ngắt nhịp và gieo vần phù hợp với việc thể hiện nội dung tình cảm gia đình…

- Nêu lên các lý do khiến em yêu thích. Ví dụ: về nội dung, bài thơ cho em những kỉ niệm, tình cảm, cảm xúc thân thương về ông, bà, cha, mẹ... ; về nghệ thuật, tác giả đã sử dụng các từ ngữ, hình ảnh rất sinh động, gợi cảm; các biện pháp tu từ và cách gieo vần, ngắt nhịp độc đáo của thơ lục bát…

3. Kết đoạn

Khái quát lại cảm nghĩ của bản thân về ý nghĩa của bài thơ.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát - Ca dao

Đoạn văn mẫu số 1

Ca dao Việt Nam có rất nhiều bài nói về công ơn của cha mẹ, nhưng tôi cảm thấy yêu thích nhất là bài:

“Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”

Qua bài ca dao, tác giả dân gian đã khẳng định công ơn to lớn của đấng sinh thành, và qua đó khuyên nhủ con cái phải biết hiếu thảo với cha mẹ. Không chỉ nội dung ý nghĩa, mà nghệ thuật được sử dụng cũng khiến tôi cảm thấy ấn tượng. “Công cha” được so sánh với “núi Thái Sơn” - một ngọn núi có thật ở Trung Quốc. Đây là ngọn núi cao, có địa hình hiểm trở và từng trở thành cảm hứng sáng tác của nhiều nhà văn nhà thơ. Khi so sánh công ơn dưỡng dục của người cha với núi Thái Sơn, mỗi người mới hiểu hết được sự lớn lao của cha. Trên hành trình của sự trưởng thành, cha chính là người dạy dỗ con những điều hay lẽ phải, hướng con trở thành một người có đạo đức. Tiếp đến là “nghĩa mẹ” được so sánh với hình ảnh “nước trong nguồn chảy ra” - dòng nước mát mẻ và tinh khiết. Hình ảnh so sánh gợi nhắc về những hy sinh của mẹ. Người mẹ mang nặng đẻ đau suốt chín tháng mười ngày, sinh con ra và chăm sóc con từng miếng ăn giấc ngủ. Con lớn lên nhờ dòng sữa trong trẻo và ngọt ngào của mẹ. Ngay cả khi trưởng thành, dù có bất cứ khó khăn gì, đứa con vẫn đều tìm về bên mẹ để được vỗ về, yêu thương. Như vậy, bài ca dao đã đem đến cho tôi bài học suy ngẫm sâu sắc.

Đoạn văn mẫu số 2

Dân tộc Việt Nam có phẩm chất tốt đẹp, điều đó đã được thể hiện qua bài ca dao:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen
Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”

Bài ca dao đã mượn hình ảnh hoa sen để ẩn dụ cho phẩm chất của con người. Mở đầu là một câu hỏi tu từ “Trong đầm gì đẹp bằng sen?” như một lời khẳng định rằng trong đầm có nhiều loài hoa rực rỡ, nhưng không có bất cứ loài hoa nào có thể sánh được với hoa sen. Hai câu ca dao tiếp theo vẽ nên vẻ đẹp rất đỗi bình dị mà thanh cao của chúng: lá xanh, bông trắng, nhị vàng. Cách sử dụng điệp ngữ “nhị vàng”, “bông trắng” và “lá xanh” nhằm gợi ra hình ảnh tả thực những cánh hoa xếp tầng tầng lớp lớp tạo nên những bông hoa. Câu thơ cuối cùng “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”, hoa sen vốn sinh trưởng trong môi trường đầm lầm - một nơi có rất nhiều bùn. Mà đặc tính của bùn là có mùi hôi tanh, rất khó chịu. Mặc dù sống trong môi trường như vậy, nhưng hoa sen vẫn có mùi thơm ngát dịu dàng. Cũng giống như con người Việt Nam có lối sống giản dị, mộc mạc. Nhưng họ lại có phẩm chất tốt đẹp, cao quý. Sống trong hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn giữ được tâm hồn thanh cao. Chỉ một bài ca dao ngắn gọn nhưng đã thể hiện được những vẻ đẹp của con người Việt Nam.

Đoạn văn mẫu số 3

Bài ca dao: “Thân em như trái bần trôi/Gió dập sóng dồi biết tấp vào đâu?” giúp người đọc hiểu hơn về số phận của người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Mở đầu bằng mô típ quen thuộc - “thân em” gợi cảm giác yếu đuối, mong manh và khiêm nhường. Cùng với đó là hình ảnh so sánh “trái bần trôi” mang nhiều nét tương đồng với cuộc đời và thân phận của người phụ nữ. Trái bần có vị vừa chua, vừa chát cũng giống với cuộc đời lận đận của người phụ nữ xưa. Trái bần đến khi già thường rụng xuống sông ngòi, lênh đênh theo dòng nước. Tiếp đến câu thơ“Gió đạp sóng dồi biết tấp vào đâu?” là một câu hỏi từ, hỏi đấy mà như một lời than thân, trách phận nhiều hơn. Nếu như trái bần trôi giữa dòng nước chẳng biết về đâu. Thì cuộc đời của người phụ nữ cũng như vậy. Lễ giáo phong kiến trọng nam khinh nữ khiến cho người phụ nữ không có quyền làm chủ số phận của bản thân. Họ phải sống phụ thuộc vào những người khác - không có quyền tự do yêu đương, hôn nhân. Bài ca dao giúp chúng ta thêm trân trọng những người phụ nữ hơn.

Đoạn văn mẫu số 4

Ca dao đã có rất nhiều câu ca ngợi công lao to lớn của những đấng sinh thành. Một trong số đó là bài ca dao:

“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”

Trước hết, bài ca dao sử dụng hình ảnh so sánh “công cha” với “núi ngất trời”; “nghĩa mẹ” với “nước ở ngoài biển Đông”. Cách so sánh lấy cái trừu tượng của tình phụ tử, mẫu tử để so sánh với cái mênh mông, vĩnh hằng, vô hạn của trời đất, thiên nhiên. Công cha so với núi ngất trời là khẳng định sự lớn lao, nghĩa mẹ so với nước biển Đông là để khẳng định chiều sâu, chiều rộng và sự dạt dào. Còn nhắc tới “cù lao chín chữ” là nhắc đến công lao của cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề. Chín chữ cù lao gồm có sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (theo dõi tính tình mà uốn nắn), phúc (che chở). Bởi vậy mà đứa con cần phải ghi nhớ công ơn trời bể đó, cũng như sống có trách nhiệm hơn. Bài ca dao giúp mỗi người hiểu hơn về công ơn của cha mẹ.

Đoạn văn mẫu số 5

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”

Bài ca dao đã đem đến cho người đọc ấn tượng sâu sắc về vẻ đẹp của khung cảnh hồ Tây. Tác giả dân gian đã vẽ nét một bức tranh đầy thơ mộng, trữ tình. Thiên nhiên hồ Tây hiện lên sinh động, mà lãng mạn. Bầu trời mùa thu trong xanh, khoáng đạt. Những cơn gió khe khẽ đưa làm lay động cành trúc. Âm thanh của tiếng chuông ngân vang hòa cùng tiếng gà gáy báo canh gợi ra một cuộc sống sôi động. Cùng với đó là làn sương khói mờ ảo bao phủ không gian khiến cho khung cảnh thêm thơ mộng. Tiếng chày nhịp nhàng đã gợi ra vẻ đẹp truyền thống của người dân đất Thăng Long xưa với nghề làm giấy ở làng Yên Thái. Cuối cùng là vẻ đẹp của mặt hồ Tây ẩn trong khói sương mịt mù chợt hiện ra như một tấm gương long lanh dưới ánh nắng mai. Những âm thanh nhịp nhàng vang vọng từ tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy đến tiếng chày giã giấy cũng báo hiệu cho một ngày mới đã bắt đầu. Sức sống đang trỗi dậy khắp mọi không gian. Bài thơ giúp cho người đọc thêm yêu vẻ đẹp mảnh đất Thăng Long.

Đoạn văn mẫu số 6

“Đường lên xứ Lạng bao xa?
Cách một trái núi với ba quãng đồng.
Ai ơi đứng lại mà trông:
Kìa núi thành Lạng, kìa sông Tam Cờ”

Đến với bài ca dao trên, người đọc cảm thấy ấn tượng về mảnh đất xứ Lạng. Mở đầu bài thơ là một câu hỏi tư từ “Đường lên xứ Lạng bao xa?” nhưng lại giống như một lời gợi mở. Tưởng rằng con đường lên xứ Lạng chẳng cách bao xa. Nhưng thực tế lại “cách một trái núi với ba quãng đồng” cho thấy sự xa xôi, cách trở của mảnh đất này. Từ đó, chúng ta thấy được hết sự hùng vĩ, rộng lớn của mảnh đất xứ Lạng. Những địa danh như núi thành Lạng, những sông Tam Cờ đều là những địa danh nổi tiếng của vùng đất quê hương này. Khi đọc bài ca dao này, chúng ta càng yêu thêm khung cảnh của mảnh đất xứ Lạng.

Đoạn văn mẫu số 7

“Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi”

Bài ca dao được viết theo thể thơ lục bát mang âm điệu trầm bổng tựa như lời ru ngọt ngào của người mẹ. Mượn những hình ảnh thiên nhiên để nói đến công lao to lớn của cha mẹ đối với con cái. Tác giả dân gian đã dùng cái to lớn, vĩ đại của thiên nhiên - đó là “núi”, “biển” để thể hiện công lao sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ. Người cha có công sinh thành, dưỡng dục và dạy dỗ cho con nhiều điều hay lẽ phải. Người mẹ mang nặng đẻ đau chín tháng mười ngày. Không chỉ vậy, đứa con sinh ra còn được mẹ chăm sóc, bảo vệ từng miếng ăn, cái mặc. Hình ảnh “cù lao chín chữ” muốn nói về công lao của cha mẹ nuôi con vất vả nhiều bề. Và chín chữ ở đây cù lao gồm có sinh (đẻ), cúc (nâng đỡ), phủ (vuốt ve), súc (cho bú, cho ăn), trưởng (nuôi cho lớn), dục (dạy dỗ), cố (trông nom), phục (theo dõi tính tình mà uốn nắn), phúc (che chở). Câu thơ giống như một lời nhắn nhủ, khuyên bảo con cái phải ghi nhớ công ơn của cha mẹ. Qua bài ca dao, người đọc mới thấu hiểu được công ơn của cha mẹ lớn đến nhường nào.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát - Về thăm mẹ

Khi đọc bài thơ “Về thăm mẹ” của tác giả Đinh Nam Khương, tôi cảm thấy vô cùng xúc động về tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Vào một chiều đông, nhân vật người con trong bài đã có dịp về thăm mẹ sau những tháng ngày xa cách. Khi trở về, mẹ không có nhà, người con ngồi ngoài hiên ngắm nhìn căn nhà xưa với những hình ảnh gợi nhớ về mẹ. Đó là chum tương đã đậy, áo tơi lủn củn khoác hờ người rơm, đàn gà mới nở, trái na cuối vụ mẹ vẫn để dành. Những hình ảnh ẩn dụ được tác giả sử dụng khéo léo nhằm thể hiện được sự vất vả, tần tảo và hy sinh của người mẹ dành cho đứa con của mình. Điều đó khiến người con cảm thấy nghẹn ngào, thương mẹ nhiều hơn. Hình ảnh người mẹ Việt Nam hiện lên trong bài thơ với những nét đẹp vốn có khiến cho mỗi người khi đọc đều xúc động nhớ đến người mẹ của mình. Bài thơ nhẹ nhàng mà ẩn chứa những điều sâu lắng.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát - À ơi tay mẹ

“À ơi tay mẹ” của Bình Nguyên là một trong những bài thơ hay viết về tình cảm mẫu tử thiêng liêng. Trong bài thơ, tác giả đã sử dụng hình ảnh mang tính biểu tượng - “đôi bàn tay” để nhắc về người mẹ. Đôi bàn tay kì diệu mang phép nhiệm màu che chở cho con. Chỉ là một đôi bàn tay rất bình thường, nhưng dường như lại có sức mạnh phi thường. Điều đó xuất phát từ tình yêu sâu sắc mà người mẹ dành cho đứa con của mình. Mẹ đã bảo vệ, che chở con qua “mưa sa”, “bão mùa màng”. Không chỉ vậy, người mẹ gọi con “vầng trăng” và “mặt trời bé con”. Cách gọi đó cho thấy tình cảm yêu thương của mẹ đối với con. Với mẹ, con chính là ánh trăng hay mặt trời, bất kể là đêm hay ngày đều đem lại nguồn sống cho mẹ. Dù vạn vật có biển chuyển không ngừng thì đôi bàn tay của mẹ vẫn sẽ ôm lấy con, lời ru của mẹ vẫn cất lên. Tình yêu của mẹ là không có gì thay đổi. Lời ru ngọt ngào đó đã cho con giấc ngủ êm đềm, đã tác động đến vạn vật trong cuộc sống. Và đôi bàn tay của mẹ đã làm nên phép màu. Nó không những là ru con vào giấc ngủ yên lành mà còn nâng niu con trên từng bước đường đời. Quả vậy, “À ơi tay mẹ” của Bình Nguyên đem đến tình cảm ngọt ngào, mà sâu lắng cho mỗi người đọc.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát - Chuyện cổ nước mình

“Chuyện cổ nước mình” của Lâm Thị Mỹ Dạ đưa người đọc bước vào thế giới của những câu chuyện cổ. Những câu chuyện đó đem đến những giá trị nhân văn cao đẹp. Đó là tinh thần tương thân tương ái, tình nghĩa thủy chung son sắc và ở hiền gặp lành. Nhà thơ đã sử dụng những hình ảnh quen thuộc trong những câu chuyện cổ. Người đọc thấy hiện ra trước mắt mình là hình ảnh Thạch Sanh dũng cảm, cô Tấm hiền lành, hay anh chàng đẽo cày giữa đường…Từ đó, nhà thơ khẳng định “chuyện cổ” đã trở thành hành trang quan trọng trong cuộc sống. Và những câu chuyện cổ gửi gắm bài học nhân văn sâu sắc chắc chắn sẽ còn mãi với thời gian. Tóm lại, bài thơ đã giúp người đọc nhận ra những bài học ý nghĩa.

Đoạn văn ghi lại cảm nghĩ về bài thơ lục bát - Việt Nam quê hương ta

Việt Nam quê hương ta là một bài thơ hay của Nguyễn Đình Thi viết về quê hương, đất nước. Bốn câu thơ đầu tiên, tác giả đã khắc họa phong cảnh rộng lớn, hùng vĩ nhưng cũng rất nên thơ, trữ tình. Những hình ảnh tiêu biểu cho đất nước, con người Việt Nam được tác giả khắc họa như: “biển lúa, cánh cò, đỉnh Trường Sơn, áo nâu nhuộm bùn, đất nghèo, hoa thơm quả ngọt”. Cùng với đó là đức tính tốt đẹp của người Việt Nam - sự vất vả, cần cù nhưng vẫn giữ phẩm chất tốt đẹp. Tiếp đến, nhà thơ đã cho người đọc thấy được truyền thống đánh giặc bảo vệ đất nước. Từ bao đời nay, dân tộc Việt Nam đã phải đối mặt với những kẻ thù xâm lược. Nhưng trong hoàn cảnh đó, nhân dân ta vẫn kiên cường, đoàn kết đấu tranh chống lại kẻ thù. Nhiều anh hùng đã đứng lên lãnh đạo nhân dân bảo vệ đất nước. Sau đó, nhà thơ tiếp tục cho người đọc sẽ hiểu hơn về phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Đó là tinh thần kiên cường, bất khuất (chịu nhiều đau thương, chìm trong máu lửa lại vùng đứng lên, đạp quân thù xuống đất đen) và chịu thương chịu khó (súng gươm vứt bỏ lại hiền hơn xưa). Cùng với tình nghĩa thủy chung - “yêu ai yêu trọn tấm lòng thuỷ chung”. Và cả sự tài hoa, khéo léo của con người - “tay người như có phép tiên”. Nguyễn Đình Thi đã bộc lộ lòng tự hào, tình yêu sâu sắc dành cho con người, đất nước Việt Nam. Như vậy, bài thơ “Việt Nam quê hương ta” đã để lại cho người đọc nhiều cảm xúc sâu sắc.