Vì sao phải kiểm soát chi ngân sách nhà nước

Chuyên đề 21: KIỂM SOÁT CHI THƯỜNG XUYÊN VÀ CHI  ĐẦU TƯ  TRONG NƯỚC THEO LUẬT NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2017                                                                   

ThS. Trương Thị Tuấn Linh, Kho bạc nhà nước Trung ương

Năm 2017 là năm đầu tiên thực hiện Luật Ngân sách Nhà nước 2015, cơ chế chính sách có nhiều thay đổi và có tác động sâu sắc đến công tác kiểm soát chi NSNN của hệ thống KBNN, một số văn bản  mới được ban hành và có hiệu lực thực hiện trong năm 2017 như  Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước; Nghị định số 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; thay thế Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ về hợp đồng trong hoạt động xây dựng; Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, thay thế Nghị định số 112/2009/NĐ-CP ngày 14/12/2009 của Chính phủ. Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 61/2014/TT-BTC ngày 12/05/2014 hướng dẫn đăng ký và sử dụng tài khoản tại KBNN trong điều kiện áp dụng hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc.

Kiểm soát chi vốn NSNN qua hệ thống KBNN  là việc KBNN căn cứ vào các quy định hiện hành của Nhà nước, thực hiện việc kiểm soát các hồ sơ, tài liệu của dự án do đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư, gửi đến theo quy định, xác định số chấp nhận tạm ứng hoặc thanh toán, sau đó thực hiện tạm ứng hoặc thanh toán theo số đã được KBNN chấp nhận.

Theo Luật NSNN, việc kiểm soát các khoản chi của các đơn vị sử dụng ngân sách (bao gồm chi thường xuyên, chi cho các dự án đầu tư) theo các quy định hiện hành của nhà nước phải đảm bảo các điều kiện như sau:

 – Có trong dự toán chi NSNN ( hoặc có quyết định ứng trước dự toán năm sau )

– Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

– Đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách (hoặc người được uỷ quyền) quyết định chi (hay còn gọi là đã được chuẩn chi).

– Đúng các quy định khác của các văn bản quy phạm pháp Luật có liên quan.

Phương thức cấp phát NSNN (bao gồm chi thường xuyên và chi  đầu tư XDCB ) được KBNN thực hiện theo hai phương thức là tạm ứng và thanh toán khối lượng hoàn thành.

21.1. Kiểm soát chi đầu tư trong nước

21.1.1. Nguyên tắc kiểm soát thanh toán vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước  năm 2017

Là một nguồn vốn NSNN nên cơ chế quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư  trong nước  được thực hiện theo đúng quy định hiện hành đối với nguồn vốn NSNN. Hệ thống KBNN thực hiện kiểm soát tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư cho các DA bao gồm: (i) Kiểm soát hồ sơ, tài liệu ban đầu; (ii) Kiểm soát hồ sơ, tài liệu từng lần tạm ứng, thanh toán. Theo quy định hiện hành thì KBNN thực hiện kiểm soát thanh toán cho các dự án được giao kế hoạch vốn hàng năm (hoặc kế hoạch vốn ứng trước) trên cơ sở hồ sơ tài liệu theo quy định do chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách gửi đến.

Nội dung kiểm soát thanh toán bao gồm: kiểm tra sự đầy đủ, tính pháp lý của hồ sơ, tài liệu ban đầu và từng lần tạm ứng, thanh toán; kiểm tra đối chiếu việc chấp hành quy định về tạm ứng, thu hồi tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành so với hợp đồng, hoặc dự toán được duyệt (với trường hợp thanh toán không có hợp đồng); kiểm tra, theo dõi thu hồi vốn ứng trước khi dự án được thông báo kế hoạch vốn năm.

Trên cơ sở hồ sơ đề nghị thanh toán của chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN căn cứ vào các điều khoản thanh toán được quy định trong hợp đồng (số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán và các điều kiện thanh toán) và giá trị từng lần thanh toán để thanh toán cho chủ đầu tư. Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của khối lượng thực hiện, định mức, đơn giá, dự toán các loại công việc, chất lượng công trình; KBNN không chịu trách nhiệm về các vấn đề này. KBNN căn cứ vào hồ sơ thanh toán và thực hiện thanh toán theo hợp đồng.

21.1.2. Một số nội dung cơ bản trong công tác KSC đầu tư xây dựng cơ bản năm 2017

Việc kiểm soát, thanh toán các dự án thuộc kế hoạch năm 2017 và hồ sơ KSC đầu tư được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN có hiệu lực thi hành từ ngày 05/3/2016; Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN có một số điểm cơ bản như sau:

Thứ nhất là về phạm vi điều chỉnh

Thông tư số 08/2016/TT-BTC có phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chỉ bao gồm quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư của các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn NSNN (bao gồm: vốn đầu tư của NSTW cho Bộ, ngành Trung ương; vốn bổ sung có mục tiêu của NSTW cho địa phương; vốn đầu tư trong cân đối NSĐP); các dự án đầu tư sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó có sử dụng nguồn vốn NSNN thì phần nguồn vốn NSNN của DA được thực hiện theo quy định tại Thông tư này.

Thông tư này không áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng KTXH của các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; các dự án đầu tư thuộc ngân sách cấp xã và các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư (bao gồm cả xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới); các dự án đầu tư thuộc Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng; phần vốn NSNN tham gia trong các dự án PPP; các dự án đầu tư của cơ quan đại diện.

Như vậy, phạm vi hướng dẫn kiểm soát thanh toán và hồ sơ kiểm soát thanh toán đã loại trừ vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư và các dự án đầu tư thuộc ngân sách cấp xã và các dự án do cấp xã làm chủ đầu tư.

Thứ hai là quy định về  hồ sơ pháp lý gửi một lần của dự án

Đối với dự án chuẩn bị đầu tư, phải bổ sung thêm văn bản của cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư dự án.

Đối với các dự án khởi công mới và các dự án có điều chỉnh tăng tổng mức vốn đầu tư không phải gửi kèm theo văn bản thẩm định về nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của cơ quan kế hoạch và đầu tư và cơ quan tài chính theo quy định của Luật Đầu tư công.

Việc kiểm soát thanh toán vốn đầu tư XDCB từ NSNN, vốn TPCP phải đảm bảo đúng quy định về hồ sơ như sau:

– Quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền, các quyết định điều chỉnh DA (nếu có) kèm theo DA đầu tư xây dựng công trình (hoặc báo cáo kinh tế – kỹ thuật đối với DA chỉ lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật);

– Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu theo quy định của Luật Đấu thầu; Riêng đối với trường hợp tự thực hiện: văn bản của cấp có thẩm quyền cho phép tự thực hiện DA (trường hợp chưa có trong quyết định đầu tư của cấp có thẩm quyền);

– Hợp đồng giữa chủ đầu tư và nhà thầu hoặc nhà cung cấp và các tài liệu kèm theo hợp đồng như: phụ lục hợp đồng, điều kiện riêng, điều kiện chung liên quan đến việc tạm ứng, thanh toán hợp đồng, hợp đồng bổ sung, điều chỉnh (nếu có); Riêng đối với trường hợp tự thực hiện: văn bản giao việc hoặc hợp đồng giao khoán nội bộ;

– Dự toán và quyết định phê duyệt dự toán của cấp có thẩm quyền đối với từng công việc, hạng mục công trình, công trình đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng (trừ dự án chỉ lập báo cáo kinh tế – kỹ thuật). Riêng công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải kèm theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Về các dự án khởi công mới: Các dự án khởi công mới sử dụng vốn NSNN và trái phiếu Chính phủ chỉ được thanh toán khi có quyết định đầu tư phê duyệt đến ngày 31/10 năm trước năm kế hoạch, trừ các dự án được bổ sung trong năm từ nguồn vốn khác như: dự phòng NSNN, ứng trước NSNN.

Thứ ba là quy định nguyên tắc tạm ứng vốn của chủ đầu tư cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp.

Việc tạm ứng vốn của chủ đầu tư cho nhà thầu hoặc nhà cung cấp cho các công việc cần thiết để triển khai thực hiện hợp đồng hoặc các công việc không thông qua hợp đồng. Mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng và việc thu hồi tạm ứng do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu theo đúng quy định và phải được quy định rõ trong hợp đồng. Việc tạm ứng vốn được thực hiện sau khi hợp đồng có hiệu lực, riêng đối với hợp đồng thi công xây dựng thì phải có kế hoạch giải phóng mặt bằng theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.

 Trường hợp các bên thỏa thuận tạm ứng ở mức cao hơn mức tạm ứng tối thiểu thì phần giá trị hợp đồng tương ứng với mức tạm ứng hợp đồng vượt mức tạm ứng tối thiểu sẽ không được điều chỉnh giá kể từ thời điểm tạm ứng.

 Căn cứ vào nhu cầu tạm ứng vốn chủ đầu tư có thể được tạm ứng vốn một lần hoặc nhiều lần cho một hợp đồng nhưng không vượt mức vốn tạm ứng theo quy định của hợp đồng; trường hợp kế hoạch vốn bố trí trong năm không đủ mức vốn tạm ứng theo hợp đồng (hoặc dự toán được duyệt) thì chủ đầu tư được tạm ứng tiếp trong kế hoạch năm sau.

 Chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý việc sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng, có hiệu quả và hoàn trả đủ số vốn đã tạm ứng theo quy định.

Thứ tư là về mức vốn tạm ứng:

Mức vốn tạm ứng tối thiểu đối với hợp đồng tư vấn: Hợp đồng có giá trị trên 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng; Hợp đồng có giá trị đến 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng.

 Đối với hợp đồng thi công xây dựng: Hợp đồng có giá trị dưới 10 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 20% giá trị hợp đồng; Hợp đồng có giá trị từ 10 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 15% giá trị hợp đồng; Hợp đồng có giá trị trên 50 tỷ đồng, mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

 Đối với hợp đồng cung cấp thiết bị công nghệ, hợp đồng EC, EP, PC, EPC, hợp đồng chìa khóa trao tay và các loại hợp đồng xây dựng khác: mức vốn tạm ứng tối thiểu bằng 10% giá trị hợp đồng.

Mức vốn tạm ứng tối đa không vượt quá 50% giá trị hợp đồng (hoặc dự toán được duyệt đối với các công việc được thực hiện không thông qua hợp đồng). Trường hợp đặc biệt cần tạm ứng với mức cao hơn phải được người quyết định đầu tư cho phép, đối với trường hợp người quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, việc quyết định mức tạm ứng cao hơn do Bộ trưởng, Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định.

 Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, mức vốn tạm ứng theo tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Mức vốn tạm ứng tối đa theo yêu cầu không vượt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp chủ đầu tư trực tiếp chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và tái định cư căn cứ vào hồ sơ tài liệu liên quan để chi trả cho người thụ hưởng. Trường hợp tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư (Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tổ chức phát triển quỹ đất, doanh nghiệp …) chi trả: Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư phải mở tài khoản tiền gửi tại KBNN để tiếp nhận vốn tạm ứng do chủ đầu tư chuyển đến để thực hiện chi trả.

 Đối với chi phí quản lý dự án, căn cứ dự toán chi phí quản lý dự án trong năm kế hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, KBNN thực hiện tạm ứng vốn theo đề nghị của chủ đầu tư. Mức tạm ứng vốn không vượt quá dự toán chi phí quản lý dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mức vốn tạm ứng không được vượt kế hoạch vốn hàng năm đã bố trí cho dự án.

Thứ năm là  quy định về bảo lãnh tạm ứng vốn:

Đối với các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng lớn hơn 01 tỷ đồng yêu cầu có bảo lãnh tạm ứng, chủ đầu tư gửi đến KBNN bảo lãnh tạm ứng hợp đồng của nhà thầu hoặc nhà cung cấp với giá trị tương đương khoản tiền tạm ứng. Giá trị của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng sẽ được giảm trừ tương ứng với giá trị tiền tạm ứng đã thu hồi qua mỗi lần thanh toán giữa bên giao thầu và bên nhận thầu. Chủ đầu tư đảm bảo và chịu trách nhiệm giá trị của bảo lãnh tạm ứng tương ứng với số dư tiền tạm ứng còn lại. Thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi chủ đầu tư đã thu hồi hết số tiền tạm ứng.

Các trường hợp không phải bảo lãnh tạm ứng bao gồm: Các hợp đồng có giá trị tạm ứng hợp đồng nhỏ hơn hoặc bằng 01 tỷ đồng. Các hợp đồng xây dựng theo hình thức tự thực hiện bao gồm cả hình thức do cộng đồng dân cư thực hiện theo các chương trình mục tiêu; Các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng và công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Thứ sáu là quy định về thu hồi vốn tạm ứng

Việc thu hồi tạm ứng được quy định như sau: Vốn tạm ứng được thu hồi qua các lần thanh toán khối lượng hoàn thành của hợp đồng, mức thu hồi từng lần do chủ đầu tư thống nhất với nhà thầu và quy định cụ thể trong hợp đồng và đảm bảo thu hồi hết khi giá trị thanh toán khối lượng hoàn thành đạt 80% giá trị hợp đồng. Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư: sau khi chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư tập hợp chứng từ, làm thủ tục thanh toán và thu hồi tạm ứng trong thời hạn chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày chi trả cho người thụ hưởng không chờ đến khi toàn bộ các hộ dân trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã nhận tiền mới làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng. Đối với chi phí cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, khi có quyết toán chi phí cho công tác tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hàng năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt, KBNN làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng.

 Đối với chi phí quản lý dự án: Khi có khối lượng công việc hoàn thành theo dự toán, chủ đầu tư lập Bảng kê giá trị khối lượng công việc hoàn thành (có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư) gửi KBNN làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng. Chủ đầu tư không phải gửi chứng từ chi, hóa đơn mua sắm đến KBNN và chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của khối lượng và giá trị đề nghị thanh toán theo dự toán được duyệt. Các Ban QLDA chuyên ngành, khu vực quản lý nhiều dự án, định kỳ 6 tháng và hết năm kế hoạch, chủ đầu tư phân bố chi phí quản lý dự án cho từng dự án gửi KBNN làm thủ tục thu hồi vốn tạm ứng.

  Vốn tạm ứng chưa thu hồi nếu quá thời hạn 6 tháng kể từ thời điểm phải thực hiện khối lượng theo tiến độ ghi trong hợp đồng mà nhà thầu chưa thực hiện hoặc sử dụng sai mục đích, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với KBNN để thu hồi hoàn trả vốn đã tạm ứng cho NSNN. Trường hợp chủ đầu tư chưa thu hồi và không có báo cáo đánh giá tình hình thực hiện và thu hồi tạm ứng vốn, KBNN có văn bản đề nghị chủ đầu tư thu hồi của nhà thầu hoặc đề nghị chủ đầu tư yêu cầu tổ chức tín dụng phát hành bảo lãnh thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh khi nhà thầu vi phạm cam kết với chủ đầu tư về việc sử dụng vốn tạm ứng. Đối với công việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, nếu quá thời hạn 3 tháng kể từ thời điểm tạm ứng vốn mà chưa chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với KBNN yêu cầu tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường hỗ trợ và tái định cư chuyển toàn bộ số tiền đã tạm ứng về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư tại KBNN. Sau thời hạn 1 năm kể từ ngày chuyển tiền về tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư mà chưa chi trả cho người thụ hưởng, chủ đầu tư phải hoàn trả vốn cho NSNN. Trường hợp chủ đầu tư không làm thủ tục nộp NSNN, thì KBNN được phép trích từ tài khoản tiền gửi của chủ đầu tư để nộp lại ngân sách nhà nước, giảm số vốn đã tạm ứng cho dự án và thông báo cho chủ đầu tư.

Hồ sơ tạm ứng tại Kho bạc nhà nước bao gồm các tài liệu sau:

– Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;

– Chứng từ chuyển tiền ban hành theo quy định hệ thống chứng từ kế toán của Bộ Tài chính;

– Bảo lãnh khoản tiền tạm ứng của nhà thầu (chủ đầu tư gửi KBNN bản sao có đóng dấu sao y bản chính của chủ đầu tư) đối với các trường hợp phải bảo lãnh tạm ứng theo quy định tại điểm a, khoản 4 Điều này.

Thứ bảy là quy định về hồ sơ Thanh toán khối lượng hoàn thành

 Đối với các công trình có hợp đồng xây dựng, việc thanh toán hợp đồng phải phù hợp với loại hợp đồng, giá hợp đồng và các điều kiện trong hợp đồng. Số lần thanh toán, giai đoạn thanh toán, thời điểm thanh toán, thời hạn thanh toán, hồ sơ thanh toán và điều kiện thanh toán phải được quy định rõ trong hợp đồng. Đối với hợp đồng trọn gói, thanh toán theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với các giai đoạn thanh toán mà các bên đã thỏa thuận trong hợp đồng, khi thanh toán không yêu cầu có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết. Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định, thanh toán trên cơ sở khối lượng thực tế hoàn thành (kể cả khối lượng tăng hoặc giảm được phê duyệt theo thẩm quyền, nếu có) được nghiệm thu của từng lần thanh toán và đơn giá trong hợp đồng. Đối với hợp đồng theo đơn giá điều chỉnh, thanh toán trên cơ sở khối lượng thực tế hoàn thành (kể cả khối lượng tăng hoặc giảm, nếu có) được nghiệm thu của từng lần thanh toán và đơn giá trong hợp đồng hoặc đơn giá đã điều chỉnh theo đúng các thỏa thuận trong hợp đồng. Đối với hợp đồng theo thời gian, chi phí cho chuyên gia được xác định trên cơ sở mức lương cho chuyên gia và các chi phí liên quan do các bên thỏa thuận trong hợp đồng nhân với thời gian làm việc thực tế được nghiệm thu. Đối với khối lượng công việc phát sinh (ngoài hợp đồng) chưa có đơn giá trong hợp đồng, thực hiện theo thỏa thuận bổ sung hợp đồng mà các bên đã thống nhất trước khi thực hiện.

Hồ sơ thanh toán bao gồm:

– Bảng xác định giá trị khối lượng công việc hoàn thành theo hợp đồng đề nghị thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu. Khi có khối lượng phát sinh ngoài hợp đồng, chủ đầu tư gửi Biên bản nghiệm thu khối lượng công việc phát sinh ngoài hợp đồng kèm theo Bảng xác định giá trị khối lượng phát sinh ngoài phạm vi hợp đồng đề nghị thanh toán có xác nhận của đại diện bên giao thầu và đại diện bên nhận thầu.

– Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư.

– Chứng từ chuyển tiền ban hành theo quy định hệ thống chứng từ kế toán của Bộ Tài chính.

Đối với các công việc của dự án được thực hiện không thông qua hợp đồng xây dựng như quản lý dự án do chủ đầu tư trực tiếp thực hiện tư vấn được phép tự làm,…), hồ sơ gồm: Bảng kê giá trị khối lượng công việc hoàn thành (có chữ ký và đóng dấu của chủ đầu tư), chủ đầu tư không phải gửi chứng từ chi, hóa đơn mua sắm đến KBNN. Hồ sơ thanh toán bao gồm:

– Bảng kê giá trị khối lượng công việc hoàn thành;

– Dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho từng công việc;

– Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư;

– Chứng từ chuyển tiền.

 Đối với chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hồ sơ thanh toán bao gồm: Bảng xác nhận giá trị khối lượng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã thực hiện; Hợp đồng và biên bản bàn giao nhà (trường hợp mua nhà phục vụ di dân giải phóng mặt bằng); Phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư; Chứng từ chuyển tiền.

 Khi dự án đã được phê duyệt quyết toán nhưng chưa được thanh toán đủ vốn theo giá trị phê duyệt quyết toán, KBNN căn cứ vào quyết định phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch vốn được giao trong năm của dự án để kiểm soát thanh toán cho dự án. Hồ sơ, tài liệu thanh toán gồm: Quyết định phê duyệt quyết toán kèm báo cáo quyết toán dự án hoàn thành; Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư; Chứng từ chuyển tiền.

 Tổng số vốn thanh toán cho dự án không được vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt. Số vốn thanh toán cho dự án trong năm không được vượt kế hoạch vốn cả năm đã bố trí cho dự án. Lũy kế số vốn thanh toán cho dự án không vượt kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được giao.

Thứ tám là quy định về thời hạn kiểm soát thanh toán vốn đầu tư:

Trước đây quy định hai thời hạn kiểm soát chi đối với hình thức thanh toán trước kiểm soát sau là 03 ngày, đối với hình thức kiểm soát trước thanh toán sau là 07 ngày. Hiện nay thống nhất thời hạn là 07 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp pháp, hợp lệ.

Thứ chín là quy định trách nhiệm của KBNN :

KBNN kiểm soát thanh toán trên cơ sở tài liệu Chủ đầu tư cung cấp và theo nguyên tắc đã quy định. KBNN không chịu trách nhiệm về việc áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu.

Thứ mười là điều chỉnh một số chỉ tiêu biểu mẫu tại phụ lục số 03a, số 04.

Một số tên gọi chỉ tiêu trong hai phụ lục trên được sửa lại và điều chỉnh, bổ sung. Thành phần ký trên Bảng xác định giá trị khối lượng hoàn thành theo hợp đồng và ngoài hợp đồng  không có tư vấn giám sát. Bảng xác định giá trị khối lượng bồi thường hỗ trợ tái định cư không có chính quyền địa phương ký.

Mười một là quy định rõ về vốn ứng trước dự toán:

Các dự án thuộc nguồn vốn NSNN đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, được cấp có thẩm quyền cho phép ứng trước kế hoạch vốn năm sau để thực hiện. Mức vốn ứng trước của từng dự án không vượt quá tổng mức vốn kế hoạch trung hạn 5 năm đã bố trí cho dự án. Sau khi dự án được cấp có thẩm quyền cho phép ứng trước, các Bộ, ngành và địa phương phân bổ đúng danh mục đã được giao. Bộ Tài chính thông báo cho Bộ, ngành và địa phương về danh mục, tổng mức ứng, nguồn vốn ứng, niên độ ứng và thu hồi, đồng thời gửi KBNN để thanh toán cho dự án. Trường hợp các Bộ, ngành và địa phương phân bổ sai danh mục và mức vốn ứng theo thông báo của Bộ Tài chính thì KBNN dừng thanh toán đồng thời báo cáo Bộ Tài chính xem xét, xử lý. Thời hạn thanh toán vốn ứng trước thực hiện như thời hạn thanh toán vốn đầu tư trong kế hoạch năm. Hết thời hạn thanh toán, KBNN làm thủ tục hủy bỏ mức vốn ứng trước chưa sử dụng.

Về thu hồi vốn ứng trước : các Bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm bố trí kế hoạch vốn cho dự án trong dự toán ngân sách năm sau để hoàn trả vốn ứng trước. Khi thẩm tra phân bổ vốn đầu tư trong kế hoạch hàng năm: Đối với vốn ngân sách trung ương do các Bộ, ngành quản lý, Bộ Tài chính đồng thời thông báo thu hồi vốn ứng trước theo số vốn ứng trước thực tế đã giải ngân, số vốn thu hồi tối đa bằng số vốn đã được ứng trước.

Về  quyết toán vốn ứng trước: Thời hạn quyết toán vốn ứng trước theo thời hạn được bố trí kế hoạch vốn để thu hồi. Trường hợp dự án được thu hồi vốn ứng trước theo thời kỳ một số năm thì số vốn ứng trước được bố trí để thu hồi của kế hoạch năm nào được quyết toán vào niên độ ngân sách năm đó, số vốn đã thanh toán nhưng chưa được bố trí kế hoạch vốn để thu hồi được chuyển sang các năm sau quyết toán phù hợp với kế hoạch thu hồi vốn.

Mười hai là Quy định về thời gian tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư trong kế hoạch năm và thời hạn kiểm soát thanh toán vốn của Kho bạc nhà nước

  Về thời hạn tạm ứng vốn: Kế hoạch vốn năm của dự án chỉ được tạm ứng trong năm kế hoạch chậm nhất là đến ngày 31 tháng 12 năm kế hoạch (trừ trường hợp tạm ứng để thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thì được thực hiện đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau).

  Thời hạn thanh toán khối lượng hoàn thành: Kế hoạch vốn năm của dự án chỉ thanh toán cho khối lượng hoàn thành được nghiệm thu đến ngày 31 tháng 12 năm kế hoạch; thời hạn thanh toán khối lượng hoàn thành đến hết ngày 31 tháng 01 năm sau (trong đó có thanh toán để thu hồi vốn đã tạm ứng).

  Trường hợp các dự án cần thiết phải kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm sau, phải được cấp có thẩm quyền cho phép:

 Đối với nguồn vốn NSTW của Bộ, ngành trung ương; vốn bổ sung có mục tiêu của NSTW cho địa phương, việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm sau được thực hiện theo quy định tại điểm a, khoản 3 Điều 46 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

 Đối với vốn đầu tư trong cân đối NSĐP, việc kéo dài thời gian thực hiện và thanh toán sang năm sau được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 46 Nghị định số 77/2015/NĐ-CP ngày 10/9/2015 của Chính phủ về kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

Đối với các dự án thuộc kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng: Khối lượng thực hiện nghiệm thu đến 30/4 năm sau, thời gian thanh toán đến hết ngày 30/6/ năm sau (Thông tư số 85/2014/TT-BTC ngày 30/6/2014).

– Đối với các dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng KTXHcủa các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ và quyết định số 615/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Thời hạn thực hiện và thanh toán vốn đầu tư (bao gồm các nguồn vốn đầu tư từ NSNN và vốn TPCP) của các năm được thực hiện đến hết ngày 30/6 năm tiếp theo của năm kế hoạch (Công văn số 6076/BTC-ĐT ngày 8/5/2012 của Bộ Tài chính).

 Mười ba là về Thanh toán chi Ban quản lý dự án

– KBNN các cấp thực hiện kiểm soát thanh toán chi phí quản lý dự án theo dự toán chi phí QLDA được duyệt, phù hợp với chế độ thanh toán vốn đầu tư, chế độ quản lý tài chính hiện hành và quy định tại Thông tư số 05/2014//TT-BTC ngày 6/01/2014 của Bộ Tài chính và công văn số 360/KBNN-KSC ngày 13/02/2015 về việc Kiểm soát thanh toán chi phí quản lý dự án của KBNN.

– Các Ban QLDA được giao quản lý từ 02 dự án trở lên hoặc có kinh phí QLDA được hưởng từ nhiều nguồn khác nhau phải mở TKTG chi phí QLDA tại một KBNN, nơi thuận tiện cho giao dịch của Ban QLDA.

– Kiểm soát chi Phụ cấp kiêm nhiệm quản lý dự án:

+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức được phân công làm việc kiêm nhiệm QLDA tại một Ban QLDA được hưởng phụ cấp quản lý dự án theo tỷ lệ tương ứng với thời gian làm việc tại dự án. Mức chi phụ cấp kiêm nhiệm QLDA một tháng cho một cá nhân tối đa bằng 50% tiền lương và phụ cấp lương một tháng của cá nhân đó.

+ Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được phân công làm kiêm nhiệm ở nhiều Ban QLDA thì mức phụ cấp quản lý dự án kiêm nhiệm được xác định tương ứng với tỷ lệ thời gian làm việc cho từng dự án, nhưng tổng mức phụ cấp của tất cả các dự án làm kiêm nhiệm tối đa bằng 100% mức lương theo cấp bậc, phụ cấp lương được hưởng.

Những người đã hưởng lương theo quy định tại Khoản 1 Điều này không được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm theo quy định tại Khoản này.

 Hồ sơ bao gồm:

– Dự toán thu-chi QLDA được duyệt;

– Giấy đề nghị thanh toán vốn đầu tư (tạm ứng);

– Giấy rút vốn đầu tư/ hoặc Ủy nhiệm chi (nếu từ TKTG).

+ Đối tượng tạm ứng là các khoản chi hành chính, chi mua sắm,…chưa đủ chứng từ để thanh toán. Đối với chi lương và các khoản chi trực tiếp cho cá nhân thông thường là thanh toán ngay, không thực hiện tạm ứng.

+ Trường hợp có tạm ứng, thanh toán đoàn ra phải có dự toán chi phí đoàn ra được duyệt; quyết định cử cán bộ/ duyệt danh sách đoàn ra.

+ Trường hợp có mua sắm, tùy theo từng trường hợp mà có quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu, hợp đồng.

Mười bốn là Kiểm soát thanh toán dự án thuộc ngân sách xã

  – Về hóa đơn chứng từ gửi đến KBNN làm căn cứ KSC: để tránh tình trạng yêu cầu xuất trình hóa đơn, chứng từ để KBNN kiểm soát, Quy trình quy định: “KBNN không kiểm tra hóa đơn, chứng từ chứng minh giá trị khối lượng hoàn thành; Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp của khối lượng thực hiện, định mức, đơn giá, dự toán các loại công việc, chất lượng công trình, KBNN không chịu trách nhiệm về các vấn đề này”.

  – Về biểu mẫu: Thực hiện theo Thông tư số 28/2012/TT-BTC, mẫu biểu do chủ đầu tư lập: “Bảng xác định khối lượng công việc hoàn thành đề nghị thanh toán”.

  – Thủ tục giải ngân, thanh toán: quy định đơn giản, yêu cầu những hồ sơ pháp lý cần thiết nhất và sử dụng những thuật ngữ đơn giản, dễ hiểu để phù hợp với trình độ của cán bộ cấp xã.

  – Ngoài ra, Thông tư 28/2012/TT-BTC không hướng dẫn, nhưng để phù hợp với thực tế người đại diện không phải là cơ quan hay tổ chức có tư cách pháp nhân nên không có con dấu, quy trình quy định: ”Hợp đồng xây dựng ký kết giữa chủ đầu tư với dân tự làm thông qua người đại diện thì không bắt buộc phải đóng dấu trên chữ ký của người đại diện”.

Mười lăm là chế độ báo cáo thông tin định kỳ

Thực hiện theo mẫu biểu quy định tại Thông tư số 99/2013/TT-BTC ngày 26/07/2013 của Bộ Tài chính, tuy nhiên có một số lưu ý:

– Bổ sung thêm báo cáo các dự án nhóm A

Đối với báo cáo tình hình kiểm soát chi NSNN định kỳ hàng tháng, quý, năm và báo cáo ngày 20 hàng tháng: KBNN tỉnh tiếp tục thực hiện theo các văn bản đã hướng dẫn, đảm bảo thời gian quy định, các đơn vị KBNN phải nhập đầy đủ dữ liệu vào Chương trình Tổng hợp báo cáo và truyền về KBNN cấp trên theo đúng thời gian quy định, số liệu phải chính xác, khớp đúng giữa bộ phận KSC và bộ phận kế toán theo từng dự án, nguồn vốn, cấp ngân sách, tiến tới bỏ phương pháp tổng hợp báo cáo thủ công, chuyển sang hoàn toàn thực hiện công tác báo cáo theo Chương trình Tổng hợp báo cáo, KBNN sẽ có văn bản hướng dẫn cụ thể nội dung này.

 Đối với việc báo cáo thống kê các đơn vị ngân sách ngừng hoạt động hàng năm theo quy định tại Điều 17, Quyết định số 90/2007/QĐ-BTC ngày 26/10/2007 của Bộ Tài chính về việc ban hành quy định về mã số các đơn vị có quan hệ với ngân sách, phục vụ cho việc đóng mã số đơn vị có quan hệ với ngân sách

21.2. Kiểm soát chi thường xuyên

21.2.1 Kiểm soát chi thường xuyên các cơ quan nhà nước (cơ quan hành chính):

– Cơ chế, chính sách hiện hành về kiểm soát chi.

Kho bạc Nhà nước thực hiện KSC theo Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/03/2016 của Bộ Tài chính bổ sung, sửa đổi Thông tư số 161/2012/TT-BTC ngày 02/10/2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN.

Thực hiện kiểm soát chặt chẽ đối với các khoản thanh toán bằng tiền mặt theo quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/02/2017 của Bộ Tài chính quy định quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN.

– Công tác kiểm soát chi đối với một số nội dung:

Hồ sơ gửi lần đầu :    

Dự toán năm được cấp có thẩm quyền giao;

Hợp đồng mua sắm hàng hóa, dịch vụ (hợp đồng  20 mươi triệu đồng);  và Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu;

Ngoài ra, có:

Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị; Quyết định giao quyền tự chủ của cấp có thẩm quyền  (Đối với đơn vị sự nghiệp công lập)

Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan ( Đối với cơ quan nhà nước thực hiện theo NĐ số 130/2005/NĐ-CP

Hồ sơ tạm ứng: 

Tạm ứng bằng tiền mặt:

Giấy rút dự toán (tạm ứng).

Tạm ứng bằng chuyển khoản:

Bảo lãnh tạm ứng theo quy định của HĐ (nếu có)

Giấy rút dự toán (tạm ứng) 

Thanh toán tạm ứng: Là việc chuyển từ tạm ứng sang thanh toán khi khoản chi đã hoàn thành và có đủ hồ sơ chứng từ để thanh toán;

Các khoản chi tạm ứng bằng tiền mặt; hoặc tạm ứng bằng chuyển khoản đối với các khoản không có HĐ, đã hoàn thành và đủ hồ sơ, chứng từ thanh toán, các ĐVSDNS phải thanh toán tạm ứng chậm nhất ngày cuối cùng của tháng sau.

Các khoản chi tạm ứng bằng chuyển khoản đối với những khoản chi có hợp đồng ngay sau khi thanh toán lần cuối HĐ và kết thúc HĐ, các ĐVSDNS phải làm thủ tục thanh toán tạm ứng với KBNN.

Hồ sơ thanh toán tạm ứng :

Giấy đề nghị thanh toán tạm ứng.

  Tùy theo từng nội dung chi, gửi kèm theo các hồ sơ, chứng từ sau:

Thanh toán tạm ứng các khoản chi tiền mặt:  Bảng kê chứng từ thanh toán/tạm ứng do Thủ trưởng đơn vị ký duyệt để gửi KBNN 

Thanh toán tạm ứng các khoản chi chuyển khoản: Các tài liệu, chứng từ như thanh toán trực tiếp

Thanh toán trực tiếp:

Thanh toán trực tiếp là thanh toán các khoản chi cho khối lượng, nội dung công việc đã hoàn thành có đủ hồ sơ, chứng từ (Không phải tạm ứng).

Hồ sơ gồm:

Giấy rút dự toán (thanh toán);

Bảng kê chứng từ thanh toán (đối với những khoản chi không có hợp đồng và những khoản chi có giá trị hợp đồng < 20 triệu đồng).

Đối với khoản chi thanh toán cá nhân:

Chi tiền lương:

Văn bản phê duyệt chỉ tiêu biên chế do cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Danh sách những người hưởng lương do thủ trưởng đơn vị ký duyệt

Chi tiền công trả lao động thường xuyên theo HĐ, học bổng, tiền thưởng, phúc lợi,chi cho cán bộ xã, v,v …: Danh sách những người được hưởng (gửi lần đầu vào đầu năm và gửi khi có bổ sung, điều chỉnh).

Chi trả thu nhập tăng thêm cho CBCCVC của CQHC, ĐVSN:

Danh sách chi trả thu nhập tăng thêm cho CBCC,VC (gửi từng lần);

Bảng xác định kết quả tiết kiệm chi theo năm (gửi khi thanh toán vào thời điểm cuối năm).

Các khoản thanh toán khác cho cá nhân (nhóm 0129, mục 6400 MLNS): Danh sách theo từng lần thanh toán.

Đối với thanh toán cá nhân thuê ngoài: Biên bản nghiệm thu (đối với trường hợp phải gửi HĐ : Thực hiện khối lượng công việc nào đó, có sản phẩm phải bàn giao theo HĐ).

Trường hợp đơn vị thực hiện khoán phương tiện, VPP, điện thoại, công tác phí,…: Danh sách những người hưởng chế độ khoán (gửi một lần vào đầu năm và gửi khi có phát sinh thay đổi).

Chi hội nghị, đào tạo, bồi dưỡng: Biên bản nghiệm thu (đối với trường hợp phải gửi HĐ).

Chi công tác phí: Bảng kê chứng từ thanh toán.

Chi phí thuê mướn: Biên bản nghiệm thu (đối với trường hợp phải gửi HĐ).

Chi đoàn ra:  Hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 102/2012/TT-BTC ngày 21/6/2012 của BTC. 

Chi đoàn vào: Hồ sơ theo quy định tại Thông tư 01/2010/TT-BTC ngày 6/1/2010 của BTC 

Đối với hợp đồng kiểm toán, bảo hiểm, thuê dịch vụ viễn thông, dịch vụ công cộng, thông tin,…: Giấy rút dự toán kèm Bảng kê chứng từ (nếu có).

Đối với các khoản mua sắm thanh toán bằng hình thức thẻ “tín dụng mua hàng”: đơn vị lập 2 liên bảng kê chứng từ thanh toán và giấy rút dự toán NSNN.

Đơn vị không phải gửi các hóa đơn mua hàng được in tại các điểm POS đến KBNN; đồng thời, đơn vị giao dịch phải tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của nội dung các khoản chi ghi trên bảng kê chứng từ thanh toán. 

+ Chi tự chủ (chi thanh toán cá nhân, chi quản lý hành chính, nghiệp vụ chuyên môn): Hồ sơ, tài liệu, quy trình thủ tục kiểm soát chi.

+ Chi không tự chủ (mua sắm, sửa chữa tài sản): Hồ sơ, tài liệu, quy trình thủ tục kiểm soát chi.

Trong đó có nêu thêm quy trình, thủ tục kiểm soát chi từ nguồn thu, từ tài khoản tiền gửi của các cơ quan nhà nước.

* Về kiểm soát chi mua ô tô

Hồ sơ bao gồm:

– Hợp đồng mua ô tô

– Quyết định phê duyệt kết quả lựa chọn nhà cung cấp (chỉ định thầu/ hoặc chào hàng cạnh tranh)

– Trường hợp mua xe chuyên dùng phải có văn bản chấp thuận của Bộ Tài chính (đối với đơn vị trung ương); Quyết định cho mua của UBND tỉnh (đối với đơn vị đại phương).

– Giấy đề nghị tạm ứng (nếu tạm ứng).

– Thanh lý hợp đồng (nếu thanh toán).

– Giấy rút dự toán.

* Về kiểm soát mẫu dấu, mẫu chữ ký:

Ngày 25/6/2014, Kho bạc Nhà nước có Công văn số 1527/KBNN-KTNN hướng dẫn triển khai thực hiện Thông tư số 61/2014/TT-BTC, theo đó:

– Phòng (bộ phận) kế toán thực hiện kiểm soát mẫu dấu, mẫu chữ ký trên các chứng từ thanh toán đối với các khoản chi thường xuyên thuộc phạm vi quản lý của kế toán.

– Phòng (bộ phận) kiểm soát chi sẽ tiếp nhận bàn giao từ phòng (bộ phận) kế toán (đối với dự án đang thực hiện thanh toán, chưa tất toán tài khoản), đồng thời từ ngày Thông tư số 61/2014/TT-BTC có hiệu lực, phòng (bộ phận) kiểm soát chi có trách nhiệm thực hiện kiểm soát mẫu dấu, mẫu chữ ký trên chứng từ khi thanh toán cho các chủ đầu tư.

* Mẫu chứng từ thanh toán:

– Giấy rút vốn đầu tư: Mẫu số C3-01/NS ban hành kèm theo Quyết định số 759 /QĐ-BTC ngày 16/04/2013 của Bộ Tài chính về việc đính chính Thông tư số 08/2013/TT-BTC ngày 10/01/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện kế toán nhà nước áp dụng cho Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc (TABMIS).

– Uỷ nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử.

* Về kiểm soát cam kết chi:  

Văn bản liên quan:

– Thông tư số 113/2008/TT-BTC ngày 27/11/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước quan KBNN và Thông tư số 40/2016/TT-BTC ngày 1/3/2016 bổ sung, sửa đổi Thông tư số 113/2008/TT-BTC.

– Công văn số 507/KBNN-THPC ngày 22/03/2013 của KBNN Hướng dẫn thực hiện Thông tư số 113/2008/TT-BTC về quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước qua KBNN.

– Công văn số 1498/KBNN-KSC ngày 25/7/2013, số 1841/KBNN-KSC ngày 4/09/2013 của KBNN trả lời vướng mắc trong quản lý, kiểm soát cam kết chi ngân sách nhà nước. 

Ý nghĩa, nội dung của việc thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN:

– Quản lý, kiểm soát cam kết chi là vấn đề mới và là một trong những công cụ quản lý ngân sách tiên tiến hiện đại, góp phần giúp đơn vị sử dụng NSNN kế hoạch hóa và quản lý các khoản chi tiêu trong phạm vị dự toán được phân bổ trong từng năm tài chính; đối với các cơ quan quản lý, việc thực hiện cam kết chi sẽ góp phần đảm bảo an ninh tài chính, đảm bảo ngân sách để thanh toán cho khoản đã cam kết, không phát sinh nợ công; ngoài ra, đây còn là công cụ giúp cho cơ quan tài chính, các đơn vị dự toán xây dựng ngân sách trung hạn, giúp cho KBNN trong việc dự báo luồng tiền và thực hiện quản lý ngân quỹ hiện đại, hiệu quả.   

– Cam kết chi thường xuyên/ chi đầu tư là việc các đơn vị dự toán/ chủ đầu tư cam kết sử dụng dự toán chi ngân sách thường xuyên/ kế hoạch vốn đầu tư được giao hàng năm (có thể một phần hoặc toàn bộ dự toán/ kế hoạch vốn được giao trong năm) để thanh toán cho hợp đồng đã được ký giữa đơn vị dự toán/ chủ đầu tư với nhà cung cấp. Giá trị của khoản cam kết chi thường xuyên/ đầu tư bằng số kinh phí dự kiến bố trí cho hợp đồng trong năm, đảm bảo trong phạm vi kế hoạch vốn năm được duyệt và giá trị hợp đồng còn được phép cam kết chi.

 Phạm vi thực hiện cam kết chi:

Tất cả các khoản chi của NSNN đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán (gồm cả dự toán ứng trước), có hợp đồng mua bán hàng hoá, dịch vụ theo chế độ quy định và có giá trị hợp đồng từ 200 triệu đồng trở lên đối với các khoản chi thường xuyên hoặc từ 1.000 triệu đồng trở lên trong chi đầu tư xây dựng cơ bản thì phải được quản lý, kiểm soát cam kết chi qua Kho bạc Nhà nước.

Ngoài ra, việc kiểm soát cam kết chi chỉ thực hiện đối với các khoản chi có nguồn gốc từ NSNN. Đối với những dự án có nguồn đảm bảo cả từ NSNN và ngoài ngân sách (nguồn vốn tự có hoặc nguồn tự huy động hoặc nguồn thu dịch vụ của đơn vị để thực hiện dự án…), thì cũng chỉ thực hiện kiểm soát cam kết chi đối với phần vốn của NSNN.

 Một số khoản chi cụ thể không phải thực hiện cam kết chi:

– Các khoản chi của ngân sách xã.

– Các khoản chi cho lĩnh vực an ninh, quốc phòng.

– Các khoản thực hiện nghĩa vụ trả nợ của Nhà nước, của Chính phủ; các khoản chi góp cổ phần, đóng góp nghĩa vụ tài chính, đóng niên liễm cho các tổ chức quốc tế.

– Các khoản chi từ nguồn viện trợ, vay nợ nước ngoài theo phương thức tài trợ chương trình, dự án; chi viện trợ trực tiếp.

– Các khoản chi theo hình thức lệnh chi tiền của cơ quan tài chính các cấp.

– Các khoản chi từ tài khoản tiền gửi của các đơn vị giao dịch tại Kho bạc nhà nước.

– Các khoản chi ngân sách nhà nước bằng hiện vật và ngày công lao động.

Quy trình, thủ tục kiểm soát chi từ nguồn thu, từ tài khoản tiền gửi của các cơ quan nhà nước.

Nguyên tắc xác định cơ chế kiểm soát chi: Căn cứ vào văn bản pháp lý quy định nguồn hình thành và cơ chế sử dụng kinh phí của TKTG đó để xác định khoản chi có thuộc đối tượng kiểm soát chi qua KBNN/ hay do đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, kiểm soát.

Trường hợp không rõ nguồn hình thành thì căn cứ vào nội dung chi để áp dụng cơ chế kiểm soát: Nếu khoản chi thuộc đối tượng do KBNN kiểm soát thì các khoản chi phải tuân theo tiêu chuẩn, định mức do CQNN có thẩm quyền ban hành/ hoặc Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Tạm ứng, thanh toán từ TKTG của cơ quan HCSN thực hiện chế độ tự chủ:

Về tiêu chuẩn, định mức, chế độ chi:  Kiểm soát, thanh toán theo tiêu chuẩn, định mức trong Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công của đơn vị.

Trường hợp chi vượt  quá mức chi quy định tại Quy chế chi tiêu nội bộ nhưng không vượt quá mức chi do CQNN có thẩm quyền ban hành  Có văn bản đề nghị của thủ trưởng đơn vị.

Trường hợp đơn vị chưa gửi Quy chế chi tiêu nội bộ và Quy chế quản lý, sử dụng tài sản công đến KBNN : Kiểm soát chi theo các chế độ, tiêu chuẩn, định mức do CQNN có thẩm quyền ban hành.

Hồ sơ chi từ TKTG: Ủy nhiệm chi chuyển khoản, chuyển tiền điện tử / Giấy rút tiền mặt từ TKTG.

21.2.2. Kiểm soát chi thường xuyên của các đơn vị sự nghiệp công lập.

– Cơ chế, chính sách hiện hành về kiểm soát chi.

KBNN thực hiện kiểm soát chi theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL, có hiệu lực ngày 16/4/2015 của Chính phủ. Thông tư số 326/2016/TT-BTC ngày 23/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2017 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính về điều hành NSNN năm 2017.

Thông tư số 81/2006/TT-BTC ngày 06/09/2006 của Bộ Tài chính và Thông tư số 172/2009/TT-BTC ngày 26/8/2009 của Bộ Tài chính sửa đổi một số điểm của Thông tư số 81/2006/TT-BTC.

– Công tác kiểm soát chi đối với một số nội dung:

+ Chi hoạt động thường xuyên (chi thanh toán cá nhân, chi quản lý hành chính, nghiệp vụ chuyên môn): Hồ sơ, tài liệu, quy trình thủ tục kiểm soát chi.

Về tiêu chuẩn, định mức được quy định như sau:

 Đối với các khoản chi thường xuyên của ĐVSN tự bảo đảm chi phí hoạt động và ĐVSN tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động : Thủ trưởng đơn vị được quyết định một số mức chi quản lý hành chính, chi nghiệp vụ chuyên môn cao hơn hoặc thấp hơn mức chi do CQNN có thẩm quyền quy định.

 Đối với các khoản chi thường xuyên của ĐVSN do ngân sách bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động : Thủ trưởng đơn vị được quyết định một số mức chi quản lý, chi hoạt động chuyên môn song không được vượt quá mức chi do CQNN có thẩm quyền quy định.

Đối với những nội dung chi, mức chi cần thiết cho hoạt động của đơn vị, trong phạm vi xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, nhưng chưa được ban hành chế độ thì đơn vị xây dựng mức chi trong phạm vi nguồn tài chính của đơn vị.

Nguồn kinh phí đưa vào TKTG của đơn vị SN gồm:

Các khoản thu phí, lệ phí thuộc NSNN

Các khoản trích lập các quỹ theo quy định

Các khoản thu, chi của hoạt động sản xuất, cung ứng dịch vụ của đơn vị được đơn vị chuyển vào TKTG tại KBNN.

Nghiêm cấm việc dùng kinh phí NSNN để bù lỗ cho các hoạt động dịch vụ, liên doanh, liên kết hoặc chuyển các khoản tiền thuộc nguồn NSNN vào TKTG của đơn vị mở tại NH. Việc chuyển kinh phí từ tài khoản dự toán vào TKTG mở tại KBNN nơi giao dịch (trừ việc trích lập các quỹ theo quy định) đối với một số trường hợp đặc biệt phải được Thủ trưởng cơ quan tài chính đồng cấp cho phép bằng văn bản.

+ Chi không thường xuyên (mua sắm, sửa chữa tài sản): Hồ sơ, tài liệu, quy trình thủ tục kiểm soát chi.

Tạm ứng, thanh toán từ TKTG của đơn vị sự nghiệp thực hiện chế độ tự chủ:

Quy trình, thủ tục kiểm soát chi từ nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị sự nghiệp công lập mở tài khoản tại KBNN.

Kiểm soát chi:

Đối với các khoản phí, lệ phí thuộc NSNN:

Nội dung chi: Chi hoạt động thường xuyên phục vụ công tác thu phí và lệ phí: tiền lương, tiền công, …cho số lao động trực tiếp phục vụ công tác thu phí; chi phí chuyên môn phục vụ công tác thu phí, sửa chữa thường xuyên tài sản cố định.

Kiểm soát chi theo dự toán chi phí / hoặc quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị (nếu khoản phí, lệ phí đưa vào quy chế).

Đối với việc trích lập, sử dụng các quỹ:

Căn cứ vào quy chế chi tiêu nội bộ và đề nghị trích lập các quỹ của đơn vị, các quy định về xử lý kết quả tài chính của đơn vị, KBNN thực hiện kiểm soát việc trích lập quỹ của đơn vị và chuyển tiền từ TKDT sang TKTG cho đơn vị.

KBNN không kiểm soát việc sử dụng các quỹ của đơn vị. 

 ———————-TÀI LIỆU THAM KHẢO—————————–

 1. Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước. Nghị định 46/2015/NĐ-CP ngày 12/05/2015 của Chính phủ về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng; Nghị định 37/2015/NĐ-CP ngày 22/4/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết về hợp đồng xây dựng; Nghị định số 32/2015/NĐ-CP ngày 25/3/2015 của Chính phủ quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, có hiệu lực từ ngày 10/5/2015; Nghị định số 16/2016/NĐ-CP ngày 16/3/2016 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.

2.Thông tư số 05/2014/TT-BTC ngày 06/01/2014 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, sử dụng các khoản thu từ hoạt động quản lý dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án sử dụng sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ.

3. Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước; Thông tư số 39/2016/TT-BTC ngày 01/3/2016 của Bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 161/2012/TT-BTC ngày 02 tháng 10 năm 2012 của Bộ Tài chính quy định chế độ kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.

4.Thông tư số 55/2016/TT-BTC ngày 23/03/2016 của Bộ Tài chính Quy định một số nội dung về quản lý tài chính đối với dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư và chi phí lựa chọn nhà đầu tư; Thông tư số 326/2016/TT-BTC ngày 23/12/2016 của Bộ Tài chính  Quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2017.

5. Thông tư số 108/2016/TT-BTC ngày 30/06/2016 của Bộ Tài chính Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 08/2016/TT-BTC ngày 18/01/2016 của Bộ Tài chính Quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

6.Thông tư số 111/2016/TT-BTC ngày 30/6/2016 của Bộ Tài chính Quy định về Quản lý tài chính đối với các chương trình, dự án sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài. 

Vì sao phải kiểm soát chi ngân sách nhà nước