Vì sao gọi Hội Thánh là cộng đoàn hiệp thông

Bài 15

HỘI THÁNH TRONG CHƯƠNG TRÌNH
CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA   

Lời Chúa     :         “Chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.” (1 Cr 3,9)

Ý chính       :         1. Hình thành Hội Thánh. (1 Cr 3,9-11)

              2. Hội Thánh là Nhiệm thể và Hiền thê của Chúa Kitô. (1 Cr 12,12-30)

Quy chiếu   :         sách GL.HTCG số 748-810

Tâm tình     :         Yêu mến Hội Thánh - Hiệp thông với Hội Thánh.

Chuẩn bị     :         GLV đọc kỹ lại giáo án giáo lý cấp I bài 9 ; cấp II bài 11.

I. ỔN ĐỊNH.

1. Đón tiếp.

2. Thánh hóa.

3. Giới thiệu bài mới :

Chúa Thánh Thần đã khai sinh Hội Thánh từ ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-12). Cộng đoàn này có khởi đầu và kết thúc ra sao, có liên quan gì với Chúa Kitô không ? Đó là những vấn đề chúng ta tìm hiểu hôm nay.

II. TỪ CUỘC SỐNG.

Hoàng đế Napoléon nước Pháp là nhân vật từng làm chấn động Âu Châu vào thế kỷ 18. Khi Napoléon bắt giam Đức Giáo Hoàng Pio VII (1742-1823), các kẻ nghịch với Hội Thánh đã reo lên : “Đây là vị Giáo Hoàng cuối cùng”. Nhưng rồi Napoléon thất bại, bị cầm tù tại đảo St.Hélène, và Đức Giáo Hoàng lại trở về Rôma. Chính Đức Giáo Hoàng Pio VII đã đứng lên đón tiếp và giúp đỡ gia đình tan rã của Napoléon.

Các em thân mến ! Đây là một trong ngàn lần sóng gió của Hội Thánh, nhưng Chúa vẫn gìn giữ Hội Thánh cho đến ngày hôm nay, như Lời Chúa phán với Phêrô : “Hỡi Phêrô, anh là Đá, trên Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực hỏa ngục sẽ không thắng được” (Mt 16,18).

Chính Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh, và tất cả những ai tin vào lời Chúa Kitô được qui tụ thành cộng đoàn dân Chúa, trở thành cộng sự viên của Chúa. Điều này được nói lên trong đoạn thư của thánh Phaolô. Mời các em lắng nghe :

III. LÊN TỚI CHÚA.

A. Công bố Lời Chúa.

Lời Chúa trong thư thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 3,9-11)

“Chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên.

Theo ơn Thiên Chúa đã ban cho tôi, tôi đặt nền móng như một kiến trúc sư lành nghề, còn người khác thì xây trên nền móng đó. Nhưng ai nấy phải coi chừng về cách mình xây cất. Vì không ai có thể đặt nền móng nào khác ngoài nền móng đã đặt sẵn là Chúa Giêsu Kitô.”

- Đó là Lời Chúa.

+ Tạ ơn Chúa (thinh lặng giây lát rồi mời ngồi).

Nhận biết nguy cơ phân hóa trong cộng đoàn tín hữu Côrintô, thánh Phaolô đã viết thư cho họ vừa xác định vai trò của Người vừa khẳng định nền móng Hội Thánh là chính Chúa Giêsu Kitô.

B. Dẫn giải nội dung giáo lý.

1. Hình thành Hội Thánh (1 Cr 3,9-11) :

Hội Thánh chính là dân Thiên Chúa được tập họp trên toàn thế giới. Hội Thánh có mặt tại những cộng đồng địa phương (giáo phận, giáo xứ) và thể hiện như một tập hợp Phụng vụ, đặc biệt khi cử hành Thánh Thể.

Ngày nay, các em thử quan sát, vào mỗi sáng Chúa nhật, khi chuông nhà thờ vang lên, từ mọi nơi trong xứ đạo, dân Chúa tuôn đổ về nhà thờ để tụ họp lắng nghe Lời Chúa, cử hành Phụng vụ Thánh thể. Trong số đó, chắc chắn có các em, có anh, (chị, Thầy, Dì...) cùng với cộng đoàn.

Hội Thánh bắt nguồn từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi :

a) Hội Thánh được Chúa Cha cưu mang từ đời đời và chuẩn bị trong thời Cựu ước.

Từ khởi thủy, Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ, Người đã quyết định nâng loài người lên, cho loài người hiệp thông vào đời sống thần linh : “Ta hãy làm ra người theo hình ảnh Ta” (St 1,26). Thiên Chúa đã tạo dựng con người trong tình trạng tốt đẹp cho con người được hiệp thông với Người qua hình ảnh vườn diệu quang (x. St 2,8-24). Nhưng con người đã từ bỏ Thiên Chúa bằng hành vi bất tuân lệnh Thiên Chúa. Dù vậy, Chúa Cha đã không bỏ con người sa ngã trong Ađam. Bởi đó, cho dù hậu quả tội lỗi có phá hủy mối hiệp thông giữa Thiên Chúa và loài người, cũng như giữa loài người với nhau, thì Thiên Chúa vẫn kiên trì thiết lập lại mối hiệp thông đó. Cuộc chuẩn bị cho việc tập họp này khởi đầu bằng việc tuyển chọn Israel. Các ngôn sứ loan báo việc thiết lập dân mới bằng giao ước vĩnh cửu là Chúa Kitô.

b) Hội Thánh được Chúa Kitô thiết lập :

Chúa Giêsu khởi đầu đời công khai bằng việc rao giảng Tin Mừng và qui tụ những ai tin vào Người. Ai tiếp nhận lời Chúa Giêsu là tiếp nhận Nước Trời. Chúa Giêsu thiết lập Hội Thánh theo một cơ cấu sẽ tồn tại mãi. Trước hết, Người tuyển chọn 12 Tông đồ thay mặt cho 12 chi tộc Israel, họ được gọi là những tảng đá Giêrusalem mới. Nhưng Hội Thánh chủ yếu được thiết lập nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu Kitô.

c) Hội Thánh khai sinh và hoàn tất :

Khi công trình Chúa Cha trao cho Chúa Con đã hoàn tất trên trần gian. Chúa Thánh Thần lại được gởi đến vào ngày lễ Ngũ Tuần để khai sinh và thánh hóa Hội Thánh luôn mãi. Từ lúc đó, Hội Thánh công khai xuất hiện trước công chúng. Như thế, Hội Thánh được Chúa Thánh Thần tỏ bày trong ngày lễ Ngũ Tuần.

Hai ngàn năm qua, Hội Thánh đã và đang hoạt động giữa trần thế, cùng với bao cam go thử thách, Hội Thánh lữ hành phải trải qua để được hoàn tất trong vinh quang. Khi đó, mọi người

công chính từ Ađam, Abel đến người cuối cùng được tuyển chọn, sẽ qui tụ trong Hội Thánh hiển vinh bên cạnh Chúa Giêsu.

Tóm lại, Hội thánh là một cộng đoàn những người được Lời Thiên Chúa qui tụ thành Dân Chúa và thành Thân Thể Chúa Ki-tô.

2. Hội Thánh là Nhiệm thể và Hiền thê của Chúa Kitô. (1 Cr 12,12-30)

a) Hội Thánh là Nhiệm thể :

Cha ông chúng ta thường nói : “Anh em như thể tay chân” để nói lên sự liên kết, gắn bó trong một gia đình, một dòng tộc. Trong Hội Thánh Chúa Kitô, sự liên kết này còn bền chặt hơn nữa. Không phải chúng ta chỉ coi nhau như thể tay chân, mà chúng ta thực sự là tay chân của nhau. Thánh Phaolô quảng diễn mối hiệp thông nội tại này như sau (mời đứng nếu là tiết riêng :)

Lời Chúa trong thư thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côrintô (1 Cr 12,12-13.17).

“Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Chúa Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do thái hay Hy lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất.... Giả như toàn thân chỉ là mắt, thì lấy gì mà nghe ? Giả như toàn thân chỉ là tai, thì lấy gì mà ngửi ?”

- Đó là Lời Chúa.

+ Tạ ơn Chúa (thinh lặng giây lát rồi mời ngồi).

Lời Chúa vừa tuyên đọc cho ta biết tất cả những ai đã chịu phép rửa tội đều trở nên một thân thể trong Chúa Kitô. Vì Chúa Kitô là Đầu, Hội Thánh là Thân thể.

Thánh Phaolô còn nói rõ với chúng ta : “Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12,13).

Chính Chúa Thánh Thần thánh hóa và liên kết chúng ta trong cùng một thân thể của Chúa Kitô là Hội Thánh.

Hội Thánh hiệp thông với Chúa Kitô như thế nào ? Từ ban đầu, Chúa Giêsu cho các môn đệ tham dự vào cuộc sống của Người, mặc khải cho họ mầu nhiệm Nước Trời, cho tham dự sứ vụ, niềm vui và những thống khổ của Người. Người còn mời gọi họ hiệp thông sâu xa hơn : “Hãy ở lại trong Thầy, Thầy là cây nho, các con là cành” (Ga 15,4-5).

Mối tương quan càng trở nên mật thiết hơn khi chúng ta ăn thịt và uống máu Chúa ! : “Ai ăn Thịt và uống Máu Tôi, thì ở lại trong Tôi, và Tôi ở lại trong người ấy” (Ga 6,56). Mối hiệp thông sâu xa này được sánh ví với chính tình hiệp thông giữa Chúa Cha và Chúa Con : “Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn Tôi, cũng sẽ nhờ Tôi mà được sống như vậy” (Ga 6,57).

Như thế, Hội Thánh không chỉ quy tụ mà còn hiệp nhất trong một thân mình duy nhất với Chúa Kitô. Hiệp nhất giữa các phần tử trong cùng một thân thể nhờ sự hiệp nhất với Chúa Kitô. Sự hiệp thông này phát sinh sự hiệp thông, như hình ảnh cành nho liên kết với cây nho sẽ trổ sinh hoa trái, vì “Trong thân thể này, sức sống của Chúa Kitô tuôn tràn qua các tín hữu” (Hc. HT 7).

Tóm lại, Hội Thánh là Nhiệm thể Chúa Kitô vì mọi người trong Hội thánh đều nhờ Chúa Thánh Thần mà được liên kết với Chúa Ki-tô và hiệp nhất với nhau như các chi thể hợp thành thân thể và liên kết với đầu.

Chúng ta hãy cùng nhau cảm tạ Chúa vì Chúa đã liên kết chúng ta nên một trong Hội Thánh, được trở nên chi thể của Hội Thánh. Ta phải biết xây dựng và duy trì sự hiệp thông trong Hội Thánh.

b) Hội Thánh là Hiền thê :

Tương quan mật thiết giữa Chúa Kitô và Hội Thánh còn được diễn tả bằng hình ảnh hôn nhân. Đề tài Chúa Kitô là hôn phu (chồng) của Hội Thánh đã được các ngôn sứ chuẩn bị (x. Hs 1,2 ; 2,4-22 ; Ed 16,6-16) và được Gioan Tẩy giả loan báo (x. Ga 3,29).

Thánh Phaolô đã giới thiệu Hội Thánh và mỗi tín hữu như nguời trinh nữ đã “đính hôn” với Chúa Kitô để trở nên một thần trí với Người (x. 1 Cr 6,15-17 ; 2 Cr 11,2). Hội Thánh là Hiền thê (vợ) tinh tuyền, mà Chúa Kitô đã yêu thương, đã  tự nộp mình để thánh hóa Hội Thánh (x. Ep 5,26), để liên kết với mình bằng một giao ước muôn đời và không ngừng chăm lo như cho chính bản thân mình (x. Ep 5,29). Đây là mầu nhiệm thật cao cả (x. Ep 5,32).

Chính Chúa Giêsu cũng đã dùng hình ảnh vợ chồng để nói lên tình yêu của Người đối với Hội Thánh (x. Mt 9,14-15 ; Mt 15,1-13).

Hội Thánh là Hiền thê của Chúa Kitô, thì cũng là Mẹ của các tín hữu, vì chính Hội Thánh cộng tác với Chúa Kitô trong việc sinh ra các tín hữu qua Bí tích Rửa tội.

Tóm lại, Hội Thánh là Hiền thê của Chúa Kitô vì Chúa Ki-tô yêu thương Hội thánh đến nỗi đổ máu ra thanh tẩy và làm cho Hội thánh thành người mẹ sinh ra tất cả các con cái Thiên Chúa.

Chúng ta thật sung sướng được thuộc về Hội Thánh, được hiệp nhất với Chúa và với anh chị em. Chính ở điều này, chúng ta phải biết sống liên kết với nhau trong cộng đoàn Hội Thánh, mỗi nguời có trách nhiệm phục vụ lợi ích chung, mỗi người phát huy vai trò, chức năng, nghề nghiệp của mình thật đúng tinh thần Tin Mừng để làm cho mình trở thành chi thể Chúa Kitô, trở thành hiền thê của Chúa Kitô.

C. Hướng ý cầu nguyện.

Trong niềm hiệp thông, các em cùng dâng lên Thiên Chúa niềm tri ân, cảm tạ vì Chúa đã cho chúng ta được sống trong Hội Thánh. Chính trong Hội Thánh, mà ta được liên kết mật thiết với Ba Ngôi Thiên Chúa.

Hát bài : Thầy là cây nho.

IV. TRỞ VỀ CUỘC SỐNG.

1. Bài học :

“Chúng tôi là cộng sự viên của Thiên Chúa. Anh em là cánh đồng của Thiên Chúa, là ngôi nhà Thiên Chúa xây lên” (1 Cr 3,9).

77. H.                          Hội thánh là cộng đoàn nào ?    # @  (GLCG.110)

   T. Hội thánh là một cộng đoàn những người được Lời Thiên Chúa qui tụ thành Dân Chúa và thành Thân Thể Chúa Ki-tô.

78. H.   Hội thánh khởi đầu và kết thúc như thế nào ?    (GLCG.111)

   T. Hội thánh được Chúa Cha cưu mang từ đời đời và chuẩn bị trong thời Cựu ước, được Chúa Giê-su Ki-tô khai sinh nhờ cuộc khổ nạn và phục sinh của Người, rồi được Chúa Thánh Thần tỏ bày trong ngày lễ Ngũ Tuần và sẽ hoàn tất trong vinh quang trên trời.

79. H. Vì sao gọi Hội thánh là Nhiệm thể Chúa Ki-tô ?   (GLCG.116)

   T. Vì mọi người trong Hội thánh đều nhờ Chúa Thánh Thần mà được liên kết với Chúa Ki-tô và hiệp nhất với nhau như các chi thể hợp thành thân thể và liên kết với đầu.

80. H. Vì sao gọi Hội thánh là Hiền thê của Chúa Ki-tô?          (GLCG.117)

   T. Vì Chúa Ki-tô yêu thương Hội thánh đến nỗi đổ máu ra thanh tẩy và làm cho Hội thánh thành người mẹ sinh ra tất cả các con cái Thiên Chúa.

2. Sinh hoạt : tìm trong tập Sinh hoạt giáo lý cấp III.

3. Gợi ý sống đạo :

Em luôn có tâm tình cảm tạ Thiên Chúa vì hồng ân được làm con Chúa trong Hội Thánh.

Nhận biết Hội Thánh do Thiên Chúa thiết lập, em luôn tin tưởng những điều Hội Thánh dạy và yêu mến Hội Thánh, nhất là cầu nguyện cho Hội Thánh mỗi ngày.

Biết bảo vệ và xây dựng Hội Thánh, bảo vệ tài sản Hội Thánh. Cụ thể là không vẽ bậy, vạch bàn ghế, tường Nhà thờ.

4. Bài làm ở nhà :

Em tìm và ghi vào tập bài làm một việc làm nói lên tình hiệp thông trong gia đình hay giữa bạn bè của em.

V. KẾT THÚC.