Ví dụ về đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp

Văn hoá doanh nghiệp bao gồm các niềm tin và hành vi của cả nhân viên và ban quản lý tương tác, xử lý các vấn đề hoạt động kinh doanh. Thông thường, văn hoá doanh nghiệp không được xác định rõ ràng và được phát triển theo thời gian, dựa trên những đặc điểm tích luỹ của các nhân viên trong công ty. Văn hoá của công ty được phản ánh trong quy tắc ăn mặc, thời gian làm việc, bày trí văn phòng, lợi ích của nhân viên, doanh thu, quyết định tuyển dụng, cách đối xử với khách hàng, sự hài lòng của khách hàng, …

Các lớp văn hoá doanh nghiệp

Trên thực tế, trong văn hoá doanh nghiệp người ta hay sử dụng mô hình tảng băng văn hoá, theo đó có 2 yếu tố:

  • Các yếu tố hữu hình của doanh nghiệp (Phần nổi của tảng băng): Mục tiêu, tầm nhìn, chiến lược, chính sách, người đại diện của tổ chức, …
  • Các yếu tố vô hình của doanh nghiệp (Phần chìm của tảng băng): Quy tắc ngầm, hiện trạng, các mối quan hệ, giá trị và chuẩn mực, thái độ và cảm xúc, nhu cầu cơ bản của con người, …
    Ví dụ về đặc trưng của văn hóa doanh nghiệp
    Mô hình tảng băng trôi văn hoá doanh nghiệp

Tương tự, văn hoá doanh nghiệp được chia thành 3 lớp văn hoá:

  • Các giá trị hữu hình: Tất cả các yếu tố mà có thể dùng giác quan để cảm nhận. Ví dụ: logo, slogan, biểu tượng, đồng phục, đặc trưng, …
  • Các giá trị được chấp nhận: Các yếu tố doanh nghiệp mong muốn mọi người nhìn nhận giá trị của họ như thế nào.
  • Các giá trị, quan niệm nền tảng: Đây là phần quan trọng tạo ra đặc trưng của văn hoá doanh nghiệp, thường mọi người sẽ khó nhận thấy

Lịch sử của khái niệm Văn hoá doanh nghiệp

Nhận thức về văn hoá doanh nghiệp hoặc văn hoá tổ chức đã xuất hiện vào những năm 1950. Cụ thể, năm 1951, Elliott Jaques, một nhà phân tích tâm lý người Canada, đã cho ra mắt cuốn sách có khái niệm về Văn hoá doanh nghiệp có tên là “The Changing Culture of a Factory” (tạm dịch: Thay đổi văn hoá của một nhà máy). Tuy vậy mãi đến năm 1980 khái niệm này mới được phát triển và đến năm 1990 đã được biết đến, áp dụng rộng rãi. Văn hoá doanh nghiệp đã được các nhà quản lý, các chuyên gia sử dụng trong thời kỳ trước đó để mô tả đặc điểm của một công ty. Các đặc điểm đó bao gồm niềm tin và hành vi tổng thể, hệ thống giá trị toàn công ty, chiến lược quản lý, giao tiếp, quan hệ của các nhân viên, môi trường làm việc và thái độ. Sau này, văn hoá doanh nghiệp được phát triển dựa trên các yếu tố như phong cách của lãnh đạo, các biểu tượng trực quan như logo, thương hiệu, …

Đến năm 2015, văn hoá doanh nghiệp không chỉ còn ảnh hưởng bởi bản thân công ty, người sáng lập, ban lãnh đạo và nhân viên, mà còn chịu ảnh hưởng từ văn hoá và truyền thống dân tộc, xu thế kinh tế, thương mại quốc tế, quy mô công ty và sản phẩm.

Các công ty có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều nền văn hoá khác nhau, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu hoá và sự gắn kết môi trường kinh doanh như ngày nay. Một số thuật ngữ mới được ra đời để bổ sung cho văn hoá doanh nghiệp, ví dụ:

  • Đa văn hoá (Cross-Culture): Sự tương tác của những nhóm người từ những môi trường, văn hoá khác nhau.
  • Sốc văn hoá (Culture Shock): Sự bối rối hoặc lo lắng mà một người trải qua khi họ hoạt động và làm việc trong một xã hội có văn hoá khác với xã hội của họ. Thông thường, sốc văn hoá thể hiện rõ ở những người dành thời gian dài ở nước ngoài để làm việc và gặp khó khăn khi chuẩn bị quay về lại quốc gia của họ.

Ngày nay, để tạo ra những trải nghiệm tích cực giữa các nền văn hoá, đồng thời tạo điều kiện cho văn hoá doanh nghiệp được gắn kết và hiệu quả hơn, các doanh nghiệp thường tổ chức những buổi đào tạo để cải thiện sự tương tác và hiểu rõ hơn về các nền văn hoá trong công ty.

Các đặc trưng của văn hoá doanh nghiệp

Mỗi doanh nghiệp tổ chức đều sẽ có định hướng khác nhau để xây dựng văn hoá riêng cho mình, theo đó có 8 đặc trưng cụ thể của văn hoá:

  • Đổi mới và mạo hiểm: Mức độ mà nhân viên được khuyến khích tích cực đổi mới và chấp nhận rủi ro do đổi mới gây ra.
  • Chú trọng đến chi tiết: Mức độ nhà quản lý mong muốn nhân viên thực hiện công việc chính xác và chú ý đến các chi tiết nhỏ trong khi thực hiện công việc nhiệm vụ.
  • Định hướng kết quả: Mức độ người quản lý tập trung vào kết quả công việc nhiều hơn là quá trình và phương pháp thực hiện.
  • Định hướng con người: Mức độ người quản lý xem xét các quyết định ảnh hưởng lên con người trong phạm vi tổ chức.
  • Định hướng nhóm: Các công việc, nhiệm vụ, hoạt động được thực hiện bởi các nhóm nhiều hơn là cá nhân.
  • Năng nổ: Mức độ nhà quản lý mong muốn nhân viên tỏ ra năng nổ và cạnh tranh với nhau nhiều hơn là ỷ lại, hài lòng với bản thân.
  • Sự ổn định: Mức độ hoạt động của tổ chức trong việc duy trì trạng thái, hiện trạng chứ không chú trọng thay đổi, tăng trưởng.

Mỗi đặc trưng trên sẽ được đánh giá từ thấp tới cao. Việc đánh giá 7 đặc trưng này sẽ cho thấy bức tranh tổng thể của văn hoá tổ chức. Có thể có nhiều cách kết hợp khác nhau giữa các đặc trưng này, nhưng quan trọng là giúp cho chúng ta hiểu và cảm nhận được về các thành viên trong tổ chức, cách thức hoạt động và các ứng xử của họ.

Tại sao Văn hoá doanh nghiệp lại quan trọng?

Trong một báo cáo năm 2020 của SHRM (Hiệp hội Quản lý nguồn nhân lực) tại Mỹ cho biết, những nơi làm việc không tốt đang khiến cho doanh nghiệp đó tiêu tốn hàng tỷ USD. Gần một nửa số nhân viên trong cuộc khảo sát cho biết họ đã và đang nghĩ tới việc rời bỏ công việc do liên quan đến vấn đề văn hoá công ty. Kết quả là 1/5 nhân viên đã nghỉ việc vì lý do tương tự trong vòng 5 năm qua.

Không những vậy, các nhà quản lý cũng đang dần nhận thức giá trị của môi trường làm việc hiệu quả. NBER cho biết 9 trong 10 giám đốc điều hành cấp cao tin rằng việc cải thiện văn hoá doanh nghiệp sẽ tăng giá trị cho tổ chức của họ. Tuy vậy hiện tại, chỉ có 16% số lượng nhà quản lý hài lòng và chấp nhận với văn hoá doanh nghiệp hiện tại của công ty họ.

Trong thực tế, văn hoá doanh nghiệp thường tác động đến doanh nghiệp và hoạt động quản trị như sau:

  • Điều phối và kiểm soát hành vi của các thành viên.
  • Tạo ra sự ổn định cho tổ chức.
  • Tạo động lực làm việc và gắn bó lâu dài với tổ chức.
  • Giải quyết tận gốc vấn đề xung đột quyền lợi cá nhân – tập thể.
  • Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các loại văn hoá doanh nghiệp

Trong thực tế nhiều doanh nghiệp và các nhà nghiên cứu đã đưa ra một vài mô hình văn hoá doanh nghiệp, tuy vậy chưa có sự thống nhất chung. Nổi bật trong đó có mô hình của Robert Quinn và Kim Cameron có tính áp dụng cao do áp dụng được trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo đó, mô hình doanh nghiệp này gồm 4 loại hình cơ bản:

  • Văn hoá gia đình (Clan Culture)

Văn hoá gia đình chủ yếu tồn tại trong các tổ chức truyền thống hơn. Những công ty này thường thuộc sở hữu gia đình, thường có sự tập trung vào việc nuôi dưỡng nhân viên thông qua các kết nối cá nhân. Tất nhiên, văn hoá gia đình dùng để tạo ra cảm giác của một đại gia đình thực sự.

  • Văn hoá thứ bậc (Hierarchical Culture)

Văn hoá thứ bậc cũng tồn tại trong các tổ chức truyền thống. Đây là những doanh nghiệp có cấu trúc quyền lực cao và quyền ra quyết định nằm ở cấp bậc cao nhất. Do đó, đôi khi nhân viên có cảm giác bị đánh giá thấp và thấy bất lực. Mặc dù loại hình văn hoá tổ chức này thường rất hiệu quả, nhưng đây không phải là môi trường tốt để thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới.

  • Văn hoá thị trường (Market Culture)

Văn hoá thị trường thường được áp dụng trong các công ty muốn mở rộng quy mô của mình. Văn hoá này thường hướng về kết quả làm việc, đánh giá sự cạnh tranh nội bộ và khen thưởng những người hoàn thành tốt công việc. Vì vậy văn hoá doanh nghiệp này đòi hỏi tất cả nhân viên phải tham gia vào sự cạnh tranh trong toàn công ty. Những người liên tục hoàn thành tốt công việc sẽ nhận được các phần thưởng liên quan đến tài chính hoặc thăng tiến trong công việc.

  • Văn hoá sáng tạo (Adhocracy Culture)

Văn hoá này áp dụng cho các công ty chấp nhận một số rủi ro nhất định, tại đây doanh nghiệp đặt mục tiêu hàng đầu là thay đổi và đổi mới sáng tạo. Trong cấu trúc văn hoá này, tất cả nhân viên đều được khuyến khích tham gia bất kể vị trí của họ ở đâu, bởi vì những doanh nghiệp theo trường phái văn hoá này hiểu được, ý tưởng lớn có thể khởi đầu từ những thứ nhỏ nhất.

Đặc điểm của một Văn hoá doanh nghiệp thành công

Năm 2015, tạp chí Harvard Business Review đã xác định 6 đặc điểm quan trọng của các công ty có văn hoá doanh nghiệp thành công.

  • Tầm nhìn: tầm nhìn là tuyên ngôn của một công ty, tuyên bố những nhiệm vụ, tầm nhìn dài hạn mà họ đang hướng tới, đây là một công cụ rất mạnh mẽ.
  • Giá trị: thể hiện tinh thần và quan điểm cần thiết để đạt được tầm nhìn của công ty.
  • Thực hành, hành động: đây là những hành động cụ thể, qua đó công ty thực hiện các giá trị của mình.
  • Con người, nhân lực: Cách thức mà các công ty sử dụng và tuyển dụng nhân lực phản ánh và nâng cao văn hoá của họ.
  • Tường thuật, câu chuyện riêng: Có một câu chuyện riêng cho doanh nghiệp rất quan trọng đối với sự phát triển doanh nghiệp và hỉnh ảnh của công ty trước công chúng. Ví dụ: Nhắc đến công ty Apple là chúng ta sẽ nghĩ đến các câu chuyện xung quanh Steve Jobs.
  • Địa điểm: địa điểm làm việc, văn phòng, thành phố, quốc gia, cũng như các thiế kế và kiến trúc của toà nhà, văn phòng. Đây là một trong những yếu tố tiến bộ tiên tiến nhất trong văn hoá doanh nghiệp đương đại.