Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Dịp tết Trung Thu đến, mỗi thành viên trong gia đình lại quây quần bên nhau chuẩn bị mâm cỗ, đèn lồng, tranh ảnh để trang trí không gian thêm vui tươi, tràn ngập sắc màu của tết Đoàn Viên. Tuy năm nào cũng đón tết Trung Thu, nhưng để sáng tạo những ý tưởng độc đáo với cách vẽ tranh đơn giản thì không phải ai cũng biết. Hãy để Cleanipedia giới thiệu đến bạn cách vẽ tranh Trung Thu đẹp nhất sau đây!

Đã cập nhật 14 tháng 9 năm 2022

Bởi Đội Cleanipedia

Chia sẻLưuChia sẻ

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Gia đình

Ý nghĩa và biểu tượng của Tết Trung thu ở Việt Nam

Vào ngày 15/8 âm lịch hằng năm, người dân Việt Nam đều nô nức chuẩn bị và sum họp cùng nhau phá cỗ dưới ánh trăng sáng. Vậy Tết Trung thu ở Việt Nam đặc biệt như thế nào? 

  • Tết Trung Thu còn được người dân gọi là Tết Đoàn Viên và cũng là tết quan trọng thứ 2 trong năm. 

  • Trong dịp đặc biệt này, trẻ em là nhân vật được cả nhà chú ý và săn sóc nhiều nhất. Các em sẽ được cha mẹ đưa đi chơi, rước đèn ông sao, phá cỗ và ăn bánh kẹo. Những hoạt động này chính là cách để bày tỏ yêu thương, đoàn tụ giữa các thành viên trong gia đình. 

  • Tết Trung Thu là biểu tượng của tình cảm gia đình, tình thân thiêng liêng, là nét đẹp trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam.

Ý tưởng vẽ tranh trung thu đơn giản mà đẹp cho bé tha hồ sáng tạo

Tết Trung Thu đang đến gần kề, nhà nhà háo hức chuẩn bị quần áo, đèn lồng, bánh kẹo  nhưng đừng quên những bức tranh trang trí do chính tay các em nhỏ làm ra! Sau đây là những ý tưởng vẽ tranh Trung Thu đẹp nhất và đơn giản để bạn cùng bé yêu thỏa sức sáng tạo:

Vẽ chị Hằng Nga

Để vẽ được chị Hằng Nga bạn cần chuẩn bị đầy đủ bút màu và giấy. 

Bắt đầu vẽ tranh:

  • Đầu tiên bạn lấy một cây bút chì, vẽ một vòng tròn nhỏ trên giấy để làm phần đầu. Hãy vẽ nhiều đường cong để làm tóc mái cho chị Hằng Nga. Trên đầu chị Hằng có đeo trang sức nên bạn hãy vẽ 2 đường cong nhỏ chồng lên nhau và vẽ tiếp 2 đường cong giống như tai của chú thỏ. 

  • Tiếp đến, bạn vẽ mắt, mũi, miệng cho chị Hằng. Để vẽ mắt vừa đơn giản vừa đẹp bạn chỉ cần vẽ hình tròn nhỏ hay đường cong là được. Sau đó, chấm 1 chấm tròn nhỏ là đã xong mũi của chị Hằng, vẽ tiếp 1 đường cong nhỏ hướng lên trên là đã có ngay miệng cười của chị Hằng. Kế tiếp, bạn vẽ một nửa hình trái tim ở 2 bên đầu làm tai và vẽ đôi bông tai theo ý của bạn.

  • Vẽ tiếp 2 đường thẳng làm cổ, vẽ 2 đường xiên ra 2 bên để làm vai và 2 đường xiên xuống để làm thân của chị Hằng. Kế tiếp, bạn hãy gạch 2 đường ngang làm thắt lưng. Để áo chị Hằng được đẹp bạn vẽ 2 đường xiên qua trái và qua phải. Tiếp tục, vẽ đường xiên sang trái và sang phải để làm váy xòe, vẽ đường lượn sóng sang trái rồi sang phải để có được 2 lớp váy. Tiếp tục vẽ thêm 2 đường xiên ra 2 bên để làm lớp váy dưới cùng của chị Hằng. Vì chị Hằng ở trên trời nên bạn hãy trang trí thêm đám mây ở phía dưới chân váy bằng nhiều đường cong tạo bồng bềnh của đám mây.

  • Đến công đoạn vẽ ống tay áo, bạn hãy vẽ 2 đường xiên ra 2 bên lúc đầu nhỏ và dần xèo rộng ra. Tay chị Hằng cầm theo cây đũa thần, bạn có thể thay thế chiếc đèn ngôi sao để bức tranh thêm phần sinh động. Hãy vẽ thêm một dải lụa dài qua đầu chị Hằng để làm bức tranh thêm phần uyển chuyển. Muốn cảnh xung quanh chị Hằng được đẹp hơn bạn có thể vẽ thêm chú thỏ trắng, đám mây bồng bềnh hay mặt trăng sáng để làm bức tranh thêm lung linh và bớt trống trải.

  • Đến bước cuối cùng là tô màu lên bức tranh. Vậy là đã hoàn thành bức tranh vẽ chị Hằng cho các bé yêu của bạn vô cùng đơn giản.

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Vẽ chú Cuội

Bạn hãy chuẩn bị bút màu và giấy để vẽ chú Cuội.

Thực hiện:

  • Đầu tiên, hãy vẽ hình tròn nhỏ làm mặt của chú cuội. Kế tiếp, vẽ 2 hình tròn nhỏ ở 2 bên đầu làm mắt, vẽ 2 đường ngang trên mắt làm lông mày và vẽ miệng cho chú cuội.

  • Chú Cuội thường thắt khăn đóng trên đầu nên bạn vẽ hình khăn đóng trên trán của chú Cuội. Rồi vẽ tiếp 2 tai ở 2 bên đầu như 1 nửa hình trái tim.

  • Tiếp đến, vẽ 1 tay của chú đang chống cằm, tay còn lại thì buông xuống. Tiếp tục, vẽ 2 đường cong như tai thỏ để làm chân của chú Cuội. Bạn vẽ những đường gạch ngang làm viền cổ, ống tay và ống chân của bộ quần áo. 

  • Sau đó, hãy vẽ một đường tròn xung quanh chú Cuội để tạo hình mặt trăng. Vẽ lá và cành cây trên đầu của chú. Phía sau chú Cuội bạn vẽ đường cong dọc xuống tạo hình thân cây Đa. Để thêm sinh động cho bức tranh bạn có thể vẽ thêm chú thỏ con ở bên cạnh chú Cuội. 

  • Bước tiếp theo, bạn vẽ những đường xoắn tạo hình đám mây và vẽ thêm những ngôi sao lấp lánh xung quanh để làm bức tranh thêm phần lung linh, đẹp mắt.

  • Cuối cùng bạn hãy tô màu lên bức tranh theo sở thích. Vậy là bức tranh chú Cuội đã hoàn thành.

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Vẽ cung trăng

Cách vẽ cung trăng vô cùng đơn giản, trước tiên bạn nên chuẩn bị bút màu và giấy để vẽ cung trăng.

Thực hiện:

  • Đầu tiên, bạn hãy vẽ một hình tròn lớn. Kế tiếp là vẽ lá và cành cây Đa phía trên cùng của hình tròn. Bạn tiếp tục vẽ thân cây ở giữa mặt trăng bằng 2 đường cong to dần từ trên xuống. 

  • Công đoạn tiếp theo, hãy vẽ các đám mây bồng bềnh bằng đường xoắn lại vào nhau và vẽ thêm những ngôi sao ở xung quanh để tạo hiệu ứng sinh động giúp bức tranh đẹp mắt hơn.

  • Cuối cùng, hãy tô màu để bức tranh được sáng rõ hơn.

Vẽ thỏ ngọc

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bút màu và giấy để vẽ thỏ ngọc thì bạn có thể làm ngay.

Thực hiện:

  • Đầu tiên, hãy vẽ hình tròn nhỏ và hình tròn to giống như số 8. Tiếp đến, bạn vẽ 2 chiếc tai thỏ ở trên đầu của hình tròn nhỏ.

  • Rồi bạn vẽ 2 hình tròn nhỏ trên đầu để làm mắt, vẽ tiếp 1 hình tam giác nhỏ ở giữa 2 mắt để tạo mũi. Để miệng thỏ trông dễ thương bạn nên vẽ số 3 nằm ngang phía dưới mũi thỏ. Chú thỏ thì luôn có râu mép nên bạn chỉ cần vẽ những nét dài  ra 2 bên.

  • Tiếp tục, vẽ 2 hình chữ u dài trong hình tròn to để làm tay của thỏ và vẽ 2 hình tròn nhỏ ở dưới hình tròn to để làm đôi chân. Bạn nên gạch những đường nhỏ ở bàn tay và bàn chân của chú thỏ để tạo móng tay, móng chân thỏ.

  • Cuối cùng, bạn hãy tô màu lên chú thỏ Ngọc để chú trông dễ thương và đáng yêu hơn.

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Vẽ lồng đèn

Để vẽ được hình đèn lồng ngôi sao quen thuộc trong ngày tết Trung Thu bạn cần chuẩn bị giấy và bút màu.

Thực hiện:

  • Đầu tiên, hãy vẽ một hình chữ nhật nằm ngang. Tiếp đến, chia hình chữ nhật thành 4 phần bằng nhau. Vẽ tiếp 2 đường thẳng đứng gần mép ngoài của hình chữ nhật. Kẻ tiếp 2 đường thẳng nằm ngang chia 2 hình chữ nhật nhỏ ra làm đôi để tạo khối.

  • Tiếp theo, hãy vẽ những đường chéo nối các cạnh của các đường thẳng lại với nhau để tạo thành 5 cánh của ngôi sao. Sau đó, xóa hết những nét thừa và tô đậm những đường chéo hình ngôi sao. Vẽ thêm những đường ngắn theo cánh của ngôi sao để tạo hình khối đèn lồng. Trên lồng đèn bạn có thể trang trí những họa tiết theo sở thích.

  • Cuối cùng, hãy vẽ tay cầm của lồng đèn. Lúc này, bạn có thể tô màu để chiếc lồng đèn thêm lung linh và đặc sắc.

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Tranh vẽ trung thu ý nghĩa

Vẽ cảnh phá cỗ, rước đèn trung thu

Bạn cần chuẩn bị bút màu và giấy để bắt đầu vẽ cảnh phá cỗ và rước đèn trong đêm Trung Thu.

Thực hiện:

  • Đầu tiên hãy chia tờ giấy làm 2 phần. Phần đầu tiên bạn hãy vẽ một hình tròn to, trong hình tròn bạn có thể vẽ thêm cây Đa với tán lá rộng, bao kín phần đầu mặt trăng. Tiếp theo vẽ 2 đường cong từ thân và rộng dần xuống gốc cây. Xung quanh mặt trăng bạn nên vẽ tiếp những đám mây hình xoắn và vẽ thêm nhiều ngôi sao nhỏ để tạo không khí lung linh, sinh động hơn. 

  • Tiếp phần dưới của bức tranh, bạn có thể vẽ một chiếc bàn, trên chiếc bàn có trái cây và bánh kẹo. Bên còn lại bạn vẽ 2 đến 3 em nhỏ cầm đèn lồng chơi đùa với nhau cạnh cha mẹ và miệng cười tươi để thể hiện sự vui vẻ, háo hức trong đêm rằm Trung Thu.

  • Cuối cùng là phần tô màu để bức tranh được rõ ràng và đẹp mắt hơn. Bạn có thể tô màu theo sở thích để thỏa sức sáng tạo.

Cách hướng dẫn bé vẽ tranh trung thu đơn giản

Để giúp các em nhỏ vẽ được những bức tranh về tết Trung Thu vừa đơn giản vừa đẹp mắt bạn hãy hướng dẫn theo cách sau:

  • Đầu tiên, bạn nên phác họa hình ảnh chính và hình ảnh phụ của nội dung lên trang giấy trắng bằng bút chì. Nên để bé vẽ những đề tài dễ và đơn giản trước, khi bé đã nắm rõ cách vẽ và vẽ linh hoạt hơn bạn mới từ từ tăng dần độ khó của bức tranh.

  • Tiếp theo, hãy giải thích những chi tiết của phát họa để bé nắm rõ từng chi tiết, lúc đó bé sẽ tưởng tượng ra được chi tiết bạn muốn bé vẽ. Khi vẽ các em thiếu nhi, bạn hãy hướng dẫn bé vẽ khuôn mặt có nụ cười tươi để thể hiện sự thích thú và hạnh phúc trong đêm rằm.

  • Hãy theo dõi quá trình vẽ của bé để kịp thời giải thích và chỉnh sửa, tránh sự nhầm lẫn chi tiết trong khi vẽ của bé.

  • Khi vẽ xong, bạn nên giúp bé lựa chọn những màu sắc tươi sáng, hài hòa với từng họa tiết và để bé tự do tô màu lên bức tranh. 

  • Lưu ý, trong quá trình hướng dẫn bé vẽ tranh, bạn nên giới thiệu và khuyến khích bé sáng tạo. Hãy tạo không khí vui vẻ và đừng ép bé phải vẽ theo những gì đã định sẵn sẽ làm bé không thoải mái, ảnh hưởng đến quá trình vẽ. Sau khi vẽ xong hãy khen ngợi và tuyên dương bé và tiếp tục cho bức vẽ tiếp theo.

Hy vọng những thông tin về vẽ tranh Trung Thu đẹp nhất sẽhữu ích đến bạn. Đừng quên truy cập vào Cleanipedia thường xuyên để theo dõi nhiều hơn những mẹo về chăm sóc gia đình và trang trí nhà cửa bạn nhé!