Trách nhiệm xây dựng gia đình văn hóa năm 2024

Yếu tố truyền thống gia đình trong xây dựng gia đình văn hóa

Có thể khẳng định rằng, truyền thống gia đình được thể hiện từ kết cấu, tổ chức, lễ nghi gia đình đến các quan hệ trong gia đình, là sợi dây cột chặt các thành viên trong gia đình lại với nhau bởi tình cảm, đạo đức, trách nhiệm, nghĩa vụ. Hiện nay, trước những thay đổi của các giá trị truyền thống dân tộc, trong đó có giá trị truyền thống gia đình thì mỗi gia đình còn có vai trò to lớn trong việc gìn giữ, lưu truyền và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp. Với ý nghĩa đặc biệt đó, truyền thống gia đình phản ánh nền văn hoá bản địa tạo nên bản sắc văn hoá dân tộc mà ngàn đời chúng ta cần trân trọng, gìn giữ. Mặt khác, nó cũng trở thành một trong những nội dung cơ bản, tiêu chí nền tảng và có ảnh hưởng quan trọng tới quá trình xây dựng gia đình văn hóa ở Việt Nam để hướng tới xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc. Truyền thống gia đình Việt Nam chú trọng xây dựng gia đạo, gia phong và gia lễ. Trong đó gia đạo là sức mạnh của gia đình, đạo đức của gia đình. Gia lễ là phép ứng xử của con người theo một nguyên tắc có tôn ti trật tự, theo tiết lễ. Ở thời đại nào văn hóa gia đình cũng là nền tảng cho văn hóa xã hội. Bởi vậy, văn hóa gia đình là một bộ phận, là cái “gốc” của văn hóa làng, văn hóa nước. Vì vậy, việc đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa không thể tách rời việc nghiên cứu, xem xét, đánh giá từ góc độ văn hóa gia đình. Đó là cơ sở xây dựng tư tưởng, đạo đức lối sống tốt đẹp, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh từ trong mỗi gia đình. Tất cả nhằm hướng tới thực hiện mục tiêu làm cho gia đình thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là tổ ấm của mỗi người. Giá trị truyền thống gia đình thể hiện trong quan hệ vợ chồng là sự thủy chung, tình nghĩa giữa vợ và chồng chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống; trách nhiệm của cha mẹ với con cái; sự coi trọng gia đình và huyết thống, dòng tộc; đề cao vai trò của người phụ nữ, người vợ, người mẹ trong gia đình; trân trọng, lưu truyền và phát huy “Đạo hiếu”; lòng biết ơn, tôn kính ông bà tổ tiên; tình anh em gắn bó keo sơn; đề cao tính cộng đồng; tinh thần đoàn kết xóm giềng; tình yêu quê hương đất nước, … Tất cả những giá trị đó được thẩm định và trường tồn làm nền tảng cho sự ổn định xã hội, là cơ sở tạo nên sức sống, duy trì hạnh phúc và sự bền vững của đời sống gia đình. Trong số các giá trị đạo đức, tâm lý, tình cảm của gia đình, giá trị chung thủy là giá trị rất được coi trọng trong quan hệ hôn nhân và gia đình, được người dân đánh giá cao nhất, sau đó là đến các giá trị tình yêu thương, bình đẳng, có con, chia sẻ việc nhà, hòa hợp, có thu nhập. Kết quả khảo sát cho thấy, có tới 41,6% coi chung thủy là “quan trọng”, và 56,7% coi chung thủy là “rất quan trọng” trong hôn nhân. Đồng thời, nghiên cứu cho thấy hiện tượng bảo lưu những tiêu chuẩn kép khắt khe với phụ nữ và xu hướng vị tha hơn cho nam giới trong vấn đề chung thủy (giá trị “chung thủy quan trọng hơn với phụ nữ” có tỷ lệ đồng ý cao là 66,2%). Điều này cho thấy, chung thủy vẫn là thước đo phẩm giá của người phụ nữ khi họ được kỳ vọng là nhân tố giữ gìn cho sự êm ấm, tốt đẹp của gia đình và xã hội. Như vậy, chuẩn mực cao nhất của hạnh phúc gia đình người Việt không phải là sự giàu sang mà là tình nghĩa để tạo ra một xã hội ôn hòa và khoan dung. Những truyền thống ấy là lực đẩy, điểm tựa lớn cho quá trình xây dựng gia đình văn hóa, là giá trị cốt lõi đảm bảo xây dựng gia đình Việt Nam ngày càng “bình đẳng, no ấm, tiến bộ, hạnh phúc”. Phát huy nét đẹp truyền thống của gia đình Việt Nam là một trong những nội dung quan trọng trong xây dựng gia đình mới ở nước ta. Đó là xây dựng gia đình văn hóa trên cơ sở kế thừa, gìn giữ và phát huy các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, đóng góp tích cực vào phong trào xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Song mặt khác, không phải mọi yếu tố của gia đình truyền thống đều mang tính tích cực và đều tồn tại mãi mãi với thời gian. Truyền thống gia đình bao gồm những mặt bảo thủ, lạc hậu, lỗi thời và những cái không còn phù hợp khi điều kiện lịch sử đã thay đổi chẳng hạn sự bất bình đẳng giữa con trai, con gái trong gia đình; thói gia trưởng, mâu thuẫn xung đột giữa các thế hệ về phép ứng xử, lối sống, tâm lý bình quân chủ nghĩa, thích sự cào bằng… đã và đang làm cho gia đình truyền thống trở thành vật cản kìm hãm và níu kéo sự phát triển của gia đình nói riêng và xã hội nói chung. Thực tế cho thấy, trong nhiều hoàn cảnh, văn hóa gia đình truyền thống luôn là nền tảng, sợi dây liên kết chặt chẽ các thành viên trong gia đình; tạo nên sức mạnh vượt qua nhiều khó khăn. Thời điểm cả nước thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống đại dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Chính phủ vừa qua, nhiều giá trị văn hóa gia đình được dịp khơi gợi, củng cố và phát huy mạnh mẽ. Nhịp sống chậm lại là cơ hội để mọi người trong nhà dành thời gian quây quần, đoàn tụ. Ông bà, cha mẹ, con cái gần gũi tâm sự, trò chuyện và gắn kết với nhau thông qua bữa cơm, cùng chia sẻ công việc nhà, những vấn đề trong cuộc sống. Cha mẹ quan tâm dạy dỗ con học bài, lắng nghe tâm tư tình cảm, cùng rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể chất… Tổ ấm gia đình chính là điểm tựa yêu thương. Trong giai đoạn giãn cách xã hội, các giá trị cốt lõi trong cuộc sống đã hình thành nên nếp sống gia đình văn minh, đồng cảm chia sẻ; từ đó thể hiện trách nhiệm với cộng đồng để cùng nhau vượt qua đại dịch.