Trách nhiệm dân sự là gì cho ví dụ

Trần Việt Anh*

Chế định trách nhiệm dân sự (TNDS) luôn là một chế định lớn được sự quan tâm của các nhà làm luật, các luật gia trong mỗi thời kỳ phát triển của xã hội. Dựa vào tính chất và nguồn gốc của nghĩa vụ được tạo lập mà các vi phạm trách nhiệm được phân thành TNDS do vi phạm nghĩa vụ phát sinh từ các cam kết, thỏa thuận (TNDS trong hợp đồng - TNDS do vi phạm hợp đồng) và TNDS do vi phạm các nghĩa vụ pháp lý do pháp luật quy định chung (TNDS ngoài hợp đồng). Nhưng không phải trong giai đoạn lịch sử nào hay pháp luật nước nào cũng có sự phân định rõ ràng hai loại TNDS này. Với mong muốn mang đến một cái nhìn toàn diện hơn về TNDS, bài viết này phân tích, so sánh những điểm tương đồng và khác biệt cũng như phân biệt hai loại TNDS.

1. Khái niệm và đặc điểm của trách nhiệm dân sự

Theo Từ điển Tiếng Việt, trách nhiệm có thể được hiểu theo hai nghĩa: Một là phần việc được giao cho hoặc coi như được giao cho, phải bảo đảm làm tròn, nếu kết quả không tốt thì phải gánh chịu phần hậu quả, hai là sự ràng buộc đối với lời nói, hành vi của mình, bảo đảm đúng đắn, nếu sai trái thì phải gánh chịu phần hậu quả[1]. Theo hai cách định nghĩa như trên thì trách nhiệm có nhiều điểm tương đồng với nghĩa vụ, nhưng nó cũng hàm chứa một điểm khác biệt quan trọng, đó là yếu tố hậu quả. Với trách nhiệm pháp lý, tức trách nhiệm đã được điều chỉnh và bảo vệ bới các quy phạm pháp luật do Nhà nước ban hành, các hậu quả này sẽ là hậu quả bất lợi được áp đặt lên những người phải chịu trách nhiệm pháp lý. Trách nhiệm pháp lý luôn là một chế định quan trọng đối với mọi hệ thống luật, vì nó chính là bảo đảm cho sự tuân thủ pháp luật của các thành viên trong xã hội, Trách nhiệm pháp lý xuất hiện khi có sự vi phạm pháp luật, là hậu quả của hành vi vi phạm và thể hiện sự răn đe của Nhà nước đối với những hành vi vi phạm.

Theo giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, trường Đại học Luật Hà Nội[2], trách nhiệm pháp lý được hiểu là: trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi (sự trừng phạt) đối với chủ thể vi phạm pháp luật, thể hiện ở mối quan hệ đặc biệt giữa Nhà nước với các chủ thể vi phạm pháp luật, được các quy phạm pháp luật xác lập và điều chỉnh, trong đó chủ thể vi phạm pháp luật phải chịu những hậu quả bất lợi, những biện pháp cưỡng chế được quy định ở chế tài các quy phạm pháp luật.

Nhìn vào khái niệm trên có thể thấy, trách nhiệm pháp lý có các đặc biểm cơ bản sau:

Đầu tiên, như đã trình bày, yếu tố quan trọng nhất của trách nhiệm pháp lý là hậu quả bất lợi hay nói cách khác là chế tài. Thái độ của Nhà nước đối với các hành vi vi phạm pháp luật được thể hiện qua việc áp dụng các chế tài và các chế tài này được đảm bảo thực hiện bằng bộ máy cưỡng chế của Nhà nước.

Đặc điểm thứ hai là tính đền bù, bởi mục đích của trách nhiệm pháp lý không chỉ là trừng trị hành vi vi phạm mà bên cạnh đó còn là sự khôi phục lại tình trạng tương ứng với phần hậu quả mà người vi phạm đã gây ra do không thực hiện nghĩa vụ của mình.

Đặc điểm về hình thức của trách nhiệm pháp lý thể hiện trách nhiệm pháp lý chỉ tồn tại khi được quy định trong các văn bản pháp luật do cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước ban hành, tức chỉ Nhà nước có quyền xác định hành vi nào là vi phạm pháp luật và các chế tài tương ứng với mỗi vi phạm đó.

Theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học của Trường Đại học Luật Hà Nội, thì TNDS là trách nhiệm pháp lý mang tính tài sản được áp dụng đối với người vi phạm pháp luật dân sự nhằm bù đắp về tổn thất vật chất, tinh thần cho người bị thiệt hại[3]. Nếu hiểu theo nghĩa này, TNDS là loại trách nhiệm pháp lý được đặt ra khi và chỉ khi có sự vi phạm pháp luật dân sự.

Còn trong số chuyên đề về Bộ luật Dân sự (BLDS) Việt Nam năm 2005, Tạp chí Dân chủ và pháp luật của Bộ Tư pháp lại đưa ra một cách định nghĩa khác về TNDS trong phần thuật ngữ pháp luật dân sự: TNDS (theo nghĩa rộng) là các biện pháp có tính cưỡng chế được áp dụng nhằm khôi phục lại tình trạng ban đầu của một quyền dân sự bị vi phạm. TNDS (theo nghĩa hẹp) là các biện pháp có tính cưỡng chế áp dụng đối với người có hành vi vi phạm pháp luật gây ra thiệt hại cho người khác, người gây ra thiệt hại phải chịu trách nhiệm khắc phục những hậu quả xấu xảy ra bằng tài sản của mình (trong đó có bồi thường thiệt hại trong hợp đồng hoặc ngoài hợp đồng)[4].

Có thể thấy, dù định nghĩa bằng cách này hay cách khác, TNDS vẫn được hiểu là một loại trách nhiệm pháp lý. Vì vậy, nó mang những đặc tính chung của trách nhiệm pháp lý như luôn đi kèm với chế tài, phải được Nhà nước quy định trong các văn bản pháp luật, ngoài ra với tư cách là một TNDS, đương nhiên nó phải mang những đặc trung riêng của lĩnh vực dân sự:

- Căn cứ phát sinh TNDS phải là hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cụ thể hơn là việc không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ của người có nghĩa vụ dân sự;

- TNDS luôn có tính tài sản, tức là phải liên quan trực tiếp đến tài sản, vì lợi ích của các bên trong quan hệ nghĩa vụ dân sự hướng đến bao giờ cũng mang tính tài sản. Vì vậy, TNDS chính là trách nhiệm bù đắp cho bên bị vi phạm nghĩa vụ một lợi ích vật chất nhất định;

- Chủ thể chịu TNDS ngoài người vi phạm nghĩa vụ còn có thể là những chủ thể khác như: Pháp nhân, cơ quan, tổ chức, người đại diện theo pháp luật cho người chưa thành niên;

- Hậu quả bất lợi mà người vi phạm nghĩa vụ phải gánh chịu có thể là việc phải thực hiện nghĩa vụ, thực hiện đúng và thực hiện đủ nghĩa vụ và nếu có thệt hại thực tế từ vi phạm đó thì sẽ phát sinh thêm trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

2. Trách nhiệm dân sự trong hợp đồng và trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng

Trong pháp luật cổ Việt Nam, hoặc thậm chí trong pháp luật một số nước đều không thấy sự phân biệt rõ ràng giữa TNDS do vi phạm hợp đồng và TNDS ngoài hợp đồng (vi phạm nghĩa vụ chung).

Nếu nhìn vào pháp luật các nước khác, có thể thấy một vài quốc gia không có sự phân biệt rạch ròi về TNDS trong hợp đồng hay ngoài hợp đồng. Như trong pháp luật dân sự của Nhật Bản, TNDS trong hợp đồng không được quy định cụ thể mà pháp luật chỉ chia ra hai trường hợp chịu trách nhiệm là trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ và trách nhiệm do vi phạm nghĩa vụ[5]. Còn trong BLDS của Pháp thì chỉ có quy định về bồi thường thiệt hai do không thực hiện nghĩa vụ, theo đó, người có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại nếu không thực hiện hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ, trừ phi chứng minh được rằng việc không thực hiện nghĩa vụ hoặc chậm thực hiện nghĩa vụ là do một nguyên nhân khách quan không thuộc trách nhiệm của mình mà không do ác ý[6].

Ở các bộ luật cổ như Quốc triều Hình luật, chế định TNDS đã được hình thành, nhưng qua những quy định cụ thể có thể thấy TNDS được áp dụng chung trong trường hợp vi phạm nghĩa vụ trong khế ước hoặc vi phạm các nghĩa vụ khác ngoài khế ước. Các quy định này có liên quan đến những yếu tố của TNDS như hành vi vi phạm, lỗi nhưng lại không có sự tách biệt giữa trách nhiệm trong hay ngoài khế ước, ví dụ như: Điều 455 Quốc triều Hình luật quy định cấm không được chứa chấp quân trộm cướp mà người chủ trang trại lại chứa chấp, thì ngoài việc bị phạt 500 quan tiền và tịch thu cả trang trại, người đó còn phải bồi thường cả tang vật nếu có; hay Điều 111 Hoàng Việt luật lệ quy định người giữ kho thu thuế lương mà không đúng bằng dấu của quan thì bị phạt, số lượng dư ấy được trả về cho chủ, quan lại biết mà không tố cáo thì đồng tội với người giữ kho, không biết thì không có tội (thể hiện dấu hiệu lỗi)[7]. Qua các ví dụ trên, có thể nhận ra các nhà làm luật thời kỳ phong kiến cũng chú trọng phân biệt lỗi cố ý và vô ý trong việc gây thiệt hại để ấn định mức bồi thường, tuy không phân định nghĩa vụ theo khế ước hay ngoài kế ước.

Đến thời kỳ đất nước ta bị thực dân Pháp đô hộ, TNDS cũng được Bộ Dân luật Bắc Kỳ và Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật quy định, và đã được tách bạch ra khỏi trách nhiệm hình sự, nhưng TNDS vẫn chỉ được tiếp cận một cách chung, khái quát, chưa được phân định thành TNDS do vi phạm nghĩa vụ trong hay ngoài khế ước/hợp đồng. Điều này thể hiện qua quy định sau của hai Bộ luật: Người nào làm bất cứ việc gì gây thiệt hại cho người khác do lỗi của mình đều phải bồi thường thiệt hại (Điều 712 Bộ luật Bắc Kỳ và Điều 761 Hoàng Việt Trung Kỳ hộ luật).

Pháp luật dân sự của nước ta sau khi giải phóng đất nước, giành độc lập, với xu hướng pháp luật xã hội chủ nghĩa đã có sự phân biệt rành mạch giữa TNDS trong hợp đồng và ngoài hợp đồng. Trước tiên, hai loại TNDS này đều mang tính chất của TNDS là:

- Căn cứ phát sinh trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật dân sự và chỉ áp dụng với người thực hiện hành vi vi phạm đó;

- Tính chất của chế tài là hậu quả pháp lý bất lợi mang tính tài sản dành cho người thực hiện hành vi vi phạm;

- Là một biện pháp cưỡng chế mang tính chất pháp lý, do đó được đảm bảo thi hành bởi pháp luật và bộ máy cưỡng chế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Bên cạnh những điểm chung cơ bản đó, TNDS do vi phạm hợp đồng và TNDS ngoài hợp đồng còn có những điểm khác nhau như sau:

- Về nguồn gốc phát sinh:

Trong BLDS hiện hành, quy định về TNDS do vi phạm hợp đồng được xây dựng nên bởi các quy phạm điều chỉnh chế định hợp đồng. Nói cách khác, quy định về TNDS trong hợp đồng có thể coi là một phần của chế định hợp đồng trong pháp luật dân sự. Theo đó, TNDS do vi phạm hợp đồng chỉ tồn tại khi một hợp đồng tồn tại, trách nhiệm này chỉ phát sinh khi xuất hiện sự vi phạm một hay nhiều nghĩa vụ được quy định trong hợp đồng. Trong khi đó, TNDS ngoài hợp đồng là các loại TNDS phát sinh bên ngoài, không phụ thuộc vào hợp đồng, mà chỉ cần tồn tại một hành vi vi phạm pháp luật dân sự, cố ý hay vô ý, gây thiệt hại cho người khác và hành vi này cũng không liên quan đến bất cứ một hợp đồng nào có thể có giữa người gây thiệt hại và người bị thiệt hại.

- Về căn cứ xác định trách nhiệm:

Thiệt hại, bao gồm thiệt hại về vật chất và tinh thần, không chỉ là nền tảng cơ bản mà còn là điều kiện bắt buộc của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng; trong khi đó thiệt hại không phải là điều kiện bắt buộc trong việc xác định TNDS trong hợp đồng, bởi chỉ cần có hành vi vi phạm nghĩa vụ đã có thể phát sinh TNDS và khi xét đến vấn đề thiệt hại trong hợp đồng, chỉ xét đến những tổn thất về mặt vật chất. Nói rõ hơn, bên vi phạm vẫn phải chịu trách nhiệm dù đã có hay chưa có thiệt hại xảy ra khi bên kia bị vi phạm hợp đồng. Bên cạnh đó, khi xem xét đến hành vi vi phạm, thì đối với TNDS trong hợp đồng, hành vi này là hành vi vi phạm những cam kết cụ thể, những nghĩa vụ mà hai bên tự ràng buộc nhau trong hợp đồng, tức là hành vi này chưa chắc đã vi phạm các quy định pháp luật chung mà chỉ vi phạm pháp luật thiết lập giữa những người tham gia giao kết hợp đồng; còn đối với TNDS ngoài hợp đồng, hành vi này là hành vi vi phạm những quy định của pháp luật nói chung, những quy định do Nhà nước ban hành dẫn đến thiệt hại, vì vậy đó có thể là hành vi vi phạm những quy định của pháp luật chuyên ngành khác như hình sự, hành chính, kinh tế

Đối với TNDS trong hợp đồng, khi hợp đồng được giao kết, các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng những cam kết đã thỏa thuận trong hợp đồng. Nếu một bên không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ là vi phạm hợp đồng. Hai bên có thể dự liệu và thỏa thuận trước về những trường hợp thiệt hại do vi phạm hợp đồng và cách thức chịu trách nhiệm như bồi thường thiệt hại hay phạt vi phạm. Trong khi đó, đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, căn cứ xác định trách nhiệm là hành vi vi phạm pháp luật gây thiệt hại và lỗi.

- Về phương thức thực hiện trách nhiệm:

Đối với TNDS do vi phạm hợp đồng, các bên có thể thỏa thuận mức bồi thường hay phạt vi phạm kể từ khi giao kết hợp đồng (thể hiện bản chất thỏa thuận của hợp đồng). Đối với TNDS ngoài hợp đồng thì bên gây thiệt hại phải bồi thường toàn bộ và kịp thời, cả thiệt hại trực tiếp và thiệt hại gián tiếp, điều quan trọng là các bên trong quan hệ TNDS không biết nhau và không biết trước việc sẽ xảy ra để làm phát sinh quan hệ TNDS, do đó không thể thỏa thuận trước bất cứ một việc gì. Việc thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thường sẽ làm chấm dứt nghĩa vụ. Các bên có thể thỏa thuận về mức bồi thường, hình thức bồi thường bằng tiền, bằng hiện vật hoặc thực hiện một công việc, phương thức bồi thường một lần hoặc nhiều lần, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

- Yếu tố lỗi:

TNDS trong hợp đồng phát sinh do lỗi cố ý hoặc vô ý của người không thực hiện hoặc thực hiện không đúng hợp đồng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác; còn trong TNDS ngoài hợp đồng, việc phân biệt lỗi cố ý và vô ý cũng có ý nghĩa nhưng bên cạnh đó thì người có hành vi vi phạm có thể chịu trách nhiệm ngay cả khi không có lỗi trong trường hợp pháp luật có quy định, như Khoản 2 Điều 604 BLDS năm 2005: Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.

- Về thời điểm xác định trách nhiệm:

Một trong những nội dung quan trọng để có thể xác định được đúng mức bồi thường thiệt hại của bên vi phạm là xác định thời điểm chịu TNDS, TNDS sẽ phát sinh tại thời điểm xảy ra thiệt hại hay tại thời điểm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên bị vi phạm, điều này tùy thuộc vào tính chất của TNDS. Đối với TNDS trong hợp đồng, thời điểm TNDS phát sinh kể từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực và có bên vi phạm nghĩa vụ hợp đồng; còn với TNDS ngoài hợp đồng, TNDS phát sinh kể từ thời điểm xảy ra hành vi gây thiệt hại.

- Về tính liên đới trong chịu TNDS:

Với TNDS do vi phạm hợp đồng, trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì họ liên đới chịu trách nhiệm nếu khi giao kết hợp đồng họ có thỏa thuận trước về vấn đề chịu trách nhiệm liên đới. Còn với TNDS ngoài hợp đồng, trong trường hợp nhiều người cùng gây thiệt hại thì họ đều phải chịu trách nhiệm liên đới theo các quy định cụ thể của pháp luật dân sự.


* Luật sư, Công ty Luật Baker & McKenZie.

[1]Trung tâm Từ điển học - Viện Ngôn ngữ học (2003). Từ điển Tiếng Việt năm 2003. Nxb. Đà Nẵng.

[2] Trường Đại học Luật Hà Nội (2006), Giáo trình lý luận Nhà nước và pháp luật, Nxb. Tư pháp.

[3]Trường Đại học Luật Hà Nội (1999), Từ điển giải thích thuật ngữ luật học Luật Dân sự, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Tố tụng Dân sự, Nxb. Công an nhân dân, tr. 42.

[4]Bộ Tư pháp, số chuyên đề về Bộ luật Dân sự việt Nam năm 2005, Tạp chí Dân chủ và pháp luật, tr.24.

[5] Viện nghiên cứu Khoa học pháp lý, Bình luận khoa học Bộ luật Dân sự Nhật Bản, Nxb. Chính trị quốc gia, 1995.

[6] Bộ luật Dân sự Pháp.

[7] Viện Nghiên cứu Khoa học pháp lý, Một số vấn đề về pháp luật dân sự Việt Nam từ thế kỷ XV đến thời Pháp thuộc, Nxb. Chính trị quốc gia, 2008.


In bài viết
Ý kiến bạn đọc
Tham gia ý kiến về bài viết trên
Họ tên
Email
Tiêu đề
Ý kiến của bạn:
Mã xác nhận: Gửi