Trách nhiệm của học sinh khi tham gia mạng xã hội

Trách nhiệm của học sinh khi tham gia mạng xã hội
Sinh hoạt tập thể về đề tài những hành vi lệch chuẩn ở trường THPT Hạ Hòa, Phú Thọ. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)

Với sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội (MXH) như hiện nay, thì việc học sinh sử dụng trang cá nhân, truy cập internet diễn ra phổ biến và ngày càng tăng. Việc sử dụng trang cá nhân trên MXH đối với nhiều học sinh đã trở thành thói quen, thậm chí gây nghiện.

Thực tế cho thấy, nhiều học sinh sử dụng trang mạng cá nhân và MXH để tạo ra hiệu ứng tốt cho quá trình học tập của bản thân như giao lưu, trò chuyện, kết bạn với bạn bè cùng trang lứa, trao đổi kinh nghiệm học tập, chia sẻ kỹ năng sống, khai thác tư liệu phục vụ học tập và học trực tuyến... Các em đã tỏ ra khá thuần thục và có những kỹ năng cơ bản khi sử dụng MXH với mục đích đúng đắn và mang lại hiệu quả thiết thực cho bản thân.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít học sinh đã coi MXH, trang facebook cá nhân như một phương tiện để giải trí, giết thời gian, tán ngẫu và thể hiện các hành vi xấu của mình. Trong những năm gần đây, nhiều vụ việc xảy ra ở các nhà trường phổ thông chủ yếu liên quan đến MXH, điển hình như bạo lực học đường. Từ việc quen biết trên mạng, lời qua tiếng lại trên thế giới ảo rồi dẫn đến ẩu đả ngoài thế giới thực. Rồi tình trạng sống ảo, a dua, đua đòi và lối sống thiên về hưởng thụ đã xuất hiện nhiều ở giới trẻ, trong đó, có rất nhiều học sinh.

Trách nhiệm của học sinh khi tham gia mạng xã hội
Thành lập ban tư vấn tâm lý học đường để tư vấn kỹ năng sử dụng MXH cho học sinh. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)

Nhiều học sinh đã mất đi những kỹ năng cơ bản, như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sử dụng tiếng Việt đúng chuẩn mực, kỹ năng ứng xử. Nguy hiểm hơn, là những hành vi xấu đã và đang ngày càng ăn sâu vào giới trẻ, khiến các em ngày càng lệ thuộc vào thế giới ảo, sống không có định hướng, không mục đích, thậm chí tỏ ra chán cuộc đời thực, không tin vào bản thân...

Nhiều học sinh còn coi MXH là phương tiện, là không gian để chống đối lại bố mẹ, thầy cô khi mình mắc lỗi, bị bố mẹ và thầy cô nhắc nhở. Có những học sinh đã lên trang facebook của mình để chửi thầy cô giáo. Đây là một trong những nguyên nhân khiến cho tình trạng học tập sa sút, vi phạm nội quy, đạo đức bị xuống cấp nghiêm trọng.

Từ thực tế trên, mỗi nhà trường cần có những biện pháp để giáo dục hành vi lệch chuẩn cho học sinh khi sử dụng MXH. Trước hết, cần tuyên truyền, quán triệt và phổ biến đến học sinh lợi ích và tác hại, tính hai mặt của việc sử dụng MXH để mỗi em có những định hướng đúng đắn khi sử dụng. Đồng thời, cần tổ chức các buổi ngoại khóa để tập huấn về kỹ năng sử dụng MXH trong những hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, để mỗi học sinh được trang bị những kỹ năng cần thiết khi bước vào không gian mạng. Cần tăng cường tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo để học sinh có cơ hội hòa mình với cuộc sống sinh động và phong phú, giảm nguy cơ sống ảo và chìm đắm trong thế giới ảo.

Trách nhiệm của học sinh khi tham gia mạng xã hội
Tích cực tổ chức các hoạt động ngoại khóa học đường để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. (Ảnh tư liệu, chụp trước ngày 27/4/2021)

Việc giáo dục hành vi lệch chuẩn của học sinh khi sử dụng MXH cần có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh học sinh và toàn xã hội. Các nhà trường cần tích cực tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao để tạo ra một môi trường hoạt động lành mạnh, bổ ích, tạo hứng thú cho học sinh. Đồng thời, cần tổ chức các hoạt động ngoại khóa mang tính chất bổ trợ như kỹ năng sử dụng tiếng Việt trên MXH, kỹ năng bảo vệ mình trên thế giới ảo... Tăng cường tư vấn tâm lý cho học sinh khi gặp những vấn đề trên MXH...

Việc sử dụng đúng mục đích, theo đúng quy định của pháp luật các trang MXH sẽ giúp cho học sinh khai thác hiệu quả tư liệu phục vụ học tập. Nhưng nếu lợi dụng MXH để thực hiện những hành vi xấu, thì MXH sẽ trở thành con dao hai lưỡi. Vì vậy, cần thường xuyên giáo dục ý thức sử dụng MXH của học sinh với những kỹ năng cần thiết và hiệu quả.

Mạng xã hội - nhận diện và nguy cơ