Thực trạng bội chi ngân sách nhà nước 2019

Ngày 15/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về ngân sách Nhà nước năm 2019. Theo báo cáo của Chính phủ, tổng thu ngân sách đạt hơn 1,55 triệu tỷ đồng, vượt gần 140.000 tỷ (khoảng 9,9%) so với dự toán. Tỷ lệ huy độngngân sách đạt 25,7% GDP, riêng từ thuế, phí đạt 21,1% GDP.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách gần 1,75 triệu tỷ đồng, vượt xấp xỉ 115.000 tỷ (khoảng 7%) so với dự toán, và tăng hơn 81.000 tỷ so với báo cáo Quốc hội.

Như vậy, bội chi ngân sách năm 2019 gần 203.000 tỷ đồng (khoảng 8,7 tỷ USD), bằng 3,36% GDP thực hiện (hơn 6 triệu tỷ đồng). So với 2018, thâm hụt ngân sách năm 2019 giảm gần 19.000 tỷ đồng.

Thực trạng bội chi ngân sách nhà nước 2019

Giao dịch tại một ngân hàng ở Hà Nội. Ảnh: Giang Huy.

Tồn tại lớn nhất trong điều hành năm 2019, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước vẫn chậm, cả năm chỉ gần 71% dự toán. Còn khoảng 129.000 tỷ đồng chưa được giải ngân, phải chuyển nguồn sang 2020.

Cũng theo Bộ trưởngDũng, đến cuối 2019, nợ công chiếm khoảng 54,7% GDP, nợ Chính phủ 47,7% GDP và nợ nước ngoài quốc gia 47% GDP. Các chỉ số này thấp hơn mục tiêu giai đoạn 2016-2020, lần lượt65%, 54% và 50% GDP.

Cho rằng kết quả thu - chi ngân sách 2019 là nỗ lực lớn của Chính phủ, nhưng ông Nguyễn Đức Hải - Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách cũng chỉ ra nhiều tồn tại. Theo ông, dự báo kết quả thu năm 2019 để lập dự toán 2020 còn chưa sát, có chênh lệch lớn giữa số báo cáo Quốc hội và số đánh giá bổ sung.

Ngoài ra, cơ cấu thu ngân sách 2019 chưa bền vững khi tăng thu từ kết quả sản xuất, kinh doanh chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào các khoản thu bên ngoài thiếu ổn định như thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu, thu từ nhà, đất... Chẳng hạn, thu từ xuất nhập khẩu chiếm 22,3% tổng thu ngân sách, thu từ nhà, đất chiếm 12,4%...

Cùng đó, nợ thuế tăng cao hơn so với năm trước.Theo báo cáo của Chính phủ, tổng số nợ thuế nội địa đến 31/12/2019 gần 81.000 tỷ đồng, tăng 4.500 tỷ so với cuối 2018.

Về chi, ông Hải cũng chỉ ra, giải ngân vốn đầu tư công chậm là điểm trừ lớn nhất, khi chỉ giải ngân được 75,8% dự toán. Cuối tháng 1/2020 vốn nước ngoài mới giải ngân được 3,3% dự toán. Ông đề nghị Chính phủ giải trình rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong vấn đề này.

Cũng tại phiên thảo luận, đề cập tới thu - chi ngân sách năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói "sẽ khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19".

Dự toán ngân sách năm 2020, tổng thu hơn 1,51 triệu tỷ đồng, chi hơn 1,74 triệu tỷ. Bội chi ngân sách là 234.800 tỷ đồng (khoảng 3,44% GDP).

"Trước tác động của Covid-19, nhiều doanh nghiệpphải thu hẹp hoạt động sản xuất - kinh doanh do gặp khó khăn về thị trường, gián đoạn nguồn cung nguyên, vật liệu đầu vào, cầu hàng hóa... tạo sức ép ngày càng lớn đến thu ngân sách", ông Dũng nói.

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn chi trả các khoản nợ gốc đến hạn, trong 4 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phát hành gần 44.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn bình quân 16,33 năm và lãi suất bình quân 3,06% một năm.

Thẩm tra báo cáo này, Uỷ ban Tài chính ngân sách cho rằng, hụt thu ngân sách năm 2020 là khó tránh khỏi. Cơ quan này đề nghị Chính phủ rà soát lại dự toán đã giao để cân đối đủ nguồn và bố trí vốn phù hợp cho các dự án để bảo đảm tính khả thi.
Nợ công năm 2019 khoảng 3,48 triệu tỷ đồng , Covid-19 bào mòn thu ngân sách

Anh Minh