Tại sao putin được làm tổng thống lâu

Thứ Tư 16/01/2020, tổng thống Nga đề nghị tổ chức một cuộc tham vấn công luận về cải cách Hiến Pháp nhằm cải tổ hệ thống chính trị đất nước. Năm ngày sau, ngày 21/01, Vladimir Putin chính thức công bố dự luật thành lập Hội Đồng Nhà Nước.

Với thông báo này, Vladimir Putin xứng danh là « chủ nhân của mọi sự kinh ngạc ». Mọi sự bắt đầu từ ngày 31/12/1999, khi ông Boris Eltsin bất ngờ thông báo chuyển giao quyền lãnh đạo đất nước cho thủ tướng lúc bấy giờ là ông Vladimir Putin, để rồi từ đó người này không bao giờ rời xa quyền lực. Vladimir Putin, bốn lần đắc cử và tái đắc cử tổng thống (2000, 2004, 2012, 2018) và hai lần làm thủ tướng chính phủ (từ tháng 8/1999 – 5/2000, rồi từ tháng 5/2008 – 5/2012).

Hiến Pháp : Công cụ bảo toàn quyền lực của Putin ?

Trong 20 năm đó, thế giới hẳn chưa thể nào quên được lần đổi vai ngoạn mục giữa Putin với Dmitri Medvedev năm 2008 : Ông làm thủ tướng còn Medvedev làm tổng thống, nhưng thực quyền vẫn nằm trong tay Putin. Nhiệm kỳ thủ tướng kết thúc, Vladimir Putin trước khi ra tranh cử tổng thống năm 2012, đã cho sửa đổi Hiến Pháp tăng thời hạn nhiệm kỳ tổng thống từ bốn lên thành sáu năm.

Tám năm sau, ngày 16/01/2020, nguyên thủ Nga lại bất ngờ thông báo sửa đổi Hiến Pháp. Trong lần thứ hai này, Vladimir Putin đề nghị tăng cường thẩm quyền Quốc Hội trong việc bổ nhiệm thủ tướng, giới hạn nhiệm kỳ tổng thống không được quá hai lần sáu năm liên tiếp. Tuy nhiên, điểm đáng được chú ý nhất là việc thành lập Hội Đồng Nhà Nước với quyền hành rộng rãi bao gồm chính sách đối ngoại, đối nội, kinh tế và xã hội mà chiếc ghế chủ tịch hiện chưa rõ sẽ thuộc về ai.

Vladimir Putin sửa đổi Hiến Pháp nhằm mục đích gì ? Giới chuyên gia tại Pháp hầu hết đều cho rằng đây là cách duy nhất để nguyên thủ Nga duy trì quyền lực. Liệu rằng tổng thống Nga có « bổn cũ soạn lại », tiếp tục đổi vai như năm 2008, trở về làm thủ tướng ? Chuyên gia Pascal Boniface, Viện Quan Hệ Quốc Tế và Chiến Lược (IRIS), tin rằng « Không ». Theo ông, mục tiêu chính của ông Putin là làm thế nào duy trì đường lối chính sách mà ông đã tiến hành một khi ông mãn nhiệm. Bằng cách nào mới được ? Ông Pascal Boniface phân tích :

« Đương nhiên là tổng thống Nga muốn gây ảnh hưởng. Ông Putin có thể làm được điều đó thông qua Hội Đồng An Ninh Quốc Gia và nắm lấy chiếc ghế chủ tịch. Điều này khá giống kịch bản Kazakhstan. Ông Nazarbaїev tuy không còn chức vụ lãnh đạo hàng đầu chính thức nữa nhưng người này giữ một tầm ảnh hưởng mạnh đến mức đường lối chính sách đất nước mang đậm dấu ấn của ông, cũng như là ông rất được lắng nghe.

Hay chúng ta còn nhớ là ông Đặng Tiểu Bình tại Trung Quốc trong những năm cuối đời chỉ giữ một chức vụ được xem như là chính thức ‘‘chủ tịch Hiệp hội chơi bài’’. Người này không có một chức vụ nào trong chính phủ cả, thế nhưng ông ấy mới chính là nhân vật số một.

Chúng ta có thể thấy là ông Putin cho dù có ở bất kể cương vị nào, cũng sẽ duy trì một tầm ảnh hưởng đối với những người kế nhiệm. Dĩ nhiên không phải lúc nào cũng làm được. Nhưng một lần nữa tôi tin rằng điều quan trọng nhất đối với Putin chính là chính sách của ông phải được tiếp tục và tổ quốc Nga vẫn phải được nể trọng ».

Kinh tế - Xã hội : Chiếc phanh kềm hãm tham vọng của Putin ?

Nhìn lại 20 năm cầm quyền đã qua của chủ nhân điện Kremlin, người ta không khỏi ngạc nhiên và tự hỏi : Làm thế nào mà ông Putin có thể tại quyền lâu đến như thế ? Vì sao việc ông cầm quyền lâu không có vẻ gì là gây sốc cho công luận Nga nói riêng và quốc tế nói chung ? Nhà nghiên cứu Pascal Boniface, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược lý giải như sau :

« Điều có thể giải thích cho việc Putin rất được lòng dân cũng như là có thể tại vị suốt một phần tư thế kỷ chính là vì ông đã mang lại niềm tự hào cho dân tộc Nga. Bị phản đối ở phương Tây nhưng người dân Nga cho rằng họ đã bị sỉ nhục trong những năm 1990 và chính ông Putin đã trao lại cho họ niềm tự hào đó. Chính ông một lần nữa đã làm cho nước Nga được tỏa sáng trên trường quốc tế bằng những phương tiện hạn hẹp.

Hơn nữa, so với thời kỳ khủng hoảng của những năm 1990, tình hình kinh tế tuy không mấy gì tươi sáng nhưng dẫu sao cũng đã khá hơn. Đừng quên rằng GDP của Nga trong giai đoạn 1991-2000 đã bị giảm đến một nửa.

Nhưng nếu ông Putin rất được lòng dân ở Nga thì ở thế giới phương Tây ông lại không được như thế. Nhưng việc ông cầm quyền lâu không là một vấn đề bởi vì có rất nhiều nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ cầm quyền từ lâu. Một số thân với phương Tây, số khác là đối thủ cạnh tranh. Và đây không còn là một tiêu chí để đánh giá trong thế giới phương Tây. Họ chủ yếu chỉ trích ông Putin về đường lối chính sách của ông hơn là thời gian cầm quyền. »

Giờ đây, theo Hiến Pháp, Vladimir Putin không thể tái tranh cử. Hơn nữa, tuy tỷ lệ được lòng dân vẫn còn cao (khoảng 70%), nhưng tổng thống Nga cũng phải đối mặt với làn sóng bất bình trong nước ngày càng cao. Các thành tích quân sự bên ngoài lãnh thổ không còn làm cho người dân Nga hào hứng như vụ sáp nhập bán đảo Crimee hay cuộc khủng hoảng ở Đông Ukraina.

Bởi vì, từ năm năm qua, tình trạng nghèo khổ không suy giảm và thu nhập bình quân của người dân Nga bị giảm đến 12%. Những vấn đề kinh tế - xã hội bắt đầu có những tác động tiêu cực đối với uy tín của ông Vladimir Putin nói riêng và đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất nói chung, mà cuộc bầu cử Hội Đồng Thành phố Matxcơva hồi tháng 9/2019 là một ví dụ điển hình.

Với Thornike Gordadze, cựu ngoại trưởng Gruzia, giảng viên trường Khoa học Chính trị (Sciences Po), đây là một trong những nguyên nhân chính khiến lãnh đạo Nga lo lắng và gấp rút cho sửa đổi Hiến Pháp.

« Có một cuộc khủng hoảng kinh tế tại Nga. Đất nước hiện đang trong giai đoạn kinh tế tăng trưởng chậm, có thể nói là không đủ sức cất cánh, bởi vì nước Nga khá bị chậm trễ so với các nước phát triển chính như các nước châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản… Nếu muốn đuổi kịp những nước này, Nga cần phải có một mức tăng trưởng khá lớn.

Thậm chí Nga cũng chưa phải là một cường quốc kinh tế mới trỗi dậy với mức tăng trưởng cao. Nước Nga chẳng phát minh ra được cái gì, cũng chẳng có cải cách, cách tân gì cả. Nga vẫn là một nước lệ thuộc hoàn toàn vào xuất khẩu dầu khí.

Và chúng ta thấy rõ là tiền có được đã không được sử dụng cho việc phát triển kinh tế mà chỉ dùng để hiện đại hóa quân đội, hay để ghi điểm trên bàn cờ địa chính trị quốc tế chứ không phải là hiện đại hóa kinh tế quốc gia ! »

Chọn người kế nhiệm : Putin trong thế lưỡng nan

Nhiệm kỳ tổng thống thứ 4 của ông sẽ kết thúc vào năm 2024, và thời điểm đó cũng đánh dấu 24 năm cầm quyền của ông. Vào năm đó, Vladimir Putin sẽ được 72 tuổi. Vậy ông sẽ làm gì ? Không ai biết rõ. Nhưng theo nhà báo, giảng viên trường quân sự Saint-Cyr, ông Frederic Pons, « một điều chắc chắn rằng, là một nhà lãnh đạo thực dụng và đòi hỏi cao, Vladimir Putin đang chuẩn bị một cách kỹ lưỡng cho giai đoạn này. »

Ai sẽ là người thay thế ông vào năm 2024 ? Đây quả thật là một bí ẩn lớn. Nhà nghiên cứu Nga học, bà Tatiana Kastouéva-Jean gần như khẳng định thế giới khó có thể thấy được một gương mặt khả tín nào để thay thế Vladimir Putin. Bà giải thích :

« Vấn đề là người ta chưa thấy có một gương mặt khả tín nào để thay thế Vladimir Putin. Bởi vì họ đã làm mọi thứ sao cho không có khả năng thay thế đó. Do vậy, đối với rất nhiều người dân Nga, Vladimir Putin tuy không còn là một gương mặt được lòng dân nhất, một gương mặt ưa thích nhất cho vai trò tổng thống nhiệm kỳ thứ 5, nhưng vì họ cũng chưa thấy có một gương mặt khả dĩ nào khác, họ sợ hỗn loạn nên đành chọn điều kém tồi tệ nhất, nghĩa là Vladimir Putin ».

Một quan điểm cũng được ông Pascal Boniface đồng chia sẻ. Vị chuyên gia này còn lưu ý thêm rằng bản thân việc tìm người thay thế theo đúng ý muốn của ông sẽ là một bài toán hóc búa cho chính nguyên thủ Nga.

« Điều chắc chắn là ông Putin đã có một ảnh hưởng to lớn trong hệ thống chính trị Nga đến mức ông che mờ thậm chí làm cho tất cả những người khác không còn tồn tại. Chúng ta thấy rõ là ông Medvedev đã không thể nào có được một vai trò quan trọng nào ngay cả khi ông ấy làm tổng thống. Ông ấy đã bị chiếc bóng của Putin che khuất.

Thế nên, cần phải chuẩn bị giai đoạn chuyển tiếp, bởi vì nếu như Putin muốn rằng các chính sách của ông được duy trì, cần phải có một người có bản lĩnh chứ không chỉ đơn giản là một người thừa hành. Đây thật sự là một thế lưỡng nan đối với ông Putin. Nếu đưa một người tài giỏi rốt cuộc chính ông có thể trở thành chiếc bóng của người đó. Nhưng nếu đó là một người tầm thường, trong trường hợp này tương lai chính sách của ông bị lâm nguy. »

Vladimir Putin chào đời ở Leningrad (hiện nay là St.Petersburg) vào ngày 7/10/1952. Cha ông là thủy thủ tàu ngầm, mẹ ông là công nhân. Sau khi tốt nghiệp Đại học quốc gia Leningrad, Putin bắt đầu sự nghiệp tại Cơ quan An ninh quốc gia (KGB) với tư cách là sĩ quan tình báo vào năm 1975. Sau sự sụp đổ của Liên Xô, ông rời KGB và trở về Leningrad với tư cách là người ủng hộ cho chính trị gia đảng Tự do Anatoly Sobachak.

Sau khi chính trị gia Sobachak đắc cử Thị trưởng Leningrad, Putin trở thành Phó thị trưởng kiêm Chủ tịch Ủy ban quan hệ đối ngoại của thành phố này. Khi ông Sobachak thất bại trong cuộc bầu cử năm 1996, ông Putin rời vị trí và trở lại Moscow cùng với gia đình.

Bắt đầu từ tháng 3/1997, ông giữ chức Phó chánh Văn phòng Tổng thống, rồi Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) từ 7/1998-8/1999.

Ngày 16/8/1999, Tổng thống Nga Boris Yeltsin tuyên bố quyết định bãi nhiệm chính phủ do Thủ tướng Sergey Stepashin đứng đầu và yêu cầu quốc hội phê chuẩn Vladimir Putin làm Thủ tướng mới.

Cùng ngày, ông Putin được bổ nhiệm chức Phó chủ tịch thứ nhất của Chính phủ Nga và quyền lãnh đạo nội các. Tháng 12/1999, Tổng thống Yeltsin tuyên bố từ chức và đề cử Putin kế nhiệm cho tới khi bầu cử chính thức diễn ra vào đầu năm 2000.

Ngày 26/3/2000, bầu cử sớm diễn ra ở Nga với 11 ứng viên tranh cử. Putin giành 52,94% số phiếu trong vòng đầu tiên, ứng viên đảng Cộng sản Gennady Zyuganov về nhì với số phiếu 29,21%. Ngày 7/5/2000, Putin tuyên thệ nhậm chức Tổng thống Nga.

Ngày 14/3/2004, Putin tái cử nhiệm kỳ Tổng thống thứ hai sau khi nhận được 71,31% số phiếu trong vòng bỏ phiếu đầu tiên và lễ tuyên thệ nhậm chức lần hai diễn ra vào 7/5/2004.

Do bị giới hạn về nhiệm kỳ, từ năm 2008 tới 2012, Putin giữ vị trí Thủ tướng Nga. Vào tháng 9/2011, Tổng thống Nga thời đó là Dmitry Medvedev đề nghị Quốc hội đề cử ông Putin làm Tổng thống một lần nữa.

Trong cuộc bầu cử tháng 3/2012, Putin đắc cử Tổng thống và chính thức nhậm chức vào 7/5/2012. Từ năm 2012, nhiệm kỳ Tổng thống Nga được kéo dài từ 4 lên 6 năm theo sửa đổi Hiến pháp ban hành ngày 30/11/2008.

Năm 2007, tạp chí Time bình chọn ông là Nhân vật của năm. Ngoài ra, vào các năm 2013, 2014, 2015 và 2016, ông luôn đứng đầu danh sách những người quyền lực nhất theo bình chọn của tạp chí Forbes.

Nắm quyền lãnh đạo đất nước trong thời kỳ khó khăn, Putin không chỉ giữ cho nước Nga luôn đoàn kết mà còn trở thành siêu cường với nền kinh tế, công nghiệp phát triển và một quân đội hùng mạnh. Putin đã chứng tỏ cho toàn thế giới thấy rằng nước Nga không dễ bị đánh bại.

Trong gần 18 năm dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Putin, nước Nga lại một lần nữa được gọi tên với sự tôn trọng, Năm 2014, Olympic Sochi đã đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Nga. Cùng năm, việc sáp nhập Bán đảo Crưm đã làm trào dâng làn sóng yêu nước và tỷ lệ ủng hộ đối với Tổng thống Putin tăng tới gần 90%, theo thăm dò của trung tâm Levada.

Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây với đài NBC của Mỹ, Tổng thống Putin nói rằng: "Thành tựu lớn nhất của nước Nga là nền kinh tế đã thay đổi mạnh mẽ, tăng gấp đôi quy mô. Số lượng người dân sống dưới mức đói nghèo đã giảm một nửa".

"Tuy nhiên, số người sống dưới mức nghèo vẫn còn rất lớn và chúng tôi phải nỗ lực cải thiện. Chúng tôi phải xóa bỏ khoảng cách giữa những người có thu nhập rất cao và rất thấp. Trong lĩnh vực này, chúng tôi đã đạt được nhiều thành tích nhưng vẫn còn nhiều vấn đề chưa giải quyết".

Ông thừa nhận, nước Nga vẫn chưa đạt được mục tiêu kinh tế chính. "Chúng tôi vẫn chưa đạt được mức phát triển lao động hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi biết phải làm thế nào và tôi tin rằng chúng tôi có thể làm được".

Tổng thống Putin nhấn mạnh, lạm phát trước đây ở Nga vào khoảng 30% nhưng hiện giờ chỉ 2,2%. "Dự trữ vàng và tiền của Nga đang tăng lên và chúng tôi đã đạt được sự bình ổn kinh tế vĩ mô. Điều đó tạo cơ hội cho chúng tôi đi những bước tiếp theo, nhằm nâng cao hiệu suất lao động, thu hút đầu tư, gồm cả quỹ tư nhân, thay đổi cấu trúc kinh tế".

Tổng thống Putin nói: "Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng di sản của tôi sẽ tạo ra động lực phát triển mạnh mẽ cho Nga và giúp đất nước được lợi từ sự phát triển của cách mạng công nghệ. Chúng tôi sẽ nỗ lực cải thiện hệ thống chính trị và tư pháp. Tôi dám chắc rằng nếu áp dụng tất cả các yếu tố trên, thì nó sẽ củng cố sự thống nhất của Liên bang Nga và sự đoàn kết của người dân, cho phép chúng tôi tiến về phía trước với sự tự tin".

Phần lớn các thông tin về đời tư của Tổng thống Putin đều được giữ kín, ngoại trừ một số bí mật được chính nhà lãnh đạo này hoặc Kremlin tiết lộ. Theo Kremlin, Tổng thống Putin nói thành thạo hai ngoại ngữ, tiếng Đức và tiếng Anh. Ông có hai con gái, Maria - sinh năm 1985 và Katerina - sinh năm 1986. Ông đã ly dị vợ.

Tổng thống Putin tiết lộ bản thân rất thích thể thao, có thể kéo xà đơn 15-17 cái. Putin từng đoạt nhiều giải thưởng về Judo và vật. Năm 2006, Putin được đề cử làm Chủ tịch danh dự của Hội Judo châu Âu. Ngoài ra, Putin còn giữ đai đen Karate. Tháng 11/2014, tổ chức quốc tế Kyokushin-kan về Karate đã trao tặng Putin danh hiệu Kyokushin-kan bậc 8.

Với thân hình cường tráng khỏe mạnh, Tổng thống Putin không ngần ngại tham gia các hoạt động cần sự linh hoạt của cơ bắp. Có lần ông đích thân dập lửa trong đám cháy rừng khu vực Ryazan, lặn sâu xuống dưới đáy hồ Baikal và Biển Đen, ngồi sau tay lái một chiếc xe đua công thức 1, ngồi thử nghiệm trên máy bay chiến đấu đánh chặn Su-27 và lái thử máy bay ném bom chiến lược Tu-160.

Tổng thống Putin từng thừa nhận, ông không có một tài khoản nào trên mạng xã hội dù ông biết có khoảng 5.000 tài khoản đang sử dụng tên ông.

"Tôi không có liên quan gì tới các tài khoản đó, tôi nói để các cháu và những người dùng khác được biết. Tôi không viết bất cứ thứ gì trên mạng xã hội dưới cái tên tôi cả. Tôi hy vọng, họ không nói điều gì tồi tệ. Tuy nhiên, đó không phải tôi".

Khi được hỏi về các giá trị then chốt trong cuộc sống, Tổng thống Putin cho hay: "Đầu tiên chính là bản chất cuộc sống. Đó là giá trị lớn nhất. Sau đó là tình yêu và tự do".

Tổng thống Nga cho biết, bí danh mà ông dùng khi học ở một trường tình báo - một học viện đặc biệt dành cho các nhân viên tình báo. "Ai cũng có bí danh, vì công việc đòi hỏi. Khi ở trường, bí danh của tôi là Platov". Tuy nhiên, ông Putin cho hay, hiện giờ chả có lý do gì để ông phải dùng bí danh.

Rất nhiều người ngưỡng mộ khả năng làm việc phi thường của Tổng thống Putin. Một ngày làm việc của ông tại Điện Kremlin thường kéo dài qua đêm và kết thúc vào rạng sáng hôm sau, mặc cho lịch di chuyển dày đặc. Bất ngờ hơn nữa ông vẫn có đủ thời gian để bảo đảm sức khỏe của mình. “Tổng thống Putin là một người sinh hoạt tuân thủ theo đúng lịch trình mà ông đã đề ra. Kể cả khi ngày làm việc của ông kéo dài sang sáng hôm sau, ông cũng vẫn đi bơi và luyện tập trong phòng gym”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết.

Hoài Linh

Video liên quan

Chủ đề