So sánh máy kobo forma và kindle oasis 2 năm 2024

Trước tiên, mình thấy có nhiều bài chia sẻ, nhận định, khen chê, hỏi thăm về máy đọc sách nên từ trước đã có ý định viết 1 bài về máy đọc sách.

Sách giấy hay máy đọc sách, tóm lại vẫn là “công cụ” để giúp cho người ta đọc, còn đọc để làm gì, vì mục đích gì thì bài này mình sẽ không bàn tới. Sách giấy hay máy đọc sách đều có những mặt ưu/khuyết riêng, nếu phân tích tỉ mỉ ra thì chắc sẽ rất dài. Ở đây mình chỉ chia sẻ 1 số điểm cá nhân mình thấy là ưu điểm của máy đọc sách, những nhược điểm thì mỗi người sẽ có ý kiến hoặc trải nghiệm riêng, xin khẳng định là mình thích sách giấy hơn và thực tế là mình đọc sách giấy nhiều hơn.

01.Tiện lợi, gọn nhẹ: bạn có thể copy vào máy đọc sách vài bộ từ điển, hàng nghìn quyển sách. Nhất là sách tiếng Anh, luôn được cập nhật và mua 1 cách dễ dàng, với nhiều hỗ trợ về tra từ, gợi ý sách cũng như danh mục tham khảo thêm. Vì tiện lợi, gọn nhẹ nên bạn có thể cầm theo đọc ở bất kỳ đâu…

02.Tiết kiệm không gian lưu trữ, dễ tìm kiếm sách cũng như tìm kiếm các ghi chú.

  1. Tìm kiếm thông tin, tra cứu, chia sẻ nhanh (hầu như máy nào bây giờ cũng có wifi)
  2. Nằm đọc, đọc ở mọi môi trường, tư thế :D, cái này là quan trọng nhất đối với mình. Các máy đời mới bây giờ có thể ngâm nước thoải mái ;). Nhất là mình hay nằm đọc 1 tí ban đêm trước khi đi ngủ.
  3. Như dòng máy Kindle có tích hợp luôn mạng xã hội Goodreads để bạn theo dõi nhật ký đọc sách, đánh giá, bình chọn sách (chủ yếu là tiếng Anh)
  4. Đồng bộ hóa giữa các thiết bị và máy tính, máy tính bảng…Lưu trữ sách trên các dịch vụ Cloud như Dropbox, OverDrive, Amazon…
  5. Không tính đến các sách lậu hay sách ebook bị bẻ khóa thì thư viện sách ebook miễn phí, nhất là tiếng Anh, bạt ngàn trên mạng. Nhiều thư viện sách ebook tiếng anh được các đại học, các mạnh thường quân tài trợ cho cộng đồng, hoàn toàn miễn phí. Điều này thực sự là giúp bạn tiết kiệm chi phí mua sách.

Riêng sách tiếng Việt nhiều sách cũng được phát hành miễn phí, một số sách hết thời hạn bản quyền hoặc sách xưa không được tái bản lại vẫn có bản ebook do những người cất công sưu tầm, làm ebook chia sẻ. Nhiều nhà phát hành sách hiện nay cũng có tặng kèm bản ebook và audiobook khi bạn mua sách giấy của họ.

Điểm 07 này sẽ có nhiều ý kiến, bàn luận, tranh cãi, nhưng quan điểm riêng của mình thì tùy loại sách bạn thích đọc, nếu thích đọc những tác phẩm văn học kinh điển, những tác phẩm có tuổi đời hàng trăm năm thì…xin chúc mừng, hầu hết các tác phẩm này đã hết thời hạn bảo hộ bản quyền, bạn có quyền copy, đọc và chia sẻ thoải mái…

Phần 2, mình chia sẻ sơ qua thông tin về công nghệ màn hình e-ink (mực điện tử) được dùng trên các máy đọc sách cho bạn nào chưa tìm hiểu.

Với e-ink, các điểm ảnh được “bơm” lên màn hình, tạo ra các chữ cái, hình ảnh hoặc được “hút” về phía sau tạo thành các vùng, điểm trắng. Nghĩa là nó có 2 trạng thái hiển thị/không hiển thị. Màn hình này có ưu điểm là ít tốn điện vì các trạng thái của hạt mực có thể giữ nguyên như thế mà không cần dùng một tí xíu năng lượng nào, do đó, khi mua máy đọc sách, vấn đề pin thường ít được nhắc đến. Nhưng ưu điểm quan trọng nhất khiến e-ink được dùng làm màn hình máy đọc sách là nó không phát xạ, không làm mỏi mắt khi đọc lâu; nhìn sơ qua, không khác gì 1 trang giấy (paper-like).

Nhược điểm chính của màn hình e-ink là tốc độ refresh (tốc độ làm mới, trong bài này mình gọi ví von là bơm/hút) các hạt mực chậm, chỉ phù hợp hiển thị văn bản và hình ảnh tĩnh, còn duyệt web và xem video thì…thôi…bỏ qua.

Màn hình LCD hay LED, OLED… đang được sử dụng trên TV, điện thoại, máy tính bảng v.v…thì mỗi điểm ảnh nó phát sáng, thường là sự kết hợp của 3 điểm ảnh với 3 màu cơ bản RGB. Chính sự phát sáng liên tục, nhất là ảnh hưởng bởi bức xạ màu xanh dương đến mắt người và não bộ, nên nó hoàn toàn không phù hợp cho việc đọc lâu, nhất là đọc buổi tối vì thực tế là nó ảnh hưởng đến giấc ngủ cực kỳ lớn.

Nhiều bạn cũng có nói là mình đọc sách suốt với điện thoại hoặc máy tính bảng, hoặc đã bật chế độ lọc sáng xanh…có thấy làm sao đâu…thì đó là do bạn chưa để ý so sánh trực tiếp với đọc bằng máy đọc sách e-ink thôi.

Để làm sáng màn hình e-ink cho những người có nhu cầu đọc buổi tối thì người ta thiết kế các đèn nền, chiếu vào màn hình, tạo ánh sáng phản xạ gián tiếp vào mắt người đọc nên cũng đỡ mỏi mắt hơn các loại màn hình LCD, LED kể trên…

Cái nữa là, với việc dùng máy đọc sách “chuyên dụng”, hầu như chỉ phù hợp với việc duy nhất là đọc sách nên bạn sẽ ít bị phân tâm bởi khỏi phải lâu lâu nhảy qua chat Zalo, lướt FB hay duyệt web…

Phần này, mình chia sẻ quan điểm và nhận xét cá nhân của mình 2 dòng máy đọc sách chính trên thị trường hiện tại là Kobo và Kindle.

Mình dùng đầu tiên là Kobo H2O vì được quảng cáo tính năng chống nước và có gắn thêm thẻ nhớ ngoài. Lúc đó màn hình 6.8inch của nó cũng khiến nó “bự con” hơn mấy em Kindle cùng thời… Dùng 1 thời gian mới thấy 2 tính năng đó…không cần thiết cho lắm 😀 và màn hình 6,8inch vẫn chưa đã đối với mình…nên mình bán H20 và đổi sang Kobo Aura One 7,8inch – mạnh/mượt hơn…

Mình mua thêm 1 con máy Kobo Glo HD bị hỏng đèn nền, có khả năng nâng cấp thẻ nhớ lên tới 128GB, vì nó có 6 inch, nhỏ gọn, dự tính làm “máy di động” vác theo hằng ngày với kho sách lớn. Nhưng vì “em yêu khoa học”, lôi ra tự sửa đèn nền, làm hỏng luôn màn hình…giờ đang làm chặn giấy…:v

Bực mình vì 3-4 năm trời dòng máy Kobo của hãng Rakuten không chịu hỗ trợ tiếng Việt, phần mềm hệ thống ít có nâng cấp-hỗ trợ, rồi lại mê tính năng Word Wise và X-Ray hỗ trợ đọc sách tiếng Anh của Amazon nên gần đây mình mua thêm Kindle Oasis 2 từ chỗ bạn Kiên Bùi

Mới tuần trước, cầm thử Kobo Forma của bạn Thành Lữ Đoàn Đỏ mình thì thấy nó quá đã, cải tiến khá nhiều so với Kobo Aura One và các “chế thủ” của VN mình đã tạo ra font hỗ trợ tiếng Việt cho phần mềm hệ thống nữa nên cầm lòng không đặng, lại rước thêm em nó về.

Hiện tại mình bàn giao Kobo Aura One cho gái lớn nhà mình đọc sách, truyện tranh.

-Forma mình đọc trước khi đi ngủ vì màn to và dịu. Oasis 2 trở thành máy vác đi thường xuyên ở ngoài vì nó gọn hơn Forma và có dung lượng lớn 32GB nên mình cho nó thành thư viện di động, copy vào nó hết chỗ sách ebook của mình đang có.

Các bạn có thể thấy mình “ưu ái” dòng Kobo hơn Kindle vì đã trải nghiệm qua 4 đời máy. Còn Kindle mình mới trải nghiệm qua Kindle Paperwhite mượn của bạn và Oasis 2 mình đang dùng.

-Mình vẫn dùng Ipad pro 12.9 để đọc và cho trẻ con đọc sách ảnh (như trong hình). Riêng sách ảnh, sách dung lượng lớn, sách dạng PDF và cần phải ghi chú, thì Ipad vẫn đã hơn rất rất nhiều, nhưng đương nhiên là không thể đọc lâu như đọc trên máy đọc sách e-ink.

Đúng là ở đời chả có cái gì là hoàn hảo 100% cả 😀

Mình chưa trải nghiệm qua các dòng máy dùng Android như Likebook, Bibox hay Onyx Boox nên không có ý kiến gì :D.

Nếu nói về trải nghiệm đọc đơn thuần, chỉ đọc, không làm gì khác thì mình ưu tiên cho Kobo hơn. Nhắc lại đây là ý kiến và trải nghiệm riêng của mình.

Ở đây mình cũng nói chung về các dòng máy có độ phân giải cao 300ppi, chứ những máy đời cũ hơn, độ phân giải thấp hơn mình cũng chưa có trải nghiệm nên cũng miễn ý kiến. Mà theo mình, trừ khi tài chính quá eo hẹp, hiện tại, tầm hơn 1,5tr bạn có thể mua 1 máy 2nd với độ phân giải cao trên 300ppi rồi. Bộ nhớ thì thực sự không quá quan trọng, đọc sách nào, copy sách đấy, trừ khi bạn muốn dung lượng lớn để lưu trữ kiểu “sưu tầm” như mình :D.

Về các dòng máy Kobo:

Ưu điểm:

-Kobo hỗ trợ nhiều định dạng sách, và định dạng dạng phổ biến nhất hiện nay trên thế giới vẫn là .epub. Chưa kể là nếu dùng phần mềm quản lý ebook tên là Calibre để chuyển file .epub sang kepub để đọc trên kobo thì còn tiện lợi và nhanh hơn rất nhiều. Kobo đọc các sách .kepub rất lợi hại, có thể lướt nhanh trang, thống kê đọc khá chi tiết. Các chú thích được pop-up (hiển thị 1 ô cạnh các chú thích) khỏi phải trở tới trở lui (file .epub vẫn chưa có pop-up)

-Kobo khi cài thêm Koreader thì đọc file PDF tốt hơn các dòng Kindle.

-Cùng mức giá tiền thì các máy Kobo có cấu hình nhỉnh hơn các dòng Kindle, màn hình và pin theo cảm nhận cá nhân cũng tốt hơn Kindle.

-Thiết kế giao diện đọc tùy chỉnh được nhiều thứ hơn, nhất là có thể đọc tràn màn hình, copy được nhiều loại fonts chữ.

-Phần mềm hệ thống thiết kế mở, nên muốn tùy chỉnh gì, muốn cài thêm Koreader để đọc PDF mượt hơn thì… chỉ cần copy patch vào, máy khởi động lại là xong. Nếu có lỗi thì Hard reset về ban đầu, làm lại. Không phải root máy nên đỡ vất vả hơn hẳn.

-Copy sách vào máy trực tiếp hoặc bằng Calibre thì chỉ cần thời gian rất ngắn để máy cập nhật sách.

-Một số dòng máy trước đây của Kobo hỗ trợ thẻ nhớ, hoặc có thể tháo nắp lưng ra dễ dàng để nâng cấp dung lượng máy…

-Tích hợp phần mềm Pocket cực kỳ tiện lợi khi đọc các trang web dài. Đang đọc web trên điện thoại, ipad hoặc PC mà muốn đọc trên Kobo. Bạn chỉ cần Save lại trên app Pocket (hoặc plugins trên Chrome) và sync nó với Kobo.

-Cập nhật thêm nữa là tạo Collection trên Calibre và Dropbox (cho các dòng máy mới như Forma) rất nhanh và tiện, kể cả cho những sách không phải mua từ Kobo…

Nhược điểm:

-Ít người dùng nên ít người bán, các dòng đời mới sau này có vẻ nhiều người dùng và nhiều người bán hơn nhưng vẫn chưa ăn thua gì so với Kindle…

-Cảm ứng khi đánh dấu highlight và gõ note vẫn cảm giác không mượt, dù trên Forma có đỡ hơn nhưng vẫn thua Kindle.

-Ít phụ kiện (ốp lưng, cover, bao da, dán màn hình…), nếu có thì đặt từ nước “láng giềng” cũng khá mất thời gian và phụ kiện thường đắt hơn của Kindle…

-Ít có cập nhật và hỗ trợ từ chính hãng, cho tới bây giờ vẫn chưa hỗ trợ tiếng Việt, chưa có từ điển Anh-Việt riêng mà phải cài riêng từ ngoài vào đội lốt từ điển ngôn ngữ khác (dù việc cài là đơn giản).

-Chưa có những tính năng hỗ trợ việc đọc, nhất là đọc tiếng Anh mạnh như Word Wise và X-Ray của Kindle.

-Người dùng ít nên các cộng đồng đọc sách, chia sẻ sách ít hơn bên Kindle rất nhiều. Ngay như thời điểm mình gõ bài này, thành viên trên hội đọc sách bằng Kobo có 1,8 nghìn người, còn trên hội Kindle thì gấp 10 lần số đó :v

-Trên các đời máy mới như Forma mới hỗ trợ Sync sách bằng Dropbox, hãng Rakuten có OverDrive để sync sách, nhưng chỉ dành riêng cho các sách mua từ Kobo…

Về các dòng máy Kindle:

Ưu điểm:

-Nhược điểm của Kobo thì lại chính là ưu điểm của Kindle và ngược lại :D.

-Trải nghiệm Word Wise và X-Ray của Kindle phải nói là …quá đã, giúp việc đọc tiếng Anh dễ hơn bao nhiêu vì đỡ phải dừng lại tra từ nhiều…

-Việc đánh dấu, gõ Note khá mượt, ít nhất là hơn Kobo, nhưng không thể so với máy tính bảng hoặc ipad. Nhưng ai lại so sánh thế, đang nói máy đọc sách e-ink mà :D.

-Tính năng “send to Kindle” khá tiện, giúp đồng bộ sách trên tất cả các thiết bị.

-Người bán, các shop bán hàng, bán phụ kiện, người nâng cấp đổi máy…bao la, nhiều lựa chọn, nhiều mức giá tùy dung lượng bộ nhớ và tình trạng máy…

-Người dùng nhiều nên thư viện sách chia sẻ nhiều, hệ thống từ điển tra cứu, từ điển chuyên ngành được các bạn xây dựng và chia sẻ khá nhiều, không hiu hắt như bên Kobo…

-Kho sách tiếng Anh miễn phí của Kindle trên Amazon thì bạt ngàn, nhiều sách còn miễn phí theo thời gian, có tính năng thuê bao theo tháng khá rẻ so với mua từng quyển.

-Tích hợp mạng xã hội đọc sách Goodreads để cập nhật nhật ký đọc sách, đánh giá, bình chọn, giới thiệu sách…

-Nhiều dòng máy còn nghe được audiobook thông qua tai nghe bluetooth

Nhược điểm:

-Đèn nền cảm giác không dịu mắt bằng các dòng Kobo

-Copy 20-30 quyển sách mà mất mấy tiếng đồng hồ để máy chạy index, lúc đầu lấy về chưa có kinh nghiệm mình còn tưởng đâu máy bị tụt pin, lỗi pin. Mình phải lên google tìm hiểu. Bù lại là khi đã index xong thì có thể tìm text trong sách nhanh hơn (Text tiếng Anh)

-Chỉ đọc một số file định dạng quy định của Kindle…

-Không có tính năng lướt trang như Kobo đọc .kepub.

-Muốn “chế cháo” gì thì đầu tiên phải root máy (bẻ khóa), mình cũng chưa thử nhưng cũng ngại thử vì “trả giá” với mấy em Kobo đủ rồi :v.

-Không thể tạo Collection hàng loạt cho sách bên ngoài (không phải sách mua/thuê từ amazon)

TÓM LẠI:

Như mình có nói trong bài, nếu chỉ mỗi để đọc, không cần quá nhiều tính năng hay hỗ trợ, bạn có thể lựa chọn các dòng máy Kobo. Yêu cầu người bán cài sẵn từ điển và các font hỗ trợ tiếng Việt cho bạn.

Nhưng bên cạnh đó, theo ý riêng của mình, để “an toàn” cho các bạn chưa có kinh nghiệm, chưa từng mua máy đọc sách, bạn nên bắt đầu bằng các dòng máy Kindle vì bạn sẽ dễ mua bán/trao đổi và được hỗ trợ tốt hơn. Dùng máy Kindle để luyện đọc sách tiếng Anh cũng tốt hơn dùng Kobo.

Nếu được thì nên cầm nắm, trải nghiệm trực tiếp, đọc 1 vài chương sách xem máy có phù hợp với mình không. Cá nhân mình đã thử và không thích các máy đọc sách màn hình 6inch, nhiều người lại thích vì đủ gọn nhẹ để đút túi quần/túi áo.

Tầm 1,5tr tới 3tr hiện tại bạn có thể chọn các dòng máy Kindle Paperwhite từ đời 2 đến đời mới nhất là đời 4. Kindle Voyage cũng là 1 huyền thoại vì có phím bấm cứng, mặc dù ra đời từ 2014, nhiều người vẫn thấy nó hơn các máy Kindle Paperwhite đời mới.

Các dòng máy Kobo thì có Glo HD, Aura 2, H20

Yên tâm là màn hình 6inch thì cũng tương tự nhau, tính năng và tốc độ cũng không chênh lệch mấy, máy đọc sách thì nó không lỗi thời nhanh như điện thoại. Cái chủ yếu là đọc cơ mà…

Bạn cũng có thể mua máy đã qua sử dụng vì các máy đọc sách khá là bền, thời gian sử dụng pin tính bằng tháng nên cũng không phải lo việc máy cũ bị chai pin như điện thoại.

Hỏng hóc thường gặp nhất đối với máy đọc sách là bị cấn, vỡ màn hình. Máy đọc sách mà lỗi màn hình thì cứ xác định là mua máy mới cho nhanh…

Tầm trên 3tr đến dưới 5tr, bạn có thể mua các máy đời mới hơn, màn hình lớn hơn, và tùy theo nhu cầu và sở thích về dung lượng bộ nhớ…Papewhite 4 8GB hoặc 32GB, Oasis 1, Oasis 2, Kobo Clara HD, Kobo Libra H20 Kobo Aura One (2nd)…