So sánh buồng thang n2 và n3

Đảm bảo điều kiện thoát nạn trong mỗi công trình khi có sự cố xảy ra là một trong những yếu tố quan trọng, liên quan đến tính mạng người sử dụng. Vấn đề này đặc biệt quan trọng đối với các tình huống sự cố cháy trong các nhà cao tầng, khi việc thoát nạn chủ yếu diễn ra theo chiều đứng nhờ vào các cầu thang và buồng thang bộ. Nội dung bài viết đề cập đến một số thông tin cơ bản cần lưu ý khi thiết kế, thi công, quản lý sử dụng các buồng thang bộ dùng cho thoát nạn trong công trình nhà nói chung và nhà cao tầng nói riêng ở Việt Nam.

Khái niệm thoát nạn (đối với trường hợp những người bình thường) được xác định trong QCVN 06:2010/BXD là quá trình tự di chuyển có tổ chức của người sử dụng từ các gian phòng mà ở đó họ có nguy cơ phải chịu các tác động nguy hiểm của đám cháy, theo các đường thoát nạn qua các lối ra thoát nạn để ra bên ngoài. Ý nghĩa của cụm từ “có tổ chức” ở đây không chỉ bó hẹp trong giai đoạn khi xảy ra sự cố mà phải được hiểu là việc tổ chức thoát nạn đó đã được tính đến ngay từ đầu khi lập thiết kế công trình. Bên cạnh đó, việc tổ chức thoát nạn cũng không đơn thuần chỉ là vạch ra các đường thoát nạn để khi có sự cố thì di chuyển qua đó mà còn phải thực hiện tất cả những quy định liên quan đến đường thoát nạn đó để đảm bảo điều kiện an toàn cho người khi di chuyển, ví dụ đảm bảo về khả năng tiếp cận, về chiếu sáng, về các kích thước hình học, về điều kiện thông gió… Quá trình di chuyển thoát nạn như vậy có thể được thực hiện theo phương ngang (trên mặt sàn, lối đi hoặc các hành lang) và theo phương đứng (qua các cầu thang bộ, đường dốc…)

Đối với các công trình nhà cao tầng, việc thoát nạn theo phương đứng là không thể tránh khỏi và theo quy định thì quá trình thoát nạn đó phải thực hiện theo các cầu thang và buồng thang bộ đảm bảo được các yêu cầu về an toàn mà trước hết đó là yêu cầu về chống nhiễm khói. Có thể hiểu, khi sự cố cháy xảy ra trong một tòa nhà, chỉ cần vào được bên trong các buồng thang bộ dành cho thoát nạn, ở mức độ nào đó, người thoát nạn đã được đảm bảo an toàn trước tác động nguy hại của đám cháy (khói, khí độc, nhiệt độ cao…) vấn đề còn lại chỉ là thời gian di chuyển để ra được bên ngoài.

Tuy nhiên, trong thực tế không phải lúc nào, công trình nào cũng đảm bảo được các điều kiện an toàn cho thoát nạn qua cầu thang và buồng thang bộ. Điều này được minh chứng qua một số vụ cháy nhà cao tầng xảy ra trong thời gian qua mà điển hình và cũng là mới đây nhất phải kể đến vụ cháy tại hầm công trình Khu căn hộ cao tầng Carina Plaza ở TP.HCM vào ngày 23/3/2018 vừa qua.

Về mặt quản lý, trước đây hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam đã có các tiêu chuẩn phục vụ công tác thiết kế, thẩm tra, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy nói chung và cho nhà cao tầng nói riêng. Kể từ năm 2010, với sự ra đời của QCVN 06:2010/BXD do Bộ Xây dựng ban hành, một số vấn đề về an toàn cháy cho nhà và công trình đã bắt đầu được tiếp cận theo những hướng phù hợp với các hệ thống tiêu chuẩn tiên tiến trên thế giới, như của ISO, Châu Âu, Vương Quốc Anh, hoặc của Liên Bang Nga. Liên quan đến vấn đề an toàn cháy cho nhà và công trình, dường như tất cả các hệ thống tiêu chuẩn đều có một điểm chung, đó là dành sự ưu tiên hàng đầu cho các quy định về thoát nạn và đảm bảo tính mạng của người sử dụng. Ví dụ ngay tiếp sau các nội dung mang tính yêu cầu chung và nguyên tắc chung về phân loại kỹ thuật cháy đối với nhà, cấu kiện, vật liệu luôn là các quy định kỹ thuật về đảm bảo thoát nạn cho người, điều này cũng được kế thừa trong QCVN 06:2010/BXD.

Cầu thang và buồng thang bộ

Về mặt kiến trúc, các khái niệm và phân loại về cầu thang và buồng thang bộ đã được đề cập trong nhiều nguồn tài liệu, giáo trình khác nhau. Nội dung bài viết này chỉ xem xét các bộ phận cầu thang và buồng thang bộ dưới góc độ kỹ thuật và là một thành phần của đường thoát nạn khi có sự cố cháy.

Theo quy định trong một số tài liệu chuẩn, quá trình thoát nạn phảm đảm bảo để người sử dụng từ bên trong có thể tự di chuyển theo các đường thoát nạn đến một khu vực an toàn nằm bên ngoài ngôi nhà đang xảy ra sự cố cháy. Một phần không thể thiếu của đường thoát nạn trong các công trình nhà cao tầng đó là thang bộ, nó cho phép người thoát nạn di chuyển trong phạm vi một khoang theo phương đứng để đến được lối ra thoát nạn. Một thang bộ ít nhất sẽ có phần cầu thang (stair, staircase) để di chuyển đi lại, ngoài ra, có thể có thêm buồng thang (stairwell) bao bọc xung quanh cầu thang và tạo ra một khoang nhà chạy thông suốt giữa các tầng theo chiều đứng. Các cầu thang và buồng thang bộ dùng cho thoát nạn được phân loại trong QCVN 06:2010/BXD, cụ thể như trình bày dưới đây. Việc áp dụng loại cầu thang và buồng thang bộ nào cho thoát nạn được quy định tùy thuộc vào quy mô (thường là theo chiều cao) và công năng của nhà.

Cầu thang bộ: Tùy theo cách bố trí về kiến trúc, các cầu thang bộ có thể nằm tách biệt trong buồng thang hoặc để hở, thông với không gian chung của toàn bộ tòa nhà (không nằm trong buồng thang). Cầu thang bộ được phân thành 3 loại gồm:

- Loại 1: Cầu thang bên trong nhà, được đặt trong buồng thang;

- Loại 2: Cầu thang bên trong nhà, để hở;

- Loại 3: Cầu thang bên ngoài nhà, để hở;

Buồng thag bộ: Tùy thuộc vào các giải pháp đảm bảo ngăn chặn sự xâm nhập của khói (bảo vệ chống khói) được chủ định áp dụng theo thiết kế, buồng thang bộ được chia thành 2 loại cơ bản là : buồng thang bộ thông thường và buồng thang bộ không được chủ động xem xét về mặt ngăn chặn sự xâm nhập của khói.

- Buồng thang bộ thông thường được chia thành 2 loại căn cứ vào hình thức chiếu sáng tự nhiên cho không gian bên trong buồng thang, gồm:

L1: Có các lỗ cửa ở tường ngoài trên mỗi tầng (để hở hoặc lắp kính);

L2: Được chiếu sáng tự nhiên qua các lỗ ở trên mái (để hở hoặc lắp kính);

Đối với thang bộ không nhiễm khói, có hai cách tiếp cận để đảm bảo ngăn khói xâm nhập vào buồng thang đó là: dựa hoàn toàn vào các điều kiện thông gió tự nhiên, không phụ thuộc vào các hệ thống thông gió cơ khí; sử dụng hệ thống thông gió cơ khí hay còn gọi là hệ thống điều áp;

- Tùy thuộc vào giải pháp được áp dụng, buồng thang bộ không nhiễm khói được chia thành 3 loại gồm N1, N2 và N3. Mô tả về đặc điểm cơ bản của những loại buồng thang đó và một số ví dụ minh họa cụ thể trình bày dưới đây.

  1. Buồng thang bộ không nhiễm khói loại N1

- Đặc điểm: có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoảng thông thoáng bên ngoài nhà theo một lối đi hở (khoảng thông thoáng này thường ở dạng logia hoặc ban công). Lối đi qua khoảng thông thoáng này không được nhiễm khói.

Ngoài ra, đối với loại buồng thang này, thay vì bố trí lối đi hở để tiếp cận buồng thang có cho phép phương án bố trí lối đi xuyên qua một khoang đệm được đảm bảo tính không nhiễm khói bởi các ô thông gió tự nhiên dọc theo chiều cao công trình, với điều kiện diện tích mặt bằng của giếng phải lớn hơn 10m2 hoặc một diện tích tỷ lệ với chiều cao công trình (cứ 0,1m2 tương ứng với 0,3m chiều cao công trình);

  1. Buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2

- Đặc điểm: Có áp suất không khí dương (áp suất không khí trong buồng thang cao hơn bên ngoài buồng thang) trong buồng thang khi có cháy. Áp suất không khí dương chỉ được tạo ra và duy trì ở một mức thích hợp khi trong công trình có đám cháy xảy ra. Điều kiện áp suất không khí dương này thường được thiết lập nhờ một hệ thống thông gió cơ khí bơm (thổi) không khí từ một giếng đứng qua các lỗ thông vào buồng thang, hay còn gọi là hệ thống điều áp buồng thang. Các buồng thang bộ không nhiễm khói, được tạo áp suất không khí dương loại N2 có thể còn được gọi là buồng thang bộ có điều áp hoặc buồng thang bộ được tăng áp.

  1. Buồng thang bộ không nhiễm khói loại N3

- Đặc điểm: Có lối vào buồng thang từ mỗi tầng đi qua khoang đệm có áp suất không khí dương (áp suất không khí dương trong khoang đệm là thường xuyên hoặc khi có cháy).

Tính không nhiễm khói của loại buồng thang bộ này được đảm bảo nhờ vào một khoang đệm có áp suất không khí dương và trước khi vào được buồng thang, người thoát nạn phải đi qua khoang đệm này. Điều kiện áp suất không khí dương trong khoang đệm cũng được tạo ra bằng hệ thống thông gió cơ khí và các giếng đứng (hoặc ống) có cửa thổi gió vào khoang đệm. Ngoài ra, cũng có những giải pháp được đề xuất mà ở đó có sự kết hợp giữa buồng thang N2 và N3, tức là bên cạnh việc bố trí một khoang đệm được điều áp thì còn thực hiện việc điều áp ngay trong buồng thang.

Quy định về sử dụng cầu thang và buồng thang bộ thoát nạn trong nhà dân dụng

Theo quy định, việc bố trí lối ra thoát nạn trong nhà và công trình phải đảm bảo dẫn từ các gian phòng ở tầng 1 ra ngoài hoặc dẫn từ các gian phòng của bất kỳ tầng nào qua hành lang đến được buồng thang bộ hoặc cầu thang bộ Loại 3 (cầu thang bộ hở ngoài nhà) để đi xuống tầng 1 và thoát ra ngoài. Điều này cho thấy 2 điểm nối bật trong quy định về tổ chức thoát nạn theo chiều đứng từ các tầng trên xuống tầng 1 đó là: (1) cầu thang bộ Loại 3 được ưu tiên (nếu không muốn nói là chỉ định) sử dụng; và (2) nếu không sử dụng được cầu thang bộ loại 3 thì lựa chọn được phép khác là sử dụng các thang bộ đặt trong buồng thang. Trong trường hợp lựa chọn phương án cầu thang và buồng thang bộ trên đường thoát nạn cần tính đến những yếu tố liên quan đến công trình gồm:

Phân nhóm nhà dựa trên tính nguy hiểm cháy theo công năng, ví dụ khách sạn, ký túc xá thuộc nhóm F 1.2; nhà ở nhiều căn hộ, chung cư thuộc nhóm F 1.3; các cơ sở bán hàng thuộc nhóm F 3.1 hay nhà văn phòng thuộc nhóm F 4.3…;

Quy mô của nhà, có thể theo diện tích hoặc chiều cao hoặc cả 2;

Các đặc trưng kỹ thuật về cháy của công trình, ví dụ cấp nguy hiểm cháy của kết cấu, bậc chịu lửa của nhà.

Các quy định về lựa chọn và sử dụng loại buồng thang bộ trên đường thoát nạn hoặc các quy chuẩn kỹ thuật đối với từng loại nhà cụ thể. Một số nội dung, nguyên tắc cơ bản nhất được tóm tắt lại như dưới đây.

Các buồng thang thường loại L2 và L1 chỉ được sử dụng trong nhà có chiều cao hạn chế tương ứng không quá 9m và 28m. Ngoài ra, việc sử dụng buồng thang bộ L2 còn phải tuân theo một số quy định khác liên quan bậc chịu lửa, cấp nguy hiểm cháy kết cấu, số lượng buồng thang loại này trong một đơn nguyên.

Buồng thang bộ loại L2 cũng có thể được sử dụng trong các nhà có chiều cao đến 12m hoặc đến 28m khi đáp ứng được những quy định bổ sung về mặt chiếu sáng buồng thang, trang bị hệ thống báo cháy và chưa cháy tự động trong nhà cũng như các quy định về cách li gian phòng có buồng thang L2 với các khu vực lân cận khác (hành lang và gian phòng xung quanh). Buồng thang L1 có thể được bố trí trong các nhà có chiều cao lớn hơn 28m với điều kiện buồng thang phải được phân khoang bằng các sàn đặc sao cho chiều cao mỗi khoang không quá 20m và lối đi từ khoang này sang khoang khác phải nằm ngoài không gian buồng thang.

Đối với các nhà có chiều cao lớn hơn 28m đến dưới 75m, buồng thang không nhiễm khói N1 được ưu tiên sử dụng. Việc sử dụng các buồng thang không nhiễm khói loại N2 và N3 trong các công trình này vẫn được chấp nhận, song chịu hạn chế bởi những điều kiện về số lượng hoặc nhóm nhà.

Tuy nhiên, trong thực tế áp dụng, đặc biệt là trong các công trình nhà cao tầng việc bố trí được đầy đủ về số lượng cầu thang bộ Loại 3 và buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2 theo đúng quy định, còn gặp nhiều khó khăn với lí do được viện đến có thể là đặc điểm về kiến trúc, mặt bằng công trình hoặc điều kiện an toàn khi sử dụng…Chính vì vậy, những phương án được lựa chọn và đề xuất đối với các công trình nhà cao tầng là kết hợp các giải pháp kỹ thuật để có thể sử dụng các cầu thang bộ đặt trong buồng thang bộ không nhiễm khói loại N2 và N3 làm thang thoát nạn. Về mặt kỹ thuật, việc thay thế này có thể giúp tháo gỡ cho chủ đầu tư và các nhà thiết kế những khó khăn và vướng mắc gặp phải nếu bắt buộc phải sử dụng cầu thang bộ Loại L3 và buồng thang N1 cho phương án thoát nạn, song về mặt quản lý và sử dụng, nó làm nảy sinh nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng nếu:

Các yêu cầu kỹ thuật đối với buồng thang không nhiễm khói chưa được các bên (kể cả người sử dụng công trình) hiểu rõ hoặc chưa được chấp hành một cách nghiêm túc.

Hệ thống kỹ thuật được thiết kế không vận hành được hoặc có vận hành được cũng không đạt được những tiêu chí định trước trong tình huống xảy ra sự cố cháy.

Yêu cầu kỹ thuật cần lưu ý đối với cầu thang và buồng thang bộ thoát nạn

Khi được lựa chọn làm một phần của đường thoát nạn, cầu thang và buồng thang bộ trước hết phải đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật đối với đường thoát nạn. Ví dụ các quy định về số lượng, về bố trí phân tán, về kích thước tổng thể (chiều cao, bề rộng) hay quy định về sử dụng vật liệu hoàn thiện… Ngoài ra, các cầu thang và buồng thang bộ còn phải tuân thủ những quy định kỹ thuật bổ sung khác để đảm bảo quá trình thoát nạn được thực hiện một cách an toàn. Những quy định kỹ thuật đó có thể liên quan đến kích thước chi tiết của các bộ phận thang, đến yêu cầu chiếu sáng tự nhiên cho buồng thang hoặc quy định đối với cửa đi vào buồng thang và các hệ thống kỹ thuật thông gió, điều áp buồng thang (điều này đặc biệt quan trọng đối với các buồng thang có điều áp)…Những quy định phải tuân thủ được trình bày chi tiết trong QCVN 06:2010/BXD, nội dung dưới đây không nhằm chỉ ra hết những quy định đó mà chỉ tập trung vào một số vấn đề cơ bản, có thể chưa được nhận thức một cách rõ ràng trong thực tế áp dụng và đó cũng chính là những tồn tại về mặt kỹ thuật sẽ được đề cập trong phần tiếp theo của bài viết.

Trong các nhà có tầng hầm hoặc tầng nửa hầm thì lối ra thoát nạn của những khu vực đó phải được bố trí qua các cầu thang và buống thang bộ của phần nhà phía trên thì phải có lối đi riêng ra bên ngoài ở tầng 1 và được ngăn ngừa nguy cơ không dẫn được người thoát nạn đến đúng cửa thoát ra ngoài ở tầng 1, ví dụ người từ các tầng thang đi xuống tầng hầm hoặc người từ dưới tầng hầm lại tiếp xúc đi lên các tầng phía trên tầng 1.

Việc bố trí cầu thang bộ Loại 3 phải đảm bảo ngăn ngừa được nguy cơ tác động của lửa hoặc khói của đám cháy từ bên trong công trình vì vậy, bên cạnh quy định về khoảng cách giữa cầu thang này với các lỗ thông tường còn có quy định đối với các đặc trưng kỹ thuật cháy của phần tường ngăn cách giữa thang với không gian bên trong nhà (nhóm nguy hiểm cháy và giới hạn chịu lửa).

Lựa chọn, bố trí, lắp đặt các cửa vào buồng thang bộ phải đảm bảo các yếu tố để người thoát nạn tiếp cận một cách thuận lợi nhưng cũng phải phòng ngừa nguy cơ dẫn người thoát nạn ra sai vị trí an toàn, ngăn chặn được sự xâm nhập của khói khi ở trạng thái đóng hoặc khi được mở để thoát nạn. Điều này được thể hiện qua các quy định đối với chiều mở của cửa, yêu cầu kỹ thuật đối với các bộ phận cửa (cấu tạo tấm cánh cửa, cơ cấu tự đóng, điều kiện chèn kính khe cửa, yêu cầu về chốt khóa…) Đối với các cửa đi lắp trên trên lối thoát nạn dẫn vào buồng thang bộ, quy định trong QCVN 06:2010/BXD hiện nay mới chỉ đề cập vấn đề cửa phải được mở một cách thuận tiện theo hướng di chuyển từ không gian bên trong nhà vào buồng thang bộ chứ chưa có yêu cầu rõ về việc tại một số khu vực nhất định những cửa đó không được tự do mở theo chiều ngược lại (tức là mở tự do từ phía trong buồng thang bộ) nếu không gian phía ngoài cửa không đảm bảo được điều kiện ngăn khói xâm nhập vào buồng thang. Những quy định này, nếu có, sẽ cho phép hạn chế nguy cơ người thoát nạn đi nhầm vào các tầng không được bảo vệ đồng thời cũng tạo điều kiện tốt hơn cho công tác đảm bảo an ninh.

Khu vực buồng thang thoát nạn hoặc các giếng thang máy liền kề với những khoang đệm trước khi vào buồng thang thoát nạn cần phải được cách ly với những không gian xung quanh bằng các bộ phận ngăn cháy như tường, vách và cửa (gọi chung là kết cấu bao che buồng thang hoặc giếng thang) đáp ứng yêu cầu về khả năng chịu lửa theo thiết kế và cách tốt nhất đó là cấu kiện đặc làm từ vật liệu không cháy (tường xây, bê tông cốt thép…) Tuy nhiên, không thể tránh khỏi việc có những vị trí trên bộ phận bao bọc bị xuyên thủng, ví dụ như để luồn dây điện hoặc các hệ thống kỹ thuật của tòa nhà được phép đi xuyên qua…Tại những vị trí đó đòi hỏi phải có các giải pháp chèn bịt thích hợp để không làm giảm khả năng chịu lửa của tổng thể cấu kiện.

Trong buồng thang bộ không cho phép bố trí bất kỳ phòng chức năng nào khác và đặc biệt là các bộ phận của hệ thống thu gom rác, ví dụ cửa đổ rác, ống đổ rác hoặc buồng chứa rác. Ngay cả việc bố trí các sảnh thang máy trong phạm vi buồng thang bộ cũng chỉ được chấp nhận đối với buồng thang bộ thông thường nhưng có thêm các điều kiện là bố trí không quá 2 thang máy chở người, chỉ xuống đến tầng 1 và kết cấu bao che giếng thang phải được làm từ vật liệu không cháy. Quy định này giúp ngăn ngừa các nguy cơ xâm nhập của khói từ các bộ phận giếng đứng chạy song song và liền kề với buồng thang bộ.

Việc sử dụng giải pháp thông gió cơ khí để tạo áp suất dương, bảo vệ chống nhiễm khói cho các buồng thang bộ không nhiễm khói và các hành lang, khoang đệm liên quan phải được tính toán thiết kế và thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo ngăn được sự xâm nhập của khói nhưng cũng không cản trở việc tiếp cận vào buồng thang của người thoát nạn. Vấn đề này phải được kiểm soát một cách chặt chẽ ngay từ khâu thiết kế, thi công và quản lý sử dụng thì mới đảm bảo được mục tiêu đề ra ban đầu. Riêng đối với công tác kiểm soát chất lượng thi công các hạng mục này cần tuân thủ các quy định về kiểm tra, thử nghiệm, đánh giá thực tế vận hành của hệ thống tổng thể, bao gồm cả các yếu tố công trình. Để lựa chọn và sử dụng một cách hiệu quả, an toàn các loại cầu thang và buồng thang bộ trên đường thoát nạn trong mỗi công trình cụ thể, người thiết kế phải biết kết hợp chặt chẽ giữa các đặc điểm mặt bằng, kiến trúc với các quy định về đảm bảo thoát nạn. Điều này đòi hỏi người thiết kế phải có một tư duy sáng tạo trong quá trình thiết kế để không bị tự ràng buộc hoặc quá lệ thuộc vào những khuôn mẫu hoặc hình thức bố trí đã có hoặc được tham khảo. Tuy nhiên, ngay cả khi đã có một sản phẩm thiết kế đạt yêu cầu thì vấn đề cũng mới giải quyết được một nửa, nửa còn lại sẽ phụ thuộc vào không chỉ quá trình thi công cấu tạo mà còn cả quá trình quản lý, sử dụng các cầu thang và buồng thang bộ thoát nạn đúng quy định.

Kết luận, kiến nghị

Trong những điều kiện sử dụng bình thường khó có thể nhận thức hết được ý nghĩa quan trọng của các cầu và buồng thang bộ thoát nạn trong một công trình nhà, điều đó dường như chỉ có được bộc lộ và phát huy khi có sự cố cháy và mọi người cần phải dùng đến những bộ phận này. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp như vậy là đã quá muộn và cái giá phải trả chính là mạng sống của người sử dụng.

Các vấn đề kỹ thuật liên quan đến cầu thang và buồng thang bộ thoát nạn phải được quan tâm chú trọng ngay từ giai đoạn đầu của công tác thiết kế khi bố trí mặt bằng tổng thể của công trình, tránh trường hợp khi hoàn thành xong thiết kế mới phát hiện ra sự không phù hợp của các hạng mục này về mặt đảm bảo an toàn cháy. Thậm chí có những dự án thì sự không phù hợp đó chỉ được phát hiện khi hạng mục đã thi công xong. Để phòng ngừa điều này, đòi hỏi trong thành phần của hồ sơ thiết kế mỗi công trình phải có các bản vẽ đảm bảo an toàn cháy trong đó bên cạnh những nội dung liên quan hệ thống thiết bị báo cháy, chữa cháy,… như hiện nay thì những vấn đề liên quan từ việc phân khoang cháy, bảo vệ chống khói, tổ chức thoát nạn,… đến các yêu cầu kỹ thuật về cháy đối với vật liệu, cấu kiện và bộ phận công trình đều phải được thể hiện chi tiết làm cơ sở cho việc triển khai các hoạt động xây dựng. Đây cũng chính là yêu cầu được nêu ra trong QCXD 06:2010/BXD. Bên cạnh đó, cần có các đơn vị tư vấn chuyên môn và chuyên sâu về lĩnh vực này tham gia cùng các cơ quan quản lý Nhà nước để xem xét đánh giá các thiết kế liên quan trước khi phê duyệt và cho phép thi công.

Để tăng cường công tác quản lý chất lượng thi công đối với các hạng mục cầu thang và buồng thang bộ thoát nạn, đặc biệt là đối với các loại buồng thang có điều áp (N2 và N3), cần đưa ra các quy định cụ thể và rõ ràng hơn đối với việc thử nghiệm và đánh giá tính năng của các buồng thang bộ nói riêng và các khu vực công trình dùng cho thoát nạn nói chung, được bảo vệ chống nhiễm khói bằng các giải pháp kỹ thuật, trong đó có giải pháp tạo áp suất không khí dương, trước khi chính thức đưa vào sử dụng và cả trong quá trình khai thác sử dụng sau đó.

Đối với những công trình cao tầng đã xây dựng xong và đang chuẩn bị đưa vào khai thác sử dụng, đặc biệt là đối với những chung cư, có thể đang có những tồn tại về mặt đảm bảo an toàn cháy nói chung và an toàn cháy đối với cầu thang và buồng thang bộ nói riêng, để hạn chế những rủi ro có thể xảy ra cho người sử dụng sau này, trước tiên cần có kế hoạch khảo sát tổng thể hiện trạng để phát hiện những vấn đề chưa phù hợp ở mỗi công trình, tìm hiểu rõ nguyên nhân và các điều kiện cụ thể của từng công trình để có hướng giải quyết.

Đối với các công trình đang khai thác sử dụng, bên cạnh việc phổ biến kiến thức, tuyên truyền về ý nghĩa và tầm quan trọng của các hạng mục cầu thang và buồng thang thoát nạn, cần xem xét bổ sung quy định cụ thể về quản lý sử dụng và bảo trì các hệ thống, bộ phận liên quan đến cầu thang và buồng thang thoát nạn, từ vấn đề đảm bảo duy trì các không gian phục vụ giao thông đến công tác vận hành, kiểm tra định kỳ tình trạng của các bộ phận kỹ thuật như hệ thống thông gió cơ khí, các cửa ngăn lửa, ngăn khói lắp đặt trong các cấu kiện bao bọc buồng thang.