So sánh 4 nguyên tắc trong bầu cử năm 2024

Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND năm 2015, quy định việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tiến hành theo 4 nguyên tắc: bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Hiến pháp năm 2013, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND năm 2015, quy định việc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND được tiến hành theo 4 nguyên tắc: bầu cử phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

So sánh 4 nguyên tắc trong bầu cử năm 2024
Cử tri ấp 5, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu) đi bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND 3 cấp nhiệm kỳ 2016-2021. Ảnh: Tư liệu

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào cho hay, nguyên tắc bầu cử là những quy định được áp dụng cho quyền bầu cử của công dân (quyền bầu cử chủ động và quyền bầu cử bị động). Nguyên tắc bầu cử là điều kiện được quy định bởi pháp luật về bầu cử. Việc thực hiện và tuân thủ các nguyên tắc bầu cử trong quá trình bầu cử quyết định tính hợp pháp của cuộc bầu cử.

* Nguyên tắc phổ thông đầu phiếu

Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND quy định, tính đến ngày bầu cử được công bố, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, HĐND các cấp theo quy định của luật này. Đây là nguyên tắc bầu cử phổ thông, hay còn có tên gọi khác là nguyên tắc “phổ thông đầu phiếu”.

Yêu cầu của nguyên tắc này là Nhà nước phải bảo đảm để cuộc bầu cử thực sự trở thành một cuộc sinh hoạt chính trị rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền bầu cử của mình, bảo đảm tính dân chủ, công khai và sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp nhân dân trong bầu cử.

Giám đốc Sở Tư pháp Võ Thị Xuân Đào phân tích, ở phương diện pháp lý trong bầu cử, Nhà nước phải ban hành luật sao cho có phạm vi đông đảo nhất người được đi bỏ phiếu, tức là điều kiện pháp lý để được hưởng và thực hiện quyền bầu cử phải là tối thiểu. Pháp luật Việt Nam hiện nay quy định 2 điều kiện là: tư cách công dân Việt Nam và đủ 18 tuổi trở lên. Các đặc điểm cá nhân khác như: giới tính, tôn giáo, tình trạng tài sản, tình trạng hôn nhân, dân tộc, tiếng nói, màu da... đều không phải là các điều kiện được hưởng hoặc thực hiện quyền bầu cử.

“Nguyên tắc bầu cử phổ thông là sự bảo đảm trực tiếp cho tính dân chủ và tính chính thống của một cuộc bầu cử. Thông thường, càng nhiều người dân tự nguyện tham gia bầu cử càng thể hiện sự quan tâm lớn của người dân trong tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước, thể hiện nhà nước thực sự là của nhân dân. Cơ hội tham gia ứng cử công bằng với tất cả mọi người cũng góp phần tạo niềm tin của người dân vào sự lựa chọn của mình, từ đó gia tăng tính chính thống của bộ máy do người dân bầu chọn” - bà Võ Thị Xuân Đào bày tỏ.

* Các nguyên tắc khác

Nguyên tắc bầu cử bình đẳng theo pháp luật Việt Nam có 2 nội dung: sự bình đẳng giữa các cử tri và sự bình đẳng giữa các ứng cử viên. Khi đi bầu cử, mỗi cử tri có một lá phiếu và giá trị của mỗi lá phiếu là như nhau đối với việc xác định kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử. Đồng thời, sự bình đẳng giữa các ứng cử viên thể hiện ở chỗ khi đã được giới thiệu trong danh sách ứng cử viên thì các ứng cử viên dù thuộc thành phần nào cũng đều được cư xử như nhau, có quyền và nghĩa vụ như nhau.

Bà Võ Thị Xuân Đào chỉ rõ, trong danh sách ứng cử viên công bố tới cử tri, thứ tự tên của các ứng cử viên được xếp theo bảng chữ cái chứ không theo chức vụ hay thành phần hay tiêu chí nào khác. Thậm chí, pháp luật Việt Nam còn loại trừ khả năng ứng cử viên tận dụng lợi thế riêng về vật chất hoặc chức vụ để tạo lợi thế cho mình trước các ứng cử viên khác. Mọi hoạt động sử dụng chức vụ, quyền hạn hoặc hứa tặng cho, ủng hộ tiền, tài sản đến vận động bầu cử đều bị cấm.

Nguyên tắc bầu cử trực tiếp có nghĩa là cử tri đồng ý bầu chọn ứng cử viên nào thì bỏ phiếu thẳng cho người đó và sự lựa chọn của cử tri được tính trực tiếp vào kết quả bầu chọn đối với ứng cử viên. Về mặt lý luận, nội dung cốt lõi của nguyên tắc này là sự trực tiếp về nội dung, tức là ý chí lựa chọn của cử tri chứ không phải hình thức truyền tải sự lựa chọn. Nguyên tắc bầu cử trực tiếp không yêu cầu một hình thức bỏ phiếu cụ thể nào. Việc bầu cử hoàn toàn có thể tiến hành dưới hình thức bỏ phiếu phi truyền thống như qua thư tín hay điện tử nếu các hình thức này bảo đảm thể hiện được chính xác ý chí lựa chọn của cử tri.

Nguyên tắc bỏ phiếu kín có nội dung là: cuộc bầu cử, đặc biệt là công đoạn viết phiếu và bỏ phiếu, phải được tổ chức sao cho không một ai được biết nội dung của lá phiếu cũng như sự lựa chọn của cử tri ngoài chính bản thân cử tri. Nguyên tắc này đòi hỏi trước tiên bầu cử phải được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu chứ không phải bằng giơ tay biểu quyết.

Việc thực hiện nguyên tắc bỏ phiếu kín là nhằm bảo đảm tính khách quan của cuộc bầu cử. Bầu chọn người nắm giữ quyền lực nhà nước là một vấn đề tế nhị. Người được bầu chọn để nắm quyền có thể sẽ có tác động không nhỏ tới đời sống của cử tri. Vì vậy, giữ bí mật phiếu bầu là nhân tố bảo đảm cử tri có thể tiến hành lựa chọn ứng cử viên một cách tự do mà không e ngại bất cứ hậu quả bất lợi nào đối với mình, từ đó bảo đảm tính khách quan của cuộc bầu cử.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Phan Văn Châu bày tỏ, bầu cử là biểu hiện quan trọng của dân chủ trong xây dựng chính quyền nhà nước. Chế độ bầu cử là nền tảng của dân chủ, có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc kiến tạo chế độ dân chủ. Chế độ bầu cử là một trong những trụ cột trong cấu trúc dân chủ ở bất cứ nhà nước nào, bất cứ tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội nào. Dân chủ và bầu cử gắn bó mật thiết như hình với bóng. Ở đâu có bầu cử tự do và trung thực, thì ở đó một chế độ dân chủ được nảy nở và phát triển.