Sinh mổ nằm hồi sức bao lâu

Sinh mổ lấy thai - Những điều sản phụ cần lưu ý

Trong suốt thời gian thai kì, các bà mẹ chắc hẳn đều được các bác sỹ tư vấn rằng sinh mổ không phải lựa chọn đầu tiên và chỉ được chỉ định khi mẹ hoặc thai nhi có nguy cơ về sức khỏe. Việc hồi phục sau sinh mổ lâu và khó khăn hơn so với sinh thường, sản phụ mất máu nhiều hơn, chi phí cao hơn và nguy cơ bị nhiễm trùng hậu sản cũng cao hơn Vì vậy, các bác sĩ lưu ý, bà mẹ sinh mổ cần phải cẩn thận hơn trong chăm sóc cơ thể, sinh hoạt hay chọn thực phẩm để mau hồi phục sức lực, nhất là khi vừa đau với vết mổ vừa phải chăm sóc con cái. Dưới đây là những lưu ý liên quan đến vấn đề trên dành cho các sản phụ của BS CKI Hứa Thị Chi - Khoa Sanh Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Sinh mổ nằm hồi sức bao lâu

1. Trước khi phẫu thuật:

- Cần nhịn ăn và nhịn uống hoàn toàn (kể cả uống nước) từ 22g tối hôm trước nếu phẫu thuật buổi sáng hoặc theo chỉ dẫn của Bác sĩ, Nữ hộ sinh.

- Thực hiện các khảo sát trước mổ (xét nghiệm máu, siêu âm, đo điện tim) và đánh giá sức khỏe thai nhi.

- Vệ sinh vùng phẫu thuật dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế.

- Trước phẫu thuật khoảng 30 phút, bệnh nhân được chuyển xuống phòng mổ để chuẩn bị cuộc mổ.

- Trong thời gian chờ phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được thăm khám tiền mê để phát hiện các bệnh lý (nếu có)trước khi gây tê/ mê.

2. Trong khi phẫu thuật

- Bệnh nhân được ưu tiên gây tê tủy sống để phẫu thuật (vẫn tỉnh nhưng không có cảm giác đau). Trong một số trường hợp cần thiết vì bệnh lý, có thể cần gây mê toàn thân.

- Thời gian mổ lấy thai trung bình là 45-60 phút. Một số trường hợp có bệnh lý phức tạp đi kèm, cuộc phẫu thuật có thể kéo dài hơn.

- Sau khi được bác sĩ sơ sinh chăm sóc ban đầu, bé sẽ được đưa vào phòng mổ cho mẹ xem mặt và được da kề da với mẹ. Nếu mẹ được gây mê thì bé sẽ được chuyển về phòng sanh theo dõi. Trường hợp có bệnh lý cần theo dõi, bé sẽ được chuyển lên khu chăm sóc sơ sinh để được chăm sóc tốt hơn

- Thân nhân sẽ được nhân viên y tế nhắn tin điện thoại thông báo giờ sinh, giới tính bé, cân nặng bé trong vòng 10 phút sau khi bé được sinh ra.

3. Sau khi phẫu thuật

- Nằm theo dõi tại phòng hồi tỉnh trong 4-6 giờ. Một số trường hợp bệnh lý phức tạp, thời gian nằm theo dõi có thể kéo dài hơn.

- Trong thời gian này bệnh nhân được sử dụng thuốc và dịch truyền để chống nhiễm trùng, giảm đau, bù dịch và cung cấp năng lượng cho cơ thể.

- Khi bệnh nhân ổn thì mẹ và bé sẽ chuyển lên phòng nằm ở Khu hậu phẫu.

4. Chế độ sinh hoạt sau phẫu thuật

- Nên vận động càng sớm càng tốt, hạn chế nằm bất động quá lâu. Trong trường hợp gây tê tủy sống, bệnh nhân nên hạn chế vận động trong 12 giờ đầu sau phẫu thuật.

- Tập vận động bằng cách ngồi dậy trước. Khi không thấy chóng mặt, nhức đầu thì có thể tập đi lại trong phòng. Lưu ý trong thời gian đầu phải có người thân đi kèm để phòng trường hợp bệnh nhân dễ choáng xỉu, té ngã.

- Ngay sau khi có nhu động ruột xuất hiện (hiện tượng sôi bụng), bệnh nhân có thể bắt đầu ăn nhẹ được. Hiện tượng này có thể xuất hiện trong 4-6 giờ sau phẫu thuật.

- Bắt đầu ăn bằng cháo. Sau đó có thể ăn cơm bình thường. Lưu ý chế độ ăn nên có nhiều rau, thịt cá và không nên quá mặn.

- Thời gian nằm viện thay đổi từ 4-5 ngày tùy theo thể trạng và bệnh lý. Một số trường hợp có thể phải nằm lâu hơn.

- Nên cho bé bú sữa mẹ sớm trong những ngày đầu sau sinh để giúp tử cung co hồi tốt, sữa non có nhiều kháng thể giúp bé chống được nhiễm trùng.

- Trong một vài ngày đầu, sữa có thể chưa được tiết ra nhưng động tác bú mẹ của bé sẽ kích thích các ống tuyến sữa hoạt động.