Quy định đánh giá tác động môi trường năm 2024

Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội là thực trạng con người khai thác môi trường phục vụ cho các dự án đầu tư ngày càng nhiều. Điều này dẫn đến một hệ quả chính là tình trạng ô nhiễm môi trường đang trở nên nghiêm trọng hơn. Thực hiện nghiêm túc quy định về báo cáo đánh giá tác động môi trường trong mỗi dự án chính là chúng ta đang góp phần bảo vệ môi trường.

Tìm hiểu quy định pháp luật về báo cáo đánh giá tác động môi trường

Báo cáo đánh giá tác động môi trường là một bước quan trọng góp phần bảo vệ môi trường là điều kiện phê duyệt đối với một số dự án. Pháp luật quy định như thế nào về báo cáo đánh giá tác động môi trường? Quý Khách hàng hãy cùng tìm hiểu với NPLaw trong bài viết dưới đây.

Cơ sở pháp lý

1. Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13 được Quốc hội thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 (sau đây gọi là Bộ luật Hình sự);

2. Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2020 (sau đây gọi là Luật Bảo vệ môi trường 2020);

3. Nghị định 45/2022/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 07 tháng 7 năm 2022 Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường (sau đây gọi là Nghị định 45/2020/NĐ-CP).

Nội dung tư vấn

I. Báo cáo đánh giá tác động môi trường là gì?

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Bảo vệ môi trường 2020, đánh giá tác động môi trường là quá trình phân tích, đánh giá, nhận dạng, dự báo tác động đến môi trường của dự án đầu tư và đưa ra biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Quy định đánh giá tác động môi trường năm 2024
Báo cáo đánh giá tác động môi trường là kết quả của quá trình đánh giá tác động của môi trường, được chủ thể thực hiện đánh giá lập thành với các nội dung cơ bản kèm theo số liệu minh chứng để nộp cho cơ quan có thẩm quyền thẩm định.

Báo cáo đánh giá tác động môi trường có vai trò quan trọng trong bước đầu để phê duyệt một số dự án đầu tư bởi vì:

  • Là cơ sở để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định cho phép triển khai thực hiện dự án;
  • Là cơ sở để xác định trách nhiệm của các chủ thể của dự án về những hậu quả gây ra đối với môi trường sau này;
  • Là căn cứ để xác định trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với những hậu quả mà dự án gây ra đối với môi trường, đặc biệt là cơ quan trực tiếp thẩm định báo cáo này.

II. Nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường

Báo cáo đánh giá tác động môi trường bao gồm một số nội dung chính theo quy định tại Điều 32 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:

1. Xuất xứ của dự án đầu tư, chủ dự án đầu tư, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư; căn cứ pháp lý, kỹ thuật; phương pháp đánh giá tác động môi trường và phương pháp khác được sử dụng (nếu có);

2. Sự phù hợp của dự án đầu tư với Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và quy định khác của pháp luật có liên quan;

3. Đánh giá việc lựa chọn công nghệ, hạng mục công trình và hoạt động của dự án đầu tư có khả năng tác động xấu đến môi trường;

4. Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, đa dạng sinh học; đánh giá hiện trạng môi trường; nhận dạng các đối tượng bị tác động, yếu tố nhạy cảm về môi trường nơi thực hiện dự án đầu tư; thuyết minh sự phù hợp của địa điểm lựa chọn thực hiện dự án đầu tư;

5. Nhận dạng, đánh giá, dự báo các tác động môi trường chính, chất thải phát sinh theo các giai đoạn của dự án đầu tư đến môi trường; quy mô, tính chất của chất thải; tác động đến đa dạng sinh học, di sản thiên nhiên, di tích lịch sử - văn hóa và yếu tố nhạy cảm khác; tác động do giải phóng mặt bằng, di dân, tái định cư (nếu có); nhận dạng, đánh giá sự cố môi trường có thể xảy ra của dự án đầu tư;

6. Công trình, biện pháp thu gom, lưu giữ, xử lý chất thải;

7. Biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực khác của dự án đầu tư đến môi trường; phương án cải tạo, phục hồi môi trường (nếu có); phương án bồi hoàn đa dạng sinh học (nếu có); phương án phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường;

8. Chương trình quản lý và giám sát môi trường;

9. Kết quả tham vấn;

10. Kết luận, kiến nghị và cam kết của chủ dự án đầu tư.

III. Đối tượng nào phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường?

Các đối tượng phải thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại Điều 30 Luật Bảo vệ môi trường 2020 đó là:

1. Dự án đầu tư nhóm I, bao gồm:

  • Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn; dự án thực hiện dịch vụ xử lý chất thải nguy hại; dự án có nhập khẩu phế liệu từ nước ngoài làm nguyên liệu sản xuất;
  • Dự án thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường; dự án không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với quy mô, công suất lớn nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
  • Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô lớn hoặc với quy mô trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
  • Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất lớn hoặc với quy mô, công suất trung bình nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
  • Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất quy mô trung bình trở lên nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
  • Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô lớn.​​​​​​​

2. Một số dự án đầu tư nhóm II, bao gồm:

  • Dự án sử dụng đất, đất có mặt nước, khu vực biển với quy mô trung bình hoặc với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
  • Dự án khai thác khoáng sản, tài nguyên nước với quy mô, công suất trung bình hoặc với quy mô, công suất nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
  • Dự án có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng đất với quy mô nhỏ nhưng có yếu tố nhạy cảm về môi trường;
  • Dự án có yêu cầu di dân, tái định cư với quy mô trung bình.

Lưu ý: Các đối tượng trên thuộc dự án đầu tư công khẩn cấp theo quy định của pháp luật về đầu tư công không phải thực hiện đánh giá tác động môi trường.

IV. Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định pháp luật là gì?

Trách nhiệm của chủ dự án đầu tư sau khi có quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại Điều 37 Luật Bảo vệ môi trường 2020 như sau:

1. Điều chỉnh, bổ sung nội dung của dự án đầu tư và báo cáo đánh giá tác động môi trường cho phù hợp với nội dung, yêu cầu về bảo vệ môi trường được nêu trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

2. Thực hiện đầy đủ các nội dung trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;

3. Có văn bản thông báo kết quả hoàn thành công trình bảo vệ môi trường cho cơ quan đã phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi đưa dự án vào vận hành chính thức đối với trường hợp dự án đầu tư không thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường;

4. Trong quá trình chuẩn bị, triển khai thực hiện dự án đầu tư trước khi vận hành, trường hợp có thay đổi so với quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, chủ dự án đầu tư có trách nhiệm sau đây:

(1) Thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với dự án đầu tư khi có một trong các thay đổi về tăng quy mô, công suất, công nghệ sản xuất hoặc thay đổi khác làm tăng tác động xấu đến môi trường, cụ thể là:

  • Tăng quy mô, công suất của dự án tới mức phải thực hiện thủ tục chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư hoặc thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư;
  • Thay đổi công nghệ sản xuất của dự án làm phát sinh chất thải vượt quá khả năng xử lý chất thải của các công trình bảo vệ môi trường so với phương án trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
  • Thay đổi công nghệ xử lý chất thải của dự án có khả năng tác động xấu đến môi trường so với phương án trong quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường;
  • Thay đổi địa điểm thực hiện dự án, trừ trường hợp dự án đầu tư trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có địa điểm thực hiện dự án thay đổi phù hợp với quy hoạch phân khu chức năng của khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
  • Thay đổi vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước có yêu cầu cao hơn về quy chuẩn xả thải hoặc thay đổi nguồn tiếp nhận làm gia tăng ô nhiễm, sạt lở, sụt lún.

(2) Báo cáo cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được xem xét, chấp thuận trong quá trình cấp giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư thuộc đối tượng phải có giấy phép môi trường trong trường hợp thay đổi công nghệ sản xuất, công nghệ xử lý chất thải, vị trí xả trực tiếp nước thải sau xử lý vào nguồn nước nhưng không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này; bổ sung ngành, nghề thu hút đầu tư vào khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp;

(3) Tự đánh giá tác động đến môi trường, xem xét, quyết định và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các thay đổi khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này; tích hợp trong báo cáo đề xuất cấp giấy phép môi trường (nếu có).

Quy định đánh giá tác động môi trường năm 2024
5. Công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, trừ các thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật;

6. Thực hiện yêu cầu khác theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

V. Giải đáp thắc mắc về báo cáo đánh giá tác động môi trường

Xoay quanh vấn đề về báo cáo đánh giá tác động môi trường có một số câu hỏi thường gặp được NPLaw giải đáp như sau:

1. Không thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường bị phạt bao nhiêu tiền?

Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường không quy định cụ thể cho hành vi không lập báo cáo đánh giá tác động môi trường vì đây là bước bắt buộc để thẩm định và phê duyệt đối với một số dự án đầu tư. Điều 10 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định mức xử phạt hành chính đối với một số hành vi xoay quanh việc thực hiện đánh giá tác động môi trường như sau:

Một số hành vi được đề cập đó là không công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả; thực hiện không đúng, không đủ hoặc không thực hiện các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quyết định phê duyệt; không bổ sung, điều chỉnh nội dung của báo cáo tác động môi trường cho phù hợp với yêu cầu, nội dung trong kết quả thẩm định;... với các mức phạt tùy thuộc vào hành vi, mức độ vi phạm, thẩm quyền phê duyệt kết quả thẩm định của cơ quan nào. Cụ thể mức phạt thấp nhất là 10.000.000 đồng và cao nhất là 100.000.000 đồng.

Quy định đánh giá tác động môi trường năm 2024
Đồng thời, hình thức xử phạt bổ sung đối với các hành vi vi phạm nêu trên là: Đình chỉ hoạt động thi công, xây dựng có phát sinh chất thải từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc từ 03 tháng đến 06 tháng tùy loại và mức độ vi phạm để khắc phục vi phạm. Ngoài ra, biện pháp khắc phục hậu quả:

  • Buộc công khai báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt kết quả thẩm định;
  • Buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường;
  • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi xây lắp, lắp đặt thiết bị, đường ống hoặc các đường thải khác để xả chất thải không qua xử lý ra ngoài môi trường; không vận hành hoặc vận hành không thường xuyên hoặc vận hành không đúng quy trình đối với công trình xử lý chất thải; không xây lắp hoặc xây lắp không đúng công trình xử lý chất thải.​​​​​​​

2. Không thực hiện báo cáo tác động môi trường có bị xử lý hình sự không?

Hành vi không thực hiện báo cáo tác động môi trường không được ghi nhận là tội phạm thuộc điều chỉnh của Bộ luật Hình sự hiện hành. Tuy nhiên, một số hành vi về môi trường phải chịu trách nhiệm hình sự cần lưu ý như sau:

  • Tội gây ô nhiễm môi trường quy định tại Điều 235 Bộ luật Hình sự với mức phạt thấp nhất là thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm và mức phạt cao nhất là phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm;
  • Tội vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường quy định tại Điều 237 Bộ luật Hình sự với mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm và mức phạt cao nhất là phạt tù từ 05 năm đến 10 năm.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về báo cáo tác động môi trường. Việc khai thác môi trường để phục vụ cho đời sống, kinh tế, xã hội là đương nhiên và cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cần phải thực hiện nghiêm túc quy định pháp luật về môi trường và báo cáo đánh giá tác động môi trường là một trong số đó nhằm giảm khả năng gây ô nhiễm môi trường. Trong trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc các vấn đề pháp lý khác, vui lòng liên hệ đến NPLaw để được chúng tôi cung cấp các dịch vụ pháp lý phù hợp. Xin chân thành cảm ơn Quý Khách hàng.