Quốc âm thi tập là gì

Bài 2

Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi
tập thơ Việt Nam đầu tiên

Hướng dẫn học

       Đây là bài viết, có thể dùng làm bài giảng, nay dùng để các bạn tự học nhằm mục đích minh họa cho bài 1, về cảm hứng và cách thể hiện cảm hứng trong khi làm thơ. Mấy lời dặn bạn trước và trong khi tự học, tự đọc:

       1. Bạn cần luôn luôn nhớ lại định nghĩa về THƠ trong bài trước: Thơ là biểu đạt trong sáng của những cảm xúc rối bời (W. H. Auden). Hãy nhớ lại định nghĩa đó bằng cách nghĩ đến một người làm thơ tâm hồn rất trong sáng và một hoàn cảnh làm thơ rối bời.

       2. Khi lấy Nguyễn Trái làm trường hợp nghiên cứu, các bạn hãy cùng nhau tìm hiểu hoàn cảnh và cuộc đời Nguyễn Trãi, điều đó giúp bạn dễ hiểu hơn số phận rối bời của Nguyễn Trãi và càng thấm thía hơn sự trong sáng trong tâm hồn cụ Ức Trai.

       3. Vua Lê Thánh Tông, người có công khôi phục danh tiếng cho Nguyễn Trãi đã viết bài thơ, câu đầu là "Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo" hiểu là "Lòng cụ Ức Trai sáng tựa sao khuê" như vẫn dịch thoát nghĩa xưa nay.

       4. Tiếp đó, bạn cần ghi lại những chi tiết chứng minh cho ý tưởng chủ đạo của bài viết này của giáo sư Đặng Tiến: tập thơ Việt Nam đầu tiên. Giáo sư Đặng Tiến trình bày trong bài những yếu tố đầu tiên nào đã khiến Quốc âm thi tập mang tính chất Việt Nam đầu tiên?

       5. Cuối cùng bạn nên viết một bài thu hoạch (có thể dùng cho Hội thảo Văn của lớp) xoay quanh những điều bạn rút ra về cảm hứng làm thơ của cụ Ức Trai.

Mời bạn làm việc.

 Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi, tập thơ Việt Nam đầu tiên

       Tiêu đề của bài này gói trọn bộ nội dung lẫn dàn bài, gồm có ba điểm chính:

       Quốc âm thi tập của Nguyễn Trãi là tác phẩm Nôm quy mô đầu tiên của nước ta.

       Đó là tác phẩm đậm đà tính dân tộc.

       Tác phẩm đó là một tập thơ, trong nghĩa trọn vẹn nhất, nghĩa là dồi dào tính thơ, ngày nay đọc còn thấy thích thú, dù ngôn ngữ dân tộc, trải qua sáu thế kỷ, với nhiều biến cố, đã biến đổi nhiều.

       Về hai điểm 1 và 2, chúng tôi không có phát hiện gì mới. Chỉ quan trọng phần phân tích thơ trong Quốc âm thi tập, là chúng tôi hy vọng đưa ra vài cảm xúc riêng, lẻ loi và từ tốn.

       Thơ Nguyễn Trãi chủ yếu nằm trong Ức trai di tập gồm 105 bài chữ Hán, và tập trung trong Ức trai di tập là 234 bài chữ Nôm làm thành Quốc âm thi tập. Những bài này chưa chắc đã hoàn toàn đúng với nguyên tác của Nguyễn Trãi, vì do người đời sau sao lại, và do Dương Bá Cung, người cùng làng với Nguyễn Trãi sưu tập năm 1868. Tuy nhiên, trên số lượng lớn như thế, dù cho không hoàn toàn đúng với nguyên tác, ta cũng được một ý niệm về tư tưởng và nghệ thuật của Ức Trai. Các bản văn này đều được in trong Nguyễn Trãi toàn tập, nhà xuất bản Khoa học xã hội in lần thứ hai tại Hà Nội, 1976, có bày bán tại Paris. Những trích dẫn của chúng tôi đều dựa trên văn bản này.

       Trước Nguyễn Trãi, dĩ nhiên là đã có người làm thơ bằng chữ Nôm; Đại Việt sử ký toàn thư nhân việc Trần Anh Tông gả Huyền Trân công chúa cho Chế Mẫn năm 1306, có ghi lại là “Văn sĩ trong triều ngoài nội, có nhiều người mượn điển vua Hán đem Chiêu Quân đi gả cho Hung Nô mà làm thơ bằng chữ quốc ngữ để chê cười”. Như vậy, trước Nguyễn Trãi hàng trăm năm, việc làm thơ Nôm, nhất là trong dân gian đã rất thông thường.

       Tuy nhiên, tác phẩm chữ Nôm còn lại đến nay không nhiều, nếu không nói là không còn gì. Những tác phẩm có cơ sở nhất như là Cư Trần Lạc Đạo Phú, tương truyền của Trần Nhân Tông, Vịnh Hoa Yên Tự Phú, tương truyền của Huyền Quang, Giao Tứ Phú, tương truyền của Mạc Đĩnh Chi, tìm thấy trong sách nhà chùa viết vào thời Lê, cũng còn đặt nhiều nghi vấn. Ngoài ra, đó là những bài phú, một thể loại nằm giữa thơ và văn xuôi chưa phải thơ.

       Vả lại, cũng cần nhắc với bạn đọc không có dịp theo dõi đầy đủ văn học nước nhà, một số tác phẩm xưa kia, thời trước cách mạng, được cho là thời Trần-Hồ, ngày nay không còn đáng tin cậy nữa, đó là: thơ xướng họa được gán cho Trần Trùng Quang và Nguyễn Biểu, truyện Vương Tường, Trê Cóc, Trinh Thử. Ngày nay, nhiều tư liệu vững chắc về khoa văn bản học có thể giúp chúng ta khẳng định điều đó.

       Quốc âm thi tập viết bằng tiếng Việt, dĩ nhiên là một tập thơ Việt Nam. Nhưng nó còn Việt Nam ở những lý do sâu xa hơn nhiều. Vì nó gắn bó mật thiết với con người Việt Nam, với đời sống, với phong cảnh Việt Nam và lời ăn tiếng nói Việt Nam.

       Con người Việt Nam, thời đó, trước hết là người nông dân chân lấm tay bùn. Nguyễn Trãi gắn bó với nhân dân vì xuất thân từ hoàn cảnh nghiệt ngã: cha đã nghèo, bản thân ông cũng nghèo cho dù làm quan lớn. Thân phụ ông, Nguyễn Ứng Long, tuy học giỏi đỗ cao, làm rể dòng họ vua, nhưng vì tội phạm thượng, con nhà dân mà dám lấy con cháu nhà vua, nên vẫn không được làm quan, đặc biệt bị vua Nghệ Tông hiềm ghét.

       Khi nhà Hồ dấy nghiệp, ông mới xuất chính nhưng không bao lâu thì bị quân Minh bắt đầy về Trung Quốc. Khi đọc thơ Phi Khanh (tên cũ của Ứng Long), ta cảm thấy sâu sắc những cơ cực của nông dân thời đó. Hàng ngàn dặm lúa cháy xém như bị thiêu đốt; ở chốn thôn dã, dân than thở không còn cách sống nữa. Núi sông đồng ruộng thì khô không khốc, mà mưa móc thì ở trên cao xa xôi, không tới. Bọn quan lại ra sức vơ vét, máu thịt của dân hao hơn một nửa.

       Bài Thôn cư cảm sự không khỏi nhắc ta những bài thơ của Nguyễn Khuyến năm thế kỷ sau.

       Hoàn cảnh gia đình Nguyễn Trãi giúp ta hiểu thêm tại sao ở cái thời phong kiến xa xôi đó, ông đã viết “ăn lộc đều ơn kẻ cấy cày”; thời đó, cho mãi đến gần đây, người ta chỉ nói đến ơn trời, ơn vua, ơn quan chứ không ai nhận chịu ơn người lao động. Và ta cũng từ đó mà hiểu thêm tư tưởng việc nhân nghĩa cốt ở yên dân, là kim chỉ nam của đời ông. Và chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy, Nguyễn Trãi, một tri thức khoa bảng, cháu ngoại nhà Trần, quan lại nhà Hồ mà trong sự nghiệp chống nhà Minh đã không đứng về hàng ngũ quý tộc hoặc chính thống Hồ - Trần mà lại đứng về phía nông dân, thời đó gọi là “manh lệ”. Ngay từ thời buổi phôi thai của cuộc khởi nghĩa Lam Sơn như nhiều tư liệu còn ghi lại: ông là một trong 18 “hào kiệt” dự lễ thề Lũng Nhai, một địa điểm vùng Lam Sơn, nam 1416. Trong lời tựa của Ức trai thi tập, Trần Khắc Kiệm viết năm 1480 là Nguyễn Trãi vốn “giỏi thiên văn, biết nước ta sẽ có bậc chân chúa ra đời, muốn tìm đến giúp”. Giỏi thiên văn, nhận ra chân chúa, trong thực tế thời đó, có nghĩa là tin vào quần chúng và tương lai dân tộc.

       Một điểm khác trong tư tưởng Nguyễn Trãi là ông có ý thức rất sớm về văn hóa dân tộc, một khái niệm xuất hiện muộn nhất trong lịch sử loài người. Lời khẳng định trong Bình Ngô đại cáo: “nước Đại Việt ta là một nước văn hiến, sông núi bờ cõi đã riêng, phong tục Bắc Nam cũng khác”, một mặt chứng tỏ niềm tự hào dân tộc, mặt khác trình bày một quan niệm văn hóa rất khoa học, mới mẻ nữa là khác. Vì yêu bờ cõi, phong tục nước nhà, Nguyễn Trãi viết Dư địa chí. Ý thức văn hóa dân tộc còn biểu lộ rất rõ khi Nguyễn Trãi không tuân mệnh vua, không hợp tác với Lương Đăng để soạn lễ nhạc cho triều đình. Lý do là Lương Đăng du nhập vô ý thức nhạc Trung Quốc vào nước ta, y mô phỏng tấu nhạc lẫn y phục nhà Minh, kẻ thù có ý định hủy diệt văn hóa một cách có hệ thống và sâu độc, kẻ thù vừa mới bị ta đánh bật khỏi bờ cõi cách đó mới chỉ mười năm. Về sự dốt nát của Lương Đăng ta có thể bỏ qua, còn về thái độ ý thức của y, ta khó có thể chấp nhận, vì vậy mà Nguyễn Trãi mới miệt thị y là “phường tiểu dậu”.

       Cho đến nay, chúng tôi muốn chứng tỏ Nguyễn Trãi là một người Việt Nam sâu sắc. Có là người Việt Nam sâu sắc, mới làm thơ Việt Nam sâu sắc. Ông quý chữ Nôm, văn tự ghi lại tiếng nói dân tộc thời đó. Số lượng thơ chữ Nôm ông để lại là một sự lạ. Ông còn sưu tập thơ Nôm của Hồ Quý Ly, ta nên nhớ rằng các nhà nho đời đó, và sau nữa như Phan Phu Tiên, Hoàng Đức Lương, cho đến bậc học giả uyên bác như Lê Quý Đôn ba thế kỷ sau, khi sưu tầm thơ, mới chỉ dừng lại ở thơ chữ Hán. Đó là một việc đáng tiếc vì ở giai đoạn này, thơ Nôm đã có một quá trình lớn; và nó chứng tỏ không những lòng yêu tiếng Việt của Nguyễn Trãi mà cả sự tinh tế của ông. Nếu tôi nói đôi mắt Nguyễn Trãi nhìn thông suốt lịch sử của dân tộc, liệu tôi có quá lời chăng? Và nếu tôi nói Nguyễn Trãi, rất sớm, đã biết “thúc thời đại tiến nhanh hơn chút nữa”, hoặc “đã đánh thức bình minh” trong mỗi chúng ta, sáu thế kỷ sau, tôi có liều lĩnh chăng?

       So với 105 bài thơ chữ Hán của Nguyễn Trãi, con số 234 bài thơ Nôm rất đặc trưng. Con số đó còn có thể cao hơn nữa, vì nếu có thất lạc, thì thơ “mách qué” có nhiều khả năng thất lạc hơn thơ chữ Hán.

       Đọc Quốc âm thi tập, trước hết là sống trong phong cảnh người Việt Nam, trong ngọn gió đong đưa tàu lá chuối, sống với bụi mía, bóng cây đa già, trong mùi hương hoa mộc, hoa nhài, sau hàng râm bụt hoặc giậu mồng tơi. Cánh hoa đào mỉm cười với gió xuân, quả ổi ngọt ngào trong nắng tháng bảy, mấy luống kê khoai, dăm bè rau muống, bên cạnh những mèo, chó, lợn, trâu: đó là lục địa tâm tình của mỗi chúng ta. Và chỉ có thơ Nôm mới gợi được những hình ảnh thân yêu đó. Trong thơ chữ Hán của Ức Trai, rau mục túc của người nghèo tương đương với rau muống. Nhưng chữ rau muống trong ao làng:

Ao quan thử thả hai bè muống

vẫn gần gũi với ta hơn.

       Nhiều người đã không ngớt lời ca tụng hai câu thơ chữ Hán của Ức Trai:

Nhất đình sơ vũ luyện hoa khai

(Hoa xoan mưa nhẹ nở đầy sân)

       Vì luyện (xoan) là một loài cây của Việt Nam. Tôi ngờ lắm. Dù luyện và xoan dù có tương đương đi nữa, âm hưởng vẫn xa nhau.

Giậu thưa hai khóm trúc

       Câu thơ Nôm này vẫn có khí vị Việt Nam hơn câu:

La ỷ phương châm ổ lý hoa

(Gấm vóc huy hoàng dậu nở hoa)

Chữ ổ không có âm hưởng của chữ dậu.

       Tôi chạnh lòng nhớ đến Nguyễn Du:

Dậu thu vừa nảy chồi sương

hay của Nguyễn Khuyến:

Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái

hay gần đây hơn Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu đều dùng hình ảnh hàng dậu…

       Phải chăng Nguyễn Trãi đã đưa hình ảnh làng mạc Việt Nam vào thơ? Nghĩa là đưa thơ vào phong cảnh Việt Nam.

       Nhưng thơ, trước hết là cách sử dụng ngôn từ. Thơ Ức Trai còn Việt Nam ở chỗ dựa trên lời ăn tiếng nói của nhân dân. Các ông Trương Chính, Cao Huy Đỉnh lấy bài sau đây làm ví dụ vì nhiều câu thơ có dáng dấp của tục ngữ:

Nguyễn Trãi toàn bài 148

Ở bầu thì dáng ắt nên tròn

Xấu tốt đều thì rắp khuôn

Lân cận nhà giàu lo bữa cám

Bạn bè kẻ trộm phải đau đòn

Chơi cùng đứa dại nên bầy dại

Kết mấy người khôn học nết khôn

Ở đấng thấp thì nên đấng thấp

Đen gần mực đỏ gần son

Tục ngữ

Ở bầu thì tròn ở ống thì dài

Xấu tốt dập khuôn

Gần nhà giàu đau răng ăn cốm

Gần kẻ trộm ốm lưng chịu đòn

Ở chọn nơi, chơi chọn bạn

Gần mực thì đen, gần đèn thì rạng

Cao Huy Đỉnh còn so sánh một số câu thơ khác trong Quốc âm thi tập với ca dao tục ngữ. Tôi chỉ thêm vào vài ví dụ:

Nguyễn Trãi

Bia đá hay mòn nghĩa chẳng mòn

Chúa giàn nẻo khỏi tan con nghé

Hòn đất hầu làm mất cái chim

Sừng hằng những mọc quá tai

Sen nào có lấm trong bùn

Ai từng phú quý mấy trăm trời

Dễ hay ruột biển sâu cạn

Không biết lòng người ngắn dài

Đất nào hay cãi được người ta

Còn miệng tựa bình đà chĩu giữ

Thấy nơi xao xác đã mày nề

Có sự cầu người nên nể mặt

Cửa nhà bịn rịn tổ ong tàn

Hết duyên như tổ ong tàn trời mưa

Muốn ăn trái dưỡng nên cây

Ai học thì hay mưa lệ dài

Ngậm ruồi nào chết bát bồ hòn

Thế sự trai yêu thiếp mọn

Nhân tình gái nhớ chồng xưa

Tật được tiêu nhờ thuốc đắng hay

Ghê thế biến bạc làm đen

Vàng thật âu chi sợ lửa thiêu

Nếu có sâu thì bỏ canh

Tay ai thì lại làm nuôi miệng

Làm biếng ngồi ăn lở núi non

Nên thợ nên thầy vì có học

Ca dao tục ngữ

Trăm năm bia đá cũng mòn

Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn

Sẩy đàn tan nghé

Đất bụi lại ném chim trời

Chim trời bay mất đất rơi xuống chùa

Sừng mọc quá tai

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn

Ai giàu ba họ, ai khó ba đời

Sông sâu còn có kẻ dò

Lòng người nham hiểm khó đo cho cùng

Hòn đất mà biết nói năng

Thì thầy địa lý hàm răng không còn

Giữ miệng như đút nút bình

Mặt nặng mày nề

Cầu người nể mặt

Còn duyên như tượng tô vàng

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây

Ăn vóc học hay

Mật ngọt chết ruồi

Ngậm bồ hòn làm ngọt

Trai yêu vợ bé gái nhớ chồng xưa

Thuốc đắng giã tật

Đổi trắng thay đen

Vàng thật không sợ lửa

Con sâu làm giàu nồi canh

Tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ

Ngồi ăn núi nở

Không thầy đố mày làm lên

       Đọc Quốc âm thi tập kỹ hơn có thể còn nhiều ví dụ khác. Câu thơ Nguyễn Trãi:

Của nhiều sơn dã đem nhau đến

Khó ở kinh thành ít kẻ han

được các ông Đinh Gia Khánh, Bùi Duy Tân, Mai Cao Chương cho là xuất từ khẩu ngữ Hán “bần cư trung thị, vô nhân vấn, phú tại sơn lâm hữu khách tầm”. Rất có thể, nhưng khả năng Nguyễn Trãi dựa vào câu ca dao ta, có thể bắt nguồn từ chữ Hán

Khó ngồi giữa chợ không ai màng

Giàu ở trong hang ai cũng đến

       Ngoài ra, Ức Trai rất dồi dào những từ thuần Việt từ bữa cơm dưa muối đến nong tằm ươm lúc nhúc hay khóm đất đá ong. Tôi sẽ bàn thêm về những từ này ở đoạn cuối khi nói về thi tính trong thơ Nguyễn Trãi.

       Vấn đề đầu tiên của người làm thơ là chọn thể loại. Nó phải hết sức gay gắt với Nguyễn Trãi, ở buổi bình minh của thi ca Việt Nam, khi mà thơ ca của chúng ta chưa có thể loại. Hiện nay, chưa có một chứng tích nào về thơ lục bát, song thất lục bát vào thế kỷ XIV. Những bài thơ thời Nguyễn Trãi, trong đó có thể có Nguyễn Trãi, phải vạch lối, tìm đường, để thoát ly ra khỏi khuôn khổ thơ Trung Quốc. Trên số 254 bài trong Quốc âm thi tập, chỉ có 71 bài làm theo thể thơ Đường luật. 183 bài còn lại, nghĩa là đa số, là những bài thơ phá thể, cấu trúc tương tự thơ Đường về phương diện đối ngẫu nhưng số chữ thì tự do, bảy chữ chen với sáu, có khi năm chữ. Và khi số chữ thay đổi, thì tương quan bằng trắc, tự nhiện, cũng phải thay đổi. Cứ lấy bài đầu trong Quốc âm thi tập làm ví dụ:

Góc thành nam, lều một gian

No nước uống, thiếu cơm ăn

Con đòi trốn đường ai quyến

Bầy ngựa gầy thiếu kẻ chăn

Ao bởi hẹp hòi khôn thả cá

Nhà quen xú xứa ngại nuôi vằn

Triều quan chẳng phải, ẩn chẳng phải

Góc thành nam, lều một gian

       So với thơ Đường thì bài này đã khác lạ, về hai mặt niêm và luật, nghĩa là về cấu trúc nhạc điệu, cơ bản của ngôn ngữ thi ca. Dĩ nhiên là Nguyễn Trãi vẫn tôn trọng quan hệ của vần, nhưng vần là một thành tố thông thường của thi ca thế giới. Thể thơ phóng túng, so le này còn được phát triển ít nhất một thế kỷ sau, vì trong Hồng Đức quốc âm thi tập, trên con số 328 bài, ta còn thấy nhiều bài theo kiểu 6 chen 7 chữ. Tiếc thay giữa sức ép của thơ bác học (Đường luật) và thơ dân gian (lục bát) được phát hiện và phát triển về sau, thể loại 6-7 đã dần biến mất. Định mệnh đó phù du vì nó là thí nghiệm buổi đầu của lịch sử thi ca Việt Nam. Quốc âm thi tập là một thí nghiệm kiên trì, có ý thức, có quy mô lớn của Nguyễn Trãi. Con số rất lớn 183 bài, 5/7 toàn bộ thơ Nôm, chứng tỏ ông là nhà thơ có suy nghĩ chín chắn về kỹ thuật ngôn ngữ thơ, chứ không phải làm tùy tiện, tùy thích, tùy hứng. Xin thêm một chứng cớ khác để diễn đạt một ý, khi mà ông làm thơ chữ Hán thì ông tuân theo Đường luật một cách nghiêm túc:

Môn tiền nhất phái tào khê thủy

Tẩy tận nhân gian kiếp kiếp trần

       Trái lại, khi dịch câu thơ đó ra chữ Nôm ông lại thoát ly khỏi quy luật đó:

Tào khê rửa ngàn tầm suối

Sạch chẳng còn một chút phàm

       Đó phải chăng là trường hợp của Nguyễn Khuyến về sau này, khi làm thơ chữ Hán thì theo các thể thơ Trung Quốc, nhưng khi chuyển sang những bài thơ chữ Nôm thì lại dùng các thể thơ Việt như Ly phu hành (Lời gái hóa), Ưu phụ từ (Lời vợ phường chèo). Tôi không trích dẫn bài Di chúc rất nổi tiếng vì có người cho rằng bản chữ Hán mới là của Yên Đổ còn bản chữ Nôm là của người khác.

       Tóm lại, Nguyễn Trãi không phải là nhà nho chỉ làm thơ lúc tửu hậu trà dư như phần lớn các nhà nho. Mà là một nho sĩ có ý thức cao về nghệ thuật thi ca của mình, trong nguồn thơ dân tộc.

       Nhờ ý thức đó, ông đã thấy rõ, và khai thác sâu, thi tính trong ngôn ngữ Việt Nam. Thơ chữ Hán hay ở chỗ súc tích, do những thực từ, chủ yếu là danh từ tạo nên. Thơ Việt hay ở chỗ mung lung, nhờ những hư từ hay bán thực từ. Nguyễn Trãi thấy rõ điều này từ rất sớm và đặc biệt khai thác những cảm từ, một từ loại đặc biệt giàu hình tượng, tượng thanh, gợi cảm và rất khó dịch ra tiếng nước ngoài, như là lãng thãng, lãng đãng, chon von, luẩn quẩn, lanh chanh, tênh hênh, lểu thểu, lừng lựng, thưa thưa, phơ phơ, lẽo đẽo, đủng đỉnh, xềnh xoàng, chênh chênh, lao xao, lay thay, tớp tớp, phây phẩy, im ỉm, bát ngát… Những cảm từ đó tạo một vẻ đẹp riêng cho thơ Việt Nam, từ ca dao đến truyện Kiều, đến thơ mới. Như trong thơ Nguyễn Khuyến:

Trời thu xanh ngắt mấy từng cao

Cần trúc lơ thơ gió hắt hiu…

       Vẻ đẹp kín đáo, dịu nhẹ mà ta gặp ở thơ Nguyễn Trãi cách đây sáu thế kỷ:

Quáng nắng thưa thưa bóng trúc che

       Chúng ta tưởng chừng như đang Đi giữa đường thơm của Huy Cận.

       Tâm hồn thanh cao của Ức Trai tạo nên một vòm trời tinh khiết. Vũ trụ thơ của Ức Trai là một áng mây bên suối, một ánh trăng trong khoang thuyền, tiếng chim kêu trong rặng hoa, là giọt sương trên đồi cúc. Đọc thơ Ức Trai, ta thấy lòng mình thanh thoát hơn một chút

Đạp áng mây, ôm bó củi

Ngồi bên suối, gác cần câu

Hoặc là:

Bẻ cái trúc, hòng phân suối

Quét con am để chứa mây

       Hình ảnh tái tạo tân kỳ. Qua đó ta thấy lung linh một tia sáng trong trẻo, vóc dáng một con người vừa xa xôi, vừa gần gũi. Một tâm hồn thanh cao làm chủ vũ trụ vì làm chủ được lòng mình, trên biên giới giữa vô cùng và hữu hạn. Thơ Nguyễn Trãi nói nhiều đến lưu lạc, cơ cầu nhưng nói chung, Quốc âm thi tập là một không gian hạnh phúc vì dường như Nguyễn Trãi đã giải quyết những vấn đề lớn lao của lương tâm. Và giải quyết bằng tình yêu. Ông yêu tổ quốc, yêu dân tộc, điều đó đã nhiều người nói. Ông còn yêu thiên nhiên, yêu cuộc sống trong những nét tầm thường nhất. Không dám phát cây vì rừng tiếc chim về, không nuôi cá vì ánh trăng yêu mặt hồ phẳng lặng. Lắng nghe niềm tịch mịch của đêm thâu, ông sợ tiếng chày khuya làm tan vỡ mặt trăng. Ta khó có thể tưởng tượng được tâm hồn nhạy cảm ấy đã từng viết Quân trung từ mệnh và Đại cáo Bình Ngô:

       Cho đến câu thơ này mới thấy tinh thần:

Hé cửa đêm chờ hương quế lọt

Quét hiên ngày lệ bóng hoa tan

       “Lệ”, chữ cổ nghĩa là e ngại, lo sợ. Nội dung câu thơ nói lên tình cảm tế nhị sâu lắng của Nguyễn Trãi với thiên nhiên, với cuộc sống. Những hình hình ảnh trong câu thơ giao thoa với nhau, tạo một nguồn sáng kỳ diệu. Hương quế, bóng hoa là những thực tế hiện hình đang biến vào cõi vô hình, đang tan ra một mùi hương, nhòe đi thành một cái bóng. Từ thể phách biến tinh anh. Khi gần đây Xuân Diệu viết:

Phất phơ hồn của bông hường

Trong hơi phiêu bạt còn vương máu hồng

       Là cũng phát triển ý đó. Bóng hoa, hương quế là môi giới giữa cõi thực và cõi mộng, và cũng là môi giới giữa không gian và thời gian. Cũng như cửa và hiên là không gian môi giới, giữa cái trong và cái ngoài, giữa cái riêng và cái chung, giữa con người và vũ trụ, cũng như chữ thềm, chữ ngõ thi nhân đời xưa rất chuộng. Hai câu thất ngôn rất cân đối nhờ vị trí của ác động từ hé, chờ, lọt, quét, lệ, tan ở đầu, giữa và cuối câu. Hai động từ chờ và lệ gợi ra được những rung động mong manh của thời gian. Chủ từ ẩn là ta: ta chờ, ta lệ, theo nghĩa câu thơ; nhưng cấu trúc văn phạm tạo cảm giác chủ từ đêm, ngày: đêm chờ, ngày lệ. Nguyễn Trãi , một cách tinh vi đã lồng tình cảm vào thời gian, và vào cả bóng hoa, hương quế. Về âm thanh, một số nguyên âm và phụ âm láy lại tạo một nhạc tính ý vị cho câu thơ. Ta khó có thể tưởng tượng là lúc tranh tối tranh sáng của thời hửng đông của thi ca Việt Nam mà Nguyễn Trãi đã làm được một câu thơ tân kỳ, nhuần nhuyễn như thế.

       Tôi chỉ chọn một vài ví dụ để gợi lại cho bạn đọc một khái niệm về thơ Quốc âm của Ức Trai, muốn phân tích nghiêm chỉnh thi pháp của Ức Trai, phải có một công trình nhiên cứu quy mô, vượt khỏi giới hạn một bài báo ngắn, chỉ dừng lại ở mục tiêu gợi ý và giới thiệu.

       Trong bài này chúng tôi đã gợi ra nét chính trong thơ Quốc âm của Nguyễn Trãi. Trước hết, tôi đã đặt Quốc âm thi tập vào bối cảnh lịch sử văn hóa của nó, ở đầu thế kỷ XV, thời bình minh của văn học chữ Nôm, văn học dân tộc, để chứng minh phần đóng góp quý báu của Nguyễn Trãi trong việc khơi nguồn. Sau đó tôi đã trình bày tính cách dân tộc của thơ Nguyễn Trãi, từ hình ảnh, ngôn ngữ đến rung cảm. Cuối cùng, tôi cũng muốn chứng tỏ là: nếu ngày nay, ta còn đọc thơ Nôm Nguyễn Trãi, không chỉ vì một nhiệm vụ nào đó với người xưa, nhân một ngày kỷ niệm, cũng không phải cái thú tầm chương tích cú. Mà vì thơ Nguyễn Trãi hay. Ngày nay vẫn còn hay.

       Tôi chỉ ân hận là chưa có điều kiện viết sâu hơn. Nhưng nghĩ cho cùng, những mối tình lớn trong đời mình, sống, sống còn chưa trọn. Nói, nói làm sao cho hết?

Bài tập

  1. Viết vài nét giới thiệu ngắn gọn cuộc đời Nguyễn Trãi.
  2. Bạn có ý nghĩ gì về cảm hứng làm thơ Nôm của Nguyễn Trãi?