Phương tiện truyền thông mới là gì

  • KHOA HỌC

Thời đại của các phương tiện truyền thông mới

22/11/2016 16:23 PM                                                                  

Thế kỷ XX ghi nhận sự thay đổi nhanh và toàn diện của các phương tiện truyền thông nhờ các bước tiến về công nghệ,... và ảnh hưởng của nó không chỉ dừng lại ở địa phận quốc gia mà toàn cầu, kéo theo sự đổi thay trên mọi lĩnh vực đời sống. Công nghệ đến làm thay đổi phương tiện truyền thông truyền thống, khiến lịch sử ghi thêm một thuật ngữ mới: phương tiện truyền thông mới.

1. Những nghiên cứu về phương tiện truyền thông mới

Thuật ngữ "phương tiện truyền thông mới nổi lên và phát triển khá nhanh từ cuối những năm 80 trở đi. Lúc này, giới truyền thông và các phương tiện truyền thông bắt đầu có những sự chuyển mình ở mọi ngành, mọi thành phần, mặc dù có khác nhau về thời điểm ở mỗi phương tiện truyền thông.

Đến nay, khái niệm phương tiện truyền thông mới vẫn còn nhiều tranh cãi. Một quan điểm cho rằng, phương tiện truyền thông mới có thể gọi là phương tiện truyền thông hội tụ, đó là sự kết hợp của ba yếu tố: công nghệ điện toán, mạng truyền thông, và nội dung thông tin.

Phương tiện truyền thông mới cũng có thể được coi là phương tiện truyền thông kỹ thuật số, là nội dung tích hợp dữ liệu (âm thanh, hình ảnh, chữ...), được lưu trữ trong các định dạng kỹ thuật số, được phân phối thông qua các mạng lưới như cáp quang, vệ tinh, hệ thống truyền tải siêu thanh...

Theo Lievrouw và Livingstone, tác giả của cuốn Sổ tay phương tiện truyền thông mới (Hand book of New Media  2006), phương tiện truyền thông mới cần phải có ba yếu tố: các đồ tạo tác hoặc các thiết bị cho phép và mở rộng khả năng giao tiếp; các hoạt động và công tác truyền thông giúp phát triển và sử dụng các thiết bị này; và các thoả thuận, tổ chức xã hội hình thành xung quanh các thiết bị và công việc này.

Trong cuốn Phương tiện truyền thông mới  một giới thiệu có tính phản biện (New Media  A Critical Introduction), các tác giả Martin Lister, Jon Dovey, Seth Giddings, Ianin Grant và Kieran Kelly đưa ra quan điểm, điều quan trọng trong nghiên cứu truyền thông là phải hiểu phương tiện truyền thông là các tổ chức xã hội đầy đủ chứ không phải chỉ nói về công nghệ truyền thông. Chúng ta cũng không thể nói đó là một "phương tiện truyền thông mới", nếu sau gần 30 năm nó vẫn được ít người biết đến. Đồng thời, cuốn sách này cũng cho rằng, phương tiện truyền thông mới có 3 đặc điểm: thứ nhất, chúng đóng góp phần lớn vào sự thay đổi mang tính lịch sử của toàn cầu; thứ hai, chúng đóng vai trò như một nhà cải cách đầy quyền lực và mạnh mẽ cho khái niệm "mới"; thứ ba, chúng là sự lai ghép hữu ích, toàn diện và cân bằng giữa kỹ thuật và chuyên môn (truyền thông).

Như vậy, dù còn có điểm chưa đồng thuận, nhưng phần lớn các nghiên cứu đồng tình rằng, các phương tiện truyền thông mới không chỉ đơn thuần là công nghệ mà còn bao gồm bối cảnh sử dụng cũng như tác động xã hội và văn hóa rộng lớn của chúng. Sau đây là những biểu hiện của sự biến đổi về mặt xã hội, kinh tế và văn hóa của các phương tiện truyền thông mới:

- Sự thay đổi từ hiện đại đến hậu hiện đại: cuộc đua tranh với sự tham gia ngày càng rộng rãi của các thành phần khác nhau trong xã hội thể hiện những thay đổi sâu sắc về cấu trúc trong xã hội và kinh tế.

- Tăng cường quá trình toàn cầu hóa: các phương tiện truyền thông mới được xem như là một yếu tố góp phần tạo nên sự hòa nhập về thương mại, tổ chức doanh nghiệp, hải quan, các nền văn hóa, bản sắc và niềm tin của các quốc gia.

- Ở phương Tây, đó là sự chuyển dịch từ thời đại công nghiệp sản xuất sang thời đại thông tin hậu công nghiệp, về: việc làm, kỹ năng, đầu tư và lợi nhuận, thể hiện trong lĩnh vực sản xuất hàng hóa cho nền công nghiệp dịch vụ và thông tin mà đại diện là phương tiện truyền thông mới.

- Sự phân cấp về trật tự địa chính trị tập trung: sự suy yếu của cơ chế kiểm soát tập trung ở các nước phương Tây, tạo điều kiện cho sự phân tán, vượt ranh giới của mạng lưới các phương tiện truyền thông mới(1).

Phương tiện truyền thông mới đã đuổi kịp và được xem như một phần của sự thay đổi toàn cầu. Người ta gọi đây là thời đại mới hay kỷ nguyên mới, trong đó, sự xuất hiện của "phương tiện truyền thông mới" như một hiện tượng thời đại, đã và vẫn được xem như một phần của sự thay đổi lớn hơn nhiều về xã hội, công nghệ và văn hóa, nó là một phần của một nền văn hóa công nghệ mới.

2. Sự xâm nhập của phương tiện truyền thông mới vào đời sống

Đối với nhiều người sinh ra sau những năm 80, mà Marc Prensky (một nhà văn  nhà giáo dục Mỹ) gọi là những cư dân kỹ thuật số, ý tưởng về một thế giới không Internet, email, điện thoại di động, trò chơi máy tính, máy ảnh kỹ thuật số, tin nhắn văn bản... là phi lý. Đối với họ, đó chỉ là câu chuyện trên các chương trình truyền hình hoặc tiểu thuyết.

Thật vậy, máy tính nối mạng và công nghệ truyền thông kỹ thuật số hiện quá phổ biến trong công việc, cuộc sống gia đình hiện đại. Nó mang lại sự tương tác vô tận giữa các cá nhân với nhau cũng như với các tổ chức xã hội khác, đến nỗi chúng không còn là mới mẻ. Từ mới có chăng là sự ra mắt các công nghệ mới như các thế hệ smartphone

Phương tiện truyền thông mới là gì

(Iphone, Samsung...), chứ không phải là sự ra đời của một phương tiện truyền thông hoàn toàn mới. Mặt khác, sự thay đổi chóng mặt của công nghệ khiến những phương tiện hôm qua có thể là mới nhưng chỉ một thời gian ngắn, nó đã trở nên lạc hậu.

Riêng về tác động xã hội, công nghệ truyền thông mang đến những thay đổi to lớn về giao tiếp, truyền thông từ cấp độ toàn cầu đến từng quốc gia, dân tộc, thậm chí đến từng người dân. Thật hiếm hoi tìm thấy một gia đình hay cá nhân nào không có một phương tiện truyền thông có thể tương tác được (điện thoại, máy tính bảng, smart TV...). Trong trường học, các giáo trình, bài giảng được số hóa với sự hỗ trợ của các tài liệu bổ trợ đa phương tiện (video clip, audio clip, ảnh số...).

Internet và Web 2.0 đã tạo điều kiện cho sự ra đời của hàng loạt mạng và công cụ xã hội cũng như cá nhân. Từ Yahoo cho tới Gmail, từ Skype cho tới Facebook, Twitter... những hệ sinh thái ra đời sau thay thế cho nền tảng cũ lạc hậu, đơn giản vì nhu cầu của từng cá nhân và tham vọng cũng như sức sáng tạo của những người làm ra chúng chưa bao giờ dừng lại.

Internet đã trở thành phương tiện phát triển nhanh nhất từng được ghi nhận trong lịch sử loài người. Nếu năm 2006, cả thế giới có 1,076 tỉ người sử dụng Internet thì đến năm 2016, con số này đã lên đến hơn 3,4 tỉ người (Theo http://www.internetlivestats.com). Hiện nay, toàn thế giới có hơn 1 tỉ website, hơn 1,6 tỉ người dùng Facebook, 305 triệu tài khoản Twitter. Mỗi ngày, có hơn 172 tỉ email được gửi đi, gần 4 tỉ lượt tìm kiếm trên Google, hơn 8 tỉ lượt xem trên YouTube, 145 triệu cuộc gọi qua Skype, hơn 5,2 triệu smartphone được bán ra, hơn 2,4 tỉ Gb lưu lượng truy cập Internet...

Tại Việt Nam, theo báo cáo của NetCitizens, tại các khu vực thành thị, khoảng 50% dân số có truy cập Internet. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hai phần ba trong số này sử dụng Internet mỗi ngày, với gần 50 giờ trên Internet mỗi tháng. Người sử dụng Internet nằm trong độ tuổi khá trẻ, tỉ lệ nam giới cao hơn 40% người dùng là giới nhân viên văn phòng.

Phương tiện truyền thông mới là gì

Bảng 1. Độ tuổi của người sử dụng Internet so với dân số Việt Nam. Nguồn: Cimigo NetCitizens và Cimigo Express

Phương tiện truyền thông mới làm thay đổi hoàn toàn thói quen tiếp nhận thông tin và truyền thông của nhân loại. Trong một thời gian dài, người ta thường phải chờ thông tin phát ra theo đúng giờ, cũng như tiếp nhận thông tin một cách thụ động từ các phương tiện truyền thông truyền thống (báo in, tạp chí, TV, radio, phim, ảnh...). Ngày nay, người ta không còn ngồi một chỗ, chờ đến giờ để nhận được thông tin mình cần, mà chủ động tìm kiếm tin tức từ nhiều nguồn, nhiều ngôn ngữ ở bất cứ thời điểm nào trong ngày chỉ bằng một thiết bị thông minh nối mạng.

Công nghệ đã làm thay đổi phương tiện truyền thông, cách thức truyền thông và dĩ nhiên, cả cách thức tiếp nhận và phản hồi thông tin. Từ chỗ bị động, hạn chế kênh tiếp nhận thông tin, công chúng có thể chủ động tạo ra một, thậm chí nhiều kênh thông tin của riêng mình. Từ quá trình Gửi  Nhận thông điệp đơn thuần, đến nay, luồng truyền thông có thêm khái niệm mới: Tương tác  một phẩm chất riêng có của các phương tiện truyền thông mới với sự trợ giúp đắc lực của công nghệ thông tin và mạng viễn thông.

Môi trường thể hiện rõ đặc trưng tương tác nhất của các phương tiện truyền thông mới chính là mạng xã hội. Một khảo sát công chúng truyền hình gần đây cho thấy: 62% khán giả thường xuyên truy cập vào mạng xã hội khi đang xem ti vi; 38% khán giả không truy cập vào mạng xã hội khi xem ti vi, 25% thảo luận với bạn bè về chương trình đang xem; 37% không thảo luận với bạn bè về chương trình đang xem.

Các phương tiện truyền thông mới với sự hỗ trợ của Internet và Web 2.0 đã xóa đi ranh giới về không gian, thời gian, khiến thế giới trở nên phẳng, từ đó, những khoảng cách về văn hóa, tri thức, kinh tế, công nghệ... cũng dần được lấp đầy. Không ai có thể phủ nhận những ưu việt mà các phương tiện truyền thông mới đã mang lại cho xã hội, nhưng mặt trái của nó chứa không ít hệ lụy. Những vấn đề đó ứng với những người làm báo, làm truyền thông, với công chúng báo chí và cũng là gánh nặng của các cơ quan quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp hiện nay.

ThS Nguyễn Thị Thu Hường

(Theo Tạp chí Lý luận chính trị và Truyền thông tháng 10/2016)

×Close

Xem tài liệu

In bài viết

Gửi email

Bình luận

  • TIN BÀI LIÊN QUAN

Hội nghị tổng kết Chương trình Nghiên cứu tổng kết, đề xuất bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin - cấu phần quan trọng của nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam trong bối cảnh mới (10/09/2021)

Họp Ban Tổ chức Cuộc thi viết chính luận khoa học Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới" (09/09/2021)

Hội thảo khoa học Tích hợp nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong đào tạo cao cấp lý luận chính trị tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (09/09/2021)

Hiểu nghĩa thì mới viết đúng (07/09/2021)

Định hướng công tác lý luận của Đảng trong thời gian tới (07/09/2021)

Hội thảo khoa học: Vai trò của báo chí cách mạng trong phòng, chống tin giả trên mạng xã hội hiện nay (03/09/2021)

Chủ nghĩa xã hội muốn phát triển phải đổi mới, phải cải cách, phải biết tự bảo vệ nó (01/09/2021)

Sứ mệnh và tiền đồ của chủ nghĩa xã hội Việt Nam - Thách thức từ cuộc đấu tranh và phát triển tư tưởng, lý luận hiện nay (31/08/2021)

Tuyên ngôn độc lập: Sự kế thừa, phát triển những giá trị tư tưởng tiến bộ của thời đại (30/08/2021)

Nhân cách văn hóa lớn của người Anh Cả Quân đội Nhân dân Việt Nam (28/08/2021)