Obsidian hướng dẫn

Trong Obsidian, mình sử dụng folder để làm hai thứ: Dọn dẹp & Nhắc nhở. Mình không sử dụng folder để phục vụ việc tìm kiếm ý tưởng hoặc kiến thức cũ trong quá trình suy nghĩ, và có vẻ như nhiều người trong cộng đồng Obsidian cũng suy nghĩ như vậy.

Mình chia Obsidian Vault làm 3 folder chính: Evergreen, Source Notes và Original Articles. Hai folder đầu tiên được sinh ra dựa trên nguyên tắc Zettelkasten, còn folder thứ ba được sinh ra dựa trên nhu cầu thực tiễn.

Vault là khái niệm do team phát triển của Obsidian sinh ra để gọi một folder lớn chứa tất cả ghi chú được sinh ra trong Obsidian. Bạn có thể tạo nhiều Vault để phục vụ nhiều mục đích khác nhau. Ví dụ như mình sẽ có 1 Vault cho công việc, 1 Vault làm second brain, và 1 Vault để lưu trữ nội dung blog.

Source Notes

Source Notes là nơi chứa 90% số lượng ghi chú của mình, bao gồm Literature Notes, Journal notes (nhật ký), các notes tự do (mình tự nghĩ ra, không có nguồn) và ảnh.

Xem lại Literature Notes là gì tại bài viết Ghi chú hiệu quả: Phương pháp Zettelkasten

Obsidian hướng dẫn

Cụ thể hơn về các notes tự do, mình có:

  • Profile: nơi mình lưu lại những điều thú vị về những người mình có may mắn gặp và trò chuyện trong cuộc sống

Obsidian hướng dẫn

  • Journal: nơi mình ghi nhật ký
  • Books: những quyển sách mình từng đọc
  • Comp Sci: những khóa học về computer science

Obsidian hướng dẫn

  • Images: lưu trữ toàn bộ ảnh ở trong Obsidian của mình. Mỗi khi bạn paste một ảnh vào trong Obsidian note, ảnh đó sẽ được coi như một file độc lập và làm cho Obsidian của bạn rối tung lên. Mình vào phần Settings > Files & Links > Attachment folder path để cứ có ảnh nào mới là nó sẽ tự động bay vào trong folder này

Obsidian hướng dẫn

Trong những folder này, chỉ có folder Comp Sci là mình sử dụng nhiều hơn cả, vì trong folder này mình lưu trữ lại các note của từng khóa học online. Số lượng note mỗi khóa có giới hạn. Để xem lại tất cả các bài giảng của khóa học thì mình chỉ cần mở đúng Folder liên quan:

Obsidian hướng dẫn

Ví dụ ở đây mình muốn xem lại các module đã học của khóa MIT 60001 (dạy Python). Mình sẽ không thể nhớ được tên module, nên không thể cứ ngồi search cả ngày. Vì vậy, mình bắt buộc cần folder. Đây là lúc duy nhất mình thực sự cần tới folder.

Những folder khác được tạo từ lúc mình mới bắt đầu tìm hiểu về Zettelkasten. Sau này khi mình đã xây dựng được một hệ thống note kết nối chặt chẽ thì mình thấy các folder này cũng không còn cần thiết lắm, ngoại trừ việc giữ cho không gian sạch đẹp. Đó là lý do vì sao bạn thấy có nhiều notes mình không để vào trong folder nữa.

Evergreen

Folder này được sinh ra để chứa những note Evergreen (từ phương pháp Zettelkasten) – đây là những notes chỉ chứa 1 concept duy nhất, và mô tả toàn diện nhất về concept đó (tính nguyên tử của Zettelkasten)

Nói một cách đơn giản hơn: đây là nơi mình chứa những ghi chú mà mình sẽ sử dụng liên tục trong cuộc sống trong thời gian dài.

Ví dụ cho những notes ở folder này:

  • Những giả thuyết của mình về cuộc sống hoặc về bản thân mình (“coding is all about reusability”, “benefit of a partner”, “what is my superpower”)
  • Các note MOC (map of content), trỏ tới các ghi chú quan trọng nhất trong Vault.

Original Articles

Đây là nơi chứa toàn bộ những articles hay nhất mà mình từng đọc.

Mình copy những articles trên mạng về và paste vào đây, bởi mình sợ một ngày nào đó người viết bài đó xóa nó đi, hoặc trang web bị sập, hoặc mình không có mạng, thì vẫn có thể truy cập nội dung này (và nếu bạn không nghĩ rằng điều này hay xảy ra thì bạn đã nhầm :D)

Obsidian hướng dẫn

Để copy-paste nội dung từ trên mạng về máy, mình sử dụng Extension có tên MarkDownload – Markdown web clipper (Tải trên Chrome | Tải trên Firefox)

Extension này cho phép mình “dịch” nội dung một trang web sang định dạng markdown, định dạng mà Obsidian đọc được. Trong lúc đọc một articles bất kì, mình chỉ cần bấm vào biểu tượng extension, thế là mình đã có phiên bản markdown của bài viết đang đọc. Việc còn lại là copy nó và tạo một ghi chú mới trong Obsidian, xong.

Obsidian hướng dẫn

Ưu điểm của cách sắp xếp này

Vì chỉ có 3 folder, nên mỗi lần có một note mới cần sắp xếp là mình biết phải đưa vào đâu ngay, đỡ tốn thời gian. Đây là lợi ích “dọn dẹp” mà mình nhắc đến ở đầu bài.

Bạn có thể tranh luận rằng nếu chỉ có 3 folder thì thôi chẳng thà đừng có folder nào còn hơn. Mình hiểu, và cũng thấy rất hợp lý. Tuy nhiên với mình, việc gom notes vào 3 folder còn một mục đích nữa: mình có thể nhanh chóng nhìn ra những note nào chưa được mình “xử lý”.

Trong lúc làm việc, mình hay có những suy nghĩ sáng tạo cần được lưu lại gấp. Hoặc, trong lúc nghiên cứu về một chủ đề nào đó, mình hay tìm thấy những bài viết hay mình muốn đọc thêm. Những lúc này, mình sẽ nhanh chóng tạo ra một note mới trong Obsidian, thả suy nghĩ/đường link vào đó, rồi đi làm việc tiếp.

Việc sắp xếp theo dạng folder thế này sẽ giúp mình nhanh chóng nhận ra có một ghi chú tự nhiên “lạc quẻ”, có nghĩa hoặc là nó chưa được đọc, hoặc là được đọc rồi mà chưa có liên kết. Đây là thông điệp để mình phải ngồi lại và xử lý nó trước khi có quá nhiều notes chưa xử lý.

Obsidian hướng dẫn

Việc sắp xếp này còn một ưu điểm nữa, mà mình nghĩ chỉ xảy ra sau khi mình áp dụng một thời gian dài, đó là nó ép bản thân mình phải tìm được cách liên kết các ghi chú lại với nhau.

Suy cho cùng, chúng ta dọn dẹp bằng folder, hay liên kết ghi chú bằng Zettelkasten, cũng chỉ để đảm bảo không kiến thức nào bị bỏ sót.

Việc ném nhiều kiến thức thô thuộc các chủ đề khác nhau vào trong Source Notes khiến mình lo rằng sẽ bị quên các kiến thức ở trong đó đi. Và thế là mình phải dành nhiều thời gian hơn để suy nghĩ xem liên kết note thế nào cho hợp lý.

Có thể, có thể lắm, là thời gian mình dành cho việc này tương đương hoặc thậm chí lớn hơn nhiều so với thời gian người khác tạo ra folder và tag để sắp xếp. Nhưng đương nhiên là mình tin việc này cho đầu ra tốt hơn là việc sắp xếp kia.

Nhược điểm thì sao?

Nếu bạn thuộc nhóm tính cách người quản thư khi ghi chú (xem bài viết: Ứng dụng ghi chú nào hợp nhất với bạn), chắc chắn cách sắp xếp thế này sẽ làm cho bạn cảm thấy khó chịu, bởi nó vẫn còn lộn xộn quá, các notes cùng chủ đề với nhau vẫn chưa được gom lại vào một chỗ.

Mình rất hiểu điều này, vì trước đây mình từng là một người quản thư chính hiệu, với rất nhiều loại folder và tag khác nhau trong Evernote. Chỉ đến khi mình chuyển đổi mục đích ghi chú từ lưu trữ sang lưu trữ để suy nghĩ, thì mình mới cảm thấy đỡ khó chịu hơn một xíu với sự thiếu trật tự này 🙂

Hi vọng rằng bài viết đã cung cấp thêm cho bạn một vài ý tưởng để sắp xếp ghi chú tốt hơn.

Đăng ký nhận Newsletter

Many One Percents là newsletters về công nghệ và năng suất đầu tiên của Việt Nam với mục tiêu giúp các bạn trẻ cải thiện năng suất trong công việc và cuộc sống thông qua công nghệ.