Nhiệm vụ chính trị của Quân đội là gì

QPTD -Thứ Hai, 05/12/2011, 23:11 (GMT+7)

Chức năng, nhiệm vụ và các mối quan hệ của cơ quan chính trị trong Quân đội nhân dân Việt Nam

Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhân tố quyết định mọi bước trưởng thành và chiến thắng của quân đội ta. Đảng thực hiện sự lãnh đạo đối với Quân đội nhân dân (QĐND) thông qua hệ thống tổ chức Đảng, hệ thống chỉ huy, hệ thống cơ quan chính trị... Vì vậy, xây dựng cơ quan chính trị các cấp vững mạnh toàn diện, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ và các mối quan hệ, là một trong những khâu quan trọng góp phần bảo đảm nâng cao hiệu lực lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND.

Cơ quan chính trị là thành phần quan trọng trong cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với QĐND. Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị đã chỉ rõ: "ở mỗi cấp có chính ủy (hoặc chính trị viên) là người chủ trì về chính trị và cơ quan chính trị đảm nhiệm công tác Đảng, công tác chính trị (CTĐ, CTCT) của đơn vị, hoạt động dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn của cấp ủy, cơ quan chính trị, chính ủy (chính trị viên) cấp trên và sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy cấp mình". Thông qua hệ thống cơ quan chính trị, các cấp ủy Đảng, người chỉ huy, chính ủy, chính trị viên tổ chức thực hiện CTĐ, CTCT, hướng mọi hoạt động của mọi tổ chức, mọi con người, của cán bộ chỉ huy, cán bộ chuyên môn, nghiệp vụ và mọi quân nhân phấn đấu thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội, nâng cao sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân, không ngừng củng cố khả năng quốc phòng của đất nước, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, bảo vệ công cuộc đổi mới, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Hoạt động của cơ quan chính trị các cấp là một bộ phận hoạt động quan trọng nhằm thực hiện sự lãnh đạo của Đảng đối với QĐND. Cơ quan chính trị các cấp hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đảng ủy, chính ủy, chính trị viên cùng cấp và sự chỉ đạo của chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị cấp trên. Toàn bộ hoạt động của cơ quan chính trị phải hướng vào nhiệm vụ trọng tâm là bảo đảm sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với QĐND; tích cực xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Hoạt động CTĐ, CTCT phải bám sát mục tiêu chiến đấu của quân đội, tác động mạnh mẽ vào mọi hoạt động và mọi mặt đời sống của bộ đội; gắn bó chặt chẽ với thực tiễn xây dựng, chiến đấu, học tập, công tác, củng cố kỷ luật, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đơn vị. Như vậy, không có lĩnh vực nào của đơn vị mà cơ quan chính trị không phải đề cao trách nhiệm. Với chức năng của mình, cơ quan chính trị phải thường xuyên nắm chắc tình hình mọi mặt của đơn vị, đưa hết mọi khả năng và bằng phương thức hoạt động của mình, nhằm không ngừng tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực chỉ huy; củng cố vững chắc trận địa chính trị, tư tưởng của Đảng trong quân đội, đấu tranh chống mọi luận điệu thù địch, sai trái, mọi mưu toan "phi chính trị hóa" quân đội; tập trung xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đơn vị vững mạnh toàn diện, cán bộ, chiến sĩ kiên định vững vàng, trung thành vô hạn với sự nghiệp cách mạng của Đảng, phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao và không ngừng tiến bộ, trưởng thành.

Nhiệm vụ của cơ quan chính trị là một thể thống nhất bao gồm: công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; công tác tổ chức; công tác cán bộ; công tác bảo vệ; công tác chính sách; công tác dân vận... Những nội dung đó được tiến hành đồng thời và gắn liền với mọi lĩnh vực hoạt động của quân đội, cũng như với từng đơn vị cụ thể, hòa nhập với cuộc sống hằng ngày của mọi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị. Để bảo đảm tăng cường hiệu lực cơ chế lãnh đạo, công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phải chú ý nâng cao toàn diện cả chất lượng giáo dục nhận thức đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quân đội; công tác thông tin, tuyên truyền văn hóa, văn nghệ; công tác chỉ đạo tổ chức đời sống văn hóa- tinh thần cho bộ đội cũng như nội dung công tác giáo dục chính trị ở các học viện, nhà trường và các đơn vị. Đồng thời phải biết kết hợp chặt chẽ giữa công tác giáo dục với công tác nghiên cứu lý luận; phát huy chức năng của các cơ quan nghiên cứu, báo chí, xuất bản... tạo ra sức mạnh tổng hợp, xây dựng QĐND vững mạnh về chính trị. Trong chỉ đạo công tác tổ chức, cơ quan chính trị các cấp phải tập trung vào nhiệm vụ cơ bản là xây dựng các đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, giữ vững sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng, bảo đảm sự lãnh đạo vững chắc của Đảng đối với quân đội. Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp có chất lượng cao, số lượng cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Cơ quan chính trị phải trực tiếp chăm lo xây dựng, củng cố và đẩy mạnh hoạt động của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, các tổ chức Công đoàn, Phụ nữ... Phối hợp với các cơ quan chức năng nghiên cứu, đề xuất các chính sách đối với lực lượng vũ trang và tổ chức thực hiện tốt chính sách đó; chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ chính trị nội bộ; thực hiện tốt mối quan hệ đoàn kết quân dân, thực hiện quân với dân một ý chí.

Công tác tư tưởng và công tác tổ chức phải gắn chặt, đi sâu và tác động tích cực tới những nhiệm vụ chính trị của đơn vị, mà trước hết là nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện, xây dựng chính quy, rèn luyện kỷ luật..., đồng thời phải quan tâm đầy đủ các nhiệm vụ khác như lao động sản xuất xây dựng kinh tế, sản xuất quốc phòng, giúp dân phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, xây dựng lực lượng dự bị động viên, xây dựng hậu phương.

Để bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy đầy đủ chức năng hoạt động, hệ thống cơ quan chính trị trong QĐND được tổ chức phù hợp với cơ cấu tổ chức quân đội. Tổng cục Chính trị là cơ quan chính trị của toàn quân, được tổ chức một cách hoàn chỉnh và đồng bộ, nhằm đủ sức đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, tổng kết, kịp thời đề ra những chủ trương, phương hướng, biện pháp lớn về CTĐ, CTCT chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các cấp trong toàn quân thực hiện. Cục chính trị được tổ chức ở cấp quân khu, quân chủng, Bộ đội biên phòng, quân đoàn, Bộ Tổng tham mưu - cơ quan Bộ quốc phòng, các tổng cục, Học viện Quốc phòng. Phòng chính trị đảm nhiệm CTĐ, CTCT ở cấp binh đoàn, học viện, trường sĩ quan, sư đoàn, vùng hải quân, lữ đoàn, cơ quan quân sự và bộ đội biên phòng tỉnh. Ban chính trị đảm nhiệm CTĐ, CTCT ở cấp trung đoàn, cơ quan quân sự huyện, quận và đơn vị tương đương... Tất cả đều hoạt động dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cấp ủy, chính ủy, chính trị viên cùng cấp và sự chỉ đạo của cơ quan chính trị cấp trên.

Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, cơ quan chính trị phải giải quyết hài hòa các mối quan hệ, nhằm giữ vững nguyên tắc, chế độ, tăng cường hiệu lực CTĐ, CTCT đối với đơn vị. Mối quan hệ giữa cơ quan chính trị với cấp ủy, chính ủy, chính trị viên cùng cấp là mối quan hệ cơ bản, quyết định nhất. Đây là mối quan hệ giữa lãnh đạo, chỉ đạo và phục tùng; giữa cơ quan lãnh đạo, người chủ trì về chính trị với cơ quan tham mưu về hoạt động CTĐ, CTCT trong đơn vị. Thực hiện tốt mối quan hệ này là nhân tố quan trọng nhất bảo đảm cho mọi mặt hoạt động CTĐ, CTCT đi đúng đường lối chính trị, lý tưởng chiến đấu của Đảng và mục tiêu xây dựng quân đội. Thực hiện mối quan hệ này, yêu cầu cơ quan chính trị phải chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và chính ủy, chính trị viên trong quá trình tổ chức thực hiện CTĐ, CTCT của đơn vị. Căn cứ vào chỉ thị, kế hoạch CTĐ, CTCT của trên, nắm vững ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, ý định, kế hoạch của chính ủy, chính trị viên, cơ quan chính trị chủ động đề xuất nội dung, biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT sát với tình hình đơn vị, bảo đảm đạt được hiệu quả cao nhất. Quan hệ giữa cơ quan chính trị cấp trên với cơ quan chính trị cấp dưới là quan hệ giữa chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện. Cơ quan chính trị cấp dưới đặt dưới sự chỉ đạo và chịu sự kiểm tra của cơ quan chính trị cấp trên; các chỉ thị, kế hoạch, hướng dẫn của trên phải được tổ chức thực hiện nghiêm túc, đầy đủ trong đơn vị theo đúng nguyên tắc quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề chưa phù hợp với tình hình đơn vị thì cơ quan chính trị phải báo cáo lên trên xin chỉ thị, không được tùy tiên thay đổi. Trước những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình thực hiện, nếu nằm trong khuôn khổ chủ trương của cấp trên, thì căn cứ vào tình hình cụ thể, cơ quan chính trị bàn bạc, giải quyết; nếu trái với chủ trương của trên, thì nhất thiết phải thỉnh thị, báo cáo xin ý kiến mới được giải quyết... Quan hệ giữa cơ quan chính trị và cơ quan tham mưu, hậu cần, kỹ thuật cùng cấp là quan hệ phối hợp công tác. Cơ quan chính trị là một thành phần trong cơ cấu tổ chức, quản lý, chỉ huy ở mỗi cấp, có quan hệ phối hợp công tác với mọi cơ quan trong đơn vị, nhằm mục đích chung là bảo đảm cho đơn vị thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao. Cơ quan chính trị cần chủ động phối hợp thực hiện đầy đủ mọi quy định, hướng dẫn của các cơ quan khác đề ra cho toàn đơn vị và cùng nhau thực hiện kế hoạch theo sự hợp đồng đã được thống nhất, v.v.

Xây dựng cơ quan chính trị và đội ngũ cán bộ chính trị vững mạnh toàn diện cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức là một trong những khâu cơ bản để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị. Trong những năm qua, hệ thống cơ quan chính trị thường xuyên được kiện toàn về tổ chức, biên chế cho phù hợp với sự phát triển của tình hình, nhiệm vụ quân đội. Cơ quan chính trị các cấp đã nắm vững chức trách, nhiệm vụ, bám sát nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của trên, nhiệm vụ và thực tiễn đơn vị, làm tham mưu cho cấp ủy và chỉ huy tiến hành các hoạt động CTĐ, CTCT, góp phần tích cực xây dựng đơn vị vững mạnh về chính trị, kiên định, vững vàng trong mọi tình huống. Đội ngũ cán bộ chính trị hầu hết được đào tạo cơ bản, tuyệt đại đa số có bản lĩnh chính trị vững vàng; trong hoạt động thực tiễn, nhất là những lúc khó khăn, phức tạp đã thể hiện tính Đảng, tính nguyên tắc cao, ra sức học tập, rèn luyện, không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trước yêu cầu của cơ chế mới, trình độ, năng lực của cơ quan chính trị, cán bộ chính trị ở cấp cơ sở còn nhiều mặt bất cập. Tổ chức biên chế có nơi chưa phù hợp, năng lực phát hiện, tham mưu đề xuất cho cấp ủy về hoạt động CTĐ, CTCT của đơn vị, nhất là trên mặt trận chính trị, tư tưởng tính chiến đấu, tính thuyết phục còn hạn chế. Đội ngũ cán bộ chính trị ở cấp cơ sở hiện nay còn thiếu, nguồn kế tiếp mỏng, chưa ổn định. Hầu hết cán bộ chính trị cấp sư đoàn, trung đoàn và tương đương trở xuống chưa trải qua thời kỳ thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên. Năng lực của một số phó chỉ huy về chính trị chưa tương xứng với người chỉ huy, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ của tình hình mới. Quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết 51 của Bộ Chính trị là quá trình tiếp tục làm chuyển đổi nhận thức, nền nếp, chế độ, nội dung và phương pháp công tác đã được thực hiện từ hơn 20 năm qua sang việc thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên, đòi hỏi phải tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp, các ngành và sự phấn đấu của từng người cán bộ.

Trước hết, đảng ủy cơ sở cần tập trung lãnh đạo tạo sự nhất trí cao trong đảng bộ, đơn vị, nhất là đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp với chủ trương của Bộ Chính trị về thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong QĐND. Từ đó đề cao trách nhiệm chính trị của toàn đảng bộ, chỉ huy và cơ quan trong tổ chức thực hiện Nghị quyết; kịp thời đấu tranh làm thất bại mọi luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc của các thế lực thù địch chống phá quân đội khi thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên.

Tiếp tục rà soát, phân loại đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ sở. Các đảng ủy cơ sở cần quán triệt, nắm vững tiêu chuẩn chức danh chính ủy, chính trị viên, chức năng, nhiệm vụ cơ quan chính trị cấp mình cũng như tình hình đội ngũ cán bộ chính trị ở cơ sở để chuẩn bị nguồn xếp chính ủy, chính trị viên ở các cấp và kiện toàn, nâng cao chất lượng cơ quan chính trị. Cán bộ được bổ nhiệm là chính ủy, chính trị viên phải thực sự là những đồng chí tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có năng lực tiến hành CTĐ, CTCT, có tính Đảng, tính nguyên tắc cao, là trung tâm đoàn kết trong đảng bộ và đơn vị.

Xây dựng quy trình, chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị cơ sở phù hợp với chế độ chính ủy, chính trị viên, tăng cường hiệu lực công tác của cơ quan chính trị các cấp. Tập trung bồi dưỡng nắm vững nguyên tắc Đảng; mục tiêu, phương châm, biện pháp tiến hành CTĐ, CTCT; đồng thời chú ý cả những kiến thức về khoa học xã hội nhân văn, về quân sự, hậu cần, kỹ thuật... tạo cơ sở cho người cán bộ chính trị đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong cơ chế mới.

Đại tá Lê Khương Mẽ

Phó cục trưởng Cục Tổ chức