Nhà tự quản là gì

Tổ tự quản của người dân ở cơ sở

Trong những năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh, thành phố cùng chính quyền địa phương đã triển khai xây dựng nhiều mô hình hoạt động tự quản của nhân dân ở các khu dân cư theo hướng: Do nhân dân đề xuất, do nhân dân triển khai các hoạt động phù hợp, thiết thực, đáp ứng những yêu cầu từ thực tế cuộc sống. Qua đó, đã vận động đông đảo người dân tích cực tham gia bảo đảm sản xuất và an ninh, trật tự ở khu dân cư.

Tại tỉnh Ðồng Tháp, nhằm phát huy tính tự chủ, tự quản của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã tích cực triển khai thực hiện mô hình Tổ nhân dân tự quản. Ðược biết, mô hình này ở cộng đồng dân cư là mô hình được tổng hợp từ nhiều phương thức trước đây MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng, phát động ở cộng đồng dân cư, như: Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường; Gia đình an toàn - hạnh phúc - đạo hạnh, Xóm đạo bình yên; Cổng rào an ninh trật tự; Khu dân cư an toàn phòng, chống cháy, nổ. Cùng với đó là mô hình cộng đồng dân cư quản lý nông thôn mới theo phương châm 3 tự - 1 nhờ; mô hình Nhà nước cấp vật tư, người dân đóng góp ngày công lao động xây dựng cầu đường nông thôn; sổ tay hộ gia đình thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới; mô hình biến bãi rác thành vườn hoa; xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch...

Thông tin từ Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, trong thực tế đã có những mô hình ra đời và hoạt động thu được những kết quả nổi bật như Cây xoài nhà tôi của HTX Xoài Mỹ Xương tổ chức bán hàng trên website, đưa thương hiệu Xoài Cao Lãnh vươn xa; canh tác lúa thông minh của HTX Mỹ Ðông 2 thực hiện tiết kiệm được 50% chi phí, tăng hơn 10% năng suất; mô hình Ruộng nhà mình ở HTX Thuận Tiến thực hiện cung cấp gạo chất lượng cao. Hay như mô hình du lịch cộng đồng tại homestay Tư Cá Linh (huyện Tam Nông); ngôi nhà hoa ếch, ngôi nhà tre, ngôi nhà hoa hồng (TP Sa Ðéc)... đã đưa du khách về với thiên nhiên, sinh hoạt gia đình như trồng hoa, nuôi ếch, bắt cá và trải nghiệm cuộc sống nông thôn Ðây là những mô hình hoạt động, cách làm hiệu quả, đã góp phần hỗ trợ đáng kể cho 55 xã và 1 đơn vị cấp huyện (TP Sa Ðéc) được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Nhằm phát huy tinh thần tự quản của nhân dân, MTTQ tỉnh Thái Nguyên đã chủ động triển khai xây dựng mô hình Tổ dân cư tự quản và đã nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Tiêu biểu trong đó là tại TP Thái Nguyên, các xã, phường đã xây dựng và duy trì 104 mô hình điểm tự quản ở khu dân cư cấp thành phố; có ba mô hình điểm tự quản cấp tỉnh. Trong đó, nhiều tổ tự quản đạt hiệu quả tốt đang được duy trì, nhân rộng... Các tổ chức thành viên của MTTQ cũng chủ động, tích cực tham gia xây dựng các mô hình tự quản của mình. Ðáng chú ý, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã phối hợp các xã, huyện thành lập các tổ tự quản về môi trường và gắn biển Ðoạn đường phụ nữ tự quản xanh - sạch - đẹp. Hội viên của Hội được tuyên truyền những nội dung liên quan nước sạch và bảo vệ môi trường nông thôn, trách nhiệm của hộ gia đình trong việc giữ gìn, bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa, như: Thực hiện cải thiện hộ gia đình 3 sạch: sạch nhà, sạch ngõ, sạch bếp; hộ gia đình thực hiện nguyên tắc 3 có: Có túi đựng rác tiết kiệm, có túi đựng rác ni-lông, có hố rác gia đình; những cách đơn giản giảm rác thải nhựa, cách phân loại rác và tái chế đúng cách. Hội Nông dân huyện Phú Lương đã triển khai nhiều hoạt động, chương trình nhằm giữ gìn môi trường xanh sạch. Trong đó, việc thành lập các tổ tự quản bảo vệ môi trường đã và đang được triển khai rộng tới cơ sở. Nhờ sự hoạt động năng nổ của 81 tổ tự quản bảo vệ môi trường của nông dân mà đến nay, nhiều tuyến đường làng, ngõ xóm đã không còn tình trạng xả, để rác bừa bãi. Tại huyện Võ Nhai, các cơ quan chức năng của huyện đã thành lập 127 tổ tự quản bảo vệ, quản lý rừng, theo đó mỗi tổ tự quản được giao từ 10 đến 30 ha rừng, thực hiện quản lý, bảo vệ theo hương ước và quy ước chung. Những trường hợp vi phạm sẽ bị tổ tự quản xử lý theo hương ước hoặc báo lên cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý kịp thời. Việc các tổ tự quản được thành lập, đi vào hoạt động góp phần quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn tốt hơn.

Từ thực tế hoạt động của các tổ nhân dân tự quản nêu trên cho thấy, việc triển khai các mô hình này ở cộng đồng dân cư đã phát huy được những hiệu quả thiết thực, ý nghĩa, nhất là vận động nhân dân tham gia góp sức vì cuộc sống bình yên. Các mô hình tự quản tại Ðồng Tháp, Thái Nguyên và nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đi vào hoạt động đã và đang nhận được sự ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, sự đồng thuận của nhân dân. Một số tổ tự quản hoạt động hiệu quả cao cần được MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp chính quyền địa phương triển khai nhân rộng, nhất là trên các lĩnh vực: Giúp nhau phát triển kinh tế; bảo đảm an ninh - trật tự; bảo vệ môi trường; thực hiện nếp sống văn minh; hoặc các mô hình, câu lạc bộ hoạt động theo sở thích của nhân dân

VŨ LINH