Nguyên nhân bệnh viêm não nhật bản

Bệnh viêm não Nhật Bản được xem là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm, đôi khi còn gây tử vong. Cùng AVAKids tìm hiểu nguyên nhân, dấu hiệu, cách phòng ngừa và hướng điều trị của căn bệnh này.

1Bệnh viêm não Nhật Bản là gì?

Viêm não Nhật Bản là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền theo đường máu, gây nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương ở trẻ em và người lớn. Bệnh do vi rút viêm não Nhật Bản thuộc nhóm B họ Togaviridae, giống Flavivirus gây ra. 

Vi rút viêm não Nhật Bản là loại vi rút không chịu nhiệt, có kích thước 15-22-50 nanomet, bị tiêu hủy ở 56 độ C trong vòng 30 phút và 2 phút ở 100 độ C. Loại vi rút này có thể tồn tại trong thời gian vài năm ở trạng thái đông lạnh.

Đối tượng nào cũng có nguy cơ nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản. Tuy nhiên, bệnh thường xảy ra ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là những trẻ có hệ miễn dịch yếu và chưa được tiêm vắc xin phòng bệnh đầy đủ.

Bệnh viêm não Nhật Bản ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh. Người mắc bệnh có thể tử vong ở bất kỳ thời điểm nào. Nếu qua khỏi thời kỳ toàn phát thì người bệnh cũng phải gánh chịu nhiều biến chứng nặng nề. 

Bài viết liên quan: Cần cho trẻ em ngủ đủ giấc để phòng bệnh giao mùa

Nguyên nhân bệnh viêm não nhật bản

Bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ em

2Tác nhân nào gây ra bệnh viêm não Nhật Bản? 

Nguồn lây bệnh viêm não Nhật Bản chủ yếu là các loài gia súc như trâu, bò, lợn, ngựa,... và chim hoang dã. Muỗi Culex là con đường trung gian duy nhất lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản. Sau khi hút máu từ động vật bị bệnh, muỗi sẽ bị nhiễm vi rút gây bệnh viêm não Nhật Bản, rồi truyền sang người thông qua vết đốt.

Khác với loài muỗi vằn gây bệnh sốt xuất huyết thường sống quanh nhà, muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản thường sống ở ruộng lúa, cánh đồng hoặc khu vực ao hồ. Muỗi Culex chủ yếu có 2 loài là Culex Tritaeniorhynchus và Culex vishnui, có màu nâu và hoạt động mạnh vào lúc chập tối.

Muỗi gây bệnh viêm não Nhật Bản có thể bay xa trong bán kính 3km và sinh sản mạnh vào mùa hè. Do đó, bệnh viêm não Nhật Bản thường bùng phát mạnh vào những tháng nắng nóng, nhất là từ tháng 5 đến tháng 7.

Nguyên nhân bệnh viêm não nhật bản

Muỗi Culex là con đường trung gian truyền bệnh viêm não Nhật Bản

3Dấu hiệu viêm não Nhật Bản ở trẻ theo giai đoạn

Thể điển hình

Ở thể điển hình, bệnh viêm não Nhật Bản thường tiến triển theo 4 giai đoạn. Mỗi giai đoạn sẽ đi kèm với các triệu chứng sau:

Giai đoạn ủ bệnh

Thời gian ủ bệnh của bệnh viêm não Nhật Bản khoảng từ 5 đến 14 ngày, trung bình là 1 tuần. Trong giai đoạn này, trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào của bệnh.

Giai đoạn khởi phát

Giai đoạn này tương ứng với lúc vi rút đã vượt qua hàng rào mạch máu - não và gây phù não. Bệnh sẽ khởi phát đột ngột bằng triệu chứng sốt cao 39-40 độ C hoặc hơn. Trẻ có thể đau nặng đầu, đau bụng và buồn nôn.

Trong 1-2 ngày đầu, bệnh nhi có thể gặp những dấu hiệu thần kinh nghiêm trọng như tăng trương lực cơ, cứng gáy, tăng phản xạ gân xương, thậm chí mất ý thức. Ở một số trẻ nhỏ còn đi lỏng, đau bụng và nôn giống như ngộ độc thức ăn.

Nguyên nhân bệnh viêm não nhật bản

Sốt cao là triệu chứng viêm não Nhật Bản ở giai đoạn khởi phát

Giai đoạn toàn phát

Từ ngày thứ 3-4 đến ngày 6-7, trẻ mắc bệnh viêm não Nhật Bản tiến vào giai đoạn toàn phát. Triệu chứng nổi bật nhất là tổn thương não và thần kinh khu trú.

Ngày thứ 3-4 của bệnh, các triệu chứng của giai đoạn khởi phát không giảm mà còn tiến triển nặng hơn. Bệnh nhân từ mê sảng, không tỉnh táo, dần dần rơi vào tình trạng hôn mê sâu. 

Đồng thời, các triệu chứng rối loạn thần kinh thực vật cũng tăng lên như ra nhiều mồ hôi, da lúc đỏ lúc tái, rối loạn nhịp thở, huyết áp tăng, mạch thường nhanh và yếu. Một số bệnh nhân còn bị liệt nửa người, liệt một phần chi hoặc bị co giật..

Bệnh nhân thường tử vong trong 7 ngày đầu. Những bệnh nhân vượt qua được giai đoạn toàn phát thì tiên lượng tốt hơn.

Giai đoạn lui bệnh

Vào khoảng ngày thứ 10 trở đi, nhiệt độ cơ thể bệnh nhân giảm dần và hết sốt nếu không có bội nhiễm vi khuẩn khác. Bệnh nhân hôn mê thì dần dần tỉnh, không còn đau đầu, nôn hay co cứng.

Tuy nhiên, người bệnh viêm não Nhật Bản có nguy cơ phải đối mặt với một số di chứng như viêm thận, viêm phổi, viêm bàng quang, động kinh, hội chứng Parkinson ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Thể không điển hình

  • Thể ẩn: Người ta thấy sau các vụ dịch, số người không mắc bệnh đáp ứng miễn dịch chiếm tỷ lệ rất cao (gấp hàng trăm lần so với số người mắc bệnh).
  • Thể cụt: Chỉ xuất hiện hội chứng nhiễm khuẩn và nhiễm độc (sốt cao, nhức đầu, xung huyết), không có triệu chứng của hội chứng não hay màng não.
  • Thể viêm màng não: Thường gặp ở các trẻ lớn tuổi và thanh niên. Bệnh tiến triển giống như viêm màng não do vi rút khác.

4Phân biệt bệnh viêm não Nhật Bản và viêm màng não mủ

Nguyên nhân gây ra bệnh viêm màng não mủ là do vi trùng sinh mủ xâm nhập vào màng não của người. Ban đầu, các triệu chứng và dấu hiệu viêm màng não mủ không đặc hiệu nên thường khó chẩn đoán và bị bỏ sót. Hậu quả là bệnh nhân có thể tử vong khá nhanh vì không điều trị kịp thời.

Khác với bệnh viêm não Nhật Bản, viêm màng não mủ xảy ra quanh năm, thường ở những nơi đông đúc như khu dân cư hoặc trường học.

Bệnh viêm màng não mủ có thể khởi phát từ từ với nhiễm trùng hô hấp, cùng các triệu chứng kinh điển như sốt cao, co giật và hôn mê. Triệu chứng viêm màng não mủ rất đa dạng, tùy thuộc vào độ tuổi bệnh nhân. Đặc biệt, trẻ nhỏ có triệu chứng viêm màng não mủ rất ít.

Trẻ em dưới 2 tuổi là đối tượng có nguy cơ cao mắc bệnh viêm màng não mủ. Vì vậy, ba mẹ cần đặc biệt chú ý chăm sóc trẻ trong giai đoạn này.

5Biến chứng nguy hiểm của viêm não Nhật Bản

Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh viêm não Nhật Bản có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm sau đây:

  • Viêm phổi.
  • Viêm bể thận, bàng quang.
  • Loét, nhiễm trùng tiết niệu.
  • Rối loạn chuyển hóa.
  • Suy hô hấp.
  • Rối loạn thần kinh, tâm thần.

Ngoài ra, người bệnh viêm não Nhật Bản còn có thể gặp những di chứng muộn xuất hiện sau vài năm hay thậm chí vài chục năm như động kinh, co giật, hội chứng Parkinson.

Nguyên nhân bệnh viêm não nhật bản

Rối loạn thần kinh là một trong các biến chứng viêm não Nhật Bản

6Phương pháp chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ

Tuy bệnh viêm não Nhật Bản có tỷ lệ tử vong cao nhưng vẫn điều trị được nhờ phát hiện kịp thời. Để chẩn đoán chính xác bệnh viêm não Nhật Bản thì cần dựa vào các dấu hiệu của bệnh, xét nghiệm và vùng dịch tễ trẻ đang sinh sống. 

Sau đây là các phương pháp chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ:

Xét nghiệm thường quy

Phần lớn trẻ bị viêm não Nhật Bản có số lượng tiểu cầu giảm, men gan tăng cao, thiếu máu nhẹ và bạch cầu tăng. Vì vậy, thực hiện các xét nghiệm để kiểm tra chức năng gan thận và công thức máu.

Xét nghiệm không đặc hiệu

Đối với bệnh nhân viêm não Nhật Bản rối loạn tri giác, các bác sĩ chẩn đoán bằng cách chọc dò thắt lưng để lấy dịch não tủy làm xét nghiệm. Áp lực dịch não tủy tăng, tế bào tăng nhẹ dưới 100 tế bào/mm3, protein tăng nhẹ từ 60-70 mg%.

Lúc đầu, bạch cầu đa nhân có thể chiếm ưu thế, nhưng lúc sau thì tế bào lympho sẽ chiếm ưu thế. Đồng thời, tỷ lệ glucose trong dịch não tủy thay đổi ít hoặc chỉ tăng nhẹ. 

Xét nghiệm hình ảnh

Bệnh viêm não Nhật Bản có thể chẩn đoán bằng phương pháp xét nghiệm hình ảnh. Thực hiện bằng cách chụp cắt lớp vi tính sọ não và cộng hưởng từ, để thấy được những thay đổi ở đồi thị, trung não, hạch nền, cầu não và tủy. Ngoài ra, có thể đo điện não đồ để ghi nhận ức chế hoạt động não.

Xét nghiệm huyết thanh học

Ngoài các phương pháp trên, xét nghiệm huyết thanh học cũng là một phương pháp để chẩn đoán bệnh viêm não Nhật Bản. Các kháng thể IgM đặc hiệu của vi rút viêm não Nhật Bản trong dịch não tủy xác nhận nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương. Kháng thể IgM trong huyết thanh gợi ý nhiễm hoặc có thể nhiễm chéo qua những tác nhân cùng họ như sốt xuất huyết. 

Kết quả dương tính với bệnh viêm não Nhật Bản thường là ít nhất 9 ngày, tính từ thời điểm xuất hiện triệu chứng đầu tiên. Nếu kết quả xét nghiệm âm tính nhưng vẫn nghi ngờ bệnh thì có thể lấy mẫu huyết thanh xét nghiệm lần hai.

7Điều trị viêm não Nhật Bản

Hiện nay, bệnh viêm não Nhật Bản chưa có thuốc điều trị triệt để. Bác sĩ chủ yếu áp dụng các phương pháp để giảm thiểu triệu chứng như sau:

  • Hạ sốt: Nới lỏng quần áo, dùng khăn ấm lau nách và cổ để giúp cơ thể bệnh nhân thải bớt nhiệt. Ngoài ra, bác sĩ còn có thể dùng một số loại thuốc hạ nhiệt qua đường uống, thụt giữ trực tràng hay truyền tĩnh mạch.
  • Chống phù não: Truyền các dung dịch ưu trương vào cơ thể để tăng áp lực thẩm thấu, rút nước từ trong tế bào ra ngoài và chống tích lũy nước trong não. Trong trường hợp phù não nặng hay co giật, bác sĩ có thể dùng Corticoid để bình thường hóa sự thẩm thấu của mạch máu.
  • Sử dụng thuốc trợ tim, trợ hô hấp: Áp dụng cho những trường hợp ngừng thở hoặc bị rối loạn nhịp thở. Bên cạnh đó, bác sĩ có thể bổ sung thêm nước điện giải, hút đờm dãi và cho người bệnh thở oxy.
  • An thần và cắt cơn co giật: Bằng cách tiêm Seduxen hoặc dùng dung dịch liệt hạch truyền vào tĩnh mạch như Aminazin, Thiantan, Spartein. Trường hợp bệnh nhân bị co giật nhiều thì có thể dùng Gardenal.
  • Ngăn ngừa bội nhiễm: Bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân sử dụng các loại thuốc kháng sinh phù hợp như Ampicillin, Cephalosporin thế hệ 3. Bên cạnh sử dụng thuốc, người thân nên thường xuyên lau người, vệ sinh răng miệng, đổi tư thế nằm cho người bệnh để giảm thiểu tình trạng viêm loét trên da.
  • Dinh dưỡng: Bệnh nhân bị hôn mê sẽ được truyền chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để nuôi cơ thể. Những trường hợp khác thì phải bổ sung đầy đủ đạm và vitamin, bằng cách ăn các món thanh đạm và dễ tiêu hóa.

8Phòng ngừa viêm não Nhật Bản ở trẻ em

Để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm não Nhật Bản ở trẻ, ba mẹ cần chủ động thực hiện các biện pháp sau đây:

  • Vệ sinh môi trường, chuồng trại sạch sẽ: Thực hiện dọn dẹp nhà ở, làm sạch chuồng gia súc thường xuyên để hạn chế muỗi cư trú. Đồng thời, chuồng chăn nuôi cần đặt xa nhà, xa nơi sinh hoạt của trẻ để loại bỏ ổ bọ gậy, bãi nước tồn đọng.
  • Phòng chống muỗi đốt: Cho trẻ ngủ mùng kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay và dùng thuốc diệt muỗi.
  • Không cho trẻ chơi gần chuồng chăn nuôi, chuồng gia súc. 
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng cho trẻ, kết hợp ăn chín và uống sôi.
  • Hạn chế tiếp xúc với người bệnh và thực hiện tốt việc cách ly. Cần lưu ý đeo khẩu trang khi chăm sóc trẻ bị bệnh.

Nguyên nhân bệnh viêm não nhật bản

Phòng ngừa viêm não Nhật Bản bằng cách phòng chống muỗi đốt

Hiện nay đã có vắc xin phòng ngừa bệnh viêm não Nhật Bản. Vì vậy, ngoài thực hiện các biện pháp trên, tốt nhất ba mẹ cần cho trẻ tiêm ngừa đầy đủ và đúng lịch. Việc tiêm chủng chỉ áp dụng cho người lớn và trẻ em từ 12 tháng tuổi trở lên.

Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản cần đảm bảo 3 liều cơ bản: Mũi thứ nhất khi trẻ vừa đủ tuổi, mũi thứ hai tiêm sau mũi thứ nhất từ 1 đến 2 tuần, mũi thứ ba tiêm sau mũi hai một năm. Sau đó, tiêm nhắc lại cho trẻ mỗi ba năm một lần cho đến 15 tuổi.

Hiện nay, ở Việt Nam đang lưu hành hai loại vắc xin phòng ngừa viêm não Nhật Bản là Jevax (Việt Nam), Imojev (Sanofi Pasteur - Pháp, sản xuất tại Thái Lan).

Xem thêm:

  • Nhiệt miệng và tay chân miệng - không phải ba mẹ nào cũng phân biệt được
  • Cúm A gây ra sốt cao và co giật ở trẻ
  • Bệnh quai bị có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe mẹ bầu

9Đôi lời từ AVAKids

Mong rằng với những thông tin trên đây, ba mẹ đã biết được sự nguy hiểm của bệnh viêm não Nhật Bản để có cách phòng ngừa hiệu quả. Cách tốt nhất là ba mẹ nên tiến hành tiêm vắc xin cho trẻ đầy đủ và đúng lúc nhé!

Các bài viết của AVAKids/Vũ Trụ Bỉm Sữa chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Ngọc Thanh tổng hợp

Kiểm duyệt bởi Anh Thư