Nguyễn hùng vĩ nhà nghiên cứu văn hóa dân gian năm 2024

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ quan điểm của ông về Tết cổ truyền cũng như việc gìn giữ những nét văn hóa tốt đẹp ngày Tết.

+ Thưa ông, có ý kiến đánh giá rằng, Tết Nguyên đán là một trong những di sản văn hóa hàng đầu của dân tộc Việt Nam. Ông nhìn nhận như thế nào trước đánh giá này?

- Tết Nguyên đán của người Việt được tri nhận là một dấu mốc thời gian khởi đầu của một chu trình năm. Nó có thể đã được thực hành khoảng trên dưới 2.000 năm, khi cộng đồng cư dân phương Nam sử dụng âm lịch.

Trong quá trình tiếp biến văn hóa, người Việt đã ký tải vào đó vô số những giá trị để tạo nên bản sắc văn hóa của mình như: Giá trị của việc hội tụ gia đình, gia tộc và làng xã; giá trị của tâm thức uống nước nhớ nguồn; giá trị của sự bình đẳng (ai cũng có tết như nhau); giá trị của việc hội tụ, bừng sáng của các trình diễn văn hóa nghi lễ và hội hè; giá trị của khát vọng tốt đẹp hơn về cuộc sống...

Nguyễn hùng vĩ nhà nghiên cứu văn hóa dân gian năm 2024

Màu đỏ, màu vàng rực rỡ rất đặc trưng không khí Tết cổ truyền tại một cửa hàng bán đồ trang trí Tết. Ảnh: Sơn Hải

Với những giá trị đó, tôi cho rằng Tết cổ truyền là một di sản lớn nhất, tập trung nhất, có giá trị vô song và quan trọng hàng đầu của văn hóa Việt Nam. Chúng ta có thể có hội làng, có thể có lễ hội tôn giáo nhưng không có một lễ hội nào mà hơn 90 triệu con người đều tham gia cùng một lúc như Tết Nguyên đán.

Đặc biệt, những giá trị tốt đẹp đó của Tết Nguyên đán cổ truyền đã tích tụ, lưu truyền lâu dài trong lịch sử và trở thành phong tục, tập quán bản địa. Đối với người Việt, Tết hết sức quan trọng và linh thiêng, được nhiều người mong đợi, nhất là những người đi làm ăn xa nhà, trở về sum vầy cùng gia đình, tận hưởng niềm vui đoàn tụ, cùng nhau nhìn nhận lại những việc đã làm trong năm cũ. Ngày tết, mọi gia đình dù có nghèo khó đến mấy cũng cố gắng sắm sửa một vài mâm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên. Ngày tết, người ta không nói tục, nói bậy vì sợ “rông cả năm”, người ta quan tâm đến người già và trẻ nhỏ bằng việc thăm hỏi, tặng quà mừng tuổi hoặc “lì xì”. Ngày tết, người ta muốn có một sự khởi đầu tốt đẹp và suôn sẻ, vì vậy những văn hóa tích cực luôn được cộng đồng khuyến khích, còn những điều xấu đều được mọi người hết sức tránh. Nếu có ai đó lỡ mắc phải đều được nhắc nhở ngay.

+ Tuy nhiên, xã hội luôn vận động và văn hoá cũng không phải là thứ “nhất thành bất biến”. Vậy thì Tết xưa, Tết nay có gì khác nhau? Có những điều gì không phù hợp nên bỏ và những sự tiếp biến nào phát huy được phong tục tốt đẹp của cha ông ta?

- Thời xưa, ngày Tết không chỉ là thời gian nghỉ ngơi mà quan trọng hơn, quanh năm mọi người làm ăn vất vả, chỉ có ngày Tết mới được thưởng thức những món ngon. Cái Tết được mô tả trong văn học hiện thực 1930-1945 chẳng hạn, đó là một cái Tết xưa với sự nghèo nàn, khốn khổ của những phận người, với sự phân cấp thứ bậc.

Ngày chiến tranh, rồi bao cấp, Tết còn thiếu thốn, cái lo về vật chất là cái lo lớn nhất, người ta lo Tết từ mùa hè. Thời kỳ sau đó, cái ăn, cái mặc đã dễ dàng hơn nhưng chuẩn bị cho việc ăn Tết vẫn rất được chú trọng. Nào là nuôi heo chuẩn bị thịt đón Tết, nồi bánh chưng cũng được chuẩn bị từ rất sớm. Tết được tính bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp khi mọi nhà tiễn ông Công, ông Táo lên chầu Trời. Từ ngày 24 tháng Chạp trở đi, không khí Tết trở nên rộn rã, trẻ con háo hức xem đốt pháo đì đùng ở sân đình. Người lớn thì đi tảo mộ ông bà, lau dọn bàn thờ tổ tiên, vệ sinh nhà cửa… Từ ngày 27 đến 30, nhà nhà lo mổ lợn, gói bánh chưng, quấy chè lam, nấu kẹo lạc…

Cùng với sự phát triển đất nước, đời sống ngày càng sung túc nên việc ăn uống trong ngày Tết hiện đã không còn quá quan trọng. Ngày nay, việc sắm Tết cũng chỉ một lúc là đủ đầy, kể cả ở nông thôn cũng như thành phố. Nhưng về tinh thần, người ta vẫn đón Tết, vẫn đợi Tết, bởi bất cứ ai, bất cứ ở đâu người ta cũng coi Tết là một thời điểm để xem lại mình năm nay so với năm ngoái có được thành quả gì. Khác với trước, nhu cầu “ăn Tết” bây giờ không phải là để “ăn ngon” nữa mà là nhu cầu thể hiện mình trong cộng đồng.

Cũng có thực tế là nhiều gia đình chọn cách không ăn Tết ở nhà, thay vào đó là đi du lịch hay người ta ít đến thăm thú nhau ngày Tết hơn xưa. Tôi cho rằng, xã hội ngày nay người ta có nhiều mối quan tâm hơn nên một số giá trị của Tết cổ truyền phần nào bị san sẻ. Giờ đây, tốc độ cuộc sống nhanh hơn, ngày thường họ không có nhiều thời gian dành cho ngôi nhà nhỏ của mình nên họ dành điều này vào dịp Tết. Rồi thì giao thông, thông tin hiện đại, người ta dễ dàng gặp nhau hay thăm hỏi qua điện thoại vào ngày thường rồi, nên vào ngày Tết, họ dành cho gia đình mình thì cũng là một xu hướng phù hợp. Đó cũng là một cách ứng xử với Tết và tôi tin rằng, xã hội sẽ ngày càng văn minh hơn.

Tuy nhiên, khi đất nước đã qua chiến tranh, qua đói nghèo, khi chúng ta khấm khá hơn thì cũng là lúc những điều kiện cho cá nhân, cá tính bung ra. Nhiều phong tục tốt đẹp của Tết cổ truyền đã bị mai một, bị biến tướng với nhiều hình thức và mức độ khác nhau. Chẳng hạn tục biếu, tặng quà tết vốn là một truyền thống tốt đẹp, xuất phát từ sự biết ơn và tình cảm chân thành, không nặng về giá trị vật chất, mà chủ yếu mang ý nghĩa tinh thần, nhưng nay tục lệ này đang bị lạm dụng, biến tướng, khiến ngay cả con trẻ cũng có tâm lý so sánh, đánh giá những phong “lì xì” mà chúng nhận được. Hoặc như việc sắm sanh lễ vật “khủng”, dâng sao giải hạn với đồ lễ lên đến hàng trăm triệu đồng, gài tiền vào tượng thần linh, xô đẩy, giẫm đạp lên người khác để cướp lộc…

Nguyễn hùng vĩ nhà nghiên cứu văn hóa dân gian năm 2024

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ trò chuyện với PV Nhà báo & Công luận.Ảnh: Sơn Hải

+ Đáng chú ý, gần đây có một trào lưu “đòi bỏ Tết Âm lịch” và đã có không ít ý kiến đồng tình, thậm chí tán thưởng. Còn theo ông, có nên… bỏ Tết?

- Trước một hiện tượng văn hóa có nhiều góc nhìn. Tôi đánh giá rằng, đây là những ý kiến đơn lẻ và xuất phát từ thực tiễn ưu tiên tăng trưởng cũng như quan sát về phía những tiêu cực do Tết mang lại mà chưa nhìn ở những góc độ khác.

Có một thực tế rằng, trước đây, Nhật Bản cũng tổ chức Tết âm lịch như các nước châu Á khác nhưng bây giờ Tết Dương lịch là ngày lễ lớn nhất và dài nhất trong năm ở Nhật. Tuy nhiên, gần đây những phong trào đòi phục hồi Tết Nguyên đán ở Nhật Bản ngày càng rầm rộ, hơn hẳn những ý kiến “bỏ Tết” ở ta.

Cho nên, nhìn một di sản văn hóa, không nên đánh giá hoàn toàn theo góc độ kinh tế. Đối với Tết, đối với một di sản văn hóa số một của dân tộc thì góc nhìn đó cũng chỉ là một ý kiến đáng tham khảo vì họ đã đưa ra trách nhiệm lo toan xã hội chung.

Như trên tôi nói, Tết có mặt tiêu cực khi đó đây vẫn có câu chuyện xả hơi, buông thả. Nhưng chúng ta không thể xóa bỏ triệt để những tiêu cực, những thói xấu đó. Chỉ có bằng văn hóa tích cực, bằng việc giữ gìn và trân quý những giá trị tốt đẹp của Tết cổ truyền thì chúng ta từng bước sẽ hướng đến một cái Tết văn minh, hạnh phúc hơn, hạn chế những điều xấu trong xã hội. Và khi những nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền dân tộc được lan tỏa trong tâm hồn mỗi người Việt Nam, thì nó sẽ trở thành nguồn lực nội sinh to lớn, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của đất nước.