Nghiên cứu khảo sát là gì

Bài 3. Thiết kế khảo sát (Survey Designs)

admin
3966 16 phút đọc
Sau khi đọc xong bài này, bạn sẽ có thể:
  • Định nghĩa được nghiên cứu khảo sát và mô tả thời điểm sử dụng nó.
  • Nêu được các dạng thiết kế khảo sát.
  • Xác định được các đặc điểm chính của nghiên cứu khảo sát.
  • Mô tả các bước tiến hành một nghiên cứu khảo sát.

1. Khi nào sử dụng?

Trong một thiết kế nghiên cứu khảo sát, các điều tra viên thực hiện một cuộc khảo sát cho một mẫu hoặc cho toàn bộ dân số để mô tả thái độ, ý kiến, hành vi hoặc đặc điểm của dân số. Các nhà nghiên cứu khảo sát thu thập dữ liệu định lượng, dữ liệu được đánh số sử dụng các bảng hỏi hoặc phỏng vấn và phân tích thống kê dữ liệu để mô tả xu hướng về câu trả lời cho các câu hỏi và kiểm tra các câu hỏi nghiên cứu hoặc giả thuyết nghiên cứu. Họ cũng giải thích ý nghĩa của dữ liệu bằng cách liên hệ kết quả của bài kiểm tra thống kê với các nghiên cứu trước đây.

Các thiết kế khảo sát khác với nghiên cứu thử nghiệm ở chỗ chúng không liên quan đến phương pháp điều trị, nên họ không thể giải thích nguyên nhân và kết quả tốt như các nhà nghiên cứu thử nghiệm có thể. Thay vào đó, các nghiên cứu khảo sát mô tả các xu hướng trong dữ liệu hơn là đưa ra các giải thích chặt chẽ. Nghiên cứu khảo sát có nhiều điểm chung với các thiết kế tương quan. Các nhà nghiên cứu khảo sát thường xem xét tương quan giữa các biến, nhưng trọng tâm của họ hướng nhiều hơn đến việc tìm hiểu về một dân số và ít hơn về dự đoán kết quả (và mối liên quan các biến) như là trọng tâm trong nghiên cứu tương quan.

Chúng ta sử dụng nghiên cứu khảo sát để mô tả các xu hướng, chẳng hạn như xu hướng chọn nghề của học sinh lớp 12 hoặc thái độ hướng đến e-learning của sinh viên. Chúng ta cũng sử dụng nghiên cứu khảo sát để xác định ý kiến cá nhân về các vấn đề chính sách, chẳng hạn như liệu các sinh viên có đồng ý rằng việc cấm sử dụng điện thoại trong lớp học là cần thiết để học tập tốt hơn hay không. Các cuộc khảo sát giúp xác định những niềm tin và thái độ quan trọng của các cá nhân, chẳng hạn như thái độ của sinh viên hiện nay về vấn đề hôn nhân đồng giới, hoặc niềm tin của sinh viên về cơ hội nghề nghiệp tương lai của họ. Khảo sát cung cấp thông tin hữu ích để đánh giá các chương trình trong trường học, chẳng hạn như sự hài lòng của học sinh trong một hoạt động trải nghiệm STEM.

2. Các loại thiết kế khảo sát

Mặc dù các thiết kế khảo sát được dùng phổ biến trong nhiều báo cáo khoa học, nhưng vẫn chỉ có hai loại cơ bản của nghiên cứu khảo sát: i) khảo sát cắt ngang (cross sectional survey), ii) khảo sát theo chiều dọc (longitudinal survey). Mỗi loại phục vụ cho một mục đích khác nhau. Các nhà nghiên cứu khảo sát sử dụng thiết kế cắt ngang (cross-sectional designs) để thu thập dữ liệu về thái độ, ý kiến hoặc niềm tin hiện tại. Các thiết kế theo chiều dọc (longitudinal designs) được sử dụng để nghiên cứu các cá nhân theo thời gian.

2.1. Thiết kế khảo sát cắt ngang (Cross-Sectional Survey Designs)

Hình thức thiết kế khảo sát phổ biến nhất được sử dụng trong giáo dục là thiết kế khảo sát cắt ngang. Trong thiết kế khảo sát cắt ngang, nhà nghiên cứu thu thập dữ liệu tại một thời điểm. Ví dụ, vào thời điểm bắt đầu học online do nghỉ dịch COVID, khi sinh viên hoàn thành một bảng khảo sát về sức khỏe tâm thần của họ, chúng đang ghi lại dữ liệu về quan điểm hiện tại của chúng. Thiết kế này có ưu điểm là đo lường thái độ hoặc thực hành hiện tại.

Thiết kế mặt cắt ngang có nhiều loại:

  • Loại thứ nhất của một nghiên cứu cắt ngang là để kiểm tra thái độ, niềm tin, ý kiến ​​hoặc thực hành hiện tại. Thái độ, niềm tin và ý kiến ​​là cách mà các cá nhân suy nghĩ về các vấn đề, trong khi thực hành là hành vi thực tế của họ.
  • Một thiết kế cắt ngang khác là so sánh hai hoặc nhiều nhóm giáo dục về thái độ, niềm tin, ý kiến hoặc thực hành. Những so sánh nhóm này có thể so sánh học sinh với học sinh, học sinh với giáo viên, học sinh với cha mẹ.
  • Một thiết kế cắt ngang có thể đo lường nhu cầu cộng đồng (community needs) về các dịch vụ giáo dục khi chúng liên quan đến các chương trình, khóa học, dự án cơ sở vật chất trường học, hoặc sự tham gia trong các trường học hoặc trong việc lập kế hoạch cộng đồng.
  • Một số thiết kế cắt có thể là đánh giá một chương trình, chẳng hạn như một cuộc khảo sát cung cấp thông tin hữu ích cho những người ra quyết định. Ví dụ, một cuộc khảo sát có thể hỏi nhận thức của học sinh và phụ huynh của họ, liệu một chương trình STEM có giúp hình thành các mục tiêu nghề nghiệp hay không.
  • Loại cuối cùng, một thiết kế cắt ngang là một đánh giá quy mô lớn về học sinh hoặc giáo viên, chẳng hạn như một cuộc khảo sát quốc gia với sự tham gia của hàng nghìn người tham gia.

2.2. Thiết kế khảo sát theo chiều dọc (Longitudinal Survey Designs)

Một thiết kế khảo sát theo chiều dọc bao gồm quy trình khảo sát thu thập dữ liệu về các xu hướng với cùng một dân số, những thay đổi trong một nhóm thuần tập (cohort group), hoặc những thay đổi trong một nhóm hội đồng gồm những cá nhân giống nhau theo thời gian. Do đó, trong thiết kế theo chiều dọc, những người tham gia có thể là những người khác nhau hoặc giống nhau. Một ví dụ về nghiên cứu của những người giống nhau sẽ là nghiên cứu về học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông và nghề nghiệp hiện tại của họ (ví dụ: sinh viên, xuất khẩu lao động, du học, công nhân, lao động tư do) dọc theo 1, 2 và 5 năm sau khi tốt nghiệp.

Thiết kế theo chiều dọc có các loại:

Nghiên cứu xu hướng (Trend Study): Mục đích của loại nghiên cứu theo chiều dọc này là để nghiên cứu những thay đổi trong một số dân số nói chung trong một khoảng thời gian, được gọi là nghiên cứu xu hướng. Nghiên cứu xu hướng là thiết kế khảo sát theo chiều dọc liên quan đến việc xác định một dân số và kiểm tra những thay đổi trong dân số đó theo thời gian.

Nghiên cứu thuần tập (Cohort Study): Thay vì nghiên cứu các xu hướng thay đổi trong một dân số, nhà nghiên cứu có thể quan tâm đến việc xác định một nhóm con trong một dân số, được gọi là nhóm thuần tập, có cùng một đặc điểm xác định chung. Nghiên cứu thuần tập là một thiết kế khảo sát theo chiều dọc, trong đó nhà nghiên cứu xác định một dân số con dựa trên một số đặc điểm cụ thể và sau đó nghiên cứu dân số con đó theo thời gian. Tất cả các thành viên của nhóm phải có đặc điểm chung, chẳng hạn như 18 tuổi vào năm 2001 và họ được khảo sát dọc theo thời gian.

Nghiên cứu hội đồng (Panel Study): Khác biệt với cả nghiên cứu xu hướng và nghiên cứu thuần tập, nghiên cứu hội đồng là một thiết kế khảo sát theo chiều dọc, trong đó nhà nghiên cứu kiểm tra những người giống nhau theo thời gian. Các học sinh cấp 3 học năm 1998 sẽ là những người cùng học năm 2000, 1 năm sau khi tốt nghiệp, và năm 2020 (tức là 2 năm sau tốt nghiệp). Một nhược điểm của thiết kế hội đồng là các cá nhân có thể khó xác định vị trí, đặc biệt là 2 năm sau khi tốt nghiệp trung học. Tuy nhiên, ưu điểm của loại nghiên cứu này là các cá nhân được nghiên cứu sẽ giống nhau mỗi lần, cho phép nhà nghiên cứu xác định những thay đổi thực tế ở các cá nhân cụ thể. Bởi vì điều này, nghiên cứu hội đồng là nghiêm ngặt nhất trong ba thiết kế theo chiều dọc.

3. Các đặc điểm chính của nghiên cứu khảo sát

Cho dù một thiết kế khảo sát là thiết kế theo chiều dọc hay cắt ngang, chúng có những đặc điểm chính gồm: 1) lấy mẫu từ một dân số, 2) thu thập dữ liệu thông qua bảng câu hỏi hoặc phỏng vấn, 3) thiết kế công cụ để thu thập dữ liệu, 4) thu được một tỷ lệ phản hồi cao.

3.1. Lấy mẫu từ dân số

Các nhà nghiên cứu khảo sát thường chọn và nghiên cứu một mẫu từ một dân số và tổng quát hóa các kết quả từ mẫu đó cho một dân số. Đầu tiên chúng ta cần xác định ba thuật ngữ: dân số (population), dân số mục tiêu (target population) hoặc khung lấy mẫu (sampling frame) và mẫu (sample). Hình 1 cho thấy sự khác biệt giữa ba thuật ngữ này.

Nghiên cứu khảo sát là gì

Ở cấp độ rộng nhất là dân số, trong đó một nhóm cá nhân sở hữu một đặc điểm phân biệt họ với các nhóm khác. Ở một mức độ cụ thể hơn, các nhà nghiên cứu không phải lúc nào cũng nghiên cứu toàn bộ dân số, vì họ không thể xác định được các cá nhân hoặc vì họ không thể có được danh sách các tên. Trong điều kiện thực tế, các nhà nghiên cứu sẽ nghiên cứu một dân số mục tiêu (đôi khi được gọi là khung lấy mẫu). Đây là danh sách hoặc hồ sơ của các cá nhân trong một dân số mà nhà nghiên cứu có thể thực sự có được. Ví dụ, các nhà nghiên cứu có thể có được danh sách tất cả các giáo viên trung học cơ sở trong một quận/ huyện. Danh sách này tạo thành tập hợp mục tiêu hoặc khung lấy mẫu. Từ dân số mục tiêu, các nhà nghiên cứu chọn một mẫu. Ở cấp độ cụ thể nhất, các nhà nghiên cứu chọn một mẫu từ dân số mục tiêu. Những cá nhân này là những người được nghiên cứu.

Hình thức chọn mẫu nghiêm ngặt nhất là sử dụng lấy mẫu ngẫu nhiên bằng cách sử dụng một quy trình như sử dụng bảng số ngẫu nhiên. Trong quá trình này, nhà nghiên cứu chọn một đại diện mẫu của dân số để các tuyên bố hoặc suy luận có thể được rút ra từ mẫu cho dân số.

Trong nghiên cứu khảo sát, điều quan trọng là phải chọn mẫu càng lớn càng tốt để mẫu có các đặc điểm tương tự với dân số mục tiêu. Cũng có thể nghiên cứu khảo sát để nghiên cứu toàn bộ dân số vì nó nhỏ và có thể dễ dàng xác định được. Loại nghiên cứu khảo sát này, đôi khi được gọi là nghiên cứu điều tra dân số, cho phép rút ra kết luận về toàn bộ dân số. Do đó, việc lấy mẫu ngẫu nhiên, kiểm tra giả thuyết và sử dụng thống kê suy luận là không cần thiết. Đối với loại nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu khảo sát chỉ cần báo cáo thống kê mô tả về toàn bộ dân số.

Tuy nhiên, khi các nhà nghiên cứu chọn một mẫu từ một dân số, các yếu tố nhất định có thể hạn chế khả năng của nhà nghiên cứu khảo sát để rút ra suy luận hợp lệ từ mẫu cho dân số, bao gồm:

  • Để giảm lỗi bao quát, hãy có một danh sách khung lấy mẫu tốt để chọn các cá nhân.
  • Để giảm sai số mẫu, hãy chọn mẫu càng lớn từ dân số càng tốt. Bởi vì tất cả các mẫu được chọn sẽ chỉ là ước lượng của các giá trị dân số.
  • Để giảm sai số phép đo, hãy sử dụng một công cụ tốt, với các câu hỏi rõ ràng, và các tùy chọn trả lời rõ ràng. Vì nó sẽ khuyến khích các cá nhân trả lời và trả lời chính xác.
  • Để giảm lỗi không phản hồi, hãy sử dụng các quy trình quản lý nghiêm ngặt để đạt được tỷ lệ trả lời lớn nhất có thể.

3.2. Bảng hỏi (Questionnaires) hoặc phỏng vấn (Interviews)

Mặc dù có nhiều hình thức khảo sát khác nhau, nhưng các nhà nghiên cứu khảo sát thường thu thập dữ liệu bằng hai hình thức cơ bản: bảng hỏi và phỏng vấn. Bảng hỏi là một biểu mẫu khảo sát mà những người tham gia nghiên cứu hoàn thành và gửi lại cho nhà nghiên cứu. Người tham gia chọn câu trả lời cho các câu hỏi và cung cấp thông tin cá nhân hoặc nhân khẩu học cơ bản. Một cuộc khảo sát phỏng vấn là một hình thức mà nhà nghiên cứu ghi lại các câu trả lời do người tham gia nghiên cứu cung cấp. Nhà nghiên cứu đặt câu hỏi từ một bản hướng dẫn phỏng vấn, lắng nghe câu trả lời hoặc quan sát hành vi và ghi lại các câu trả lời vào cuộc khảo sát. Các quy trình phỏng vấn định lượng, được thảo luận ở đây, không được nhầm lẫn với phỏng vấn định tính. Trong các cuộc phỏng vấn khảo sát định lượng, điều tra viên sử dụng một cuộc phỏng vấn có cấu trúc hoặc bán cấu trúc bao gồm hầu hết các câu hỏi đóng (closed-ended questions), cung cấp các lựa chọn trả lời cho người được phỏng vấn và ghi lại các câu trả lời của họ. Trong các cuộc phỏng vấn khảo sát định tính, một người phỏng vấn đặt các câu hỏi mở (open-ended questions) mà không có các lựa chọn trả lời và lắng nghe và ghi lại các ý kiến ​​của người được phỏng vấn. Một số loại bảng hỏi và phỏng vấn khác nhau được sử dụng trong nghiên cứu khảo sát định lượng, bao gồm: 1) bảng hỏi được gửi qua thư (Mailed questionnaires), 2) bảng hỏi dựa trên web (Web-based questionnaires), 3) phỏng vấn trực tiếp (một với một), 4) phỏng vấn nhóm tập trung, 5) phỏng vấn qua điện thoại.

3.3. Thiết kế công cụ để thu thập dữ liệu

Thiết kế các công cụ khảo sát tốt là một quá trình đầy thách thức và phức tạp. Trước tiên, bạn nên xem xét liệu một công cụ khảo sát có sẵn để đo lường các biến của bạn hay không. Bạn cũng có thể xem xét việc sửa đổi một công cụ hiện có. Nếu cả hai phương pháp này đều không hiệu quả, hãy thiết kế công cụ của riêng bạn.

Các bước thiết kế một công cụ để thu thập dữ liệu thường là:

  1. Viết các loại câu hỏi khác nhau. Chúng bao gồm các câu hỏi về cá nhân (tuổi, giới tính), thái độ và hành vi; các câu hỏi cảm giác (sử dụng rượu, hành vi hoang tưởng, các vấn đề về sức khỏe tâm thần); và các câu hỏi đóng và mở.
  2. Sử dụng các chiến lược để xây dựng câu hỏi tốt. Điều này bao gồm việc sử dụng ngôn ngữ rõ ràng, đảm bảo các tùy chọn trả lời không trùng lặp và đặt ra các câu hỏi có thể áp dụng cho tất cả người tham gia. Những yếu tố có thể làm giảm chất lượng câu hỏi gồm: câu hỏi không rõ ràng, có nhiều câu hỏi, câu hỏi dài dòng, câu hỏi bao gồm biệt ngữ, có tùy chọn phản ứng không cân bằng, có sự không phù hợp giữa câu hỏi và câu trả lời, và không phải tất cả các câu hỏi đều có thể áp dụng cho tất cả những người tham gia.
  3. Thực hiện một bài kiểm tra thí điểm bảng hỏi. Điều này bao gồm việc áp dụng công cụ cho một số ít cá nhân và thực hiện các thay đổi dựa trên phản hồi của họ. Đó có thể là một nhóm nhỏ (thí dụ khoảng 15 người) của dân số quan tâm được lựa chọn để thí điểm bảng hỏi.

3.4. Tỉ lệ phản hồi

Các nhà nghiên cứu khảo sát tìm kiếm tỷ lệ phản hồi cao từ những người tham gia trong một nghiên cứu để họ có thể tin tưởng vào việc khái quát kết quả cho dân số. Khi sử dụng các cuộc phỏng vấn, tỷ lệ trả lời cao vì các cá nhân được phỏng vấn thường đồng ý trước cuộc phỏng vấn. Tuy nhiên, khi bảng câu hỏi được sử dụng, số lượng câu trả lời được trả lại (qua email hoặc web) sẽ khác nhau. Trong cả hai trường hợp, các nhà nghiên cứu khảo sát đặt trọng tâm vào việc đạt được tỷ lệ phản hồi cao cho bảng hỏi hoặc cuộc phỏng vấn của họ. Đối với các công cụ đo lường được trả lại, nhà nghiên cứu khảo sát cũng quan tâm đến việc liệu các câu trả lời được trả về có thiên vị hay không.

Nếu bảng hỏi được gửi qua mail, bạn sẽ cần soạn một thư đủ lịch sự, nên làm rõ một vấn đề mà dân số đang nghiên cứu quan tâm. Nếu các cá nhân trong mẫu quan tâm đến vấn đề này, họ sẽ có nhiều khả năng hoàn thành khảo sát cao hơn. Ngoài ra, việc sử dụng một công cụ ngắn gọn thường khuyến khích tỷ lệ phải hồi cao. Thông thường, một công cụ dài ba trang sẽ mất chưa đầy 15 phút để hoàn thành.

Bạn sẽ làm gì nếu tỷ lệ phản hồi của bạn thấp? Bạn có thể tiến hành nghiên cứu của mình và báo cáo hạn chế về tỷ lệ phản hồi thấp; kéo dài thời gian thu thập dữ liệu để thu thập thêm phản hồi; hoặc báo cáo rằng các câu trả lời của bạn, mặc dù thấp, nhưng đại diện cho mẫu (và dân số). Với tỷ lệ hoàn trả thấp, vấn đề quan trọng không nhất thiết là có bao nhiêu người trả lại một công cụ bảng hỏi, mà là liệu sự thiên kiến có tồn tại ở những người đã trả lại nó hay không. Sự thiên kiến phản hồi xảy ra trong nghiên cứu khảo sát khi các câu trả lời không phản ánh chính xác quan điểm của mẫu và dân số. Ví dụ, những cá nhân trả lại bảng câu hỏi có thể quá tiêu cực hoặc tích cực. Do đó, các nhà nghiên cứu khảo sát theo dõi sự trở về của chúng để đánh giá xem họ có biểu hiện sự thiên kiến hay không. Chúng ta gọi cách tiếp cận này là phân tích sóng (wave analysis). Phân tích sóng là một thủ tục để kiểm tra thiên kiến phản hồi trong đó các điều tra viên trở lại nhóm theo các khoảng thời gian (ví dụ: mỗi tuần) và kiểm tra xem liệu câu trả lời cho một số câu hỏi được chọn có thay đổi từ tuần đầu tiên sang tuần cuối cùng trong một nghiên cứu hay không, nó biểu lộ phản ứng thiên vị. Các cá nhân trả lời trong tuần cuối cùng của khảo sát càng gần với những người không trả lời càng tốt. Tuy nhiên, phản hồi của họ phải tương tự với những công cụ trả lại trong tuần đầu tiên. Nếu chúng khác nhau, các nhà nghiên cứu báo cáo rằng có khả năng sự thiên kiến tồn tại và có khả năng rằng những người tham gia có thể không đại diện cho mẫu và dân số.

Trang: 1 2