Nghị định kiểm tra, xử lý văn bản

Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) là một nhiệm vụ phức tạp, mang tính chuyên môn, nghiệp vụ cao, được thực hiện thường xuyên, kịp thời nhằm phát hiện những nội dung trái luật để xử lý bằng các hình thức: ngưng hiệu lực hoặc đình chỉ việc thi hành, bãi bỏ văn bản sai trái, đính chính văn bản nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của văn bản trong hệ thống pháp luật, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Để thực hiện và triển khai hiệu quả công tác kiểm tra (VBQPPL) thuộc thẩm quyền của Bộ Thông tin và Truyền thông thì việc nghiên cứu, làm rõ một số vấn đề mang tính lý luận và thực tiễn về công tác kiểm tra là hết sức cần thiết. Tại chuyên đề này, chúng tôi sẽ hệ thống lại một số vấn đề trong công tác kiểm tra liên quan đến đối tượng, nội dung, phương thức kiểm tra và thực tiễn triển khai công tác này tại Bộ Thông tin và Truyền thông.

1. Đối tượng của hoạt động kiểm tra, xử lý văn bản, theo quy định tại Khoản 1 Điều 103 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì các văn bản được kiểm tra gồm: (1) Thông tư của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; (2) Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; (3) Nghị quyết của Hội đồng nhân dân, Quyết định của Ủy ban nhân dân; (4) Văn bản có chứa quy phạm pháp luật nhưng không được ban hành bằng hình thức văn bản quy phạm pháp luật; văn bản có chứa quy phạm pháp luật hoặc có thể thức như văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan, người không có thẩm quyền ban hành.

2. Nội dung kiểm tra văn bản, theo quy định tài Điều 104 Nghị định 34/2016/NĐ-CP thì nội dung kiểm tra văn bản là việc xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất của văn bản, nội dung kiểm tra bao gồm: thẩm quyền ban hành; nội dung của văn bản; căn cứ ban hành; thể thức, kỹ thuật trình bày và trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản. 

3. Phương thức kiểm tra văn bản, song song với việc thực hiện nghiêm các nguyên tắc kiểm tra văn bản thì việc đa dạng hóa và kết hợp linh hoạt các phương thức kiểm tra văn bản là một yếu tố quan trọng quyết định đến chất lượng và hiệu quả của công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật. Phương thức để kiểm tra văn bản gồm: Tự kiểm tra văn bản và Kiểm tra văn bản theo thẩm quyền.

Tự kiểm tra văn bản là hoạt động được thực hiện bởi cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành hoặc liên tịch ban hành văn bản được kiểm tra với tinh thần là tự xem xét, đánh giá tính hợp pháp của văn bản do mình đã ban hành. Tự kiểm tra giúp cơ quan, người có thẩm quyền đã ban hành văn bản đó phát hiện nội dung không bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của văn bản do mình ban hành một cách sớm nhất, nhanh nhất để có biện pháp xử lý kịp thời ngay tại nơi văn bản đó được ban hành. Đặc biệt, việc tự kiểm tra văn bản ngay sau khi ban hành có thể tránh được hậu quả do nội dung trái pháp luật gây ra. Hoạt động tự kiểm tra đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì và đề cao ý thức chấp hành đầy đủ trình tự, thủ tục từ quá trình tham mưu, soạn thảo, thẩm định, ký ban hành văn bản, góp phần nâng cao chất lượng xây dựng văn bản ở cơ quan, từ đó tạo lập một hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch. Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức tự kiểm tra khi ban hành văn bản, văn bản liên tịch hoặc nhận được yêu cầu, kiến nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân và các phương tiện thông tin đại chúng về văn bản do mình ban hành có dấu hiệu trái pháp luật hoặc không còn phù hợp. Các văn bản thuộc thẩm quyền tự kiểm tra của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bao gồm: Thông tư do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành hoặc Thông tư liên tịch giữa Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Vụ trưởng Vụ Pháp chế sẽ là đầu mối giúp Bộ trưởng tổ chức việc tự kiểm tra văn bản này.

Kiểm tra văn bản theo thẩm quyền là hoạt động xem xét, đánh giá và kết luận về tính hợp pháp của văn bản được kiểm tra của cơ quan, người có thẩm quyền ở bộ, ngành, địa phương đối với các văn bản có quy định liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành, địa phương mình. Kiểm tra văn bản theo thẩm quyền nhằm bảo đảm nội dung của văn bản đã ban hành phù hợp với pháp luật về lĩnh vực quản lý nhà nước của bộ, ngành có liên quan trong văn bản đó; bảo đảm sự phù hợp của văn bản được ban hành với văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn. Hoạt động kiểm tra theo thẩm quyền thực chất là sự “kiểm soát chéo” giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện pháp luật và có thể từ hoạt động này mà những nội dung không phù hợp với pháp luật không được phát hiện ở giai đoạn tự kiểm tra sẽ được xem xét, đánh giá lại, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của văn bản. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm kiểm tra theo thẩm quyền đối với văn bản do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ khác, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt ban hành về những nội dung có liên quan đến ngành, lĩnh vực do mình phục trách. Vụ trưởng Vụ Pháp chế có trách nhiệm giúp Bộ trưởng triển khai hoạt động kiểm tra theo thẩm quyền.

4. Thực tiễn triển khai công tác kiểm tra văn bản tại Bộ Thông tin và Truyền thông thời gian qua cho thấy có một số thuận lợi như: được sự quan tâm của Lãnh đạo Bộ; các quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định 34/2016/NĐ-CP đã tương đối rõ ràng để triển khai, áp dụng; Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng trong công tác kiểm tra có sự trao đổi, gắn kết với Cục kiểm tra và xử lý VBQPPL - Bộ Tư pháp là cơ quan phụ trách hoạt động này. Tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi thì việc triển khai công tác này cũng gặp phải một số khó khăn nhất định, cụ thể là:

- Thứ nhất, một số cơ quan, đơn vị trong Bộ chưa quan tâm và nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của công tác kiểm tra văn bản và ý nghĩa của nó để phát hiện kịp thời những sai sót, bất cập (nếu có) của văn bản ngay sau khi ký ban hành, đặc biệt với văn bản sau khi ký ban hành nhưng chưa có hiệu lực pháp luật, điều này giúp xử lý kịp thời và khắc phục sớm những hậu quả pháp lý phát sinh. Đa số các đơn vị trong Bộ chưa thực sự gắn kết với Vụ Pháp chế trong công tác tự kiểm tra như không gửi văn bản quy phạm pháp luậtvề Vụ Pháp chế để tự kiểm tra hoặc gửi không đúng thời hạn theo như quy định của Nghị định 34/2016/NĐ-CP.

- Thứ hai, với việc kiểm tra theo thẩm quyền, Bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt chưa chủ động gửi văn bản có nội dung liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông về Bộ Thông tin và Truyền thông để kiểm tra theo thẩm quyền, thậm chí khi Bộ có công văn yêu cầu gửi văn bản để kiểm tra thì nhiều cơ quan, đơn vị vẫn không gửi hoặc gửi không đầy đủ văn bản.

- Thứ ba, Vụ Pháp chế là đơn vị đầu mối giúp Bộ trưởng thực hiện công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nhưng nhân lực hạn chế, không có biên chế cho cán bộ chuyên trách, cán bộ đều kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau, nên việc trao đổi, đôn đốc, nhắc nhở các cơ quan đơn vị trong Bộ cũng như các địa phương thực hiện đúng, đủ công tác kiểm tra còn chưa thường xuyên. Việc tiếp nhận thông tin để kiểm tra chủ yếu do cán bộ, công chức của Vụ chủ động thu thập văn bản trên cổng thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị địa phương, đây không phải là việc thu thập thông tin chính thống và cũng không đầy đủ các văn bản (phải là văn bản gốc/chính), vậy nên vẫn còn xảy ra tình trạng văn bản của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, chính quyền địa phương liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông có sai sót nhưng chỉ khi có phản hồi của người dân, doanh nghiệp hoặc Bộ Tư pháp kiểm tra, phát hiện dấu hiệu trái luật thì Bộ Thông tin và Truyền thông mới biết.

5. Một số giải pháp nâng cao lượng hoạt động kiểm tra VBQPPL, để khắc phục những khó khăn, bất cập của công tác kiểm tra, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang nghiên cứu, triển khai một số giải pháp cụ thể như: tập huấn, nâng cao kiến thức và nhận thức về hoạt động kiểm tra văn bản cho lãnh đạo cũng như cán bộ làm công tác pháp chế tại các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ; Gửi công văn đôn đốc, nhắc nhở các Sở Thông thông tin và Truyền thông trong quá trình tham mưu ban hành văn bản quy phạm pháp luật chú trọng việc sàng lọc và gửi văn bản đề kiểm tra theo thẩm quyền;  Xây dựng kế hoạch kiểm tra theo thẩm quyền phù hợp với mỗi địa phương và từng lĩnh vực khác nhau, tránh sự chồng chéo hoặc bỏ sót…

Với việc kết hợp giữa nghiên cứu các vấn đề lý luận để áp dụng vào thực tiễn triển khai công tác kiểm tra văn bản tại Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ giúp cho cơ quan, người làm công tác kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật nâng cao nghiệp vụ, kiến thức và hiệu quả công tác kiểm tra văn bản. Từ đó, giúp công tác kiểm tra văn bản tại Bộ Thông tin và Truyền thông được triển khai bài bản, đồng bộ, phát hiện và xử lý kịp thời đối với các văn bản có dấu hiệu trái luật, góp phần hoàn thành mục tiêu nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật nói chung và văn bản do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành nói riêng.