Ngày 12 tháng 4 là ngày gì ở việt nam năm 2024

Chuyên mục Ngày này năm xưa số ra ngày 12-4-2022 cũng được Báo Quân đội nhân dân Điện tử thực hiện dưới hình thức các tác phẩm phát thanh podcast và video clip trên Chuyên trang Media Báo Quân đội nhân dân Điện tử, trân trọng mời bạn đọc xem thêm.

Một số sự kiện trong nước và quốc tế ngày 12-4

Sự kiện trong nước

Ngày 12-4-1960: Quân giải phóng Miền Nam khu Sài Gòn - Gia Định đã tiến công dữ dội sân bay Tân Sơn Nhất ở sát nách phía Bắc Sài Gòn. Phá hủy và phá hỏng 67 máy bay, tiêu diệt 300 tên, đốt cháy một kho xǎng lớn. Đây là một trong những trận đánh lớn ở khu vực Sài Gòn - Gia Định và chứng tỏ rằng Quân giải phóng Miền Nam có đủ khả nǎng đánh vào các vị trí then chốt và sào huyệt của Mỹ và tay sai.

Ngày 12-4-1958: Nhà máy Cơ khí Hà Nội (nay là Nhà máy chế tạo công cụ số 1) làm lễ khánh thành. Đây là nhà máy hiện đại đầu tiên của nền công nghiệp Việt Nam được Chính phủ và nhân dân Liên Xô giúp đỡ ta xây dựng. Nhà máy được trang bị 203 máy hiện đại sản xuất công cụ với độ chính xác 1/1000mm. Nhà máy Cơ khí Hà Nội là một trong những đơn vị vinh dự được Hồ Chủ tịch lúc sinh thời đến thǎm nhiều nhất (9 lần).

Ngày 12-4-1973: Việt Nam và Cộng hòa Pháp thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước.

Sự kiện quốc tế

Ngày 12-4-1961: Loài người được chứng kiến một sự kiện vĩ đại. Gagarin, công dân Liên Xô đã hoàn thành chuyến bay vũ trụ vòng quanh trái đất trên tàu Phương Đông 1, chuyến bay vũ trụ đầu tiên có người trong lịch sử loài người. Sau khi bay một vòng quanh trái đất trong khoảng thời gian 108 phút, tàu vũ trụ đã hạ cánh an toàn trên một cánh đồng trên bờ sông Vonga.

Ngày 12-4-1996: Khánh thành tháp Petronas - được xem là tòa nhà cao nhất thế giới ở Kuala Lumpur.

Theo dấu chân Người

Ngày 12-4-1908, phong trào chống sưu cao thuế nặng của nông dân miền Trung lan đến Huế. Nguyễn Tất Thành khi đó đang theo học tại Trường Quốc học đã tham gia vào phong trào học sinh ủng hộ những người nông dân nghèo ở Kinh đô chống thuế. Vì việc này mà học sinh Nguyễn Tất Thành bị đuổi học và bị mật thám theo dõi. Thân sinh là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc cũng bị khiển trách vì để con dính líu đến quốc sự.

Ngày 12-4-1928, từ Béclin, Thủ đô nước Đức, Nguyễn Ái Quốc viết thư gửi Ban Phương Đông Quốc tế Cộng sản trình bày về hoàn cảnh và đề đạt nguyện vọng: “Vì không thể công tác ở Pháp, ở Đức thì vô ích, nhưng cần thiết ở Đông Dương, nên tôi đã xin lại lên đường về xứ sở này...” .

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện hoạt động nhưng nhà cách mạng Việt Nam quả quyết: “Dù thế nào tôi cũng sẽ đi, bởi vì đó một năm tôi lang thang từ nước này sang nước khác trong khi có nhiều việc phải làm ở Đông Dương... Vậy tôi xin các đồng chí cho tôi càng sớm càng tốt những chỉ thị chính xác về điều mà tôi phải làm và bao giờ thì tôi có thể lên đường”.

Ngày 12-4-1962, Bác tham dự Hội nghị Trung ương lần thứ 7 và phát biểu nhấn mạnh đến vai trò con người là quyết định. Bác cho rằng, mục đích của chủ nghĩa xã hội là nâng cao đời sống của nhân dân, muốn vậy, phải “có kế hoạch giáo dục, củng cố chi bộ, công đoàn, thanh niên. Ba lực lượng ấy mạnh thì mới lớn được. Có người nói máy kéo là gốc, cũng có người nói cái khác là gốc, tôi nói chính cái này là gốc”.

Ngày 12-4-1965, Bác gửi thư tới các chiến sĩ trên đảo Cồn Cỏ ngoài biển Vĩnh Linh (Quảng Trị) đó kiên cường đương đầu với máy bay và tàu chiến Mỹ bảo vệ vùng trời và vùng biển của Tổ quốc, lập được nhiều chiến công và được phong là “Hòn đảo Anh hùng”. Trong thư Bác động viên: “Các chú cần luôn luôn nâng cao cảnh giác, đoàn kết chặt chẽ, khó không nản, thắng không kiêu, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

(Sách Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày này năm xưa, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật, 2010).

Lời Bác dạy ngày này năm xưa

“Dù có lâu dài, gian khổ, cuộc đấu tranh chính nghĩa đó nhất định sẽ thắng lợi”

Lời khẳng định thể hiện sâu sắc ý chí mạnh mẽ và quyết tâm sắt đá của Bác trước nhân dân ta, quyết tâm bảo vệ nền độc lập mới giành được, thể hiện lập trường kiên định về độc lập, tự do của dân tộc, phản ánh niềm tin vững chắc vào sức mạnh của dân tộc Việt Nam, dù phải hy sinh gian khổ, song quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập.

Lời của Bác vang vọng núi sông, có sức cổ vũ mạnh mẽ nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn, thử thách, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn. Ý chí quyết tâm bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc, tiếp tục soi sáng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Người nhấn mạnh, cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta là trường kỳ gian khổ nhưng lại phải tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính. Lời dạy trên đây của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị lý luận và thực tiễn to lớn trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.

Thực hiện lời dạy của Người, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã nhận thức rõ chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ, đoàn kết, thống nhất, phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường trong thực hiện nhiệm vụ của từng cá nhân, đơn vị, từng địa phương và nhiệm vụ chung của cách mạng. Tinh thần tự lực, tự cường của cả dân tộc là nhân tố quan trọng để làm nên thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Khắc ghi lời Bác dạy, cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam phải đề cao tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo; ra sức học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, trình độ, năng lực, phương pháp, tác phong công tác đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; nêu cao tinh thần chịu đựng gian khổ, hy sinh, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Dấu ấn Bác Hồ trên báo Quân đội nhân dân

Trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân số 1800, ngày 12-4-1966 có đăng bài Hồ Chủ tịch trả lời phỏng vấn của Đoàn vô tuyến truyền hình hãng tin Ni-hông Đen-pa (NDN) Nhật Bản.

Trên trang 2 Báo Quân đội nhân dân số 1037, ngày 12-4-1990 có đăng lời Hồ Chủ tịch nói chuyện với cán bộ, giáo viên, học viên Trường Võ bị Trần Quốc Tuấn trong buổi Lễ khai giảng khóa I ngày 26-5-1946.