Minh bộ chi tịch mịch review năm 2024

‘Con đường đế vương là con đường tịch mịch nhất thế gian, và tình yêu của bậc đế vương cũng vô cùng tịch mịch…’

Hai chữ ‘tịch mịch’ này đã xuyên suốt từ đầu cho tới cuối tác phẩm, không có một cái kết thê lương nào hết, chỉ là tịch mịch. Thật sự, đọc truyện rồi cũng thấy cô đơn như nhân vật trong truyện vậy.

Tôi không biết viết thế nào, đã lâu rồi kể từ ngày tôi viết bài review cuối cùng, cảm xúc cũng khó mà nắm giữ để có thể viết ra như ngày trước. Hôm nay tôi ngồi viết bài cảm nhận này, cũng chỉ là muốn lưu lại chút tịch mịch mà thôi.

Trước đây tôi từng nghĩ, nội dung truyện của Phỉ Ngã Tư Tồn luôn là tuyệt vời, chỉ trừ văn phong, nhất là tác phẩm hiện đại. Nhưng giờ tôi biết tôi sai rồi, Tịch Mịch Không Đình Xuân Dục Vãn chính là bằng chứng xác thực nhất.

Hình như đây là một trong những tác phẩm đời đầu của mợ Phỉ, tác phẩm có cái kết lửng lơ mà tác giả tâm đắc nhất. Đó là một chuyện tình giữa Khang Hi và Vệ Lâm Lang, nhưng nỗi cô đơn của tình yêu ấy lại được vẽ lên bởi thơ của nam phụ Nạp Lan Dung Nhược. Điều này tuyệt thật đấy!

Mỗi chương đều được mở đầu bởi những dòng thơ tình của Nạp Lan, tuy dài nhưng lúc nào tôi cũng đọc hết, dù chưa thể cảm nhận được chất thơ tuyệt đẹp cổ xưa truyền lại này. Ban đầu còn cứ ngỡ nam chính là anh nhà thơ này cơ, hóa ra không phải, bởi người xưa, không có quyền lực hơn người thì không có tư cách tranh giành tình yêu với người.

Tôi cũng đi tìm hiểu về vua Khang Hi, phát hiện Vệ cô nương này đúng là phi tần hậu cung của Hoàng đế, đúng là ngạch nương của Bát a ca Dận Tự, đúng là cung nữ được phong lên thường tại rồi phi tần. Chỉ có câu chuyện tình yêu này, có lẽ chưa từng tồn tại mà thôi.

Vừa đọc lại chương mở đầu của truyện, đó là câu chuyện của Hòa phi – sủng phi của Hoàng đế. Nếu nói toàn bộ cuốn truyện này là một vẻ tịch mịch, thì nên nói chương mở đầu là một vẻ buồn đau. Bởi sủng ái cả đời mà Hòa phi có được lại chỉ là do thế thân người khác. Khi đó Lương phi Vệ Lâm Lang còn sống, Bát a ca đã lớn, nhưng Hoàng đế lại chỉ sủng ái nàng, quan tâm mọi phi tần hậu cung, chỉ lạnh nhạt với mình Lương phi. Khi đó nàng thích mặc sắc hồng, thích náo nhiệt, nhưng vì Hoàng đế thích sắc xanh và sự tĩnh lặng mà nàng ép mình theo đó. Khi đó Hoàng đế muốn vẽ nàng nhưng đặt bút lại không nhìn nàng vẫn vẽ ra được một khuôn mặt xinh đẹp, nữ tử trong tranh có vài phần giống nàng nhưng lại chẳng phải nàng. Khi đó Hoàng đế gặp ác mộng bất chợt tỉnh dậy, dù ôm lấy nàng nhưng miệng lại gọi ‘Lâm lang’. Nàng không biết Lâm lang là ai, nàng cũng chẳng quan tâm nhiều, vì nàng hiểu rõ điều nàng cần là được Hoàng đế yêu thương. Nhưng rồi khi hưởng hết sủng ái của Hoàng đế, đến khi Hoàng đế đã rời xa rồi, nàng mới biết Lâm lang là người nào, mới biết bản thân là ai, mới hiểu tình yêu của Hoàng đế là như thế nào. Hóa ra, nàng vẫn chỉ tự mình đa tình suốt mấy chục năm, hóa ra kẻ hèn mọn mới chính là nàng…

Tôi thích chương này lắm, còn thích hơn nội dung truyện nữa. Bởi ở đây có đủ ngược, đủ đau lòng mà tôi muốn. Tất cả các nhân vật, chẳng ai đạt được điều mình muốn, chính Hoàng đế cũng vậy, chính nàng cũng vậy, chính các phi tần cũng vậy, chính con trai của nhân vật chính Bát a ca cũng vậy, và kể cả kẻ được làm vua Tứ a ca kia cũng chẳng khác. Thế mà câu chuyện chính lại không đau lòng đến thế…

Nói Vệ Lâm lang đáng thương, tôi không đồng ý. Con đường này là do nàng chọn, nàng cũng thoải mái chấp nhận rồi thì còn có gì đáng thương hại? Phải nói rằng nàng may mắn, may mắn vì gia đình phạm tội mà vẫn được trực tiếp hầu ngự tiền, may mắn vì người nàng yêu cũng yêu nàng, may mắn vì lọt vào mắt vua, may mắn vì được vua yêu, may mắn khi vua biết nàng giả dối nhưng vẫn lựa chọn tin yêu nàng, càng may mắn vì có đứa con có hiếu. Cả đời nàng có mấy khi phải tranh đấu, chẳng phải luôn được vua bảo vệ hay sao? Càng nói càng thấy được Vệ Lâm lang là nhân vật sung sướng nhất trong tất cả các truyện của mợ Phỉ rồi!

Truyện tên là Tịch Mịch, nhân vật trong truyện tịch mịch, tình yêu trong truyện cũng tịch mịch, mà kết thúc truyện cũng tịch mịch nốt. Chỉ trừ mấy ngoại truyện kia, tịch mịch bớt đi nhiều rồi, còn lại là rất nhiều vui vẻ và hạnh phúc của 2 con người yêu nhau. À mà nói người đáng thương, trừ nhân vật ở chương mở đầu, người cần nhận sự thương hại nhất là Đông lang, yêu mà chẳng thể nói, còn bị đánh ghen suýt chết mà vẫn không hiểu lý do, khổ thân anh.

Về tình yêu của các nhân vật, tôi chỉ nhận thấy tình yêu của Khang Hi và Nạp Lan Dung Nhược dành cho nữ chính và một chút tình cảm của nữ chính dành cho Nạp Lan, còn tình cảm dành cho Khang Hi có lẽ chưa thể gọi là tình yêu được. Truyện khắc họa Lâm lang là một người trầm tính, tốt bụng và cực kỳ an phận, nàng hiểu nàng không có khả năng đấu đá cùng hậu cung nên không dám tham gia, nhưng sự thông minh của nàng lại lợi dụng tình cảm mà Khang Hi dành cho nàng. Nàng cũng biết thế nào là đủ và đâu là điểm dừng, vì thế mới lựa chọn hơn hai mươi năm tịch mịch trong hậu cung và đành để con trai cho người khác nuôi dưỡng. Cho đến cuối cùng, tình cảm nàng dành cho Khang Hi có lẽ đã là tình yêu, nhưng không sâu đậm mà chủ yếu là thói quen, sùng bái và có ỷ lại dựa dẫm. Riêng cái này thì tôi thích, bởi mục đích của nàng chỉ là yên ổn một đời.

Tình yêu của Nạp Lan thì giống như dấu phẩy trong truyện, chỉ là thêm vào, trở thành nút thắt cho tình yêu của đôi chính, vì hầu như anh này chẳng có tí uy hiếp nào, phải nói là dù có cho thì anh này cũng chẳng dám tranh giành tí nào ấy chứ. Đây thì là chuẩn thực tế, ai mà dám tranh với cửu ngũ chí tôn, tru di cửu tộc còn là nhẹ nhàng đấy!

Còn tình yêu của nam chính Khang Hi thì không cần phải nói. Sự xuất hiện của Lâm lang giống như cơn gió mát thổi vào cuộc đời khô khan nóng nảy của bậc đế vương, hai người còn hợp cạ, nàng còn có thể đối thơ, khác hẳn nữ nhi hoàng cung. Yêu đến sâu đậm mới hiểu cách bảo vệ nàng là không quan tâm nàng, tuy đổi lại bằng cả đời tịch mịch nhưng vẫn cam lòng. Một tình yêu sâu đậm đầy thực tế với cuộc đời đế vương, mà sự ngăn cản của Thái hoàng thái hậu càng làm nổi bật lên tình yêu này.