Mê cung thần nông review

Mê cung thần nông review
(Warning: Spoilers ahead!)

Mình và bộ phim này không hiểu sao cứ bị “hụt” nhau hoài. Từ hồi cách đây hơn 5 năm, khi làm cuốn sách Café Văn khoa môn Nghiệp vụ Xuất Bản cho thầy Truật, mình đã đọc bài review về Pan’s Labyrinth khá hay và ấn tượng của South được in trong sách. Rồi gần 2 năm trước, Pax – một người bạn thân cùng lớp với South cũng đã chép phim vào ổ cứng cho mình với lời dặn: “Phải xem”. Mấy lần cũng đã mở lên, tua nhanh vài đoạn thấy chán chán rồi lại tắt. Cho đến mãi tối hôm qua, trong một ngày mệt đứ đừ, tâm trạng u ám, cả tối không có tinh thần nào làm việc thì mình quyết định chỉ nằm xem phim. Trong folder phim dài dặng dặc, đã chọn Pan’s Labyrinth, tạm dịch: Mê cung của Thần Nông. Và mình đã không hề hối hận.

Bộ phim mở đầu khá u ám, mà tâm trạng cũng đang khá tệ nên cả nửa đoạn đầu mình cảm thấy chán chán. Phim lại còn vào đề bằng một câu chuyện cổ tích thần thoại kể về một cô công chúa của thế giới lòng đất, tò mò lên khám phá thế giới trên mặt đất. Thế rồi ánh sáng mặt trời chói lòa đã làm mất đi trí nhớ của nàng, rồi nàng già đi, và chết. Thế nhưng Quốc vương vẫn hàng thế kỷ đi tìm con gái và giúp cho công chúa được trở về dù nàng đang ở trong nhân dạng nào… Với mình, đề tài dạng kỳ ảo, làm mới thần thoại này, không khéo thì chán chết!

Nhưng đối lập với câu chuyện cổ tích trên là sự thật trần trụi đã kéo ngay sự thu hút của mình: chiến tranh. Bối cảnh chính của phim là Tây Ban Nha năm 1944, khi phe độc tài phát xít vẫn còn nắm chính quyền và săn lùng ráo riết những người lính du kích trong rừng núi. Trong giai điệu ảm đạm, u buồn thời chiến sự, một nốt nhạc trong veo đã trỗi lên qua hình ảnh của cô bé Ofelia. Cha Ofelia là một thợ may đã chết trong chiến tranh, em cùng mẹ đến căn cứ trong khu rừng này để sống chung với cha dượng là đại úy Vidal. Mẹ Ofelia đang có thai và bà đến đây để sinh đứa con trai theo yêu cầu của gã chỉ huy Vidal thâm hiểm, tàn bạo.

Mê cung thần nông review
Cô bé Ofelia xinh xắn, đôi má tròn trĩnh, bờ môi hờn dỗi và mái tóc ngắn bồng bềnh như thiên thần…

Trong không gian rừng rú tăm tối, tràn đầy bạo lực và giết chóc, cô bé như một điểm sáng trong veo, vô tư tin tưởng vào những câu chuyện thần tiên em đọc mỗi ngày. Em đã gặp những người tốt bụng như cô hầu gái Mercedes, ngài bác sĩ Ferreiro và một nhân vật hoàn toàn bất ngờ: lão Thần Nông.

Mê cung thần nông review
Đêm nọ, Ofelia đã được một tiểu thần tiên dắt vào trong mê cung đã có từ xa xưa. Tại đây, em đã gặp lão Thần Nông trong hình ảnh vị thần đầu dê khá… xấu xí, dị hợm (hixhix) và đã cho em biết, em chính là công chúa Moanna của xứ sở dưới lòng đất. Ofelia phải thực hiện ba nhiệm vụ trước đêm trăng tròn để được trở về Vương quốc của mình, sống đời sống vĩnh hằng cùng vua cha. Và tiếp đó, hành trình thực hiện ba nhiệm vụ của cô bé có thể làm những kẻ yếu tim rợn người.

Bộ phim với những mạch phim đan cài giữa thực và mộng, giữa cổ tích kỳ ảo và sự thật trần trụi- một thể loại, dù dựa trên cái nền thần thoại, có tiên có thiên thần đấy- nhưng hoàn toàn không dành cho trẻ con. Những hình ảnh giết người tàn bạo, không gớm tay của Vidal, cùng hành trình lần mò dưới gốc cây đại thụ tìm con cóc đầy nhớp nháp dơ bẩn của Ofelia. Từ bữa ăn đầy mùi dằn mặt và giả tạo của bọn quân phiệt cho tới nhiệm vụ đi tìm bữa ăn của con quái thú kinh tởm mà đôi mắt nằm trong đôi bàn tay quờ quạng. Từ những hành động lén lút giúp đỡ quân du kích đầy nguy hiểm của cô hầu Mercedes và bác sĩ Ferreiro ngay dưới mũi tên trùm Vidal đến việc Ofelia phải mò mẫm dưới hang sâu hay rợn người chứng kiến cái chết đau đớn vì sinh nở của mẹ. Khán giả theo dõi từ đầu đến cuối sẽ luôn có cảm giác trái tim mình bị đè nặng bởi nỗi buồn, nỗi đau đớn kinh hãi. Những người dân lương thiện bị giết chết tàn bạo, bị hành hạ bằng những dụng cụ tra tấn dã man, như bị đập nát người bằng búa và đinh, bị khoét da thịt bằng dao kéo và rồi ngay bên dưới lòng đất lạnh kia là con quái thú nhai đầu người rau ráu… Tất cả đã dựng nên một nền phim u uất, nặng nề và quá sức chịu đựng cho những ai ban đầu lỡ trông mong vào một bộ phim cổ tích nhẹ nhàng, kỳ ảo.

Mê cung thần nông review
Mê cung thần nông review
Mê cung thần nông review
Trong những thử thách của mình, Ofelia phải vượt qua được sự sợ hãi đến tận cùng, lòng tham lam ham muốn và cả những giây phút sinh tử để sửa chữa sai lầm

Ở đây, mình phải thêm một điểm cộng cho tạo hình và quay phim. Bộ phim là tác phẩm hoàn hảo của đạo diễn Mexico Guillermo del Toro người từng làm Pacific Rim bi tráng, Mama ám ảnh, Blade kinh dị (Bài viết về đạo diễn tài năng này ở đây). Và Pan’s Labyrinth với những khung hình siêu thực, kỳ ảo mà vẫn đậm chất kinh dị với khu rừng rậm rạp, mê cung ghê rợn và những cảnh phim kinh dị thót tim. Thế nên phim cũng bị gắn hàng loạt “mác” như: Phim thiếu nhi nhưng không dành cho thiếu nhi, Những bộ phim thiếu nhi kinh dị nhất, Phim thiếu nhi nghiệt ngã nhất… Nhưng thực sự, đằng sau những cảnh tang thương chết chóc là cả một bầu không gian lãng mạn thoát ra từ chính nội giới của Ofelia. Bộ phim đã lồng ghép tâm hồn tinh khiết không vướng chút bụi trần của một sinh linh ngây thơ vô tội vào không gian tăm tối vốn chỉ dành cho quỷ dữ và các ác ngự trị một cách tinh tế cực đỉnh. Ta kinh hãi đó, rồi bật cười đó. Ta đau đớn cho thân phận những con người trong phim rồi bất chợt lòng dịu dàng lại chỉ bởi chất lãng mạn đã đẩy lùi những điều đen tối.

Mê cung thần nông review
Mê cung thần nông review
Mê cung thần nông review
Trong không gian u ám của chiến tranh vẫn có những hình ảnh lãng mạn,  ma mị và đẹp đến nao lòng…

Pan’s Labyrinth cũng chính là một phép ẩn dụ về cuộc đời. Nếu như những bộ phim khác dùng hiện thực làm mới thần thoại thì ở Pan’s Labyrinth lại dùng thần thoại để khắc sâu cái trần trụi của sự thật. Con cóc nằm trong bụng cái cây khô cằn, sống bám vào nó như một chế độ đã đến hồi lụi tắt nhưng vẫn muốn hút cạn sinh khí của những kẻ xung quanh. Con quỷ ăn thịt người mù loà với đôi mắt nằm nơi bàn tay như bữa tiệc của sự phù hoa giả dối, tàn nhẫn đến mù quáng. Và cuối cùng hình ảnh đắt giá nhất nằm ở đoạn cuối khi mọi thứ hi vọng với Ofelia dường như hoàn toàn sụp đổ: mẹ sinh em và mất đi, vị Thần Nông tức giận quay lưng, bị biệt giam ở một căn phòng vắng, cô hầu thân thiết Mercedes bị bắt, bác sĩ bị Ferreiro bắn chết. Và lúc này, em chỉ còn lại một cơ hội duy nhất là hoàn thành nhiệm vụ thứ ba đúng như lời Thần Nông nói và không được phép thất bại. Nhiệm vụ đó chính là: mang em bé lại mê cung giao cho vị Thần Nông kia. Và khi đó, em sẽ được trở về vương quốc lòng đất, được gặp lại vua cha và sống cuộc sống đời đời bất tử. Nhưng, có ai ngờ, chính cái lúc chuẩn bị trao em vào tay lão thần ấy, và biết được rằng, lão phải giết em để dùng máu của một sinh linh vô tội để mở cánh cổng trở về thì Ofelia đã nhất mực từ chối. Hình ảnh cô bé nhỏ nhắn mà can trường ôm trọn em trai trong tay khiến cho trái tim mình tan chảy. Đứa em bé bỏng mà cô bé kể chuyện cho nghe hằng đêm ngay từ trong bụng mẹ, đứa em mà mẹ đã phải hi sinh tính mạng để được chào đời, đứa em là mối liên kết cuối cùng với người mẹ thương yêu đã khiến Ofelia- người tin vào cổ tích nhất đã từ chối lại chính niềm tin ấy chỉ bởi lời hứa: “Chị em ta sẽ luôn bên nhau”. Sau giây phút lựa chọn ấy, Thần Nông đã tức giận điên cuồng quay lưng đi, Vidal chộp lấy đứa con và bắn vào cô bé.

Mê cung thần nông review
Cái chết quá đỗi đau thương của Ofelia trên nền điệu ru u buồn đến quặn lòng…

(Soundtrack tuyệt vời của phim-> https://www.youtube.com/watch?v=8t9tzCUZuWQ)

Khi những giọt máu tươi long tong nhỏ xuống từ thân ảnh nhỏ xinh như thiên thần ấy, ta không thể cầm được nước mắt. Trong tiếng nấc nghẹn ngào của Mercedes khi ôm em trong vòng tay, chính cái lúc cuộc đời đen tối này ngỡ đã xâm lăng tất cả những hi vọng mơ hồ của chúng ta về cổ tích, thì phép màu đã thực sự xảy ra trong chính tâm trí Ofelia. Đó không phải vì máu của Ofelia- một sinh linh ngây thơ vô tội đẹp đẽ nhất- đã mở ra cánh cổng để trở về Vương quốc lòng đất và giúp em sống hạnh phúc trong vòng tay của mẹ cha. Đó không phải vì quân du kích cuối cùng giành chiến thắng và tên đại úy gian ác đã bị trừng trị thích đáng. Mà đó là vì, chúng ta, theo bộ phim đến tận giây phút cuối cùng mới chợt vỡ òa ra rằng, tất cả những câu chuyện thần thoại này, những thế giới lẫn lộn mộng ảo đẫm máu và nước mắt này chỉ để nói lên một điều rằng, dẫu trong sách truyện hay giữa bom đạn, giữa quá khứ hay hiện tại và tương lai, thì chỉ có tấm lòng thiên lương trong sáng tự tận đáy tim mới có thể tạo nên những kỳ tích. Chỉ có tình yêu thương thuần khiết giữa người và người mới có thể thay đổi cục diện và làm cho thế giới dẫu thực hay ảo tốt đẹp hơn lên.

Mê cung thần nông review
Pan’s Labyrinth đã mang lại cho mình rất nhiều cung bậc cảm xúc: chán ngán, ngạc nhiên, sợ hãi, đau đớn, giận dữ nhưng trên hết là xúc động. Mọi thứ đều được đẩy đến tận cùng. Mạch phim thắt mở nút liên tục, dẫu đôi chỗ còn rất lê thê, gượng gạo và thiếu logic nhưng điều đó không quan trọng bởi tuyến nhân vật gọn ghẽ mà chặt chẽ. Các diễn viên đều đóng rất đạt và tròn trịa. Từ Ofelia ngây thơ trong sáng như một viên pha lê. Mẹ em, người phụ nữ góa chồng cam chịu, thương con trọn vẹn tấm lòng, chấp nhận lấy đại úy để khỏa lấp nỗi cô đơn nhưng vẫn nhạy cảm đủ để hiểu và thất vọng về con người thực của gã. Cô hầu gái Mecedes nhân hậu, quả cảm và mình khoái nhất màn cô lén giấu dao vào tạp dề rồi cho tay Vidal một cú rạch mồm đầy hả hê!!! (nhìn lão lúc ấy y như Joker, ghê lắm! >’’<)

Mê cung thần nông review
Nhưng mình vẫn ấn tượng nhất hai nhân vật: đại úy Vidal và vị bác sĩ Ferreiro. Không đơn giản là một tay trùm phát xít tàn bạo, nhẫn tâm, Vidal cũng đại diện cho một thế giới trần trụi, bạo lực và đầy hoài nghi ở con người. Gã ta có một ám ảnh đến cuồng tín về một liên kết giống nòi, giữa cha và con trai. Ngày trước, cha gã từng hi sinh trên chiến trường và đã đập nát chiếc đồng hồ quả quýt để con trai biết được chính xác giờ mình đã hi sinh. Gã ám ảnh về thời gian, luôn mang chiếc đồng hồ cũ vỡ mặt bên người như một cách để nhắc nhở rằng, gã phải có một đứa con trai sinh ra ngay tại nơi cha nó có thể sẽ hi sinh như “truyền thống” gia đình đầy quái gở kia. Tiếng tích tắc của cái đồng hồ trong căn phòng lạnh lẽo cũng là tiếng the thé vô cảm của một linh hồn khô giá.

Mê cung thần nông review
Ngược lại, vị bác sĩ Ferreiro chính là cái thiện đối lập trực diện với cái ác, là biểu tượng của sự nhân ái bất chấp sự chia rẽ chính trị, lý tưởng giữa hai phe. Khi bị ép buộc làm điều trái lương tâm, ông đã nói: “Kẻ phục tùng là kẻ chỉ biết tuân lệnh mà không thắc mắc. Và thứ đó chỉ có ông mới làm được thôi, đại úy!”. Với ông, thứ quý giá nhất đơn giản là tính mạng của con người. Ông ân cần chăm sóc mẹ Ofelia, ông giúp những người du kích chữa chạy vết thương trong rừng sâu mà không màng hiểm nguy. Ông cho họ cái chết nhẹ nhàng thanh thản để cuối cùng chính ông cũng ngã xuống trước họng súng tàn bạo của Vidal. Nhưng nếu những nhân vật khác trong phim chết đầy máu me trong đau đớn vì tra tấn, vì sanh nở khó thì cái chết của vị bác sĩ đáng kính lại thật đẹp. Khi bị viên đạn xuyên qua người, ông vẫn tiếp tục bước, gỡ mắt kính và day nhẹ vầng trán nhân từ. Và khi gục xuống nét mặt ông vẫn hiền lành khẳng khái như đang say ngủ…

Một nhân vật hoàn toàn không hề…có lời thoại trong phim nhưng cũng khiến mình ấn tượng là đứa bé trai, em của Ofelia- cũng như vị bác sĩ- là chiếc cầu nối giữa cái ác và cái thiện. Cậu bé là con của một tên phát xít tàn bạo nhưng lại được ấp ủ bằng tình yêu thương cùa mẹ và chị. Cậu bé lẽ ra phải chết như một tất yếu nhưng cuối cùng lại sống bằng một quyết định hoàn toàn bất ngờ của tình thương.

Mê cung thần nông review
Và cuối cùng, cậu bé được sinh ra với mong muốn được tiếp nối truyền thống ám ảnh của tay trùm độc đoán, nhưng chính tình ruột thịt từ phía khác đã phá vỡ lời nguyền này. Lời khẳng định của Mercedes với Vidal ở đoạn cuối rằng: Cậu bé sẽ hoàn toàn không được biết gì về cha nó, cũng chính là một kết thúc mở của mạch phim: cái thiện luôn có thể mọc mầm và tái sinh trên chính cái ác!

Thực sự, mình tin rằng, điều gì cũng phải có duyên của nó. Mình có thói quen chia cuộc đời bằng những cột mốc của các bộ phim, cuốn sách hay mình đọc. Và có lẽ Pan’s Labyrinth xứng đáng trở thành một cột mốc như vậy. Cho những ai không còn tin vào cổ tích, bộ phim là một sự thật trần trụi và khốc liệt về sự đấu tranh sinh tồn giữa cái thiện và các ác. Và trên hết bộ phim ca ngợi về đức tin. Ai trong phim cũng có một niềm tin riêng mình. Những người du kích tin vào chiến thắng. Vidal tin rằng con gã là một đứa con trai để nối nghiêp cha tiêu diệt hết những thành phần phiến loạn trên đất nước này. Mẹ Ofelia tin vào một cuộc sống mới. Vị bác sĩ tin vào y đức. Còn Ofelia tin vào cổ tích, thứ mà tất cả mọi người đều không còn tin nữa khi họ lớn lên. Và dù đúng hay sai, đức tin của mỗi nhân vật đã giữ cho họ sống, cho họ một lòng quả cảm và sức mạnh để sống trọn vẹn cuộc đời mình.

Mê cung thần nông review
Thế giới ảo này dẫu không thực nhưng đó chính là phần thưởng cho niềm tin của Ofelia, xoa dịu cái chết tang thương trong sự yên bình, thanh thản- thứ mà những người thiện lương như em xứng đáng có được

Riêng mình, mình tin rằng dù thế giới này có đảo điên đến thế nào thì chính tình người sẽ luôn tỏa sáng. Và dù có thế giới cổ tích hay không thì đời thực này cũng sẽ luôn có phép màu nếu ta biết sống và hi sinh vì nhau, điều đó mới chính là ánh sao soi đường cho chính đức tin, giữ cho nó trở thành một đức tin đúng đắn, có ý nghĩa. Đây mới chính là thông điệp nhân văn nhất mà thiên cổ tích này muốn gửi đến cho chúng ta, những kẻ đã qua tuổi mộng mơ và hằng ngày hằng giờ phải đối mặt với cả một thế giới đầy đổi thay và biến động khó lường. Như ở đoạn cuối, vị Thần Nông đã mỉm cười vì lựa chọn của Ofelia, bởi em cuối cùng đã xuất sắc vượt qua thử thách thực sự dành cho mình: lựa chọn giữa tình yêu thương và lòng tin mù quáng, giữa cái thực sự hiện hữu và ảo giới mông lung.

Còn bạn, trang trải lòng mình giữa cõi đời trần trụi này, bạn tin vào điều gì?

Yun

SG, 2/3/2015