Lạm phát nền kinh tế việt nam đang bao nhiêu

Ổn định lạm phát ở mức hợp lý là một vấn đề cực kỳ quan trọng, bởi lẽ lạm phát là một trong những chỉ tiêu vĩ mô đánh giá sức khỏe của một nền kinh tế bên cạnh các chỉ tiêu tăng trưởng và thất nghiệp. Nếu lạm phát tăng quá mức sẽ ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, tiêu dùng trong nền kinh tế, qua đó tác động đến tăng trưởng kinh tế cũng như đảm bảo đời sống người dân.

Ngược lại, khi tình trạng giảm hay thiểu phát xảy ra, khiến cho lãi suất thực tế tăng lên, hoạt động đầu tư sụt giảm, ngân hàng bị ứ đọng vốn, tăng trưởng kinh tế bị đình trệ. Do vậy, kiểm soát lạm phát mang tính chất 2 mặt: một mặt kiềm chế lạm phát không tăng quá cao; mặt khác không để nền kinh tế rơi vào tình trạng giảm phát hoặc thiểu phát.

Có nhiều chủ thể tham gia kiểm soát lạm phát. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, tất cả các bộ, ngành, địa phương có liên quan đều tham gia kiểm soát lạm phát, nhưng chủ thể quan trọng nhất, dưới sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ là Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và Bộ Tài chính.

Lạm phát ở Việt Nam thời gian thể hiện qua số liệu Bảng 1. Các số liệu thống kê cho thấy, năm 2015, tỷ lệ lạm phát đạt mức thấp kỷ lục 0,63%, giai đoạn 2015-2020 nền kinh tế được điều hành chặt chẽ nên tỷ lệ lạm phát luôn ổn định ở mức dưới 4%. Năm 2021, mặc dù chịu ảnh hưởng của xung đột Nga-Ukraine và những nút thắt chuỗi cung ứng toàn cầu trong đại dịch COVID-19, lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt.

Với mức lạm phát 1,84%, Việt Nam là một “làn gió ngược” trong xu hướng lạm phát cao toàn cầu. Năm 2022, tỷ lệ lạm phát tăng nhẹ ở mức 3,21%, Việt Nam nằm trong số ít những quốc gia có mức lạm phát trung bình 4-6%. Trong quý I/2023, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tính chung tăng 4,18% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 5,01%.

Bảng 1: Lạm phát của Việt Nam giai đoạn 2015-3/2023 (% so với cùng kỳ)

Lạm phát

2015

2016

2017

2018

2019

2020

2021

2022

3/2023

Lạm phát chung

0,63

2,66

3,53

3,54

2,79

3,23

1,84

3,15

4,10

Lạm phát cơ bản

2,00

1,83

1,41

1,48

2,01

2,31

0,81

2,59

5,01

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Để kiểm soát lạm phát, giai đoạn 2015-3/2023, Việt Nam thực hiện các chính sách linh hoạt, thận trọng. Năm 2020, Việt Nam thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ thông qua 3 đợt điều chỉnh lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh và nền kinh tế trước nguy cơ giảm phát do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống còn 5%-4,5%-4%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ 4%/năm xuống còn 3,5%-3%-2,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng giảm từ 7%/năm xuống còn 6%-5,5%-5%/năm; Lãi suất tiền gửi không kỳ hạn hoặc kỳ hạn dưới 1 tháng bằng đồng Việt Nam giảm từ 0,8%/năm xuống 0,5%-0,2%/năm và lãi suất của các khoản tiền có kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống chỉ còn 4,75%-4,5%/năm.

Trên cơ sở đó, đến cuối năm 2020, lãi suất huy động phổ biến ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc dưới 1 tháng; 3,2-3,9%/năm đối với tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng. Lãi suất cho vay bình quân giảm 1%/năm so với cuối năm 2019; Lãi suất cho vay phổ biến ở mức 4,5%/năm đối với thời gian ngắn hạn. Việc hạ lãi suất tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cùng với các tổ chức tín dụng có nhiều cơ hội có thể tiếp cận với nguồn vốn vay, giảm chi phí vốn vay, đồng thời thúc đẩy đầu tư tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ lệ lạm phát.

Do phải chịu những tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện chính sách tài khóa mở rộng tăng cường chi tiêu với mục tiêu ưu tiên cân đối nguồn cung cho lĩnh vực phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân phải chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Cụ thể, Chính phủ đã đưa ra các gói kích thích tài khóa bao gồm giảm thuế và tiền thuê đất trị giá 180.000 tỷ đồng tương đương 3%GDP; chiếm 11,7% thu ngân sách, 10,3% chi ngân sách và 88% mức thâm hụt ngân sách.

Bên cạnh đó, khoản chi tiền mặt cho an sinh xã hội trị giá 62.000 tỷ đồng, giảm giá điện trị giá 11.000 tỷ đồng và hoãn đóng bảo hiểm xã hội trị giá 9.500 tỷ đồng. Như vậy, tính tổng thể quy mô gói kích thích tài khóa của Việt Nam tương đương 4,3% GDP. Cùng với đó, Chính phủ Việt Nam hoãn lộ trình tăng giá các dịch vụ y tế, khiến cho giá của các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu như điện, nước, lương thực, thực phẩm… giảm mạnh so với các năm trước, góp phần làm giảm tỷ lệ lạm phát.

Về chính sách tiền tệ, NHNN tiếp tục thực hiện chào mua giấy tờ có giá qua nghiệp vụ thị trường mở với lãi suất ổn định 2,5%/năm với khối lượng và thời hạn được điều chỉnh phù hợp để đáp ứng nhu cầu thanh toán của các tổ chức tín dụng và các chủ thể trong nền kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ. Từ tháng 11/2021, để theo đuổi các mục tiêu về tăng trưởng lạm phát đặt ra trong năm, thời hạn chào mua đã được điều chỉnh lên đến 91 ngày.

Ngoài ra, NHNN không có sự thay đổi nào đối với quy định về mức lãi suất cũng như tỷ lệ dự trữ được lập ra trong những năm trước đó. Dựa vào đó, lãi suất thị trường được điều chỉnh để phù hợp với động thái điều hành của NHNN. Cụ thể, đến cuối năm 2021, lãi suất huy động bình quân ở mức 0,1-0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn hoặc dưới 1 tháng; 3,3-3,5%/năm năm đối với tiền gửi từ 1 đến dưới 6 tháng; 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi từ 6 đến 12 tháng. Lãi suất cho vay bình quân đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ ở mức 7,6-9,2%/năm và 4,3%/năm đối với lãi suất cho vay ngắn hạn với 1 số ngành. Từ đó, so với năm trước đó, lãi suất tiền gửi bình quân đã giảm 0,58%/năm và với lãi suất cho vay là giảm 0,82%/năm.

Với nhiều nỗ lực, vấn đề kiểm soát lạm phát của Việt Nam thời gian qua đã thu được một số kết quả: (i) Chính sách tín dụng được điều chỉnh phù hợp với diễn biến kinh tế góp phần kiềm chế lạm phát; (ii) NHNN đã có những điều chỉnh rất linh hoạt lãi suất trong điều hành CSTT, khi xuất hiện những diễn biến mới của tình hình, lãi suất bám sát diễn biến của chỉ số giá, hỗ trợ các doanh nghiệp trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn và củng cố niềm tin của xã hội đối với VND, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay đã giảm mạnh

Tuy nhiên, những nỗ lực kiểm soát lạm phát cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức như: (i) Yếu tố độc quyền rất cao trong một số mặt hàng chủ chốt gây ra những sự khó khăn trong việc đưa ra các chính sách đồng thời gây ra tác động lạm phát cho cả nên kinh tế; (ii) Những chi phí không chính thức do hệ thống vận tải và logistic vẫn chưa được hoàn thiện, thiếu sự cạnh tranh ở một số các mặt hàng chủ chốt khiến cho chi phí vận chuyển bị đẩy lên cao dẫn tới khả năng xảy ra yếu tố lạm phát về phía cung; (iii) Cơ quan điều hành chính sách tiền tệ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trong việc lựa chọn chính sách…

Những hạn chế này xuất phát từ một số nguyên nhân: (i) Thể chế còn chưa minh bạch cũng như còn thiếu đi những bộ luật chống độc quyền; (ii) Môi trường pháp lý chưa được hoàn thiện; (iii) Việc lựa chọn sử dụng các công cụ kiểm soát lạm phát chưa được hiệu quả.

Giải pháp kiểm soát lạm phát ở Việt Nam hiện nay

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, bài viết đề xuất một số giải pháp gồm:

Thứ nhất, đa dạng hóa nguồn cung nguyên vật liệu và không để đứt gãy chuỗi cung ứng: Để kiềm chế lạm phát, cần đảm bảo đủ cung hàng hóa, tránh tình trạng tăng giá bất thường. Tăng cường quản lý thị trường; đa dạng nguồn cung, đảm bảo nguồn cung của từng nhóm nguyên vật liệu trong mỗi ngành không phụ thuộc vào một thị trường, một khu vực trong bối cảnh Mỹ và châu Âu áp dụng nhiều lệnh trừng phạt Nga. Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, thanh tra thị trường, chống việc găm hàng, thổi giá, tránh tình trạng lợi dụng giá xăng dầu để tăng giá hàng hóa bất hợp lý; Thực hành tiết kiệm, giảm thiểu tác động của giá thế giới; Theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát thế giới để kịp thời cảnh báo nguy cơ gây nên lạm phát ở Việt Nam; Tăng cường hoạt động truyền thông nhằm đưa thông tin kịp thời, minh bạch, tránh tác động xấu đến tâm lý người tiêu dùng, ổn định lạm phát kỳ vọng.