Khai thông dân trí là gì

1. Báo Đà Nẵng Xuân Giáp Ngọ 2014 đăng bài Phan Châu Trinh, Nelson Mandela, San Suu Kyi với văn hóa và giáo dục của Chu Hảo. Đây là một trong những bài báo gây ấn tượng sâu sắc và thú vị trên báo Đà Nẵng Xuân Giáp Ngọ 2014. Qua bài báo này, Chu Hảo nhấn mạnh: “Khai dân trí rồi mới chấn dân khí là tầm nhìn vượt trội của Phan Châu Trinh”.

Khai thông dân trí là gì
Đám tang cụ Phan Châu Trinh, Sài Gòn năm 1926. Ảnh tư liệu

Đúng là trong 3 việc cần làm ngay của Phong trào Duy Tân - khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh, Phan Châu Trinh xếp khai dân trí vào vị trí thứ nhất, xếp chấn dân khí vào vị trí thứ nhì... Tuy nhiên, nhất nhì ở đây là xét trong nhãn quan của tư duy tuyến tính.

Xét từ một nhãn quan khác, có thể hình dung khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh như 3 cạnh của tam giác đều, đòi hỏi phải làm cùng lúc vì khó có thể xác định việc nào trước việc nào sau. Và thật ra Phan Châu Trinh chưa hẳn là người đầu tiên thời cận đại quan tâm tới vấn đề dân khí(*). Trước đó, nhà thơ Tú Xương (1870-1907) bằng sự mẫn cảm nghệ sĩ cũng từng cảm nhận khá rõ thực trạng dân khí nước ta lúc bấy giờ: “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo” (bài Than đạo học). Có điều ở đây Tú Xương mới khái quát thực trạng dân khí chủ yếu trong tầng lớp trí thức nho học - tất nhiên sĩ khí nói riêng đã vậy thì dân khí nói chung chắc cũng chẳng ra gì.

Năm 1907 - năm Tú Xương qua đời, Đông Kinh nghĩa thục được thành lập tại Hà Nội nhằm góp phần thực hiện chủ trương khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh của Phong trào Duy tân trên đất Bắc, nhưng do người học đa phần là nho sĩ và thời gian được phép hoạt động quá ngắn, nghĩa thục này chỉ có điều kiện triển khai mục tiêu chấn sĩ khí - chứ chưa phải chấn dân khí như Phan Châu Trinh quan niệm. Khi quyết định chuyển căn cứ địa Phong trào Duy tân khởi nguồn từ kinh thành Huế về Quảng Nam, Phan Châu Trinh cùng các đồng chí của ông đều có chung cảm nhận rằng, chốn đế đô rợp bóng vương quyền khó lòng dung nạp nổi những đổi thay mang tính cách mạng về mọi phương diện, đều thấy rõ ở ngay quê hương Nguyễn Lộ Trạch - ngọn cờ đầu của tư tưởng duy tân - khó có thể thành công trong việc biến chủ trương cải cách dân chủ của số ít sĩ phu tiến bộ thành phong trào hành động của số đông quần chúng. Cái ý tưởng tác động trực tiếp và rộng rãi tới số đông quần chúng như vậy đã chi phối xuyên suốt cả 3 lĩnh vực khai dân trí - mở trường học, hậu dân sinh - lập hội buôn và chấn dân khí trong Phong trào Duy tân đất Quảng. Đây là chỗ đáng chú ý nhất - mà cũng là điểm sáng nhất - trong quan niệm về chấn dân khí của Phan Châu Trinh. 

2. Trong “Thư gửi Toàn quyền Đông Dương” viết ngày 1-10-1906, Phan Châu Trinh cho rằng: “... nước Nam bây giờ, dân khí thì yếu hèn, dân trí thì mờ tối, ví với các nước châu Âu, châu Mỹ, cách xa không biết bao nhiêu dặm đường”.

Để đi đến nhận định “dân khí thì yếu hèn”, Phan Châu Trinh không thể không nêu trước tiên sự yếu hèn của sĩ khí: “Hiện bây giờ, quan lại nước Nam, không cứ quan lớn quan nhỏ, khi tiếp kiến quan Tây, đều là run sợ rụt rè, chỉ sợ thưa thốt sai lầm làm cho quan Tây nổi giận. Ở các chốn hương thôn, những kẻ thân sĩ, khi đó ở ngoài đường ngẫu nhiên gặp người Tây, không cứ là Tây quan, Tây lính hay là Tây buôn, thì phải cúi đầu cụp tai rảo bước mà đi cho mau, chỉ sợ tránh không xa mà bị nhục”, hoặc “trong khoảng vài mươi năm nay... đám sĩ phu thì ganh đua vào con đường luồn cúi hót nịnh, không biết liêm sỉ là gì”; nhưng ông vẫn quan tâm nhiều hơn cái dân khí yếu hèn của số đông quần chúng mà ông gọi là cùng dân: “Nhân dân nước Nam bây giờ ngu xuẩn như trâu, như ngựa, tha hồ cho người ràng trói, cho người đánh đập, có miệng mà không dám kêu, gần chết mà không dám than thở”.

Chấn dân khí trong tư duy của Phan Châu Trinh chủ yếu là phải thay đổi cho được cái dân khí yếu hèn ấy ở những người cùng dân. Và ông tin là có thể thay đổi được, bởi theo lập luận của ông cái dân khí yếu hèn ấy chỉ là nhất thời: “Nước Nam nhân cách tuy rằng tồi mạt, dân trí tuy rằng lú lấp, nhưng nếu vài trăm năm nay cứ đồi bại mãi như thế, thì nòi giống tất phải tan nát những bao giờ rồi, có thể nào độc lập được hơn nghìn năm, nghiễm nhiên là một nước lớn ở phương Nam, số người vẫn cứ sinh sôi nẩy nở ngày thêm nhiều ra, đến bây giờ thành ra một dân tộc lớn trên thế giới”.

Tất nhiên còn một lý do nữa để Phan Châu Trinh có thêm lòng tin vào khả năng thay đổi: Sự tỉnh ngộ của những sĩ phu tân tiến như ông và các đồng chí của ông, và không chỉ tự mình tỉnh ngộ, họ còn trở thành lãnh tụ của Phong trào Duy tân, ngày đêm lao tâm khổ tứ tìm mọi cách giúp đồng bào cả nước cùng tỉnh ngộ - không phải ngẫu nhiên mà Phan Châu Trinh sáng tác đến hai bài Tỉnh quốc hồn ca.

3. Đặt chấn dân khí trong mối quan hệ hữu cơ với khai dân trí và hậu dân sinh chính là cái cách hữu hiệu nhất mà Phan Châu Trinh và các đồng chí của ông giúp đồng bào cả nước cùng tỉnh ngộ về thực trạng dân khí yếu hèn và về đòi hỏi sống còn là làm cho “khí dân ta ngày càng cứng cỏi” (như cách nói của Phan Bội Châu trong Văn tế Phan Châu Trinh). Nhà duy tân Lương Khải Siêu từng khuyên Phan Bội Châu: “Quý quốc không lo không có ngày độc lập, mà chỉ lo quốc dân không có đủ tư cách độc lập... thực lực của quý quốc là dân trí, dân khí và nhân tài”. Trong lời khuyên chân thành và hầu như cũng xuất phát từ thực tiễn Trung Quốc đương thời, có thể thấy Lương Khải Siêu tiếp cận vấn đề khá toàn diện, quan tâm vừa là số đông quần chúng - quốc dân, vừa là lực lượng sĩ phu tân tiến - nhân tài; vừa là dân trí, vừa là dân khí. Phan Châu Trinh đi xa hơn một chút khi đề cập đến yêu cầu hậu dân sinh.

Cái mới của Phong trào Duy tân so với các cuộc vận động cách mạng khác là hết sức chú ý đến khía cạnh kinh tế, đúng hơn là quan tâm đồng thời cả ba khía cạnh dân trí, dân khí và dân sinh - tức kinh tế. Chính nhờ những lãnh tụ Phong trào Duy tân nhận thức rõ mối quan hệ giữa khai dân trí và hậu dân sinh cho nên “từ Quảng Nam trở vào đến Bình Thuận, hợp thương đi liền với học hiệu (...) trường hợp tiêu biểu nhất cho sự kết hợp giữa thương hội và học hiệu có lẽ là trường Dục Thanh ở Phan Thiết, được thành lập và hoạt động dưới sự bảo trợ của Công ty Nước mắm Liên Thành”. Và theo nhận thức của những con người tiên giác ấy, nếu dân trí còn thấp (Phan Châu Trinh gọi chính xác hơn là còn lú lấp vì nhiều người học hành đỗ đạt hẳn hoi mà trí cũng chưa cao), thì dân khí khó có thể cứng cỏi.

Dân khí cũng khó có thể cứng cỏi nếu dân sinh còn nghèo khổ, bởi đúng như câu nói nổi tiếng của một tổng thống Mỹ được dịch in thường kỳ trên Tạp chí Nam Phong: “Chỉ những kẻ đồng đẳng mới bình đẳng”. Nhưng dân khí càng khó có thể cứng cỏi hơn nhiều nếu người trong cuộc cứ suốt đời cam chịu hèn yếu, hay nói như Phan Châu Trinh là “có miệng mà không dám kêu, gần chết mà không dám than thở”. Lịch sử Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX đã chứng tỏ người trong cuộc - sản phẩm của Phong trào duy tân - không cam chịu hèn yếu nữa và trong ba cạnh của cùng tam-giác-đều-duy-tân ấy, cạnh dân khí là chuyển động rõ nhất mà cũng bi tráng nhất qua cuộc dân biến Trung Kỳ năm 1908.

BÙI VĂN TIẾNG


(*) Thời trung đại, sử gia Lê Văn Hưu khi ca ngợi chị em Trưng Trắc, Trưng Nhị cũng từng than phiền về sĩ khí nước ta trong giai đoạn Bắc thuộc: “Tiếc rằng (sau đó) trong khoảng gần nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao? Ôi! Có thể gọi là tự vứt bỏ mình vậy” (Đại Việt sử ký toàn thư, tập I, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1983, trang 146).