Khái niệm tiếp xúc và giao lưu văn hóa năm 2024

Khái niệm giao lưu và tiếp biến văn hóa được dịch từ những thuật ngữ như cultural contacts, cultural exchanges..., để chỉ một quy luật trong sự vận động và phát triển văn hóa của các dân tộc. Đó là hiện tượng xảy ra khi những nhóm người (cộng đồng, dân tộc) có văn hóa khác nhau giao lưu tiếp xúc với nhau tạo nên sự biến đổi về văn hóa của một hoặc cả hai nhóm. Giao lưu văn hóa tạo nên sự dung hợp, tổng hợp và tích hợp văn hóa ở các cộng đồng. Ở đó có sự kết hợp giữa các yếu tố "nội sinh" với yếu tố "ngoại sinh" tạo nên sự phát triển văn hóa phong phú, đa dạng và tiến bộ hơn. Giao lưu và tiếp biến văn hóa là sự tiếp nhận văn hóa nước ngoài bởi dân tộc chủ thể. Quá trình này luôn đặt mỗi dân tộc phải xử lý tốt mối quan hệ biện chứng giữa yếu tố "nội sinh" và "ngoại sinh". Trong lĩnh vực văn hóa chỉ có khái niệm "giao lưu và tiếp biến văn hóa" chứ không có khái niệm "hội nhập văn hóa". Thuật ngữ hội nhập chỉ sử dụng cho các lĩnh vực ngoài văn hóa, chẳng hạn như kinh tế...

Trước xu thế toàn cầu hóa, khi Việt Nam trở thành thành viên 150 của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và yêu cầu phát triển mới của đất nước, Đảng ta yêu cầu phải "Làm cho văn hóa thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, hoàn thiện hệ giá trị mới của con người Việt Nam, kế thừa các giá trị truyền thống của dân tộc và tiếp thu tinh hoa văn hóa của loài người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân"(1).

(1) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr 213

Tiếp xúc và giao lưu văn hóa là hiện tượng phổ biến của xã hội loài người, là quy luật vận động, phát triển của mọi nền văn hóa. Giao lưu văn hóa phản ánh sự học hỏi và tiếp nhận tri thức, kinh nghiệm của các quốc gia trên nhiều lĩnh vực, trước hết là những thành tựu về trí tuệ, khoa học, công nghệ, về kinh nghiệm tổ chức, quản lý nhà nước. Lịch sử giao lưu văn hóa quốc tế đưa lại cho nhân loại ánh sáng trí tuệ, những phát minh, những kinh nghiệm trong lao động sáng tạo. Với đặc điểm gần gũi về không gian địa lý, với tính chất cởi mở, khoan dung, văn hóa Việt Nam từ rất sớm đã có điều kiện thuận lợi để tiếp xúc, giao lưu, tiếp biến với các nền văn hóa khác. Trong đó, tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt Nam - Trung Quốc có thể nói là mối giao lưu lâu dài, thường xuyên, nhiều thăng trầm, đồng thời cũng là quan hệ bền vững, đạt nhiều thành tựu và có ảnh hưởng lớn đến mỗi quốc gia.

Trong lịch sử, những yếu tố văn hóa Trung Hoa đã đi vào Việt Nam bằng nhiều con đường khác nhau, đan xen chồng chéo, ở mức độ đậm nhạt khác nhau với cách ứng xử không giống nhau. Con đường triều đình và Nho sĩ được xem là con đường chính thống mà sử sách ghi chép khá đầy đủ. Đây là con đường chuyển tải có hệ thống và có chủ trương bằng chính sách đồng hóa áp đặt, nhưng thường hay vấp phải sự phản kháng từ phía tiếp nhận (chống đồng hóa). Ở chiều ngược lại, con đường dân gian - đi từ thông thương, di cư, cộng cư, hòa nhập thường diễn ra âm thầm và lặng lẽ thông qua các tầng lớp nhân dân lao động người Hoa. Con đường này mang tính chất tự nguyện và theo quy luật: “truyền” và “tiếp nhận”. Cả hai dạng thức của tiếp xúc, giao lưu, tiếp biến văn hóa cưỡng bức và tự nguyện của mối quan hệ giữa văn hóa Việt Nam và văn hóa Trung Hoa đều là nhân tố cho sự vận động của văn hóa Việt Nam qua diễn trình lịch sử. Việc thâu hóa, bản địa hóa có ý thức những giá trị văn hóa Trung Hoa để làm giàu cho văn hóa dân tộc ta đã đạt được những thành tựu đáng kể, biểu hiện phong phú trong các lĩnh vực: sinh hoạt đời sống (ăn, mặc, ở…), phong tục tập quán, tôn giáo, tín ngưỡng, ngôn ngữ, văn tự, nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc, hội họa...

Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu về quá trình tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt Nam - Trung Quốc như là quy luật phát triển của văn hóa, quy luật tất yếu của đời sống, một nhu cầu tự nhiên của con người; ảnh hưởng từ quá trình này đối với văn hóa Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật xuất bản cuốn sách Tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt - Hoa trong lịch sử của GS. Phạm Đức Dương và TS. Châu Thị Hải, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam (đồng chủ biên).

Cuốn sách tập hợp 12 bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu uy tín trong và ngoài Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, tập trung tìm hiểu những yếu tố Trung Hoa trong các loại hình văn hóa thuần túy bản địa cũng như vai trò của người Hoa trong việc chuyển tải văn hóa ở Việt Nam, nêu rõ những đặc điểm của sự hội nhập văn hóa Việt - Hoa và những biểu hiện cụ thể của sự hội nhập đó trên cơ sở sự kết hợp giữa các yếu tố "nội sinh" với yếu tố "ngoại sinh", trong đó hệ giá trị xã hội và tâm thức dân tộc đóng vai trò quan trọng là "màng lọc" để tiếp nhận những yếu tố văn hóa của các dân tộc khác, giúp cho văn hóa dân tộc phát triển mà vẫn giữ được sắc thái riêng của mình.

Cuốn sách này đã được xuất bản lần đầu tiên năm 1998 với tiêu đề Bước đầu tìm hiểu sự tiếp xúc và giao lưu văn hóa Việt - Hoa trong lịch sử. Trong lần xuất bản này, ghi nhận những đóng góp khoa học của các tác giả mà đến nay phần lớn đã đi xa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cố gắng giữ đúng tinh thần các bài nghiên cứu và coi đây là kết quả tham khảo, góp phần tìm hiểu sâu sắc và đầy đủ hơn sự giao tiếp văn hóa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng.