Kết bài hồn trương ba, da hàng thịt học sinh giỏi

Dàn ý chi tiết

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm:

Tác giả Lưu Quang Vũ (1948-1988) là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại.

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những vở kịch đặc sắc nhất của Lưu Quang Vũ.

Đoạn trích thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch.

2. Thân bài

2.1. Khái quát chung

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được viết vào năm 1981, công diễn lần đầu năm 1984.

Vở kịch thực chất là sự cải biên một truyện cười dân gian

Đoạn trích phân tích thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch.

2.2. Nội dung phân tích

LĐ1: Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba với xác anh hàng thịt (xung đột trung tâm)

=> Bi kịch sống nhờ, sống gửi, tồn tại trái với lẽ tự nhiên

LĐ2: Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba với người thân

=> Bi kịch bị chối bỏ bởi những người xung quanh

LĐ3: Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba với Đế Thích

=> Bi kịch sửa sai càng thêm sai

LĐ4: Giải thoát bi kịch của một sự giả tạo trong con người Hồn Trương Ba

=> Một kết cục bi kịch nhưng là sự chiến thắng của những điều tốt đẹp, của bản lĩnh, của một hồn Trương Ba “nguyên vẹn, thẳng thắn, trong sạch”

2.3. Đánh giá nghệ thuật

Sự hấp dẫn của kịch bản, được sáng tác từ cốt truyện dân gian.

Nghệ thuật tạo dựng tình huống độc đáo, xây dựng và dẫn dắt xung đột kịch hợp lí.

Nghệ thuật dựng hành động kịch sinh động.

Vở kịch được tạo nên bởi yếu tố huyền thoại, nghĩa là không có thực.

3. Kết bài

Tổng kết nội dung phân tích.

Nếu cảm nhận

Kết bài hồn trương ba, da hàng thịt học sinh giỏi

Phân tích trích đoạn kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Bài văn tham khảo

Lưu Quang Vũ (1948-1988) được đánh giá một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học nghệ thuật Việt Nam hiện đại. Sau năm 1975, Lưu Quang Vũ nổi lên như một nhà soạn kịch có sức sáng tạo vô cùng dổi dào. Các tác phẩm của ông có sức phê phán mạnh mẽ, đầy quyết liệt và đậm chất trữ tình. Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” là một trong những vở kịch đặc sắc nhất và mang chủ đề phức tạp nhất của Lưu Quang Vũ. Nằm ở phần kết của vở kịch, đoạn trích thể hiện rõ nhất tài năng của nhà viết kịch hàng đầu Việt Nam.

Vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” được Lưu Quang Vũ viết vào năm 1981, công diễn lần đầu năm 1984 và nhiều lần trên sân khấu cả trong và ngoài nước.Vở kịch được gợi dẫn từ một cốt truyện dân gian, thực chất là sự cải biên một truyện cười dân gian. Trong khi tác giả dân gian chỉ tạo ra một tình huống oái oăm nhằm gây tiếng cười phê phán thì Lưu Quang Vũ đã biến nó thành một tấn bi kịch – bi kịch tâm lí. Đoạn trích phân tích thuộc cảnh VII và đoạn kết của vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”.

Xem thêm:  Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngắn “Lão Hạc” của Nam Cao

Đến cảnh VII của vở kịch thì xung đột giữa hồn và xác đã được đẩy lên đỉnh điểm, nút thắt được siết chặt đến cao độ và cũng là lúc ta thấu hiểu tấn bi kịch mang tên: “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Đầu tiên là bi kịch sống nhờ, sống gửi, tồn tại trái với lẽ tự nhiên của hồn Trương Ba. Bi kịch ấy được thể hiện rõ qua màn đối thoại giữa hồn Trương Ba đã tách khỏi xác anh hàng thịt, còn “thân xác bằng thịt vẫn ngồi nguyên trên chõng và lúc này chỉ còn là thân xác”.  Hồn Trương Ba nhân hậu, trong sáng và thanh cao lại đặt trong thân xác của một anh hàng thịt phàm tục, thô lỗ, đầy sức mạnh bản năng tục tằn. Lúc nào hắn cũng chỉ nghĩ đến mấy “cái món tiết canh, cổ hũ, khấu đuôi…”. “Tôi chán cái chỗ ở không phải của tôi này lắm rồi”…

Cuộc tranh luận giữa hồn và xác diễn ra quyết liệt. Dường như có những lúc tiếng nói của xác thịt lấn át cả tiếng nói của linh hồn, đẩy linh hồn vào thế bị động và một mực phủ nhận lí lẽ của xác anh hàng thịt “lí lẽ của anh thật ti tiện”. Chỉ còn biết ngao ngán thở dài một tiếng “Trời!”. Qua đó, ta thấy rằng hồn Trương Ba đang ở trong tâm trạng vô cùng bức bối, đau khổ tột cùng. Những câu cảm thán ngắn, dồn dập  cùng với ước nguyện khắc khoải của linh hồn đã nói nói lên điều đó. Màn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác anh hàng thịt chính là ẩn dụ về cuộc đấu tranh giữa tâm hồn và thân xác trong một con người. Đó là tiếng nói của bản năng và những tác động ghê gớm của nó vào linh hồn. Mặc dầu cho linh hồn luôn đấu tranh để vượt lên những đòi hỏi không chính đáng của thể xác nhưng khó mà tránh khỏi những tác động đó. Hồn Trương Ba có những dấu hiệu của sự tha hóa: trở nên thô lỗ tát con đến chảy máu mồm, thèm ăn ngon, thèm rượu thịt…

Tiếp đó là bi kịch bị chối bỏ bởi những người xung quanh được thể hiện tập trung qua màn đối thoại giữa hồn Trương Ba với những người thân. Tình trạng tồn tại bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo của Hồn Trương Ba khiến cho vợ ông đau khổ tới mức định bỏ nhà ra đi dù bà là người hiền lành, cam chịu. Cái Gái quyết liệt không chịu nhận ông nội “Tôi không phải là cháu ông…Ông nội tôi chết rồi”, “Ông nội đời nào thô lỗ và phũ phàng như vậy”, “Ông xấu lắm, ác lắm! Cút đi”. Nó tố cáo Hồn Trương Ba làm gãy cây trong vườn, dẫm nát cây sâm quý của ông nội đã mất và còn làm hỏng mất cái diều của thằng cu Tị… Mặc dù cái Gái là đứa cháu rất yêu thương ông nội, đêm nào nó cũng khóc thương ông, nâng niu cất giữ từng chút kỷ niệm của ông. Nhưng nó vẫn chỉ là một đứa trẻ nhỏ, tâm hồn ngây thơ, trong sáng, thánh thiện không thể chấp nhận sự thô lỗ, tầm thường của linh hồn ông nội trú ngụ trong thân xác anh hàng thịt. Có lẽ người thấu hiểu và thương Trương Ba nhất nhà lại là chị con dâu, nhưng trước tình cảnh đó chị cũng phải nói rằng: “mỗi ngày thầy một đổi khác đi, mất mát dần”. Càng thương bố chồng, người con dâu ấy càng đau khổ, tuyệt vọng trong câu hỏi “làm sao giữ được thầy ở lại, hiền hậu, vui vẻ, tốt lành như thầy của chúng con xưa kia”. Than ôi! Còn gì đau đớn và hổ thẹn hơn khi mà bị chính những người thân của ta ruồng bỏ… Có lẽ đó là bi kịch dằn vặt nhất đối với Trương Ba của hiện tại.

Bi kịch lại nối tiếp những bi kịch khi Đế Thích khuyên Trương chấp nhận vì thế giới không toàn vẹn, thể hiện cái nhìn quan liêu, hời hợt về cuộc sống con người. Và đó chính là bi kịch sửa sai càng thêm sai. Trương Ba bị chết oan uổng vì “một lầm lẫn của quan thiên đình”. Để sửa sai thì Đế Thích đã cho hồn Trương Ba sống trong thân xác của anh hàng thịt. Tồn tại ở tình trạng trái với tự nhiên một thời đã khiến hồn Trương Ba nhận ra rằng “có những cái sai không thể sửa được. Chắp vá gượng ép chỉ càng làm sai thêm”. Chỉ có cách là cố gắng đừng sai mà thôi. Nếu lỡ sai rồi thì hãy làm một việc đúng khác để bù lại. Khi Trương Ba kiên quyết đòi trả xác cho anh hàng thịt, Đế Thích định cho hồn ông nhập vào cu Tị. Bằng sự quyết liệt của mình, Hồn Trương Ba đã không chấp nhận mà chỉ xin tiên Đế Thích trả lại cuộc sống cho cu Tị – một cậu bé ngoan ngoãn, đáng yêu, rất thân thiết với ông và cái Gái hồi ông còn sống. Có lẽ chính sự lựa chọn đó mới làm cho linh hồn của Trương Ba thanh thản. Ông nhận ra rằng con người là một thể thống nhất, hồn xác phải hài hòa đồng thuận. Sống phải là chính mình. Sự bất tử của con người nằm trong ý nghĩa sự sống và sự hóa thân vào cuộc sống xung quanh.

Khép lại vở kịch, Trương Ba đã chấp nhận cái chết để không còn cái vật quái gở mang tên “Hồn Trương Ba da hàng thịt” nữa. Đây là một kết cục đầy bi kịch chứ không phải kết thúc có hậu như trong cốt truyện dân gian trước đó. Nhưng đó lại là cái kết của sự chiến thắng cái ác, cái xấu và của những điều tốt đẹp, bản lĩnh. Vở kịch được đánh giá là một vở “bi kịch lạc quan” bởi tuy rằng Trương Ba không còn tiếp tục được sống nhưng những giá trị đích thực của cuộc sống được bảo toàn. Không còn trên cõi trần nhưng Trương Ba sẽ còn sống mãi trong lòng người thân, bạn bè và với tất cả những gì tốt đẹp nhất.

Dưới ngòi bút của nhà viết kịch điêu luyện Lưu Quang Vũ những bi kịch của hồn Trương Ba trong đoạn trích được thể hiện một cách sinh động, đầy kịch tính thông qua những màn đối thoại, xung đột. Sự hấp dẫn của kịch bản cùng với nghệ thuật tạo dựng tình huống độc đáo, xây dựng và dẫn dắt xung đột kịch hợp lí và nghệ thuật dựng hành động kịch sinh động góp phần đem đến sự thành công cho tác phẩm. Đặc biệt, vở kịch được tạo nên bởi yếu tố huyền thoại, nghĩa là không có thực. Qua đó nhà văn đã làm sáng tỏ một hiện thực: Trong xã hội cũ, tình trạng con người không làm chủ được bản thân mình, không được sống như mình mong muốn không phải là hiếm. Hàng loạt nhân vật của Nam Cao cũng rơi vào tình trạng bi kịch như thế như: Chí Phèo, Bà cái Tí, anh cu Lộ…

Nằm ở phần kết của vở kịch “Hồn Trương Ba da hàng thịt”, đoạn trích thể hiện rõ tài năng của nhà soạn kịch Lưu Quang Vũ. Thấy được kịch Lưu Quang Vũ đặc sắc trên rất nhiều phương diện như: sự kết hợp giữa tính hiện đại với các giá trị truyền thống, hay tiếng nói phê phán gay gắt, quyết liệt những hiện thực trong xã hội cũ… Vở kịch nói chung và đoạn trích nói riêng đã đem đến cho ta những bài học quý giá: Được sinh ra trên đời là một hạnh phúc, nhưng sẽ hạnh phúc hơn khi ta được sống là chính mình, sống một cách trọn vẹn với những giá trị vốn có và sẽ mãi theo đuổi nó đến cùng.

Nguyễn Thị Thu Huyền

Để ôn tập ngữ văn hiệu quả, hôm nay chúng tôi xin giới thiệu 16+ Kết bài Hồn Trương Ba da hàng thịt được đánh giá là những kết bài hay nhất, người chấm đánh giá cao. Mời các bạn theo dõi

Kết bài 1 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Thông qua cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác người hàng thịt tác giả Lưu Quang Vũ đã đặt ra mối trăn trở về quan hệ giữa thể xác và linh hồn, giữa nhu cầu vật chất và tinh thần bên trong một con người. Sự sống rất quý giá nhưng sống là mình, sống theo những giá trị tốt đẹp mà mình theo đuổi còn quý giá hơn. Để hạnh phúc con người cần dung hòa được những nhu cầu về vật chất và tinh thần.

Kết bài 2 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Lưu Quang Vũ đã mãi mãi ra đi trong một tai nạn giao thông đầy thương tâm. Khoảng trống mà nhà viết kịch tài ba ấy để lại trong nền sân khấu kịch trường Việt Nam là không thế lấp đầy. Vở kịch cuối cùng được Lưu Quang Vũ đặt tên là Chim sâm cầm không chết. Với tất cả những gì để lại cho đời thì mãi mãi Lưu Quang Vũ không chết. Từ bấy đến nay, “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” và gần 50 vở kịch khác của Lưu Quang Vũ vẫn được dàn dựng và công diễn. Những triết lí về cuộc đời, về con người, về xã hội… đặt ra trong các vở kịch luôn có ý nghĩa với mọi người, mọi thời.

Kết bài 3 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Sự sống chỉ thật sự có ý nghĩa khi con người được sống một cách tự nhiên, hài hoà giữa thể xác và tâm hồn. Ở đó, hạnh phúc của con người là chiến thắng được bản thân, chiến thắng sự dung tục để hoàn thiện nhân cách và vươn tới những giá trị cao quý về tinh thần. Lưu Quang Vũ đã rất thành công khi xây dựng nên một vở kịch đầy ý nghĩa sâu xa. Dù đã nhiều lần được công diễn trên sân khấu, nhưng lần nào cũng khán giả đón xem và hưởng ứng rất đông đảo, nhiệt tình.

Kết bài 4 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Đoạn kết kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt” đã để lại âm vang ngọt ngào trong tâm hồn bao người. Rõ ràng khát vọng được sống là chính mình, không vay mượn giả tạo, không cố tạo ra cái vỏ bọc cho mình để rồi chết đi trong hình hài của một bản sao dị dạng. Trong cuộc sống, có đôi lần ta ước mình giống một ai đó mà ta thần tượng, ta buồn bã, chán nản cho thực tại của ta rồi đổ lỗi cho số kiếp an bày. Nhưng ta quên rằng được sống là mình mới thực sự đáng quý. Mỗi người là một sắc màu, một mảnh ghép của cuộc đời. Mỗi người đem lại cho đời một ý nghĩa, hương sắc riêng biệt để khu vườn thêm muôn vẻ muôn màu. Đừng bao giờ để phai nhạt sắc hương mình rồi khoác lên mình sắc hương người mà mình vừa vay mượn. Có con ốc mượn hồn nào mà không chịu đớn đau?

Kết bài 5 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Nhiều thập kỉ đã trôi qua, bạn đọc ngày nay được sống trong sự đổi mới toàn diện, trong khí thế vươn lên của đất nước và dân tộc, sẽ còn tìm thấy nhiều tầng ý nghĩa thú vị hàm ẩn trong vở kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”. Hồn Trương Ba đã và đang đánh thức chúng ta.

Kết bài 6 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Thông qua nhân vật Trương ba cùng bi kịch sống bên ngoài một đằng, bên trong một nẻo, tác giả Lưu Quang Vũ đã thể hiện sự trăn trở về mối quan hệ giữa thể xác và tâm hồn, giữa nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Để sống hạnh phúc, con người cần dung hòa được các nhu cầu ấy.

Kết bài 7 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Từ tích truyện cổ dân gian, Lưu Quang Vũ đã sáng tạo nên một vở kịch có sức lôi cuốn mạnh mẽ, gửi tới người đọc một thông điệp sâu sắc về triết lí sống. Tính đa tầng, đa nghĩa, đã thanh trong vở kịch này là một sáng tạo mới của Lưu Quang Vũ. Chính sự đa hiệu ấy đã làm nên sức hấp dẫn và nguồn sống dạt dào cho vở kịch Hồn Trương Ba, da hàng thịt!

Kết bài 8 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Thông qua cuộc đời và những bi kịch của nhân vật Trương Ba trong vở kịch, Lưu Quang Vũ đã đem đến cho người đọc, người xem những triết lý nhân sinh, những bài học thật sâu sắc. Trong đó quan trọng nhất là khẳng định sự thống nhất biện chứng giữa hai phương diện là thể xác và tâm hồn, đồng thời cũng cổ vũ, giáo dục con người phải luôn luôn đấu tranh để hoàn thiện nhân cách, phẩm giá của bản thân, không thể sống với lối sống trong ngoài bất nhất. Điều đó không chỉ làm bản thân đau khổ vì không được sống đúng với bản thân và còn gây nhiều đau khổ cho người khác nữa.

Kết bài 9 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Ý nghĩa nhân bản, chất thơ của triết lý tràn đầy tinh thần lạc quan của Lưu Quang Vũ là ở chỗ đó. Vở kịch vang lên bài ca chiến thắng về cái Thiện, cái Đẹp của sự sống đích thực. “Được sống làm người quý giá thật, nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn những giá trị mình vốn có và theo đuổi còn gì quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn ”.

Kết bài 10 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Qua bi kịch của Trương Ba nhà văn Lưu Quang Vũ muốn gửi đến người đọc những thông điệp: Con người cần phải sống hài hòa giữa hai mặt vật chất và tinh thần. Không nên kì thị những đòi hỏi vật chất của con người, cần tôn trọng quyền tự do cá nhân, giúp mỗi người phải được là mình, sống đúng với chính mình. Và phải sửa chữa những sai lầm để xây dựng một tương lai tốt đẹp.

Kết bài 11 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Thông qua màn đối thoại giữa hai nhân vật Trương Ba và Đế Thích trong Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Lưu Quang Vũ nêu cao tư tưởng phải sống là chính mình đó mới chính là hạnh phúc thật sự của con người. Bởi vậy trong cuộc sống chúng ta phải biết đấu tranh với sự dung tục tầm thường và chiến thắng nghịch cảnh để hoàn thiện nhân cách của bản thân. Có như vậy chúng ta mới được là mình – được là chính mình toàn vẹn. Làm nên thành công của đoạn trích nói riêng và tác phẩm nói chung, Lưu Quang Vũ đã sử dụng một số thủ pháp nghệ thuật: Sáng tạo lại cốt truyện dân gian. Nghệ thuật dựng cảnh, dựng đối thoại, độc thoại nội tâm. Hành động của nhân vật phù hợp với hoàn cảnh, tính cách, góp phần phát triển tình huống truyện. Có chiều sâu triết lý khách quan.

Kết bài 12 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Làm nên sự thành công của vở kịch, ta không thể không nhắc tới nghệ thuật xây dựng tình huống đầy kịch tính, lời thoại nhân vật sống động, chân thật, đi sâu vào nội tâm nhân vật để khắc họa lên nhân vật Hồn Trương Ba với những bi kịch nhưng đậm chất nhân văn. Lưu Quang Vũ đã thổi vào nền kịch nói Việt Nam sau 1975 một làn gió mới. Và chắc chắn sức sống của nó sẽ còn mãi trong lòng bạn đọc đến hôm nay và cả mai sau.

Kết bài 13 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Tóm lại, thông qua trích kịch “Hồn Trương Ba, da hàng thịt”, Lưu Quang Vũ đã khắc họa một cuộc đối thoại sinh động giữa Hồn và Xác để từ đó đi đến kết luận về một cuộc sống thực sự có ý nghĩa, một cuộc sống thể xác và tâm hồn để tìm sự sự dung hòa hợp lí. Và trong bất kì hoàn cảnh nào, con người phải biết đấu tranh vươn lên những giá trị chân thiện mỹ, biết tự hoàn thiện bản thân trên mọi phương diện chính là thông điệp nhân sinh quý giá mà vở kịch mang lại.

Kết bài 14 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Để khắc họa lên bản chất tốt đẹp trong sâu thẳm con người của Hồn Trương Ba khiến cho vở kịch mang đậm giá trị nhân văn, Lưu Quang Vũ đã xây dựng được tình huống đầy kịch tính, lời thoại của nhân vật chân thật, sinh động, lôi cuốn, đi sâu vào nội tâm nhân vật với sự đấu tranh mâu thuẫn phức tạp, giằng xé. Kịch bản đã nêu lên được thông điệp: Phải tôn trọng quyền làm người, quyền sống của con người và không có sự áp đặt tùy tiện làm cho con người tha hóa, đánh mất chính mình cũng là ý nghĩa nhân văn của vở kịch.

Kết bài 15 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Cách lựa chọn giải quyết vấn đề cũng cho thấy được nhân cách cao đẹp trong con người Trương Ba, ông đã lựa chọn cái chết để được làm chính mình còn hơn cố gắng níu giữ sự sống trong khi mình dần bị tha hóa, biến đổi. Cuối cùng thì Trương Ba vẫn trở về là người chồng yêu thương vợ con, là người cha mẫu mực, người ông đáng kính trọng của tất cả con cháu trong nhà.

Kết bài 16 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Đoạn trích Hồn Trương Ba da hàng thịt tập trung cao độ tính chất triết lí và tư tưởng nhân văn của vở kịch có nguồn gốc dân gian này. Lưu Quang Vũ đã đưa vào vở kịch quan niệm đúng đắn về cách sống: Trước hết, mình hãy là mình. Cuộc sống của cá nhân chỉ thực sự. Có ý nghĩa khi biết sống vì niềm vui và hạnh phúc của mọi người vì sự tốt đẹp của cuộc đời. Tư tưởng triết lí về con người của Lưu Quang Vũ vừa biện chứng vừa lạc quan, cao thượng. Tất cả những điều đó được thể hiện bằng tài năng sáng tạo hiếm có của tác giả khiến vở kịch có sức cuốn hút lạ thường đối với khán giả. Lưu Quang Vũ xứng đáng là nhà biên kịch xuất sắc của sân khấu Việt Nam hiện đại.

Kết bài 17 của tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt

Muốn sống đúng là chính mình thì mỗi chúng ta cần phải biết hài hòa giữa việc chăm lo cho linh hồn cũng như biết quý trọng và chăm sóc cho những nhu cầu thiết yếu của thể xác. Thông qua đó Lưu Quang Vũ cũng góp phần phê phán hai hạng người: một loại chỉ biết trau chuốt vẻ ngoài và chạy theo những ham muốn vật chất mà không chăm lo cho đời sống tâm hồn. Loại khác thì luôn coi thường những giá trị vật chất, bỏ bê sự chăm sóc bản thân chỉ khư khư giữ cho linh hồn được cao đẹp. Thông qua xác và hồn Lưu Quang Vũ nêu cao tư tưởng phải sống là chính mình đó mới chính là hạnh phúc thật sự của con người. Bởi vậy trong cuộc sống chúng ta phải biết đấu tranh với sự dung tục tầm thường và chiến thắng nghịch cảnh để hoàn thiện nhân cách của bản thân. Có như vậy chúng ta mới được là mình – được là chính mình toàn vẹn.

Hy vọng bài viết 16+ kết bài hồn trương ba da hàng thịt đã cung cấp thêm cho bạn tài liệu ôn tập phong phú. Ngoài ra bạn có thể đọc bài viết mở bài Hồn Trương Ba da hàng thịt đã chia sẻ trước đó để bài viết ngữ văn của bạn hay hơn và đạt điểm cao.