Huyện chợ lách có bao nhiêu xã năm 2024

Về mặt địa lý hành chính, huyện Chợ Lách tuy cùng nằm chung trên cù lao Minh với hai huyện Mỏ Cày và Thạnh Phú nhưng đã có lúc phần đất này thuộc tỉnh Vĩnh Long, có lúc lại nhập về tỉnh Bến Tre. Từ CMT8-1945 về trước, huyện Chợ Lách là một huyện của tỉnh Vĩnh Long, nằm bên phía tả ngạn sông Cổ Chiên. Từ huyện lỵ Chợ Lách theo đường bộ về thị xã Vĩnh Long chỉ có 17 km, trong khi đó đoạn từ Chợ Lách đến thị xã Bến Tre dài gần 50 km.

Là một huyện đất hẹp người đông, bình quân ruộng đất thấp, nhưng Chợ Lách có thế mạnh riêng mà các huyện khác trong tỉnh không có. Trước hết là sự ưu đãi của thiên nhiên. Đất đai Chợ Lách do sự bồi tụ phù sa của hai con sông lớn Cổ Phiên và Hàm Luông, lại được tưới tắm bởi một hệ thống kênh rạch gồm 25 nhánh lớn, nhỏ chạy ngang dọc, quanh năm đầu nước ngọt. Chỉ cần một máy bơm nhỏ đôi ba sức ngựa là người nông dân có thể đưa nước ngọt từ dưới sông vào ruộng, vườn của mình theo ý muôn không mấy khó khăn. Cho nên đất đai ở đây gần như không bị thất bát do hạn hán như ở những nơi khác. Hàng năm vào mùa nước lên, một số vùng thấp có bị ngập độ vài tháng, và khi nước rút thì để lại trên mặt đất trồng một lớp phù sa như một loại phân bón mới. Có những cù lao như cù lao Phú Đa, cù lao Cái Gà là những nơi chuyên canh cam, quýt, chuối xuất khẩu với sản lượng lớn. Đất tốt, nước ngọt quanh năm, khí hậu điều hòa là những yếu tố thiên nhiên thuận lợi rất cơ bản giúp cho con người ở đây tạo ra một vùng cây trái đặc sản thuộc loại trù phú nhất của Nam Bộ.

Đến các xã Vĩnh Thành, Vĩnh Hòa, Phú Sơn, Sơn Định vào mùa trái cây, khách không khỏi ngỡ ngàng trước vườn chôm chôm chín đỏ, những liếp cam, liếp quýt, liếp bưởi sai oằn những trái che khuất cả lối đi, muốn bước tới phải đưa tay đỡ từng cành trĩu trái. Mùi hương của các loài hoa gọi về những đàn ong mật, ong ruồi. Những vườn dâu xanh, bòn bon với những buồng trái xây quanh từ gốc đến ngọn, trông thật thích mắt. Trái cây Chợ Lách nổi tiếng xa gần, không chỉ ở số lượng mà còn ở chất lượng và chủng loại. Trong bài ca dao phổ biến ở Bến Tre ngợi ca về sản vật địa phương có câu: "Sầu riêng, măng cụt Cái Mơn Nghêu sò Cồn Lợi, thuốc ngon Mỏ Cày."

Hai sản phẩm sau thuộc huyện Thạnh Phú và huyện Mỏ Cày, còn hai sản phẩm trước thì thuộc huyện Chợ Lách. Nhưng trái cây vùng Chợ Lách không chỉ có sầu riêng và măng cụt, mà còn có bưởi, mận, cam, quýt, xoài, chuối (mỗi thứ có năm ba loại), chôm chôm, bòn bon, dâu, cóc, ổi, nhãn, mãng cầu xiêm, sapôchê, lêkima, mùa nào trái ấy, loại trái nào cũng nhiều, cũng ngon, được khách hàng ưa chuộng. Nhiều loại cây ăn quả nhập từ trước, được nhân giống và trồng lan rộng ở các nơi, mà xuất phát điểm là đất Cái Mơn, xã Vĩnh Thành.

Nhưng có lẽ đáng nói hơn, ở đây còn có nghề độc đáo nhất: nghề chiết cây, ghép cành, lai tạo và nhân giống cây ăn quả cùng nghề trồng cây và hoa kiểng. Chưa có những con số thống kê cụ thể, nhưng theo tính toán sơ bộ, xã Vĩnh Thành và một số xã lân cận mỗi năm đã cung cấp cho nhân dân trong tỉnh và các tỉnh bạn, kể cả một số tỉnh miền Trung, Tây Nguyên hàng chục triệu cây giống các loại, cũng như các loại cây kiểng, để làm giàu và làm đẹp thêm cuộc sống. Nhìn những cây tắc (quất) kiểng trĩu quả đặt trong những giỏ đan bằng tre, hay những con long, con lân, hoặc hươu, nai được tạo dáng bằng cành và lá cây giống với vẻ đẹp thanh thoát, ta càng cảm phục tài năng và bàn tay khéo léo của con người ở đây.

Với tài nghệ và kinh nghiệm cha truyền con nối, người dân làm nghề sản xuất cây giống và cây kiểng ở đây có nguồn thu nhập khá cao hàng năm, gấp mấy chục lần trồng lúa, trồng mía hay rau màu khác trên cùng một đơn vị diện tích. Chỉ cần nửa công đất (500 m2) hai vợ chồng, vài đứa con nhỏ với lao động hàng này không quá nặng nhọc, có thể thu cả chục triệu đồng tiền bán cây giống, cây kiểng mỗi năm. Đồng bào ở đây thường nói “làm một mùa kiểng bán Tết có thể sống đủ cả năm”.

Thật vậy, nghề làm vườn và sản xuất cây giống, cây hoa kiểng đã đem lại cho người dân ở đây một đời sống sung túc, nhà cửa khang trang, tiện nghi đầy đủ, đường sá trong làng sạch và rộng. Những cầu khỉ vốn phổ biến ở nhiều vùng sông rạch, thì ở đây phần lớn được thay thế bằng những cầu bê-tông, đảm bảo cho xe đạp, xe honda, người bưng, gánh nặng qua lại dễ dàng. Phụ nữ và trẻ em, người già không còn phải vất vả khi qua những chiếc cầu tre lắc lẻo, gập ghềnh. Người nông dân, đặc biệt các thanh niên nam nữ, các em học sinh từ cấp I đến cấp III, ăn mặc không những sạch sẽ mà còn sang, không khác gì nơi thị trấn, thị xã. Cần nói thêm một điều là, so với các huyện khác trong tỉnh, thì Chợ Lách là nơi ít bị chiến tranh tàn phá nhất, do đó có điều kiện thuận lợi để nhanh chóng khắc phục những hậu quả chiến tranh, sớm đi vào vấn đề xây dựng, tổ chức ổn định sau ngày giải phóng. Những tiện nghi về sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và phương tiện thông tin đại chúng như rađiô, cátxét, vô tuyến truyền hình, nhạc cụ... những phương tiện đi lại cũng dồi dào hơn những vùng khác, chính là nhờ ở các nguồn thu nhập cao như đã nói trên.

Ngoài những thế mạnh như đã trình bày, Chợ Lách còn có một lợi thế đáng kể nữa là nằm án ngữ ngay trên trục giao thông chiến lược từ miền Tây đến miền Đông, lên cả thành phố Hồ Chí Minh, lại ở giữa hai con sông lớn Hàm Luông và Cổ Chiên. Do đó, con người ở đây đã từ lâu có quan hệ giao lưu khá rộng với các tỉnh khác trong vùng. Cung cách làm ăn phần lớn còn ở dạng “tự sản, tự tiêu”. Có thể nói cứ 10 nhà có đến 8 nhà có ghe xuồng riêng. Cây trái sản xuất ra được họ đưa đi bán khắp nơi, rồi cũng theo đường thủy họ mua những vật dụng khác, từ gạo thóc, cá mắm, các nhu yếu phẩm đưa về, phần thì để dùng, phần thì đưa ra thị trường bán lại. Lối hoạt động bán nông, bán thương này không chỉ làm tăng thêm nguồn thu nhập ngoài thửa ruộng, mảnh vườn, mà còn tạo điều kiện để con người ở đây có thể tiếp thu những nét hay, nét đẹp trong nếp sống văn hóa, trong cung cách làm ăn, tổ chức đời sống của đồng bào nơi khác để làm phong phú thêm cuộc sống của mình.

Chợ Lách là nơi có nhiều tôn giáo: đạo Phật, đạo Thiên Chúa, đạo Cao đài, đạo Hòa hảo. Chiếm số lượng đông nhất là đồng bào theo đạo Thiên Chúa. Hầu hết các xã trong huyện đều có nhà thờ. Họ đạo Cái Mơn (xã Vĩnh Thành) là họ đạo lâu đời nhất, được thành lập từ tháng 2-1872, một trong 10 trung tâm lớn và lâu đời của đạo Thiên Chúa ở nước ta. Nơi đây, ngoài một nhà thờ lớn còn có nhà dưỡng lão, trường học, trại mồ côi và nhà nguyện cho các nữ tu sĩ. Cái Mơn cũng là quê hương của học giả Trương Vĩnh Ký. Bia và nhà kỷ niệm về ông vẫn còn nguyên vẹn. Họ đạo Cái Nhum (xã Long Thới) cũng là một họ đạo lớn, ngoài nhà thờ, ở đây còn có một chủng viện. Đồng bào theo đạo Thiên Chúa ở hai nơi này chiếm từ 80 đến 90 phần trăm dân số.

Cho đến nay, nhiều xã đã hoàn thành việc cải tạo vườn tạp theo hướng chuyên canh, xen canh hợp lý các loại cây trồng, đưa các giống cây mới vào thay thế thích nghi với điều kiện đất đai, khí hậu. Các xã Phú Phụng, Sơn Định, Tân Thiềng, Hòa Nghĩa đã đầu tư tập trung vào việc xây dựng đê bao, kết hợp thủy lợi với giao thông, nhằm bảo vệ và ổn định năng suất cây trồng. Ở từng xã, trong điều kiện thực tế, dân tự lực làm đê bao cục bộ. Xã Phú Phụng đi đầu trong việc ứng dụng khoa học, làm tăng khả năng đậu trái của cây chôm chôm.

Trong phong trào sản xuất, đã xuất hiện nhiều điển hình tập thể và cá nhân đạt hiệu quả cao trong trồng trọt và chăn nuôi theo mô hình VAC. Người dân càng ngày càng có ý thức trong việc tuyển chọn giống cây sạch bệnh, cho năng suất cao, cũng như việc ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất.

Như trên đã nói, huyện Chợ Lách đất hẹp người đông, đất nông nghiệp của huyện có 12.500 ha, bình quân đầu người dưới 1.000 m2. Do đó, trồng cây gì, nuôi con gì, cách thức quay vòng của đất đều phải tính toán chọn lựa. Theo thống kê năm 1999, thì đất lúa của huyện từ 5.300 ha (năm 1990), nay còn lại 1.500 ha. Trong khi đó đất vườn từ 7.000 ha (năm 1990) nay tăng lên 10.500 ha. Trong số đất vườn này, 80% dành cho trồng cây ăn trái với những chủng loại có giá trị kinh tế cao như: cam, quýt, xoài, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt... Nhờ đó, hàng năm sản lượng trái cây của huyện (không kể dừa) đã đạt 100.000 tấn. Đó là bước chuyển hướng tích cực, vừa mang lại thu nhập cao cho người nông dân, vừa giải quyết được công ăn việc làm, trong khi mỗi năm có thêm 2.000 người được bổ sung vào đội ngũ lao động. Theo thống kê năm 1999, số người trong tuổi lao động của huyện là 66.700 người, thì 96% có được việc làm quanh năm.

Có thể nói thành công lớn nhất của huyện trong 25 năm qua (1975 - 2000) là đã hoàn thành về cơ bản việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế vườn theo thâm canh có lựa chọn, đẩy mạnh việc sản xuất cây giống và cây hoa kiểng.

Về việc xây dựng cơ sở hạ tầng, huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống giao thông nông thôn với 86 tuyến đường liên xã, liên ấp với tổng chiều dài là 132 km. Đường ô-tô đã nối về tận trung tâm của 11 xã. Nhiều thôn ấp đã thanh toán được cầu khỉ. Cầu Chợ Lách bắt qua kênh Chợ Lách nối liền tỉnh lộ 888 từ thị trấn qua xã Phú Phụng, nay là quốc lộ 57, được khánh thành vào ngày 19-5-1994.

Công trình lưới điện quốc gia đã phủ kín trên 10 xã và 1 thị trấn, tuy nhiên chỉ mới 10.500 hộ dùng điện, chiếm 35% số hộ trong huyện.

Huyện Chợ Lách hiện có 5 tổng đài điện thoại tự động với 3.000 máy, bình quân 1,76 máy trên 100 người dân; có 4 bưu điện văn hóa xã.

Về giáo dục, hiện nay mỗi xã đều có trường tiểu học và trung học cơ sở. Đã hoàn tất giai đoạn đầu, Trường Phổ thông trung học Chợ Lách A và xây dựng xong trường mẫu giáo ở trung tâm thị trấn. Từ năm 1995, huyện Chợ Lách đã được công nhận đạt chuẩn về phổ cập giáo dục tiểu học, chống nạn mù chữ.

Trung tâm y tế huyện tại thị trấn có 60 giường và một bệnh xá khu vực 10 giường, 8 trạm y tế xã đã được xây dựng kiên cố, trong đó 5 trạm có bác sĩ phụ trách. Tính bình quân trong toàn huyện hiện có 7,5 bác sĩ trên một vạn dân.