Hướng dẫn trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn

Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn, khiến nhiều học sinh quá đam mê mà xao nhãng, học tập giảm sút. Với 5 bài Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn sẽ giúp các em học sinh lớp 9 hiểu rõ những lợi ích, tác hại mà trò chơi điện tử mang lại.

Hướng dẫn trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn

Trò chơi điện tử giúp thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi sau những giờ học tập căng thẳng, thế nhưng quá đam mê thì lại gây ra những hậu quả khôn lường. Chi tiết mời các em cùng theo dõi bài viết để củng cố kiến thức Ngữ văn 9, ôn thi vào lớp 10 hiệu quả.

Đề bài: Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn. Nhiều bạn vì mải chơi mà sao nhãng học tập và còn phạm những sai lầm khác. Hãy nêu ý kiến của em về hiện tượng đó.

  • Dàn ý Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn
  • Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 1
  • Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 2
  • Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 3
  • Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 4
  • Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 5

Dàn ý Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn

1. Mở bài

  • Dẫn dắt vấn đề, nêu khái quát về trò chơi điện tử ở giới trẻ trong xã hội hiện nay và tác hại của nó.

2. Thân bài

Nêu thực trạng về ảnh hưởng của trò chơi điện tử, game online đối với giới trẻ trong xã hội hiện nay (hai mặt tốt, xấu của trò chơi điện tử)

a. Lợi ích trò chơi điện tử mang lại:

  • Là phương tiện giải trí thú vị giúp thư giãn, giảm căng thẳng, mệt mỏi sau học tập và công việc.
  • Phương tiện thuận lợi, dễ dàng để giao lưu, trò chuyện, kết bạn với nhiều người xung quanh.

b. Tác hại tiêu cực của trò chơi điện tử:

  • Tiếp xúc với môi trường mới lạ của thế giới ảo khiến giới trẻ (học sinh, sinh viên,..) dễ “nghiện” trò chơi điện tử.
  • Có thể khiến kết quả học tập của học sinh ngày càng giảm sút (học sinh quá say mê với trò chơi dẫn đến trốn học, bỏ tiết, lơ đễnh trong giờ học,...)
  • Thường xuyên thức khuya, ngồi hàng giờ trước máy tính chơi game khiến sức khỏe bị ảnh hưởng nghiêm trọng (cận thị, đau đầu, bệnh huyết áp, suy nhược cơ thể,...)
  • Học sinh dễ bị lôi kéo, học thói xấu, sa vào tệ nạn xã hội (môi trường trò chơi đôi khi tạo ra nhiều mối quan hệ phức tạp, học sinh dễ tiếp xúc với các yếu tố kém lành mạnh, ý thức tự chủ ở giới trẻ còn kém,...)
  • Các bạn trẻ dễ mất kiểm soát về tiền bạc, thời gian ( nhu cầu cạnh tranh, khẳng định bản thân trong trò chơi yêu cầu các em bỏ nhiều tiền vào game để nâng cấp trang bị, mua sắm, dành nhiều thời gian cày game để dạt thứ hạng cao,...)

c. Nguyên nhân:

  • Các trò chơi điện tử ngày phát triển đa dạng, phong phú, tính năng ngày càng hoàn thiện và hấp dẫn: đồ họa đẹp, âm thanh sống động, môi trường giao lưu, kết bạn, trò chuyện năng động,... thu hút nhiều người chơi.
  • Các sản phẩm điện tử (laptop, iPad, điện thoại thông minh) ngày càng phổ biến, các trò chơi điện tử ngày càng thuận lợi tiếp cận với người dùng mọi lứa tuổi.
  • Nhiều cửa hàng trò chơi điện tử mọc lên quanh các trường học.
  • Tâm lý lứa tuổi học sinh, sinh viên thích thể hiện bản thân trong thế giới ảo.
  • Bản thân học sinh, sinh viên chưa có khả năng tự ý thức tốt trong việc phân chia quỹ thời gian vui chơi và học tập.
  • Phụ huynh bận rộn công việc, ít dành thời gian quan tâm, quản lý con cái.
  • Các cơ quan chưa có sự kiểm soát chặt chẽ trong việc phân quyền sử dụng, giới hạn lứa tuổi người chơi trò chơi điện tử.

d. Lời khuyên:

  • Cha mẹ nên dành nhiều thời gian hơn cho việc quan tâm, chăm sóc, quản lý con cái.
  • Nhà trường tổ chức nhiều hoạt động vui chơi lành mạnh giúp học sinh bớt căng thẳng sau giờ học.
  • Các cơ quan, tổ chức kiểm soát nghiêm ngặt hơn trước khi đưa trò chơi điện tử ra thị trường.
  • Bản thân học sinh, sinh viên nên tự xây dựng ý thức cá nhân trong việc phân chia hợp lý quỹ thời gian học tập và vui chơi game điện tử online.

3. Kết bài

  • Khẳng định lại vấn đề game online, thực trạng nghiện game online (khái quát lại quan điểm, thái độ, nhận xét hoặc nhận xét của riêng em về ảnh hưởng của trò chơi điện tử trong các phần trên).
  • Đưa ra ý kiến mở rộng, lời bình luận hoặc phương hướng giải quyết vấn đề theo ý của em (nếu có)

Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 1

Xã hội ngày càng phát triển và song song cùng với đó là sự phát triển của khoa học - công nghệ, nơi những máy móc hoạt động khiến xã hội ngày càng hiện đại hóa và văn minh hơn. Sự ra đời của máy tính cùng những trò chơi điện tử đã làm thay đổi cả một thói quen của thanh niên. Có thể nói trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn. Nhiều bạn vì mải chơi mà xao nhãng học tập và còn phạm những sai lầm khác. Nếu như ngày xưa, khi trẻ em và thanh niên Việt Nam chỉ chơi những trò chơi dân gian như: trốn tìm, lia lon, ô ăn quan... thì sự xuất hiện của game trên máy tính đã khiến cho những thói quen ngày trước biết mất, thay vào đó là sự đam mê, cắm mặt vào màn hình mà ít giao tiếp với người khác của các bạn trẻ.

Thực trạng xã hội ngày nay trước vấn đề học sinh, sinh viên nghiện game là rất đáng báo động. Trung bình, cứ mỗi một trường trung học cơ sở, trung học phổ thông hay đại học thì đều có ít nhất từ 1-2 quán game ở ngay gần trường. Chính vì sự phổ biến này mà các bạn học sinh có thể ra chơi điện tử ngay sau mỗi buổi học, thậm chí là bỏ học để đi chơi điện từ. Theo thống kê của công ty Pokkt thì 1/4 dân số Việt Nam nghiện game, trong đó có tới 53% người mẹ có con nhỏ dưới 10 tuổi cũng nghiện các trò chơi điện tử. Việt Nam đang có 28 triệu game thủ và người Việt tiêu tốn từ 5-7 lần chơi game mỗi ngày, mỗi lần từ 30-50 phút. Đây là một số liệu đáng kinh ngạc về tần suất chơi game hiện nay của người Việt. Chính vì tần suất dày đặc như vậy, nhiều bạn thanh niên đã bị nghiện game dẫn đến không ăn không uống mà chỉ chơi game, nhiều trường hợp chơi game quá lâu đã bị mắc bệnh về thần kinh, thậm chí có trường hợp đột tử vì ngồi quá lâu một chỗ. Các bạn trẻ vì mải mê game mà kết quả học tập sa sút, đầu óc mơ màng... Lứa tuổi vị thành niên, các bạn học sinh, sinh viên chính là lứa tuổi chịu ảnh hưởng và hậu của nặng nề nhất của việc chơi game.

Vậy, nguyên nhân nào khiến các bạn học sinh, sinh viên mải mê chơi game mà quên mất việc học như vậy? Có thể kể đến hai nguyên nhân dưới dạng chủ quan và khách quan. Nguyên nhân chủ quan có thể là do chính các bạn trẻ rất yêu thích chơi game, ghét việc học, các trò chơi điện tử ngày càng đa dạng và rất hay nên không khó để lí giải tại sao các bạn học sinh lại bị cuốn vào như vậy. Còn đối với nguyên nhân khách quan thì có thể từ phía gia đình và nhà trường. Họ đã không quản lí được con cái và học sinh của mình được chặt chẽ, còn để cho các bạn trẻ quá tự do dẫn đến ăn chơi, lêu lổng mất kiểm soát. Dù là nguyên nhân chủ quan hay khách quan thì đều có ảnh hưởng đến việc học tập và hoạt động của các em học sinh.

Nhiều bạn học sinh vốn ngoan ngoãn, hiền lành nhưng bị bạn bè rủ rê nên đã đi chơi điện tử và trở thành "con nghiện game", cũng có nhiều bạn vì áp lực học tập, áp lực điểm số nên đã tự cho mình thời gian giải trí để chơi game, nhưng lại bị sa đà vào thú vui tiêu khiển này. Hậu quả của việc quá nghiện game mà bỏ bê học hành là chính bản thân các bạn học sinh bị hổng kiến thức, không nắm được kiến thức ở trên lớp cũng như ở nhà, kết quả học tập sa sút. Tệ hơn là các em không được lên lớp vì học quá kém, chán nản không muốn học nữa hay mắc bệnh tự kỉ vì không giao tiếp với những người xung quanh mà chỉ cắm mặt vào màn hình máy tính.

Trước những hệ lụy mà nghiện game gây ra, mỗi phụ huynh cần phải quan tâm và nhắc nhở con cái cân bằng giữa việc học và giải trí, để không bị quá căng thẳng trong học tập mà vẫn có thời gian thư giãn, vui chơi. Về phía các bạn học sinh, sinh viên cũng phải tự sắp xếp được quỹ thời gian của mình, ý thức được việc học là quan trọng và tránh ham mê trò chơi điện tử mà xao nhãng học hành. Những trò chơi điện tử sẽ phát huy được vai trò của nó nếu được sử dụng đúng lúc và đúng cách.

Không thể phủ nhận rằng, trò chơi điện tử là một bộ môn tiêu khiển vô cùng hấp dẫn. Nhưng mỗi chúng ta cần phải biết sử dụng nó thật hợp lí để không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như cuộc sống của mỗi chúng ta vì các tiện ích được sinh ra để thỏa mãn nhu cầu của con người chứ không phải để con người phải khổ sở, đau đầu vì nó.

Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 2

Cuộc sống hiện đại ngày nay đã khiến con người nhìn vào cuộc sống của mình bằng một con mắt khác. Họ đòi hỏi ở cuộc sống nhiều hơn, và một trong những nhu cầu lớn nhất là giải trí. Bàn về vấn đề này có người nói "Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn. Nhiều bạn vì quá mải chơi mà sao nhãng việc học tập và còn phạm nhiều sai lầm khác?" Theo bạn, bạn có đồng tình với ý kiến trên không?

Đã xa rồi những trò chơi dân gian xưa: chọi gà, chọi dế, đánh trận giả... Tất cả dường như bị lãng quên, nó đã lùi vào cổ tích. Thay vào đó là những trò chơi tiêu khiển mới lạ, hấp dẫn. Một trong những trò chơi được liệt kê vào loại trò tiêu khiển hấp dẫn là điện tử. Bước chân vào các quán game ta mới thấy được có rất nhiều trò chơi thu hút mọi người đặc biệt là các bạn nam như: đá bóng, đua xe, đế chế... Tất cả đều được gọi cái tên chung là điện tử. Các trò chơi điện tử muốn chinh phục được nó đòi hỏi người chơi phải có óc sáng tạo, sự kiên trì, một chút khéo léo và đặc biệt nó kích thích tính tò mò. Có lẽ vì vậy mà điện tử được gọi là "món tiêu khiển hấp dẫn". Nhưng trò chơi nào cũng có ít nhiều điều tiêu cực.

Xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi thế hệ trẻ phải có trí thức nên việc quan trọng nhất của chúng ta là học tập. Nhưng thực tế hiện nay không ít bạn vì quá đam mê "món tiêu khiển hấp dẫn - điện tử" mà đã sao nhãng việc học tập, quên đi mất nhiệm vụ chính của mình. Kết quả học tập giảm sút, gia đình phiền lòng. Việc làm ấy làm mất đi sự tự tin của chính bản thân và còn biết bao những sai lầm khác không đáng có nữa mà chúng ta không thể ngờ tới được... Nói về vấn đề kinh tế: chơi điện tử tác hại vô cùng ngay cả với gia đình kinh tế được xem là dư giả. Lại còn khi quá đam mê không có tiền để chơi, lúc đó họ sẽ làm gì? Nói dối bố mẹ để lấy tiền đi chơi, vay tiền người khác hay trộm cắp? Đó là một thực trạng đang nổi lên trong xã hội hiện nay. Vậy tại sao chúng ta không biết chọn lựa những trò chơi giải trí phù hợp và bổ ích cho mình thay vào việc đi chơi điện tử, tại sao chúng không tham gia ở các câu lạc bộ thể thao, đọc sách, tham gia chiến dịch mùa hè xanh, thanh niên tình nguyện và còn biết bao hình thức giải trí khác. Tại sao chúng ta không tham gia? Vì nó không là món tiêu khiển hấp dẫn hay vì chúng ta chưa quan tâm tới?

Còn rất nhiều sai lầm của người chơi điện tử mà ta không thể không nêu ra được hết nhưng tôi xin chắc rằng chỉ khi người chơi tự nhận ra tác hại của việc chơi điện tử thì lúc ấy họ mới thực sự thấy thấm thía. Sự thất bại lúc ấy mới thực sự là hồi chuông cảnh tỉnh cho họ. Biết đến bao giờ tất cả bố mẹ chúng ta mới có thể rạng rỡ nụ cười trên khuôn mặt dãi nắng dầm sương vì có những đứa con ngoan ngoãn. Điều đó là tuỳ thuộc vào chính chúng ta đấy các bạn ạ!

Xã hội càng văn minh thì tệ nạn xã hội càng hay rình rập. Nó đòi hỏi ở chúng ta sự tự chủ và kiên cường. Đừng để lúc nào chúng ta bị sa đà vào các trò tiêu khiển không bổ ích. Hãy nhớ một điều: điện tử là trò tiêu khiển hấp dẫn nhưng đừng vì nó mà làm bản thân phải sai lầm không đáng có để cha mẹ, thầy cô phải phiền lòng, để bạn bè xa lánh.

Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 3

Xã hội ngày càng phát triển thì nhu cầu giải trí của con người cũng thay đổi theo sự phát triển đó, đặc biệt là ở tầng lớp thanh thiếu niên. Thay vì những trò chơi giải trí mang tính truyền thống như bắn bi, nhảy ngựa, nhảy dây thì các bạn trẻ ngày nay lại đam mê một hình thức giải trí khác đó là trò chơi điện tử. Có những bạn ham mê thái quá dẫn tới nghiện “game” mà xao lãng việc học. Đây đang là vấn đề được cả xã hội quan tâm.

Game online hay trò chơi điện tử là một hình thức giải trí hấp dẫn. Đó là một phần mềm được cài vào máy tính, nhà sản xuất đã khéo léo phối hợp, giữa hình ảnh và âm thanh để tạo độ chân thực sắc nét, lôi cuốn người chơi. Trò chơi điện tử mang tính kích thích cao, mới lạ và bí ẩn nên phù hợp với sở thích của giới trẻ, đặc biệt là học sinh. Theo một kết quả nghiên cứu cho thấy, trong số những người sử dụng mạng internet thì có tới 61. 4% là để chơi game. Công bằng mà nói, những trò chơi điện tử lành mạnh không hề gây hại cho người chơi nếu ta biết chơi một cách điều độ. Trái lại nó còn giúp ta thư giãn, giảm stress, luyện phản ứng nhanh, …

Tuy nhiên, với một số các bạn thanh niên đặc biệt là đối tượng học sinh lại không kiềm chế được sở thích chơi game của mình, khiến cho sở thích này trở nên thái quá dẫn tới tình trạng nghiện game. Nhiều bạn ngồi hàng giờ, hàng ngày trước màn hình vi tính, mê mẩn với những trò chơi trên máy, quên thời gian thậm chí bỏ học để chơi, trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến các trò chơi và ham muốn chinh phục khám phá nó khiến gương mặt ngơ ngẩn như mất hồn. Các bạn trở nên sao nhãng việc học tập, quên đi mất nhiệm vụ chính của mình là gì. Trong đầu chỉ luôn nghĩ tới những trò chơi điện tử mà không chú tâm vào học tập khiến cho kết quả học tập ngày càng giảm sút. Không những kết quả học tập kém đi, nhiều bạn vì mê điện tử còn làm ra những hành động sai trái khác như nói dối bố mẹ, lấy trộm tiền của bố mẹ để đi chơi điện tử. Hơn nữa ham chơi điện tử còn tiêu tốn tiền bạc một cách vô ích, có khi còn làm thay đổi nhân cách con người. Game dễ dẫn đến các bạn ảo tưởng về cuộc sống, những hình ảnh bạo lực như chém giết lẫn nhau dễ gây ảnh hưởng tới tâm sinh lý còn non nớt của học sinh, khiến cho các bạn coi thường luật pháp và dễ vi phạm pháp luật. Nghiện game cũng gây nguy hại như nghiện ma túy. Và không ai có thể lường trước được những hậu quả tai hại khác nếu niềm đam mê kia vẫn còn tiếp diễn.

Trò chơi điện tử tai hại như vậy, làm thế nào để ngăn chặn nó ?Đây thực sự là một việc khó song không phải là không làm được. Quan trọng nhất là bản thân phải xác định nhiệm vụ chính của mình là học tập, rèn luyện, tu dưỡng, không lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc vào những việc vô bổ, thậm chí là có hại. Ở lứa tuổi học sinh, nhu cầu hoạt động vui chơi là rất cao. Đó là một nhu cầu rất chính đáng. Thế nhưng, nước ta lại thiếu sân chơi cho thanh thiếu niên, nhà trường còn quá chú trọng vào dạy chữ mà quên dạy người, không dạy cho học sinh những kĩ năng cần thiết để chống lại những cám dỗ trong cuộc sống, không tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh cho học sinh. Như một điều tất yếu, học sinh tìm đến game online để giải trí. Vậy nên, gia đình, nhà trường và xã hội cần tạo thêm nhiều sân chơi cho lứa tuổi học sinh để học sinh có được sân chơi lý thú và hấp dẫn từ đó không bị lôi cuốn vào những trò chơi điện tử nữa. Bên cạnh đó gia đình phải có sự quan tâm đặc biệt cho con em mình, kiểm soát giờ chơi, đồng thời hướng dẫn con em mình chơi sao cho lành mạnh.

Trò chơi điện tử là một thói tiêu khiển rất hấp dẫn, nhưng đừng vì mê chơi game mà xao nhãng học tập cuộc sống. Ham chơi điện tử - Ham muốn nhất thời mà tác hại không lường hết được. Bởi vậy vì tương lai của chính mình, chúng ta đừng để bản thân vướng vào đam mê chết người đó.

Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 4

Trò chơi điện tử vốn là một trò giải trí lành mạnh song hiện tượng đam mê trò chơi này mà sao nhãng học hành và gây nhiều hậu quả tại hại đã trở thành một vấn đề bức xúc ở lứa tuổi học sinh.

Có thể thấy ở khắp các phố phường và các nẻo đường thôn ngõ xóm những quán Internet. Học sinh đến đó không phải để truy cập thông tin phục vụ cho việc học mà để chơi điện tử. Nhiều bạn ngồi hàng giờ, hàng ngày trước màn hình vi tính, mê mẩn với những trò chơi trên máy, quên thời gian thậm chí bỏ học để chơi, trong đầu lúc nào cũng chỉ nghĩ đến các trò chơi và ham muốn chinh phục khám phá nó khiến gương mặt ngơ ngẩn như mất hồn...

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng đó. Do bố mẹ không quan tâm, do buồn, do bạn bè rủ rê, do không tự chủ được bản thân... Song dù lý do nào đi nữa, ham mê trò chơi điện tử cũng là một điều tai hại. Trước hết ngồi quá gần màn hình vi tính trong một thời gian dài có thể làm cho mắt bị cận thị, người mệt mỏi, sức khoẻ bị tổn hại. Không chỉ có thế, ham mê trò chơi điện tử còn dẫn đến sao nhãng nhiệm vụ chính của người học sinh là học tập. Mải chơi, bỏ tiết, trốn học, không hiểu bài, không làm bài tập, học tập sút kém dẫn đến chán học. Như vậy vô tình sự ham chơi nhất thời có thể tự huỷ hoại tương lai của chính bản thân mình. Trò chơi điện tử còn khiến tâm hồn bị đầu độc bởi bạo lực, chém giết, bắn phá, cuốn con người vào một thế giới ảo đầy những mưu mô, thủ đoạn. Hơn nữa ham chơi điện tử còn tiêu tốn tiền bạc một cách vô ích, có khi còn làm thay đổi nhân cách con người. Để có tiền chơi điện tử nhiều thói hư tật xấu bắt đầu nảy sinh như dối trá, thủ đoạn, trộm cắp tiền bạc, tài sản của gia đình, bạn bè... Và không ai có thể lường trước được những hậu quả tai hại khác nếu niềm đam mê kia vẫn còn tiếp diễn.

Trò chơi điện tử tai hại như vậy, làm thế nào để ngăn chặn nó? Đây thực sự là một việc khó song không phải là không làm được. Quan trọng nhất là bản thân phải xác định nhiệm vụ chính của mình là học tập, rèn luyện, tu dưỡng, không lãng phí thời gian, sức lực, tiền bạc vào những việc vô bổ, thậm chí là có hại. Chỉ coi trò chơi điện tử như một trò giải trí, tiếp xúc với nó có chừng mực, biết chế ngự và làm chủ bản thân, không để bản thân bị tác động bởi những trò chơi và sự rủ rê của những người bạn xấu. Bên cạnh đó cũng cần có sự quan tâm thường xuyên và sự quản lý chặt chẽ của gia đình nhằm giúp con em mình tránh xa những đam mê tai hại. Nhà trường và xã hội cũng cần có sự phối hợp giáo dục thế hệ trẻ, tạo ra những hoạt động bổ ích, những sân chơi vui tươi lành mạnh để mọi học sinh đều được tham gia. Có như vậy vấn nạn học sinh say mê trò chơi điện tử mới được giải quyết triệt để.

Ham chơi điện tử - Ham muốn nhất thời mà tác hại không lường hết được. Bởi vậy vì tương lai của chính mình, chúng ta đừng để bản thân vướng vào đam mê chết người đó.

Nghị luận Trò chơi điện tử là món tiêu khiển hấp dẫn - Mẫu 5

Trong suốt dòng lịch sử con người, đã có những người phải vất vả chống lại nhiều tệ nạn xã hội. Giờ đây, các nhà tâm lí học ở nhiều quốc gia nói chung và Việt Nam nói riêng lại lưu ý đến tình trạng khẩn cấp phải đối phó với việc nghiện trò chơi điện tử bởi nó là một món tiêu khiển hấp dẫn.

Trên thị trường có nhiều loại Game bạo lực như “Biệt đội thần tốc”, “Đột kích”,… đang làm giới nghiện game lên cơn sốt. Tuy khác nhau về cách chơi nhưng các game trên đều có điểm chung là người chơi nhập vai trực tuyến để chém, bắn và giết người mà không suy nghĩ, chỉ cần giết càng nhiều người càng tốt. Hiện nay, nạn chơi điện tử hay nói cách khác là những trò chơi game online đang ngốn không ít thời gian học tập của các các cô cậu học trò. Game Online đang là một hình thức giải trí “hót” nhất, ngày càng chứng tỏ một sức hút mạnh mẽ đến cộng đồng.

Ngoài sự lãng phí quá rõ về thời gian, tiền bạc, chơi game nhiều trên máy tính còn làm hại đôi mắt, làm giảm sút trí lực. Ngày nay, tỉ lệ trẻ em bị cận thị, nhức đầu, suy giảm trí nhớ, thể lực, tổn thương đôi tay, viêm khớp, béo phì,… đang gia tăng mà hậu quả là từ việc ngồi lì bám trụ bên máy tính. Nguy hiểm hơn, các em dễ bị chìm đắm vào thế giới ảo của game. Game không chỉ làm suy đồi nhân cách mà còn huỷ hoại tương lai của cả một đời người. Học sinh, tuổi trẻ là tương lai đất nước. Những với một số lượng lớn những người trẻ tuổi nghiện game như hiện nay, không biết tương lai đất nước sẽ đi về đâu. Đó là một câu không nhỏ đặt ra cho xã hội!

Hơn ai hết, những người làm cha làm mẹ cần hiểu rõ con cái. Để từ đó có thể phòng ngừa, phát hiện sớm và ngăn chặn những thói hư tật xấu đang len lỏi, ăn mòn hành vi, nhân cách con mình em mình. Gia đình hãy quan tâm, chia sẻ với con cái nhiều hơn, có những định hướng tốt cho các em. Bên cạnh gia đình, nhà trường và Đoàn thanh niên phải tạo ra nhiều sân chơi bổ ích lành mạnh cho học sinh như: tổ chức ngoại khóa, văn nghệ, thể thao, tuyên truyền giáo dục đạo đức,… giúp thanh thiếu niên có nhiều điều kiện thể hiện khả năng, hòa nhập với đời sống thực,…

Nghiện game online đem lại những hậu quả xấu khôn lường về tâm lí, thể xác, trí tuệ và tâm hồn cũng như các mối quan hệ xung quanh. Mỗi thanh thiếu niên học sinh chúng ta cần phát huy sức mạnh của internet, đừng để mặt trái của nó như game online làm hại tới giới trẻ.