Hướng dẫn mới nhất về vốn công ty cổ phần

Nghị định số 10/2023/NĐ-CP ngày 03 tháng 4 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai đã bổ sung quy định về đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Một trong những điều kiện để tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất là “Trường hợp đấu giá một thửa đất hoặc một dự án gồm một hoặc nhiều thửa đất mà có hai (02) công ty trở lên có sở hữu chéo lẫn nhau theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp thì chỉ được một công ty tham gia đấu giá quyền sử dụng đất”. Bài viết phân tích quy định về sở hữu chéo theo Luật Doanh nghiệp.

1. Quy định về sở hữu chéo đối với công ty mẹ, công ty con

Luật Doanh nghiệp năm 2020 không đưa ra khái niệm, giải thích thế nào là “sở hữu chéo”. Quy định về sở hữu chéo được đề cập tại khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 (quy định về công ty mẹ, công ty con) và Điều 12 Nghị định 47/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 04 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Doanh nghiệp (quy định sở hữu chéo giữa các công ty trong nhóm công ty). Các quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo của nhóm công ty.

Theo đó, công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định, bao gồm trường hợp sau: (1) Cùng góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới; (ii) Cùng mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập; (iii) Cùng nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập.

Một công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: (1) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó; (2) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó; (3) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó.

Doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn Nhà nước là doanh nghiệp nhà nước do Nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trở lên.

Phân tích các nội dung về cấm sở hữu chéo theo Luật Doanh nghiệp như sau:

- Chủ thể áp dụng hạn chế sở hữu chéo: có 03 trường hợp: (i) công ty con đối với công ty mẹ; (ii) các công ty con của cùng một công ty mẹ; (iii) Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước.

- Các hình thức sở hữu chéo bị cấm: (i) công ty con đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ; (ii) công ty con của cùng một công ty mẹ đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu lẫn nhau; (iii) Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước cùng nhau góp vốn để thành lập doanh nghiệp mới, cùng mua phần vốn góp, mua cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập; cùng nhận chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp của các thành viên, cổ đông của doanh nghiệp đã thành lập.

- Chế tài xử lý: Điều 59 Nghị định số 122/2021/NĐ-CP ngày 28/12/2021 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư quy định vi phạm đối với doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình công ty mẹ, công ty con, cụ thể: “Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau: 1. Mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. 2. Cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau. 3. Cùng góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc thành lập doanh nghiệp mới (đối với các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước)”.

Ngoài trường hợp cấm sở hữu chéo nêu trên, sở hữu chéo được thừa nhận đối với trường hợp thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo theo quy định chuyển tiếp tại Điều 218 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 34 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP, cụ thể:

Các công ty không có cổ phần hoặc phần vốn góp do Nhà nước nắm giữ thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 không phải thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 195 của Luật Doanh nghiệp năm 2020 (“2. Công ty con không được đầu tư mua cổ phần, góp vốn vào công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được đồng thời cùng góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau”) nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.

Trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 195 Luật Doanh nghiệp (“3. Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần của doanh nghiệp khác hoặc để thành lập doanh nghiệp mới theo quy định của Luật này”), các doanh nghiệp đã thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 có quyền mua bán, chuyển nhượng, tăng, giảm phần vốn góp, số cổ phần nhưng không được làm tăng thêm tỷ lệ sở hữu chéo so với thời điểm trước ngày 01 tháng 7 năm 2015.

2. Vấn đề trao đổi

- Tại khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 12 Nghị định 47/2021/NĐ-CP quy định về sở hữu chéo. Vậy “sở hữu” là gì? Đối tượng sở hữu là doanh nghiệp. Tại Điều 5 Luật Doanh nghiệp năm 2020 quy định về bảo đảm của Nhà nước đối với doanh nghiệp và chủ sở hữu doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp chỉ nêu lên cụm từ “chủ sở hữu doanh nghiệp” mà không chỉ rõ chủ sở hữu doanh nghiệp là ai, không quy định thế nào là sở hữu doanh nghiệp. Tại khoản 2 Điều 195 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và Điều 12 Nghị định số 47/2021/NĐ-CP cũng không quy định mức mua cổ phần, góp vốn bao nhiêu là bị cấm, là bị xem có quyền sở hữu, nói cách khác, các quy định chỉ nêu không được mua cổ phần, góp vốn, điều này được hiểu là không được mua cổ phần, góp vốn với bất kỳ mức độ nào.

Xét theo quy định của Bộ luật Dân sự năm 2015, quyền sở hữu phải có đầy đủ 03 quyền: chiếm hữu, sử dụng, định đoạt của chủ sở hữu (Điều 158). Quy định tại Luật Doanh nghiệp đối với vấn đề sở hữu chéo là nhằm ngăn chặn hình thành việc sở hữu giữa các nhóm công ty có mối quan hệ mẹ - con, dẫn đến những hậu quả nhất định và có thể khiến một công ty bị mất quyền kiểm soát. Vì vậy, về mặt lý luận cần xác định rõ mức độ sở hữu có thể dẫn đến việc bị mất quyền kiểm soát trong việc hạn chế sở hữu chéo.

- Luật Doanh nghiệp chỉ điều chỉnh đối với sở hữu chéo trực tiếp giữa công ty mẹ - công ty con mà chưa quy định đối với trường hợp sở hữu chéo gián tiếp của nhiều doanh nghiệp (ví dụ như: Công ty A và công ty B sở hữu chéo lẫn nhau, công ty C là công ty con của công ty B và công ty C có sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại công ty A). Từ phân tích trên, kiến nghị cần xem xét điều chỉnh hạn chế sở hữu chéo trực tiếp và sở hữu chéo gián tiếp của nhóm doanh nghiệp./.