Học sinh có hoàn cảnh khó khăn là gì

Được tới trường là niềm mơ ước, khát khao cháy bỏng của nhiều em nhỏ mồ côi, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện Than Uyên. Những năm qua, ngành Giáo dục huyện Than Uyên chú trọng công tác xã hội hóa giáo dục, là “cầu nối” kêu gọi các đơn vị, tổ chức từ thiện, cá nhân hảo tâm hỗ trợ học sinh nghèo, mồ côi, gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vươn lên trong cuộc sống, học tập.

Tới Khoen On - một trong những xã khó khăn của huyện. Tại Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Khoen On chúng tôi được chứng kiến cảnh các em học sinh (HS) được thầy, cô chăm sóc, chỉ dạy tận tình từ miếng ăn, giấc ngủ và học tập. Em Vừ Thị Dệ (lớp 9A) chia sẻ: “Nhà em ở bản Noong Quang, cách đây 14km nên em ở tại trường. Gia đình em thuộc diện hộ nghèo, nhà có 4 chị em, em là chị cả nên đã có lúc em nghĩ tới việc nghỉ học ở nhà đi làm thuê kiếm tiền hỗ trợ bố mẹ nuôi các em. Nhưng được các thầy cô quan tâm, động viên, em đến trường được hỗ trợ tiền ăn, tặng đồ dùng học tập. Với động lực đó, em nỗ lực học tập nên 9 năm qua em đều có kết quả học tập tốt, là HS khá, giỏi của trường. Hôm khai giảng năm học mới em còn được tặng học bổng “Vì em hiếu học”. Nếu như không có sự giúp đỡ của nhà trường, các nhà hảo tâm em sẽ không có ngày hôm nay nên em sẽ cố gắng học tập để trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội”.

Học sinh có hoàn cảnh khó khăn là gì

Qua kêu gọi và xã hội hóa, học sinh mồ côi, học sinh nghèo Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Khoen On được tặng quà nhân dịp khai giảng năm học 2021-2022.

Năm học 2021-2022, Trường Phổ thông Dân tộc Bán trú THCS Khoen On có 14 lớp/557 HS. Thầy giáo Hà Trung Thành - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Năm học này nhà trường có 17 HS là trẻ mồ côi, các em đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có em thì mất cha hoặc mất mẹ, có em thì mất cả cha mẹ và phải ở cùng cô, bác. Có những em vì thiếu thốn cả về vật chất lẫn tinh thần nên đôi khi có ý định bỏ học. Do vậy, ngoài những chính sách của nhà nước các em được hưởng; để hỗ trợ và quan tâm, động viên kịp thời, nhà trường đã kêu gọi, xã hội hóa từ các đoàn từ thiện, tổ chức bảo trợ để hỗ trợ các em. Đến nay, nhà trường có 6 em được các tổ chức bảo trợ với số tiền 150-300 nghìn đồng/em/tháng; các em khác nhà trường đã chủ động dành những phần quà của các đơn vị, cấp ủy, chính quyền tặng quà.

Điển hình như khai giảng năm học mới vừa qua, nhà trường được Quỹ Khuyến học tỉnh và Viettel Lai Châu trao 5 suất học bổng “Vì em hiếu học” cho HS nghèo, mồ côi. Chi đoàn Dân Đảng, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện tặng 3 xe đạp cho 2 HS giỏi có hoàn cảnh khó khăn. 2 HS nghèo hiếu học được tặng học bổng “Tiếp bước tới trường”; 17 HS mồ côi được tặng quà. Ngoài ra, các em mồ côi, có hoàn cảnh khó khăn còn được ăn ở bán trú tại trường theo quy định. Nhờ đó, từ năm 2020 đến nay trường không có HS bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn”.

Hiện, toàn huyện có 39 trường/719 lớp/20.866 HS. Thầy giáo Vũ Minh Khuynh - Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Cùng với chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên địa bàn, những năm qua, ngành Giáo dục huyện quan tâm hỗ trợ HS là trẻ mồ côi, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại các trường. Phòng chỉ đạo các trường ngay từ đầu các năm học chú trọng công tác điều tra, nắm bắt tình hình hoàn cảnh gia đình HS.

Thông qua công tác này nắm bắt từng trường hợp hoàn cảnh HS cụ thể để có những giải pháp quan tâm, chế độ miễn giảm và hỗ trợ để các em có thể đến trường. Phòng tăng cường phối hợp với các trường chú trọng thực hiện tốt công tác xã hội hóa giáo dục; là “cầu nối” vận động và kêu gọi các đơn vị, tổ chức từ thiện, các cá nhân hảo tâm tặng quà, nhận nuôi, đỡ đầu và hỗ trợ tiền sinh hoạt hàng tháng, từng năm học. Cùng với đó, thông qua các chương trình ký kết, phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong huyện, tỉnh hỗ trợ ngày công, vật liệu xây dựng phòng học, nhà bán trú và tặng quà, trao học bổng.

Với phương châm “không để cho bất cứ HS nghèo nào bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn” không chỉ kêu gọi hỗ trợ từ bên ngoài, các trường còn phát động trong đoàn viên công đoàn đóng góp tiền mua các vật dụng cá nhân, đồ dùng học tập và hỗ trợ tiền, ngày công cho gia đình và HS có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi. Từ đầu năm tới nay, ngành Giáo dục huyện đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, đã nhận được gần 1,3 tỷ đồng tiền mặt, 326.185kg gạo, 479 cặp sách, 3.889 chiếc bút, 5.109 quyển sách, 6.792 quyển vở, 1.022 bộ đồ dùng học tập, 6.962 chiếc quần áo, 324 chăn ấm... Những món quà đó đã góp phần động viên, hỗ trợ kịp thời giúp các em HS nghèo, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được cắp sách tới trường, là động lực để vượt qua khó khăn, vươn lên học tập tốt.

Vòng tay ấm áp, đầy tình yêu thương của các tổ chức, cá nhân và các thầy, cô giáo đã phần nào giúp những mảnh đời kém may mắn yên tâm học tập, trở thành công dân có ích cho xã hội.