Hiệp ước can về hàng hóa quốc tế

Hình thức hợp đồng là sự biểu hiện ra bên ngoài nội dung của hợp đồng, gồm tổng hợp các hình thức, thủ tục, phương tiện để thể hiện và công bố ý chí của các bên, ghi nhận nội dung hợp đồng và là biểu hiện cho sự tồn tại của hợp đồng[1].

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng được ký kết giữa các thương nhân có trụ sở thương mại (địa điểm kinh doanh) nằm trên lãnh thổ của các quốc gia khác nhau[2]. Về nguyên tắc, quy định pháp luật về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế của mỗi nước phải phù hợp với pháp luật về hợp đồng của nước đó. Tùy theo quan niệm pháp lý khác nhau mà các hệ thống pháp luật trên thế giới quy định khác nhau về yếu tố hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có phải là điều kiện bắt buộc để hợp đồng có hiệu lực hay không. Ở Việt Nam hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng[3].

Hiệp ước can về hàng hóa quốc tế

Ảnh minh họa: nguồn internet

1. Quan điểm về hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chỉ được công nhận có hiệu lực nếu nó được thể hiện dưới một hình thức nhất định, phù hợp với quy định của pháp luật áp dụng. Đây là điều kiện bắt buộc nhằm chứng minh sự tồn tại của hợp đồng. Hình thức của hợp đồng được thừa nhận và quy định trong pháp luật của hầu hết các quốc gia[4]. Có hai quan điểm về hình thức của hợp đồng[5]:

- Quan điểm thứ nhất: Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được ký kết bằng lời nói, bằng văn bản, bằng hành vi hoặc các hình thức gián tiếp như đơn thư chào hàng, đặt hàng, fax, thư điện tử (giao dịch điện tử)… do các bên tự do thỏa thuận. Các nước theo quan điểm này hầu hết là các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, như Anh, Pháp, Mỹ… Công ước Viên 1980 của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đã xây dựng các quy phạm thực chất thống nhất, về điều kiện này Công ước cho phép các bên có thể xác lập hợp đồng với mọi hình thức, kể cả thông qua người làm chứng.

- Quan điểm thứ hai: Một số nước lại đưa ra các yêu cầu bắt buộc về hình thức đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế mới được công nhận hiệu lực pháp lý. Ví dụ, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được ký kết dưới hình thức văn bản, phải được phê chuẩn, hoặc có công chứng… mới có hiệu lực. Đây là quan điểm của một số nước đang phát triển, như Việt Nam. Nếu hợp đồng bắt buộc phải được ký bằng văn bản thì mọi sự thay đổi, bổ sung của nó cũng phải được lập thành văn bản.

2. Quy định của pháp luật các nước và các điều ước quốc tế

Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có thể được điều chỉnh bởi điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia hoặc tập quán thương mại quốc tế. Để xác định pháp luật áp dụng đối với hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, pháp luật của các quốc gia chủ yếu áp dụng nguyên tắc “Hình thức hợp đồng phải phù hợp với luật nơi giao kết hợp đồng đó” (locus regit actum).

Cơ sở lý luận của nguyên tắc này[6] xuất phát từ việc cho rằng, hành vi giao kết hợp đồng là một dạng hành vi pháp lý, nên hành vi pháp lý luôn phải tuân thủ pháp luật nước nơi thực hiện hành vi (nguyên tắc locus regit actum)… Nguyên tắc này có hai ý nghĩa, một mặt nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các bên giao kết hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài, phải tôn trọng pháp luật nơi thực hiện hành vi; mặt khác nhằm đảm bảo cho trật tự của pháp luật quốc gia nơi thực hiện hành vi.

Nguyên tắc hình thức hợp đồng phải phù hợp với luật nơi giao kết hợp đồng có hai tính chất:

- Thứ nhất, nguyên tắc này có tính chất bắt buộc trong trường hợp đối với một số hợp đồng mua bán hàng hóa đặt biệt, đòi hỏi hợp đồng phải tuân thủ một số điều kiện nhất định (bằng văn bản, có đăng ký, công chứng…).

- Thứ hai, nguyên tắc này cũng mang tính chất tùy nghi, chủ yếu áp dụng với các loại hợp đồng mua bán hàng hóa mà luật không yêu cầu tuân thủ các điều kiện hình thức. Trong trường hợp này, hình thức hợp đồng vẫn được công nhận mặc dù không phù hợp với luật nơi giao kết.

Đối với các nước Đông Âu, người ta căn cứ vào luật nơi ký kết hợp đồng hoặc luật nơi thực hiện hợp đồng, trên cơ sở ưu tiên áp dụng luật nơi ký kết hợp đồng để giải quyết xung đột pháp luật về hình thức hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng ký kết ở một nước nhưng thực hiện ở nước khác thì luật nơi ký kết hợp đồng vẫn được áp dụng để xem xét hình thức hợp đồng. Nếu luật nơi ký kết hợp đồng không hợp pháp về mặt hình thức thì luật nơi thực hiện hợp đồng vẫn có thể được áp dụng để xem xét hình thức hợp đồng khi tòa án nơi giải quyết tranh chấp xét thấy hình thức của hợp đồng không trái với quy định của pháp luật nước mình. Trong khi đó, pháp luật của đa số các nước Bắc Âu, Tây Âu và Châu Mỹ khi giải quyết xung đột về hình thức hợp đồng thì luật nơi ký kết hợp đồng được ưu tiên áp dụng. Trong trường hợp nếu hợp đồng bị coi là bất hợp pháp về mặt hình thức theo luật nơi ký kết nhưng theo luật nhân thân của các bên hợp đồng hoặc theo luật tòa án nơi giải quyết tranh chấp coi hợp đồng là hợp pháp về mặt hình thức thì hợp đồng vẫn có giá trị pháp lý[7].

Các hiệp định song phương mà Việt Nam ký kết với các nước không quy định cụ thể về pháp luật áp dụng đối với hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, nhưng phần quy định chung về hình thức hợp đồng đều nêu rõ “hình thức hợp đồng được xác định theo pháp luật của bên ký kết áp dụng đối với chính hợp đồng đó. Tuy nhiên, hợp đồng tuân theo pháp luật nơi ký kết hợp đồng cũng được coi là hợp thức”[8]. Trong Hiệp định tương trợ tư pháp giữa Việt Nam với Lào quy định về hình thức hợp đồng có điểm khác, hình thức hợp đồng tuân theo pháp luật của nước ký kết nơi giao kết hợp đồng[9]. Như vậy, quy định trong các hiệp định song phương trên có sự khác nhau, nhưng cùng thừa nhận hệ thuộc luật nơi có bất động sản đối với hợp đồng về bất động sản và cũng thừa nhận hệ thuộc luật nơi giao kết có thể là luật xác định điều kiện có hiệu lực về hình thức của hợp đồng.

Khác với các quy định trong pháp luật các nước, cũng như các hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết với các nước, Công ước Viên 1980 của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (CISG) quy định tại Điều 11: “Hợp đồng có thể được giao kết bằng văn bản, lời nói, hành vi và các hình thức khác, kể cả thông qua người làm chứng”. Tuy nhiên, Công ước Viên cũng cho phép các quốc gia có quyền bảo lưu không áp dụng Điều 11 này, theo đó hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế bắt buộc phải tuân thủ những điều kiện nhất định về hình thức của pháp luật quốc gia mới được công nhận có hiệu lực[10].

Các nguyên tắc cơ bản điều chỉnh hợp đồng thương mại quốc tế (PICC) của Viện thống nhất về tư pháp quốc tế (UNIDROIT) quy định các bên được quyền thỏa thuận về hình thức hợp đồng. Tuy nhiên, sự thỏa thuận này phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.

Theo PICC 2010, tại Khoản 2 Điều 1 còn quy định hợp đồng có thể được chứng minh “kể cả bằng nhân chứng”. Khoản 2 Điều 9 Công ước Rome 1980 về luật áp dụng đối với nghĩa vụ hợp đồng quy định rằng trong trường hợp các bên ký kết hợp đồng ở các nước khác khau, hợp đồng còn có hiệu lực nếu thỏa mãn điều kiện về hình thức của pháp luật điều chỉnh hợp đồng của một trong các nước này. Như vậy, quy định trong các văn bản này là khá thông thoáng nhằm thừa nhận rộng rãi nhất điều kiện hiệu lực về hình thức của hợp đồng.

3. Quy định của pháp luật Việt Nam

Để xác định hiệu lực của hợp đồng, pháp luật Việt Nam tại Điều 770 Khoản 1 Bộ luật Dân sự (BLDS) 2005 quy định:

“Hình thức của hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi giao kết hợp đồng. Trong trường hợp hợp đồng được giao kết ở nước ngoài mà vi phạm quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật của nước đó, nhưng không trái với quy định về hình thức hợp đồng theo pháp luật Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì hình thức hợp đồng được giao kết ở nước ngoài đó vẫn được công nhận tại Việt Nam”.

Như vậy, quy định của pháp luật Việt Nam có sự thống nhất với các quy định trong các Hiệp định tương trợ tư pháp mà Việt Nam ký kết với các nước, tương đồng với quy định của các nước Bắc Âu, Tây Âu và Mỹ. Với cách quy định nguyên tắc chung như trên, có thể thấy, pháp luật Việt Nam không cho phép các chủ thể lựa chọn pháp luật điều chỉnh hình thức hợp đồng.

Tuy vậy, quy định này áp dụng trên thực tế còn gặp khó khăn, bởi lẽ việc xác định pháp luật nơi ký kết là nơi nào không hề đơn giản. Đặc biệt trong trường hợp giao kết vắng mặt, không có nơi giao kết hợp đồng, Điều 771 BLDS 2005 quy định: “Trong trường hợp giao kết hợp đồng vắng mặt thì việc xác định nơi giao kết hợp đồng phải tuân theo pháp luật của nước nơi cư trú của cá nhân hoặc nơi có trụ sở chính của pháp nhân là bên đề nghị giao kết hợp đồng”. Liên quan đến quy định trong điều khoản này có thể hiểu theo nhiều hướng khác nhau, vì vậy có thể gây khó khăn khi áp dụng trong thực tiễn nếu các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có lập luận giải thích khác nhau. Lập luận thứ nhất, giải thích theo hướng có thể áp dụng để xác định nơi giao kết hợp đồng, vì nội dung điều khoản này nêu rõ về cách xác định, hơn nữa cách xác định này phù hợp với cách xác định nơi giao kết hợp đồng quy định tại Điều 403 BLDS 2005[11] (tính thống nhất của luật). Lập luận thứ hai, trái lại, cho rằng không thể áp dụng quy định này để xác định nơi giao kết hợp đồng, với lý do nó nằm ở một điều khoản riêng biệt với điều khoản quy định về hình thức hợp đồng.

Bên cạnh đó, cũng phải thấy rằng quy định trên cũng chỉ hướng dẫn về trường hợp giao kết hợp đồng vắng mặt, nếu giao kết hợp đồng trong trường hợp có mặt không có cách xác định nơi giao kết thì giải quyết như thế nào? Không phải mọi trường hợp giao kết hợp đồng có mặt trực tiếp của các chủ thể thì việc xác định nơi giao kết dễ dàng. Giả sử hợp đồng bằng văn bản, các bên trong hợp đồng thỏa thuận với nhau về các điều khoản hợp đồng ở một nước và ký kết hợp đồng tại một nước khác thì nơi giao kết hợp đồng là nơi nào? Hoặc trường hợp giao kết hợp đồng từng phần khi đó hợp đồng bộ phận về hình thức phải tuân thủ pháp luật nơi giao kết hợp đồng bộ phận hay không?

Tuy nhiên, theo quy định của pháp luật Việt Nam, để hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được công nhận hiệu lực pháp lý thì hình thức hợp đồng phải đáp ứng yêu cầu bắt buộc thể hiện dưới hình thức bằng văn bản và mọi sự thay đổi bổ sung của nó phải được lập thành văn bản.

Khoản 2 Điều 27 Luật Thương mại (Luật TM) 2005 Việt Nam quy định: “Mua bán hàng hóa quốc tế phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng bằng văn bản hoặc hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương”.

Như vậy, Luật TM 2005 quy định hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được thể hiện bằng văn bản, nhưng Luật TM 2005 cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn không quy định rõ cụ thể hình thức nào được coi là hình thức văn bản. Chính vì vậy đã gây khó khăn cho các chủ thể khi tham gia đàm phán, ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Trong thực tiễn pháp lý Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế, hình thức văn bản của hợp đồng thương mại quốc tế nói chung và hình thức văn bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là “hình thức viết” (writing form). Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi và tránh những tranh chấp phát sinh không cần thiết cho các doanh nghiệp, cũng như các cơ quan xét xử trong quá trình giải quyết tranh chấp, pháp luật thương mại Việt Nam nên quy định rõ hình thức văn bản của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hình thức viết.

Các hình thức có giá trị pháp lý tương đương ở đây bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo quy định của pháp luật[12]. Điều này có nghĩa là pháp luật Việt Nam đã thừa nhận những hợp đồng ký theo hình thức số hóa, mua bán qua mạng, bản fax, thư điện tử… có giá trị pháp lý như ký bằng văn bản. Thực chất, đây chính là hình thức của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế được ký kết dưới dạng hợp đồng điện tử[13]. Tuy nhiên, các bên tham gia hợp đồng cũng nên lưu ý rằng, bên cạnh những tiện ích mà hợp đồng điện tử mang lại, các bên phải đối mặt với nhiều rủi ro, cả về mặt kỹ thuật, cả về mặt thương mại, cũng như cả về mặt pháp lý.

Như vậy, nếu Việt Nam tham gia vào Công ước Viên 1980 của Liên hiệp quốc về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế thì Việt Nam được quyền bảo lưu, không áp dụng Điều 11 của Công ước[14], vì pháp luật Việt Nam quy định hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải được ký kết bằng văn bản. Để giải quyết xung đột về hình thức hợp đồng, cần xác định vào hệ thống pháp luật được áp dụng để xem xét hiệu lực hình thức hợp đồng. Ở Việt Nam, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế muốn được công nhận giá trị pháp lý về mặt hình thức thì phải được lập bằng văn bản. Ký kết bằng văn bản sẽ giúp các bên tham gia hợp đồng có được bằng chứng đầy đủ khi phải ra tranh tụng trước cơ quan tài phán trong trường hợp có tranh chấp phát sinh. Ký kết bằng văn bản sẽ tạo điều kiện cho sự kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng có hiệu quả hơn. Ngoài ra, ký kết hợp đồng bằng văn bản cũng tỏ rõ nhiều ưu thế hơn so với hình thức thức phi văn bản.

Sự tuân thủ hình thức của hợp đồng được luật quy định (chủ yếu là hình thức văn bản) được chế ước trước hết bằng một số chế tài nhất định trong những trường hợp không tuân thủ quy định này: hình thức với nguy cơ hợp đồng không có hiệu lực; hình thức với mục đích là chứng cứ; hình thức để đạt được kết quả nhất định của hành vi pháp lý[15].

Ngoại lệ

Đây là những trường hợp không áp dụng luật nơi giao kết để xác định hiệu lực hình thức hợp đồng, mà luôn áp dụng pháp luật Việt Nam. Đó là các trường hợp:

- Trường hợp hợp đồng giao kết ở nước ngoài, vi phạm pháp luật nước ngoài về hình thức giao kết nhưng không trái với quy định của pháp luật Việt Nam về vấn đề này thì hình thức hợp đồng đó vẫn được công nhận ở Việt Nam[16].

- Hợp đồng được giao kết tại Việt Nam và thực hiện hoàn toàn tại Việt Nam thì phải tuân theo pháp luật Việt Nam[17].

Ngoài ra, luật nơi giao kết hợp đồng cũng sẽ không được áp dụng trong các trường hợp giao kết vắng mặt, thông qua giao dịch điện tử.

Kết luận

Hình thức là một yếu tố pháp lý quan trọng của hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, có quan hệ biện chứng với bản chất, giá trị hiệu lực của hợp đồng và là phương tiện để diễn đạt ý chí của các bên, cũng như chứng minh sự tồn tại của hợp đồng. Hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là hợp đồng không giống như hợp đồng trong phạm vi lãnh thổ của một quốc gia (hợp đồng nội địa), nguồn luật điều chỉnh của nó rất phong phú và đa dạng, bao gồm điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia và tập quán thương mại quốc tế. Cho nên, muốn hợp đồng được công nhận giá trị pháp lý về mặt hình thức thì hình thức của hợp đồng phải tuân thủ pháp luật áp dụng cho hợp đồng đó. Trong trường hợp đó, hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế không được lập đúng hình thức theo quy định của pháp luật áp dụng thì có thể bị cơ quan tài phán (tòa án, trọng tài) tuyên bố vô hiệu. Nhận thức đúng về hình thức, mức độ ảnh hưởng của hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế đối với quan hệ pháp luật hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế có ý nghĩa lý luận và thực tiễn quan trọng trong việc xây dựng các quy định pháp luật Việt Nam về hình thức, các hậu quả pháp lý thích ứng đối với các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế vi phạm hình thức, tạo cơ sở lý luận để giải thích và áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế, cũng như giúp các bên tham gia đàm phán ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế lựa chọn hình thức hợp đồng phù hợp với pháp luật áp dụng.


[1] Lê Minh Hùng (2010), Hiệu lực pháp luật của hợp đồng theo quy định của pháp luật Việt Nam, Luận án TS, Đại học Luật TP.HCM, tr 51.

[2] Xem Nguyễn Văn Luyện, Lê Thị Bích Thọ, Dương Anh Sơn (2009), Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế, NXB Đại học quốc gia TP. HCM, tr 17.

[3] Khoản 2, Điều 27 Luật TM 2005.

[4] Pháp luật hợp đồng của các nước Pháp, Mỹ và nhiều nước khác đều không phủ nhận vai trò và sự ảnh hưởng quan trọng của hình thức hợp đồng. Xem thêm Phạm Duy Nghĩa (2001), Tìm hiểu pháp luật Hoa Kỳ trong điều kiện Việt Nam hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, NXB Chính tri quốc gia, tr. 177; Corinne Renault – Brahinsky (2002), Đại cương về pháp luật hợp đồng, NXB Văn hóa thông tin, tr 64; Mc Kendrick E. (2001), Contract Law, Macmillan, tr 74-9; Richard Stone (2002), The Modern law of contract, Cavendish, tr 73-4.

[5] Xem Bùi Thị Thu, Giáo trình luật tư pháp quốc tế, NXB Giáo Dục, H., 2010, tr 244.

[6] Bùi Thị Thu, Giáo trình luật tư pháp quốc tế, NXB Giáo dục, H., 2010, tr 245.

[7] Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật Tư pháp quốc tế, NXB Tư pháp, H., 2007, tr 137.

[8] Điều 40, Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Mông Cổ ngày 17/4/2000. Điều 34, Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Liên bang Nga ngày 25/8/1998.

[9] Điều 21, Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam – Làongày 6/7/1998.

[10] Điều 96 Công ước Viên 1980 về hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế quy định:“Nếu luật của một quốc gia thành viên quy định hợp đồng mua bán phải được ký kết hay xác nhận bằng văn bản, thì quốc gia đó có thể bất cứ lúc nào tuyên bố các quy định về hình thức hợp đồng theo Công ước sẽ không được áp dụng nếu như chỉ cần một trong các bên có trụ sở thương mại tại một trong các nước thành viên”.Xem thêm Nguyễn Văn Luyện, Lê Thị Bích Thọ, Dương Anh Sơn (2009), Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế, NXB Đại học quốc gia TP. HCM, tr 21.

[11] Điều 403 BLDS 2005 quy định: Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự

“Địa điểm giao kết hợp đồng dân sự do các bên thoả thuận; nếu không có thoả thuận thì địa điểm giao kết hợp đồng dân sự là nơi cư trú của cá nhân hoặc trụ sở của pháp nhân đã đưa ra đề nghị giao kết hợp đồng”.

[12] Xem Điều 3 Khoản 15 Luật TM Việt Nam 2005.

[13] Điều 33 Luật Giao dịch điện tử 2005, quy định: “Hợp đồng điện tử là hợp đồng được thiết lập dưới dạng thông điệp dữ liệu”.

[14] Công ước Viên 1980 về mua bán hàng hóa quốc tế quy định tại điều 96 cho phép các thành viên công ước được phép bảo lưu không áp dụng Điều 11, bắt buộc hình thức hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế phải bằng văn bản.

[15] Nguyễn Văn Luyện, Lê Thị Bích Thọ, Dương Anh Sơn (2009), Giáo trình luật hợp đồng thương mại quốc tế, NXB Đại học quốc gia TP. HCM, tr 20.