Hiện này còn tồn tại những định kiến xã hội nào

29/07/2022 13:05

Rất ít người thừa nhận mình đang bị ảnh hưởng, thậm chí bị chi phối bởi định kiến giới khi đánh giá về một người. Nhưng từ thực tế cuộc sống cho thấy, vấn đề này đang tồn tại, và là rào cản cần xóa bỏ, nếu muốn thực hiện tốt bình đẳng giới.

Chị bạn tôi vừa từ chối cơ hội được đề bạt, bổ nhiệm vào vị trí cao hơn trong công ty chị đang làm việc. Lý do là chồng chị đang là phó giám đốc một chi nhánh trực thuộc công ty, lại có hai con nhỏ, nếu chị cũng đảm đương thêm chức vụ quan trọng từ “công ty mẹ” thì không biết “việc nhà, con cái ai lo”.

Có người khuyên chị nên nắm bắt cơ hội này, vì đây là kết quả từ sự  nỗ lực của bản thân và được tập thể ghi nhận; nhưng cũng có người khuyên “phụ nữ chẳng cần bon chen, như vậy là được rồi, để thời gian chăm lo cho gia đình”. Và cuối cùng chị đã chọn cách xin giữ nguyên vị trí để có thời gian chăm lo cho gia đình.

Dù lý do chị đưa ra nghe có vẻ rất chính đáng, nhưng rõ ràng tư tưởng “phụ nữ phải lo việc nhà, chăm chồng con” vẫn còn ăn sâu trong tiềm thức của chị- một người có học thức, với 2 bằng đại học.

Từ câu chuyện trên cho thấy, rất ít người thừa nhận mình đang bị ảnh hưởng, thậm chí bị chi phối bởi định kiến giới, nhưng rõ ràng vấn đề này đang tồn tại ở mỗi người, ít hay nhiều, và là rào cản cần xóa bỏ, nếu muốn thực hiện tốt bình đẳng giới.

Định kiến giới là nhận thức, thái độ và đánh giá thiên lệch, tiêu cực về đặc điểm, vị trí, vai trò và năng lực của nam hoặc nữ. Các định kiến giới thường là không đúng, không phản ánh đúng khả năng thực tế của từng người và thường giới hạn những gì mà xã hội cho phép hoặc mong đợi các cá nhân thực hiện.

Dù xã hội ngày nay đã khác xưa, đã có nhiều thay đổi, nhưng trên thực tế, vẫn tồn tại suy nghĩ, nội trợ, chăm con là công việc của phụ nữ, đàn ông phải làm những việc lớn lao ngoài xã hội. Hay nam giới đảm nhận những công việc nặng nhọc, năng lực tốt, có tính độc lập cao; ngược lại, phụ nữ luôn yếu đuối, thụ động, phải dựa dẫm.

Điều đáng mừng là trong những năm qua, bình đẳng giới nói chung, bình đẳng giới trong lãnh đạo, quản lý nói riêng đã được Đảng và Nhà nước ta  quan tâm chỉ đạo triển khai, và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Bằng chứng là tỷ lệ cán bộ nữ  tham gia cấp ủy các cấp qua các nhiệm kỳ dần tăng lên. Nhiệm kỳ 2015-2020, tỷ lệ nữ là Ủy viên Ban Chấp hành cấp Trung ương là 10%, cấp tỉnh là 13,3%, cấp huyện là 14,3%, cấp xã là 19,69%; nhiệm kỳ 2020-2025, ở cấp Trung ương là 10%, cấp tỉnh là 16%, cấp huyện là 20,1%, cấp xã là 25,6%.

Tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội cũng tăng qua từng nhiệm kỳ: Quốc hội khóa XIII (2012-2016), tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội là 24,4%, Quốc hội khóa IV (2016-2021) là 26,8%, Quốc hội khóa XV (2021-2026) là 30,26%.

Trong các cơ quan dân cử ở địa phương, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp cũng tăng lên đáng kể: Nhiệm kỳ 2016-2021, cấp tỉnh là 26,46%, cấp huyện là 27,51%, cấp xã là 26,70%; nhiệm kỳ 2021-2026, cấp tỉnh là 29%, cấp huyện là 29,2%, cấp xã là 28,98%.

Ở tỉnh ta, đến nay, toàn tỉnh có 11.436 nữ cán bộ, công chức, viên chức (chiếm 63,65%); tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 tăng so với nhiệm kỳ trước. Cụ thể, có 2/6 đại biểu Quốc hội là nữ (chiếm 33,33%), 18/51 đại biểu HĐND cấp tỉnh là nữ (chiếm 35,29%), 95/316 đại biểu HĐND cấp huyện là nữ (chiếm 30,06%) và 850/2.162 đại biểu HĐND cấp xã là nữ (chiếm 39,32%).

Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, vấn đề bất bình đẳng giới, định kiến giới đang còn diễn ra ở tất cả các lĩnh vực. Trong đó, vị thế của người phụ nữ có tiến bộ, nhưng cũng còn nhiều hạn chế.

Nhiều cơ quan, đơn vị, khi tuyển dụng nhân viên, dù không có sự phân biệt, đối xử trong tuyển dụng trên văn bản, nhưng thực tế vẫn có xu hướng tuyển nam hơn nữ, bởi tâm lý lao động nữ sẽ vướng bận chuyện mang thai, sinh con, chăm sóc gia đình, không thể đảm đương tốt công việc ở cơ quan, đơn vị.

Định kiến giới cũng tồn tại cả trong bổ nhiệm cán bộ, từ việc cân nhắc của lãnh đạo trước những ứng viên cho cùng một vị trí đến khâu lấy phiếu tín nhiệm. Thực tế, trong suy nghĩ một số cán bộ lãnh đạo, nhân viên, kể cả nam và nữ vẫn có suy nghĩ nam giới làm lãnh đạo tốt hơn nữ giới.

Có thể nói, định kiến giới tác động rất nhiều đến nữ giới, làm cho nữ giới mất nhiều cơ hội để phát triển và nguy cơ mất cân bằng giới tính.

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Thực hiện đồng bộ và toàn diện các giải pháp phát triển thanh niên, bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ. Giảm dần khoảng cách giới trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”.

Thực hiện Chiến lược quốc gia đình đẳng giới giai đoạn 2021-2030 của Chính phủ, tỉnh Kon Tum đang phấn đấu đến năm 2025 đạt 60% và đến năm 2030 đạt 75% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Để điều chỉnh, giảm thiểu và tiến tới xóa bỏ định kiến giới là một quá trình khó khăn đòi hỏi phải tiến hành liên tục, đồng bộ, kiên trì và sáng tạo. Có sự tham gia của cả hệ thống chính trị, của cộng đồng, cá nhân, và chính bản thân phụ nữ.

 
Coi trọng công tác tuyên truyền, giáo dục trong việc thực hiện chính sách pháp luật về bình đẳng giới. Ảnh: SC

Trong đó, cần thúc đẩy mạnh mẽ công tác tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức về giới và bình đẳng giới. Đảm bảo có sự phối hợp đồng bộ giữa 3 môi trường là nhà trường, gia đình và xã hội.

Đổi mới, tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ gắn với quy hoạch tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý ở các cơ quan hoạch định chính sách các cấp.

Định kiến giới thuộc về yếu tố văn hóa, nhận thức của mỗi người nên không thể thay đổi ngày một, ngày hai. Tuy vậy, cùng với sự vào cuộc cả cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, giáo dục, mỗi người cần thay đổi nhận thức, hành vi của mình để góp phần xóa bỏ những rào cản về định kiến giới, tạo điều kiện và cơ hội để phụ nữ phát triển.                   

Sông Côn