Đức hồng y phanxicô xavie nguyễn văn thuận

Trong thánh lễ kính nhớ 20 năm ngày mất của Đức Cố Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, khởi đi từ chính những kinh nghiệm lao tù của Đức Cố Hồng Y, ĐHY Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn, nói: ĐHY Phanxicô Nguyễn Văn Thuận là chứng nhân vĩ đại trong đời sống đức tin của một người không chỉ sống đức tin nhưng còn chịu đau khổ vì chính đức tin của mình trong suốt 13 năm tù đày.

Văn Cương, SJ – Vatican News

Roma – Sáng thứ Sáu, ngày 16/9/2022, ĐHY Giovanni Battista Re, niên trưởng Hồng y đoàn, đã chủ sự lễ giỗ 20 năm ngày mất của ĐHY Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận tại Vương cung Thánh đường Santa Maria in Trastevere. Hiện diện trong thánh lễ còn có ĐHY Gorge Pell, ĐHY Lazzaro You Heung-Sik – Tổng trưởng bộ Giáo sĩ, các linh mục đến từ Bộ Phục vụ Phát triển Con người Toàn diện, Liên tu sĩ Việt Nam tại Roma và các tín hữu cũng như các bạn bè thân hữu cùng các đại diện của các tổ chức đang tiếp tục cầu nguyện với ngài tại các vùng nước Ý, cũng như tại các nước khác của châu Âu.

Mở đầu bài giảng, ĐHY chủ tế nhắc lại kinh nghiệm giữa ngài và Đức Cố Hồng Y Phanxicô qua những lần gặp gỡ. Theo ấn tượng của ĐHY chủ tế về Đức Cố Hồng Y Phanxicô, ngài là người tử tế, hiền lành, và luôn có phong thái bình an dù đã đi qua cuộc đời đầy đau khổ.

Đức Cố Hồng Y Phanxicô – Chứng nhân vĩ đại trong đời sống đức tin

Trong bài giảng, ĐHY chủ tế đề cập về ba bản văn quan trọng vốn phản ánh tinh thần của Đức Cố Hồng Y Phanxicô.

Chọn Chúa hơn là việc của Chúa. ĐHY chủ tế chia sẻ: khi Đức Cố Hồng Y Phanxicô giảng cho giáo triều Roma năm 2000. Chọn lựa nền tảng của ĐHY nằm ở việc ngài phân biệt rõ giữa việc chọn Chúa và chọn công việc của Chúa. Nhớ lại kinh nghiệm khi mới bị bắt, biệt giam, ĐHY nghĩ tới đoàn chiên đang đau khổ và không phục vụ được, kinh nghiệm này khiến cho ĐHY bị dằn vặt, bị nỗi đau lớn nhất. Vào một đêm, ĐHY nghe được tiếng nói trong tâm hồn có lời phân biệt rất rõ ràng: Công việc của Chúa là quan trọng, nhưng Chúa mới là nền tảng, kinh nghiệm này đã đem lại sự bình an để đi qua 13 năm lao tù của ĐHY với sự bình an vì ngài tin ngài luôn có Chúa ở cùng.

Chứng nhân hoà giải. ĐHY chủ tế đề cập về sự hoà giải trong Tin mừng: nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình (Mt 5, 20-26). ĐHY Re nhắc lại nếu chúng ta không có trái tim hoà bình, thì sự hiệp thông và lời cầu nguyện của chúng ta sẽ không làm Thiên Chúa vui lòng. Nơi Đức Cố Hồng Y Phanxicô, ngài là chứng nhân sống lời mời gọi trên của Đức Giêsu, và đã sống sự hoà giải để hiệp thông với anh chị em của mình.

Sống mật thiết với Đức Mẹ. ĐHY chủ tế đề cập đến cuộc phỏng vấn của Đức Cố Hồng Y Phanxicô với báo Quan sát viên Roma, trong đó Đức Cố Hồng Y Phanxicô đề cập đến việc ngài bị bắt vào ngày 15/8/1975, lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, và được trả tự do vào ngày 21/11/1988, lễ Đức Mẹ dâng mình trong đền thờ sau 13 năm tù đày. Biến cố này khiến ĐHY nhớ lại kinh nghiệm khi còn là một linh mục trẻ trên chuyến hành hương tới Lộ Đức: lời Đức Mẹ hứa với thánh nữ Bernadette về “niềm vui và đau khổ ở đời này” không chỉ ứng nghiệm với thánh nữ, nhưng còn ứng nghiệm với chính ngài. Nơi Đức Cố Hồng Y Phanxicô, ngài có lòng yêu mến đặc biệt với Đức Mẹ và cả cuộc đời, sứ mạng đều xoay quanh Đức Mẹ.

Cuối cùng, ĐHY chủ tế nhắc lại, chúng ta có một chứng nhân vĩ đại trong đời sống đức tin và ước mong mẫu gương của Đức Cố Hồng Y Phanxicô đồng hành trong hành trình đức tin của mỗi người chúng ta.

Ðức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận sinh ra tại Phú Cam, thuộc Tổng Giáo phận Huế, Tỉnh Thừa Thiên, Việt Nam, ngày 17 tháng 4 năm 1928. Gia đình Ngài có 8 anh chị em: 3 trai và 5 gái, mà Ngài là con cả. Ông Bà Cụ Cố thân sinh của Ngài là Cụ Nguyễn Văn Ấm, qua đời ngày 3 tháng 7 năm 1993 tại Sydney, Australia, và Cụ Bà Elisabeth Ngô Ðình Thị Hiệp. Bà là con gái của Cụ Ngô Ðình Khả. Bà Cụ Cố qua đời lúc 23:50 khuya ngày 27 tháng 1 năm 2005 tại Sydney, hưởng thọ 102 tuổi.

Ðức Hồng Y Thuận thuộc một gia đình có truyền thống Công giáo lâu đời và tổ tiên từng bị bách hại vì đạo từ năm 1698.

ROMA – 10 năm sau khi được an táng tại nghĩa trang Verano, di hài Đức hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã được cải táng về Nhà thờ hiệu tòa của ngài, Nhà thờ Đức Mẹ Scala, ở trung tâm Roma sáng ngày 8-6-2012.

ĐHY Nguyễn Văn Thuận, Cố Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, qua đời lúc 18 giờ thứ Hai, 16-9-2002, tại bệnh viện Piô XI ở Roma, hưởng thọ 74 tuổi, sau 49 năm linh mục, 35 năm giám mục và 1 năm rưỡi làm hồng y. Thánh lễ an táng Đức Cố hồng y đã được Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II chủ tọa trọng thể tại Đền thờ thánh Phêrô lúc 17g30 thứ Sáu, 20-9-2002, với 4.000 người tham dự, trong đó có 4 hồng y và 130 giám mục cùng với ngoại giao đoàn cạnh Tòa Thánh. Thánh lễ do ĐHY Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh chủ tế, và đồng tế với ngài có 28 hồng y, 5 giám mục Việt Nam, và Đức giám mục Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình.

Sáng hôm sau, thứ Bảy 21-9, linh cữu Đức Cố HY đã được an táng tạm trong phần mộ của các Kinh sĩ Đền thờ Thánh Phêrô ở nghĩa trang chính của thành phố Roma, Campo Verano, trước sự hiện diện của ĐHY Bernard Law, bấy giờ là TGM giáo phận Boston Hoa Kỳ, bạn thân của Đức Cố HY, 5 giám mục Việt Nam, Đức giám mục Giampaolo Crepaldi, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, hơn 100 linh mục tu sĩ Việt Nam và thân nhân của ĐHY.

Trong những năm qua, Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, đã mở án xin phong chân phước cho ĐHY Nguyễn Văn Thuận, đồng thời cũng xúc tiến việc xin cải táng ĐHY về nhà thờ hiệu tòa của ngài ở trung tâm Roma.

Lễ cải táng do ĐHY Peter Turkson, người Ghana, đương kim Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, chủ sự từ lúc 11g45 tại Nhà thờ Đức Mẹ Scala, trước sự hiện diện của hai vị tiền nhiệm của ngài là ĐHY Roger Etchegaray, ĐHY Renato Martino, tiếp đến là ĐHY Jorge Mejia, người Argentina, nguyên thư viện trưởng của Tòa Thánh, và ĐHY Bernard Law, nguyên Giám quản Đền thờ Đức Bà Cả ở Roma. Ngoài ra còn có Đức Cha Mario Toso, SDB, Tổng thư ký Hội đồng Tòa Thánh Công lý và Hòa bình, và gần 100 người gồm các nhân viên của Hội đồng, Liên tu sĩ Việt Nam ở Roma, đặc biệt có bà Elisabeth Nguyễn Thị Thu Hồng, người em út của Đức Cố hồng y từ Canada và một số thân nhân khác.

Lễ cải táng diễn ra dưới hình thức một buổi phụng vụ Lời Chúa, với bài đọc sách Huấn Ca, đáp ca, lời nguyện. Khi linh cữu được đưa tới trước bàn thờ, biên bản cuộc cải táng đã được các chức sắc tòa án của Tòa Giám Quản Roma tuyên đọc, rồi linh cữu Đức Cố hồng y bọc thép không gỉ, có cột dây đỏ gắn triện si, được đặt dưới bàn thờ thánh Đa Minh và thánh nữ Catarina, là bàn thờ thứ hai ở bên phải vừa khi bước vào thánh đường.

Lễ cải táng kết thúc với kinh cầu Đức Cố HY để xin ơn nhờ lời chuyển cầu của ngài và xin Chúa cho sớm đến ngày Vị Tôi Tớ Chúa Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận được tôn vinh trên bàn thờ.

Nhà thờ Đức Mẹ Scala (Piazza della Scala, 23) tọa lạc tại khu Trastevere, khởi công xây cất từ năm 1593 và hoàn tất vào năm 1610, để bảo quản ảnh Đức Mẹ Cầu Thang. Thánh đường do dòng Camêlô nhặt phép (OCD) coi sóc. Tại đây cũng có học viện của dòng.