Để giải quyết việc làm cho nhân dân Nhà nước có những chính sách gì

Mục lục bài viết

  • 1. Khái niệm
  • 2. Vị trí của chính sách việc làm
  • 3. Vai trò của chính sách việc làm
  • 4. Thực trạng thực hiện chính sách việc làm
  • 5. Định hướng hoàn thiện chính sách việc làm

1. Khái niệm

Việc làm là một trong những vấn đề xã hội rất đáng được quan tâm của mỗi quốc gia và là mối quan tâm trực tiếp của Đảng, Nhà nước và hàng triệu người lao động thiếu việc làm hiện nay. Vì thế, chính sách việc làm và phát triển thị trường lao động có một vị trí, vai trò vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của nền kinh tế, của mối quan hệ cung cầu trong lao động, việc thu hút đầu tư và sức cạnh tranh kinh tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, liên kết, hội nhập sâu rộng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 như hiện nay... đem lại những cơ hội nhưng đồng thời cũng đưa tới những thách thức lớn đối với nước ta trong giải quyết việc làm cho người lao động. Do vậy, các chính sách việc làm của Chính phủ càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và việc thực hiện chính sách việc làm như cứu cánh của đời sống, là yếu tố đảm bảo diều kiện sống còn của con người trong xã hội.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 9 Bộ Luật lao động 2019 thì khái niệm việc làm được quy định cụ thể như sau: “Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm”. Nhà nước, người sử dụng lao động và xã hội có trách nhiệm tham gia giải quyết việc làm, bảo đảm cho mọi người có khả năng lao động đều có cơ hội có việc làm. Người lao động được làm việc cho bất kỳ người sử dụng lao động nào và ở bất kỳ nơi nào mà pháp luật không cấm; trực tiếp liên hệ với người sử dụng lao động hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm để tìm việc làm theo nguyện vọng, khả năng, trình độ nghề nghiệp và sức khoẻ của mình. Người sử dụng lao động có quyền trực tiếp hoặc thông qua tổ chức dịch vụ việc làm, doanh nghiệp cho thuê lại lao động để tuyển dụng lao động, có quyền tăng, giảm lao động phù hợp với nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 3 Luật Việc làm 2013 thì khái niệm việc làm được quy định cụ thể như sau: Việc làm là hoạt động lao động tạo ra thu nhập mà không bị pháp luật cấm. Luật Việc làm 2013 còn quy định việc làm công là việc làm tạm thời có trả công được tạo ra thông qua việc thực hiện các dự án hoặc hoạt động sử dụng vốn nhà nước gắn với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã).

Theo quan điểm của Tổ chức lao động quốc tế (ILO), Người cỏ việc làm là người làm việc trong các lĩnh vực, ngành nghề, dạng hoạt động có ích, không bị pháp luật ngăn cấm, đem lại thu nhập đế nuôi sống bản thân và gia đình, đồng thời góp một phần cho xã hội.

Khoản 1 Điều 3 Bộ luật lao động 2019 định nghĩa: "Người lao động là người làm việc cho người sử dụng lao động theo thỏa thuận, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động.Độ tuổi lao động tối thiểu của người lao động là đủ 15 tuổi, trừ trường hợp quy định tại Mục 1 Chương XI của Bộ luật này". Theo định nghĩa này thì người lao động được giới hạn độ tuổi từ đủ 15 trở lên. Tuy nhiên, Bộ luật lao động cũng đồng thời đưa ra quy định đối với một số công việc có tính chất đặc biệt, người sử dụng lao động được thuê người lao động dưới 15 tuổi, tuy nhiên phải đáp ứng những điều kiện nhất định.

Như vậy, để giải quyết việc làm cho người lao động cần phải hoạch định và thực thi chính sách việc làm trong thực tiễn đời sống xã hội. Chính sách việc làm: là tổng thể các quan điểm, mục tiêu, giải pháp và công cụ nhằm tạo việc làm và sử dụng có hiệu quả nguồn lực xã hội. Nói cách khác, chính sách việc làm là sự thể chế hóa pháp luật của Nhà nước hên lĩnh vực việc làm, là hệ thống các quan điểm, phương hướng mục tiêu và giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động.

2. Vị trí của chính sách việc làm

Ở Việt Nam hiện nay, trong thời đại công nghệ 4.0, nền kinh tế thị trường phát triển nhanh và mạnh, hệ quả thất nghiệp là điều không thể tránh khỏi, vấn đề đặt ra ở đây là phải giải quyết tình trạng thất nghiệp như thế nào. Nhìn từ góc độ của chính sách việc làm, để hạn chế tình trạng thất nghiệp, một mặt phải tạo ra chỗ làm mới, mặt khác phải tạo cơ hội, khả năng cho người lao động tự tạo ra việc làm hoặc gia nhập thị trường lao động, thông qua chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại tay nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng phải có chính sách trợ cấp thất nghiệp cho người lao động.

Chính sách việc làm thực chất là một bộ phận trong hệ thống chính sách chung, có quan hệ và tác động đến việc mở rộng và phát triển việc làm cho lực lượng lao động của toàn xã hội, như các chính sách: khuyến khích phát triển những lĩnh vực, những ngành, nghề có khả năng thu hút nhiều lao động, chính sách tạo việc làm cho những đối tượng đặc biệt (người khuyết tật, đối tượng tệ nạn xã hội, người hồi hương...); chính sách hợp tác và xuất khẩu lao động đi nước ngoài.

3. Vai trò của chính sách việc làm

Vai trò của chính sách việc làm trong nền kinh tế thể hiện ở một số mặt dưới đây:

- Chính sách việc làm là một trong những chính sách xã hội cơ bản của mọi quốc gia nhằm góp phần đảm bảo an sinh, ổn định và phát triển xã hội.

- Chính sách việc làm vừa có ý nghĩa về mặt kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt chính trị xã hội. Hoạch định và thực hiện không tốt chính sách việc làm sẽ dẫn đến những hậu quả, những thiệt hại trực tiếp về kinh tế và cả về chính trị, xã hội cho Việt Nam.

- Chính sách việc làm còn có mối quan hệ biện chứng với các chính sách khác như chính sách kinh tế và chính sách xã hội, đặc biệt là: chính sách dân số, chính sách giáo dục và đào tạo, chính sách cơ cấu kinh tế, chính sách công nghệ, chính sách bảo hiểm xã hội...

- Nếu thực hiện tốt chính sách việc làm thì sẽ có tác động mạnh mẽ đến việc thúc đẩy nguồn nhân lực được sử dụng hiệu quả, giúp giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, giảm chi phí trợ cấp thất nghiệp. Ngược lại, nếu chưa giải quyết tốt chính sách việc làm, đặc biệt trong những thời kỳ kinh tế suy thoái thì tỉ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên, kéo theo các tệ nạn xã hội có thể tăng lên và nguy cơ đói nghèo sẽ gia tăng, vấn đề an sinh xã hội. Thực hiện tốt chính sách việc làm có tác động thúc đẩy sử dụng nguồn nhân lực hiệu quả, tác động tích cực đến giảm thiểu tình trạng thất nghiệp, giảm chi phí trợ cấp thất nghiệp.

Một số nội dung:

Chính sách việc làm là một bộ phận rất quan trọng của chính sách xã hội được thể chế hóa bằng luật pháp của Nhà nước nhằm giải quyết, đảm bảo việc làm cho người lao động, thúc đẩy sự phát triển, công bằng và tiến bộ xã hội. Dưới đây là một số chính sách việc làm cụ thể:

- Bộ luật Lao động năm 2019

- Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, Luật Thuế, Luật Phá sản...) đã góp phần giải phóng sức sản xuất, tạo điều kiện cho thị trường lao động phát triển.

- Luật bảo hiểm xã hội 2014

- Luật giáo dục nghề nghiệp 2014

- Luật việc làm 2013 (nghị định 28/2015/NĐ-CP; Thông tư 28/2015/TT-BLĐTBXH)

- Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

- Các nghị định, thông tư liên quan tới lao động, thị trường lao động và việc làm.

- Các chính sách về tư vấn, giới thiệu việc làm, cung ứng lao động, định hướng nghề nghiệp, thông tin dự báo thị trường lao động nhằm kết nối cung cầu lao động;

- Quyết định số 27/2019/QĐ-TTg ngày 9/9/2019 về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đến năm 2020

4. Thực trạng thực hiện chính sách việc làm

* Thành tựu:

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 1 tháng 4 năm 2019, dân số Việt Nam đạt 96.208.984 người, trong đó lực lượng lao động Việt Nam là 55,4 triệu người, tuy nhiên số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật chỉ có 11,39 triệu lao động qua đào tạo có bằng/chứng chỉ (bao gồm các trình độ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng, đại học và sau đại học), chiếm 20,92% tổng lực lượng lao động là 178000 lao động mang bằng cử nhân, thạc sỹ vẫn chưa có việc làm.

Hiện nay, thị trường lao động của Việt Nam được Ngân hàng Thế giới đánh giá như sau: chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp trong bậc thang năng lực quốc tế. Việt Nam đang thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Đặc biệt, lao động Việt Nam còn thiếu và yếu về ngoại ngữ và các kỳ năng mềm như làm việc nhóm, giao tiếp, tác phong công nghiệp (trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp) và kỷ luật lao động kém.

Theo báo cáo của Cục Việc làm, năm 2017, cả nước có hơn 1.639 lao động được tạo việc làm (bằng 102,48% kế hoạch năm 2017), trong đó, số lao động được tạo việc làm trong nước khoảng 1.505.000 người

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, với trên 134,7 nghìn lao động (bằng 127,6% kế hoạch năm 2017), góp phần quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo và đem lại cơ hội lớn trong việc tiếp thu khoa học kỹ thuật tiên tiến của nước ngoài.

Năm 2017 thông qua Quỹ quốc gia về việc làm góp phần giải quyết việc làm cho khoảng 110.000 lao động, đạt 110% kế hoạch. Quỹ Quốc gia về việc làm đã tạo điều kiện cho lao động thanh niên, lao động nữ, lao động là người khuyết tật, lao động là người dân tộc, lao động vùng chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp có cơ hội vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho bản thân và cộng đồng.

* Hạn chế trong thực hiện chính sách việc làm

Bên cạnh những thành tựu đã đạt được khi chính sách việc làm được đưa vào thực tiễn thì vẫn còn một số hạn chế trong việc thực hiện chính sách việc làm. Cụ thể:

- Chính sách việc làm hiện nay chủ yếu mới chú trọng đến tạo việc làm theo chiều rộng, càng nhiều việc làm càng tốt mà chưa chú trọng đến chất lượng việc làm. Vì vậy, chưa khuyến khích người lao động nâng cao trình độ và tay nghề. Giải quyết việc làm hiện nay còn mang tính liên ngành, tổng hợp, chưa rõ rệt, đòi hỏi phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa các ngành, giữa Trung ương với địa phương, cơ sở, nhưng đồng thời cũng phải phân định rồ ràng vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan.

- Chính sách việc làm ban hành còn tản mạn ở nhiều văn bản gây chồng chéo. Việc vận dụng các chính sách việc làm trong thực hiện còn nhiều bất cập, một số chính sách chưa phát huy được hiệu quả đích thực. Nhiều nội dung của việc làm còn buông lỏng, kém hiệu quả. Đáng chú ý là trong các kế hoạch, các chương trình, dự án phát triển kinh tế chưa được giao và thẩm định chỉ tiêu chỗ làm việc mới, chỉ tiêu đào tạo nghề, quản lý thị trường lao động còn yếu kém. Hệ thống dạy nghề còn hạn chế về chất lượng đầu ra

- Chính sách tín dụng chưa phù hợp về điều kiện vay và mức vay, thiếu gắn kết giữa cho vay vốn và hỗ trợ đầu tư vào tiếp cận thị trường nên hiệu quả sử dụng vốn chưa cao.

5. Định hướng hoàn thiện chính sách việc làm

Trong hoạch định chính sách việc làm, nguyên tắc cơ bản được thực hiện là đảm bảo công bằng xã hội, từ đó, Nhà nước sẽ tạo ra những điều kiện thuận lợi hơn cho người lao động tìm kiếm việc làm, tự tạo việc làm để đảm bảo chủ trương của Nhà nước đề ra. Để đảm bảo thực hiện tốt chính sách việc làm cần quán triệt và định hướng cụ thể như sau:

Thứ nhất, hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về việc làm. Chính sách việc làm phải tiếp tục hướng vào giải phóng lao động, khuyến khích các lĩnh vực, ngành nghề và các hình thức hoạt động có khả năng thu hút người lao động. Giải quyết việc làm phải gắn liền với các chương trương trình chiến lược phát triển kinh tế - xã hội cũng như các chương trình quốc gia khác. Chính sách khuyến khích sự phát triển kinh tế tư nhân như: chính sách thuế, thị trường, công nghệ, tín dụng, hợp tác quốc tế cần được thúc đẩy hoàn thiện. Chính sách thị trường lao động phải được hoàn thiện theo định hướng thông thoáng, thông suốt, thống nhất, đảm bảo người lao động được tự do di chuyển và hành nghề, tự do ký kết họp đồng lao động theo quy định của pháp luật Nhà nước. Chính sách tiền lương, tiền công cũng cần được hoàn thiện để điều tiết thị trường lao động

Thứ hai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực góp phần nâng cao chất lượng việc làm. Gắn với chất lượng nguồn nhân lực phải phát triển toàn bộ hệ thống giáo dục và đào tạo nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nhận lực, bồi dưỡng nhân tài, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về nhân lực chuyên môn kỹ thuật cao trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời, tạo điều kiện cho người lao động tự tạo việc làm, tìm kiếm việc làm dễ dàng hơn trong thị trường lao động. Mở rộng, củng cố và nâng cấp các cơ sở dạy nghề hiện có xây dựng thêm các trường dạy nghề mới hoạt động chính quy, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng các trường đào tạo kỹ thuật cao, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thứ ba, nâng cao chất lượng việc làm khu vực nông thôn. Thực tế cho thấy, các nhà máy, khu công nghiệp đang hoạt động rất hiệu quả tại các khu vực nông thôn, là một trong những địa chỉ cung cấp việc làm số lượng lớn cho người lao động. Chính vì vậy, nâng cao chất lượng việc làm ở khu vực nông thôn sẽ giúp thu hút sự tham gia của người lao động và nâng cao mức thu nhập của người lao động thông qua các công việc có tiêu chuẩn và chất lượng cao.

Thứ tư, tăng năng suất lao động. Năng suất lao động và việc làm là các yếu tố tác động đến tăng trưởng GDP. Tăng trưởng GDP dựa trên tăng việc làm giản đơn, không có trình độ công nghệ và tay nghề thường không cao và thiếu bền vững, trong khi tăng trưởng GDP theo hướng tăng năng suất lao động tuy là một thách thức nhưng đầy tiềm năng để tạo ra tăng trưởng cao, bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Trong điều kiện tự do hóa thương mại và Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa tạo cơ hội phát triển cho kinh tế Việt Nam, đồng thời cũng có nguy cơ Việt Nam bị bỏ lại xa hơn các quốc gia trên thế giới. Để nâng cao năng suất lao động góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững, trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp về thể chế, chính sách; giải pháp chung cho nền kinh tế và giải pháp cho khu vực doanh nghiệp. Cùng với đó là ban hành và thực thi các giải pháp mang tính đột phá, tạo áp lực để các tổ chức kinh tế tiếp cận, ứng dụng công nghệ, từng bước nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời, cần đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của các chính sách đổi mới, tạo môi trường chính sách hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ cho doanh nghiệp nhằm tăng năng suất lao động với các sản phẩm mới, công nghệ cao. Có giải pháp khuyến khích các doanh nghiệp sắp xếp lại để có quy mô lao động tối ưu nhằm đạt được năng suất lao động cao nhất (doanh nghiệp có quy mô từ 100-299 lao động).

Thứ năm, tăng cường kết nối cung - cầu lao động. Đa dạng các hình thức tư vấn, giới thiệu việc làm, ký kết thỏa thuận cung ứng lao động với doanh nghiệp, tăng cường đưa thông tin lao động, việc làm về cơ sở, vùng sâu, vùng xa... chính là những hình thức đổi mới nhằm nâng cao hiệu quả tư vấn, giới thiệu việc của Trung tâm Dịch vụ việc làm (DVVL). Qua đó, nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động, thực hiện tốt công tác giới thiệu việc làm.