Dạy học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn năm 2024

Hà Tĩnh - Hoạt động trải nghiệm trong môn học Ngữ văn giúp học sinh khám phá bản thân và thế giới xung quanh, thấu hiểu con người, có đời sống tâm hồn phong phú, có quan niệm sống và ứng xử nhân văn, có tình yêu đối với tiếng Việt và văn học, có ý thức về cội nguồn và bản sắc của dân tộc, góp phần giữ gìn, phát triển các giá trị văn hoá Việt Nam…

Dạy học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn năm 2024
Di tích lịch sử Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh) là điểm đến giáo dục truyền thống cách mạng mà nhiều học sinh thường về tham quan, hành hương. Ảnh: Trần Tuấn.

Hoạt động trải nghiệm là hoạt động giáo dục, trong đó, dưới sự hướng dẫn và tổ chức của nhà giáo dục, từng cá nhân học sinh được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thực tiễn khác nhau của đời sống gia đình, nhà trường cũng như ngoài xã hội với tư cách là chủ thể của hoạt động. Qua đó, phát triển năng lực thực tiễn, phẩm chất nhân cách và phát huy tiềm năng sáng tạo của cá nhân mình.

Đổi mới dạy học môn Ngữ văn góp phần tạo được hứng thú, tính tích cực cho người học. Việc dạy học Ngữ văn gắn liền với hoạt động trải nghiệm là một trong những con đường, cách thức đổi mới phương pháp giáo dục trong nhà trường góp phần hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất người học.

Các hoạt động trải nghiệm có thể thực hiện dưới nhiều hình thức rất phong phú và đa dạng, hấp dẫn đối với học sinh, giúp các em hình thành, phát triển năng lực như hoạt động câu lạc bộ, tổ chức tham quan, dã ngoại, các cuộc thi, hoạt động nhân đạo, lao động công ích,...

Có thể chia hoạt động trải nghiệm thành 3 mức độ: Tham quan là loại trải nghiệm mang tính vui chơi và tùy hứng, giờ học thực tế với yêu cầu viết cảm nhận sau chuyến thực tế chính là hình thức học tập trải nghiệm trên đường chính quy hóa. Bậc cao nhất là hoạt động trải nghiệm sáng tạo. Bậc này chính thức khẳng định vai trò của hoạt động trải nghiệm trong đổi mới giáo dục nhằm phát triển năng lực cho học sinh.

Dạy học trải nghiệm sáng tạo môn ngữ văn năm 2024
“Sân khấu hóa” trong giờ học của học sinh. Ảnh: Quỳnh Giang.

Trong môn Ngữ văn, cơ hội phát triển năng lực không chỉ đem đến cho người học, mà ngay cả người làm thầy dạy văn chương cũng được “bứt” khỏi sách vở, để có đường dẫn sinh động nối giữa văn với đời. Đó là những hành trình hữu ích và ý nghĩa với cả người dạy và người học.

Từ mô hình học tập trải nghiệm của David Kolb, khi tổ chức các hoạt động trải nghiệm cần thực hiện đầy đủ theo quy trình các giai đoạn sau:

Bước 1: Đề xuất một nhiệm vụ cho chủ đề. Bước 2: Học sinh tự trải nghiệm trong thực tiễn để thực hiện nhiệm vụ được giao. Bước 3: Học sinh làm báo cáo kết quả hoạt động theo nhiệm vụ được giao sau khi quá trình trải nghiệm kết thúc. Bước 4: Học sinh báo cáo nhiệm vụ và quá trình trải nghiệm của mình trước tập thể. Bước 5: Tổng kết quá trình hoạt động, học tập, thực hiện nhiệm vụ của học sinh.

Khi dạy học chủ đề văn bản thuyết minh theo hướng trải nghiệm, giáo viên tập trung vào các hoạt động như: Hoạt động sân khấu hóa, Hoạt động tổ chức các diễn đàn/cuộc thi /hội thi, Hoạt động tham quan tìm hiểu, Hoạt động dạy học theo dự án.

Hoạt động sân khấu hóa: Học sinh tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp của các danh nhân, các nhân vật lịch sử, các tác giả văn học thông qua các hình thức như: đóng vai, dựng hoạt cảnh hoặc “Tập làm người dẫn chương trình truyền hình” đi thực tế tham quan các cảnh đẹp, các di tích lịch sử.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (HĐTNST) là một bộ phận của chương trình giáo dục phổ thông mới. Bên cạnh các môn học khác, HĐTNST trong chương trình giáo dục phổ thông mới làm cho nội dung giáo dục không bị bó hẹp trong sách vở, mà gắn liền với thực tiễn đời sống xã hội. HĐTNST là con đường gắn lý thuyết (các môn học) với thực tiễn, tạo nên sự thống nhất giữa nhận thức với hành động, góp phần phát triển phẩm chất, tư tưởng, ý chí, tình cảm, giá trị, kỹ năng sống, niềm tin đúng đắn ở học sinh, hình thành những năng lực cần có của con người trong xã hội hiện đại. HĐTNST là con đường để phát triển toàn diện nhân cách học sinh, đáp ứng mục tiêu giáo dục phổ thông của Việt Nam

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo có nghĩa là tăng cường khả năng sáng tạo cho học sinh, học đi đôi với hành, mỗi học sinh phải được hành động với kinh nghiệm cá nhân, đưa ra các sáng kiến trải nghiệm từ thực tế, không ngừng sáng tạo, nuôi dưỡng tính sáng tạo, ham học hỏi của bản thân. Những hoạt động trải nghiệm thực tế này sẽ làm thay đổi cả nhận thức và hành động của học sinh, là cơ hội để các em thể hiện năng lực sáng tạo của mình, giúp các em biết trân trọng giá trị cuộc sống, định hướng được tương lai cho bản thân, đồng thời hoạt động trải nghiệm cũng phát huy năng lực hợp tác đoàn kết ở các em.

Có thể thấy HĐTNST hiện nay được xem như là một phương pháp học của học sinh. Đó là một quá trình trong đó chủ thể trực tiếp tham gia vào các loại hình hoạt động và giao lưu phong phú, đa dạng từ đó thu lượm và xử lý thông tin từ môi trường xung quanh. HĐTNST còn là nhân tố quan trọng không thể thiếu, là hoạt động giáo dục góp phần thực hiện mục tiêu của giáo dục trong xã hội hiện đại ngày nay như:

- Là cầu nối nhà trường, kiến thức các môn học…. với thực tiễn cuộc sống một cách có tổ chức, có định hướng… góp phần tích cực vào hình thành và củng cố năng lực và phẩm chất nhân cách.

- Nuôi dưỡng và phát triển đời sống tình cảm, ý chí tạo động lực hoạt động, tích cực hóa bản thân, lựa chọn nghề nghiệp…đào tạo toàn diện.

- Giúp hoàn thành mục tiêu giáo dục:

Nhìn vào thực trạng dạy học văn hiện nay, với Đọc hiểu văn bản văn học, có một tồn tại phổ biến: phần lớn hoạt động trên lớp (do áp lực từ nhiều phía) được tổ chức bằng hình thức thầy cô cảm thụ “hộ”, thậm chí cảm thụ “hết phần” của học sinh, các em không cần đọc, không cần hiểu, chỉ cần làm một vài thao tác đơn thuần: ghi, nhớ và nhắc lại! Hệ quả đáng ngại là học sinh hầu như ít có cơ hội được “sống” với tác phẩm, “vô cảm” trước các sáng tác nghệ thuật. Còn với hai phân môn Tiếng Việt và Làm văn, về bản chất, học qua trải nghiệm ngôn ngữ vừa là phương tiện vừa là mục đích mang tính đặc thù, song không chỉ con đường tiếp cận theo hướng này bị xem nhẹ, mà chính hai phân môn này cũng không được quan tâm một cách đúng mức trong việc rèn luyện năng lực sử dụng ngôn ngữ cho học sinh. Vì vậy, việc học tập bộ môn Ngữ văn qua hoạt động trải nghiệm sáng tạo không chỉ phù hợp với đặc trưng của lý thuyết Tiếp nhận văn bản mà còn rất phù hợp với xu thế dạy học hiện đại.

Trong quá trình tham gia hoạt động TNST, để giải quyết các nhiệm vụ thực tiễn, học sinh sẽ phải vận dụng kiến thức, kĩ năng đã có để giải quyết vấn đề, ứng dụng trong tình huống mới (không theo chuẩn đã có); hoặc nhận biết được vấn đề trong các tình huống tương tự; hoặc có khả năng độc lập nhận ra chức năng mới của đối tượng; hoặc có năng lực tìm kiếm và phân tích được các yếu tố của đối tượng trong các mối tương quan của nó, hay có thể độc lập tìm kiếm ra giải pháp thay thế và kết hợp được các phương pháp đã biết để đưa ra hướng giải quyết mới cho một vấn đề. Đó chính là sự sáng tạo của học sinh, là mục tiêu giáo dục tích cực mà ta cần đạt được.

Trong Chương trình mới, các hoạt động tập thể, hoạt động ngoài giờ, kể cả dạy học trên lớp sẽ phong phú hơn cả về nội dung, phương pháp và hình thức hoạt động, đặc biệt, mỗi hoạt động phải phù hợp với mục tiêu phát triển những phẩm chất, năng lực nhất định của học sinh; nghĩa là học sinh được học từ trải nghiệm – nhưng không đơn giản chỉ là “trăm nghe không bằng một thấy, trăm thấy không bằng một làm” mà còn cao hơn nữa.

Ví dụ, thử so sánh “học qua trải nghiệm” (hoạt động trải nghiệm) với “học thông qua làm” (tức: thực hành, thí nghiệm) ta sẽ thấy giống và khác nhau như thế nào?

Hai cách học trên gần giống nhau - giống ở chỗ: người học đều trực tiếp tham gia vào hoạt động và ở tư cách chủ thể hoạt động. Tuy nhiên, “học qua làm” là nhấn mạnh về thao tác kỹ thuật còn “học qua trải nghiệm” giúp người học không những có được năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lý khác.“Học qua làm” chú ý đến những quy trình, động tác và đi đến kết quả là chung cho mọi người học nhưng “học qua trải nghiệm” lại chú ý tới kinh nghiệm, sự sáng tạo và cảm xúc cá nhân. Các em được trải nghiệm, được bày tỏ quan điểm, ý tưởng, được đánh giá và lựa chọn ý tưởng hoạt động, được thể hiện, tự khẳng định bản thân, được tự đánh giá và đánh giá kết quả hoạt động của bản thân, của nhóm mình và của bạn bè,… Từ đó, hình thành và phát triển cho các em những giá trị sống và các năng lực cần thiết. HĐTNST về cơ bản mang tính chất của hoạt động tập thể trên tinh thần tự chủ, với sự nỗ lực giáo dục nhằm phát triển khả năng sáng tạo và cá tính riêng của mỗi cá nhân trong tập thể.

Trong hoạt động TNST, Nhà giáo dục không tổ chức, không phân công học sinh một cách trực tiếp mà chỉ hướng dẫn, hỗ trợ, giám sát cho tập thể hoặc cá nhân học sinh tham gia trực tiếp; hoặc ở vai trò tổ chức hoạt động, giúp học sinh chủ động, tích cực trong các hoạt động; phạm vi các chủ đề hay nội dung hoạt động và kết quả đầu ra là năng lực thực tiễn, phẩm chất và năng lực sáng tạo đa dạng, khác nhau của các em. Vì vậy đầu ra của hoạt động TNST khá đa dạng và khó xác định mức độ chung, nhất là khi nó lại luôn gắn với cảm xúc, không dễ đánh giá.

Có thể kể ra một số hình thức hoạt động TNST như sau:

- Hình thức có tính khám phá: thực địa, thực tế, tham quan, dã ngoại, cắm trại,...

- Hình thức có tính triển khai: dự án và nghiên cứu khoa học, sáng tạo KHKT, hội thảo, câu lạc bộ, ...

- Hình thức các hội thi, cuộc thi: thi viết, thi vẽ, thi tìm hiểu, đố vui, giải ô chữ, thi tiểu phẩm, thiết kế thời trang, kể chuyện, chụp ảnh, thuyết trình, tạo video clip,... về một chủ đề nào đó

- Hình thức có tính trình diễn: diễn đàn, giao lưu, sân khấu hóa, tổ chức trò chơi,...

Trong khuôn khổ bài viết, người viết xin chia sẻ một hoạt động trải nghiệm trong dạy học bài Ôn tập văn học Trung đại Việt Nam (Ngữ văn 11):

Tổ chức chương trình hoạt động ngoại khóa thu nhỏ ở quy mô lớp học.

Mục tiêu: Nhằm củng cố kiến thức về văn học ở một giai đoạn, một thời kì, làm cho học sinh chủ động, tích cực ôn tập phát huy khả năng sáng tạo của bản thân.

Cách tiến hành:

Bước 1: Lựa chọn chủ đề cho buổi học ngoại khóa.

Ví dụ. Trong tiết Ôn tập văn học trung đại. Chủ đề: Tìm hiểu những kiến thức về văn học trung đại.

Bước 2: Dự kiến hình thức, nội dung trong buổi hoạt động ngoại khóa.

Giáo viên có thể lựa chọn các nội dung hình thức phù hợp như: Tổ chức cuộc thi giữa các tổ dưới dạng game show. Tổ chức thảo luận nhóm, thuyết trình về chủ đề. Tổ chức phòng tranh, phòng trưng bày về văn học trung đại….

Bước 3: Thiết kế nội dung các phần trong buổi ngoại khóa.

Với sự lựa chọn tổ chức cuộc thi giữa các tổ, giáo viên có thể dự kiến nội dung các phần thi như sau:

+ Phần 1: Khởi động. Trong phần này, Gv có thể cho HS chọn các gói câu hỏi trắc nghiệm. Mổi tổ sẽ trả lời 5 câu hỏi tương ứng với gói câu hỏi đã lựa chọn. Mỗi câu trả lời đúng sẽ tương ứng với 1 số điểm nhất định.

+ Phần 2: Vượt chướng ngại vật. Phần này GV sẽ thiết kế ô chữ với 8 từ hàng ngang và 1 từ chìa khóa. Mỗi tổ sẽ có 2 sự lựa chọn ô chữ hàng ngang. Đội nào tìm ra từ chìa khóa sẽ bấm chuông giành quyền trả lời. Số điểm sẽ tương ứng với việc các đội sẽ trả lời các ô chữ. Đội nào không trả lời được, đội đó sẽ nhường điểm cho các đội còn lại.

+ Phần 3: Tăng tốc. Ở nội dung này, GV có thể cho HS đại diện tổ bốc thăm tên tác giả. Sau đó HS phải dùng cử chỉ để miêu tả về tác giả để cho HS ở dưới lớp trả lời. Tổ nào đoán đúng tên tác giả, tổ đó sẽ giành được điểm. Hoặc cũng có thể GV cho HS xem các bức tranh, yêu cầu HS nhìn tranh để đọc các câu thơ có liên quan.

+ Phần 4: Về đích. Phần này, GV cho HS dựng lại một số tiểu phẩm ngắn liên quan đến các tác phẩm đã học. Hoặc HS có thể tự lựa chọn các hình thức: ngâm thơ, hát, diễn kịch để thể hiện các tác phẩm đã học theo hình thức sân khấu hóa.

Bước 4: Công tác chuẩn bị:

- Giáo viên:

+ Dự định lớp thực hiện.

+ Bàn bạc, trao đổi xin ý kiến đóng góp của tổ chuyên môn để cùng góp ý trao đổi nội dung các câu hỏi để cùng dự và rút kinh nghiệm.

+ Hướng dẫn HS cách thức tham gia hoạt động; chia thành các đội và chọn đội trưởng cho mỗi đội. Giao nhiệm vụ cụ thể cho mỗi đội (có thời gian hoàn thành cụ thể), giới hạn phạm vi kiến thức, giới thiệu các kiến thức cần mở rộng. Phân công HS làm công tác tổ chức, thư kí, điều khiển máy tính…

+ Soạn câu hỏi bám sát các tác phẩm đã học , có cả kiến thức khái quát và kiến thức cụ thể về tác giả, tác phẩm, đặc điểm giai đoạn văn học đang nghiên cứu.

+ Soạn phầm mềm trình chiếu với ứng dụng sinh động , linh hoạt.

+ Duyệt và chỉnh sửa kịch bản văn học của HS.

+ Dự kiến thời gian phù hợp với tiến trình dạy học để tổ chức. Chuẩn bị các phương tiện và điều kiện vật chất để phục vụ buổi học.

+ Trong mỗi phần, phải có hướng dẫn về hình thức tổ chức, thể lệ từng phần.

- Học sinh:

+ Tích lũy kiến thức bằng cách tìm đọc các tác phẩm sáng tác cùng thời với các tác phẩm đã học, có thể là của cùng tác giả hoặc khác tác giả.

+ Ghi nhớ được những kiến thức đã học về các tác phẩm.

+ Chuyển thể tác phẩm sang dạng kịch và tiến hành tập luyện.

+ Chuẩn bị các điều kiện và phương tiện phục vụ cho buổi học.

Như vậy có thể thấy, khi hoạt động trải nghiệm sáng tạo được áp dụng vào thực tế giảng dạy môn Ngữ văn sẽ đem lại hiệu quả giáo dục rất lớn. Cụ thể là:

- Học sinh được bồi dưỡng kiến thức sâu rộng về mọi lĩnh vực nhất là kiến thức về khoa học xã hội. Có ý thức tự học, tự bồi dưỡng kiến thức để phát triển tâm hồn, nhân cách, trí tuệ.

- Được rèn luyện kĩ năng sống từ những bài học thiết thực trong các văn bản.

- Có khả năng thích nghi với những môi trường mới cũng như bước ra khỏi thế giới nhỏ của bản thân, tự tin khám phá nhiều hơn về bản thân và cuộc sống. Điều quan trọng nhất mà mỗi HS học được là kiến thức về xã hội và sự nhạy bén ở những hoàn cảnh khác nhau. Cũng chính từ hoạt động TNST phong phú này, HS có cơ hội hoàn thiện nền tảng kiến thức vững chắc, nâng cao tính sáng tạo, sự tự tin cũng như kĩ năng giải quyết vấn đề và nuôi dưỡng tâm hồn lành mạnh, khỏe khoắn.

HĐTNST là hoạt động giữ vai trò rất quan trọng trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Hoạt động này giúp cho HS có nhiều cơ hội trải nghiệm để vận dụng những kiến thức học được vào thực tiễn từ đó hình thành năng lực thực tiễn cũng như phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân. Vì vậy, việc đổi mới căn bản toàn diện chương trình GD phổ thông ở nước ta cho thấy không chỉ tập trung đổi mới hoạt động dạy học các môn học mà còn cần chú ý đến hoạt động giáo dục TNST cho HS. Tất cả không ngoài mục tiêu là GD toàn diện cho HS, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.