Đánh giá vai trò của quốc tế thứ 2

Đánh giá vai trò của quốc tế thứ 2
 

 Cuộc biểu tình của công nhân Niu Oóc  năm 1862

1. Phong trào công nhân cuối thế kỷ XIX

*Nguyên nhân:

+ Đội ngũ giai cấp công nhân các nước tăng nhanh về số lượng và chất lượng, có điều kiện sống tập trung.

+ Sự bóc lột nặng nề của giai cấp tư sản, xu thế độc quyền và chính sách chạy đua vũ trang chuẩn bị chiến tranh để phân chia lại thế giới khiến  đời sống của công nhân cực khổ  dẫn đến nhiều  cuộc đấu tranh công nhân nổ ra.

* Phong trào công nhân:

-Phong trào công nhân đòi cải thiện đời sống, đòi quyền tự do dân chủ ngày càng lan rộng, đặc biệt ở các nước tư bản tiên tiến như Anh, Pháp, Đức, Mĩ.

-Cuộc tổng bãi công của gần 40 vạn công nhân Chi-ca-gô ngày 1 - 5 - 1886 đòi lao động 8 giờ đã buộc giới chủ phải nhượng bộ. Ngày đó đi vào lịch sử là ngày Quốc tế lao động và chế độ ngày làm việc 8 giờ dần được thực hiện trong nhiều nước.

Điểm mới:

+ Nhiều Đảng công nhân, Đảng xã hội, nhóm công nhân tiến bộ được thành lập: Đảng công nhân xã hội dân chủ Đức (1875), Đảng công nhân xã hội Mĩ (1876), Đảng công nhân Pháp(1879), nhóm giả phóng lao động Nga(1883).

+Đặt ra yêu cầu cần phải thành lập một tổ chức Quốc tế mới của giai cấp vô sản thế giới nối tiếp nhiệm vụ của Quốc tế thứ nhất.

+C.Mác qua đời (1883) sứ mệnh lãnh đạo phong trào công nhân Quốc tế thuộc về Ph.Ăng-ghen.

2. Quốc tế thứ hai.

* Hoàn cảnh ra đời:

-Chủ nghĩa tư bản phát triển ở giai đoạn cao, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột nhân dân lao động.

-Chính sách chạy đua vũ trang chuẩn bị phân chia lại thế giới dẫn đến đời sống nhân dân cực khổ.

-Nhiều Đảng và tổ chức công nhân tiến bộ ra đời , ngày 14 - 7 - 1889 Quốc tế thứ II thành lập ở Pari.

*Hoạt động Quốc tế thứ II:

-Thông qua các Đại hội và nghị quyết; sự cần thiết thành lập chính đảng của giai cấp vô sản, đề cao đấu tranh chính trị.

- Tăng cường phong trào quần chúng, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ, lấy ngày 1 - 5 làm ngày Quốc tế lao động.

 * Hạn chế: ảnh hưởng của các trào lưu cơ hội chủ nghĩa vô chính phủ.

 * Đóng góp :Đoàn kết công nhân các nước thúc đẩy việc thành lập các chính đảng vô sản ở nhiều nước

Đánh giá vai trò của quốc tế thứ 2

Ph. Ăngghen ( Friedrich Engels, 1820 – 1895 ) 

*Vai trò của Ăng-ghen đối với hoạt động của Quốc tế thứ II:

-Sự ra đời của Quốc tế thứ II là bằng chứng về sự thắng lợi của chủ nghĩa Mác trong phong trào công nhân.

-Từ khi Ăng-ghen qua đời, cùng với những biến động của đời sống kinh tế - xã hội ,những phần tử cơ hội chống lại học thuyết Mác dần chiếm ưu thế trong Quốc tế thứ II do E.Béc-xtai-nơ đề xướng đã làm cản trở bước tiến của phong trào công nhân.

*Cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cơ hội trong Quốc tế thứ II:

-Cuộc đấu tranh của một số lãnh tụ cách mạng trong các Đảng công nhân như La-phác-gơ (Pháp), Bêben, Rôda Lúcxembua (Đức) ,tuy nhiên kết quả hạn chế do đấu tranh không triệt để.

-Cuộc đấu tranh của Lênin - lãnh tụ của giai cấp công nhân Nga - lên án ách thống trị của đế quốc thuộc địa đòi quyền tự quyết cho các dân tộc và bảo vệ học thuyết Mác.

-Do thiếu nhất trí về đường lối, chia rẽ về tổ chức, các đảng trong Quốc tế II xa dần đường lối đấu tranh Cách mạng, thỏa hiệp với giai cấp tư sản, đẩy nhân dân lao động vào cuộc chiến tranh vì lợi ích của bọn đế quốc. Quốc tế thứ II  tan rã khi chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ.

Vì sao Quốc tế thứ hai bị tan rã?

Chi tiết Chuyên mục: Bài 39: Quốc tế thứ hai

- Diễn ra tình trạng mâu thuẫn và đấu tranh giữa hai khuynh hướng cách mạng và khuynh hướng cơ hội.

- Do thiếu nhất trí về đường lối, chia rẽ về tổ chức, các đảng trong Quốc tế thứ hai xa dần đường lối đấu tranh cách mạng, thỏa hiệp với giai cấp tư sản dẫn đến việc tan rã của Quốc tế thứ hai.

Xem tiếp...

Trình bày hoàn cảnh của Quốc tế thứ hai

Chi tiết Chuyên mục: Bài 39: Quốc tế thứ hai

- Sau khi Quốc tế thứ nhất giải tán, phong trào cách mạng ở các nước vẫn phát triển. Công nhân nhiều nước được tiếp xúc với chủ nghĩa Mác, từ đó dẫn đến sự thành lập các đảng công nhân và các tổ chức quần chúng ở nhiều nước. Sự phát triển đó đòi hỏi yêu cầu một tổ chức quốc tế thống nhất lãnh đạo và chỉ đạo phong trào.

- Trước tình hình đó 14/7/1889, Đại hội thành lập Quốc tế thứ hai được tổ chức tại Pa-ri.

Xem tiếp...

Hãy nêu những hoạt động chủ yếu của Quốc tế thứ hai trong thời gian Ăng-ghen lãnh đạo

Chi tiết Chuyên mục: Bài 39: Quốc tế thứ hai

- 14/7/1889, Đại hội thành lập Quốc tế thứ hai được tổ chức tại Pa-ri. Đại hội đã thông qua nhiều nghị quyết quan trọng, nêu lên sự cần thiết phải thành lập chính Dảng của giai cấp vô sản mỗi nước, đề cao vai trò của quần chúng, đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ và lấy ngày 1/5 hằng năm làm ngày Quốc tế lao động.

- Cũng như Quốc tế thứ nhất, Quốc tế thứ hai tồn tại và hoạt động chủ yếu dưới hình thức đại hội. Nhờ vai trò tích cực của Ăng-ghen, Quốc tế thứ hai đã có nhiều đóng góp tích cực cho phong trào công nhân cuối thế kỉ XIX.

Xem tiếp...

Năm 1876, Quốc tế I tan rã, trong khi đó phong trào công nhân đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhiều chính đảng của giai cấp công nhân ra đời ở các quốc gia, nhu cầu bức thiết lúc này là cần có một lực lượng đứng ra lãnh đạo, tổ chức phong trào công nhân. Xuất phát từ nhu cầu, đòi hỏi của thực tiễn đó, Quốc tế II được thành lập, nhằm tiếp tục giác ngộ, lãnh đạo phong trào công nhân. Người có công lớn nhất trong quá trình thành lập tổ chức Quốc tế II là Ph. Ăngghen.

1. Bối cảnh lịch sử trước khi Quốc tế II thành lập

Từ thập niên 70 của thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản phát triển mạnh mẽ ở Châu Âu và Bắc Mỹ. Giai cấp công nhân các nước tăng nhanh về số lượng và chất lượng. Sự bóc lột nặng nề của giai cấp tư sản, sự thắng thế của xu hướng độc quyền và chính sách chạy đua vũ trang chuẩn bị chiến tranh để phân chia lại thế giới làm cho đời sống công nhân và nhân dân lao động càng thêm khó khăn. Nhiều cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân diễn ra trong thời gian này.

Ở Đức, phong trào đấu tranh đòi cải thiện đời sống cho nhân dân lao động phát triển mạnh mẽ, buộc giai cấp tư sản phải bãi bỏ đạo luật đặc biệt nhằm chống lại công nhân vào năm 1890. Ở Pháp do hậu quả cuộc khủng hoảng kinh tế 1882-1888, nhiều cuộc bãi công, biểu tình của công nhân liên tiếp diễn ra. Riêng năm 1886, tại các trung tâm công nghiệp, đặc biệt là vùng mỏ, phong trào đấu tranh đòi tăng lương và quyền dân chủ đã thể hiện sự lớn mạnh của công nhân Pháp. Ở Anh những cuộc bãi công đòi tăng lương, ngày làm 8 giờ và cải thiện đời sống liên tục diễn ra, điển hình là cuộc bãi công của hàng vạn công nhân khuân vác ở bến tàu Luân Đôn.

Nét nổi bật của phong trào công nhân Mỹ cuối thế kỷ XIX, gắn liền với những cuộc đình công và bãi công sôi nổi khắp cả nước. Cuộc tổng bãi công của hơn 40 vạn công nhân nhà máy dệt Si-ca-gô (Mỹ), ngày 1-5-1886 đòi thực hiện chế độ ngày lao động 8 giờ đã buộc giới chủ phải nhượng bộ. Ngày đó đi vào lịch sử là ngày Quốc tế lao động và chế độ ngày làm 8 giờ dần được thực hiện ở nhiều nước. Cũng trong thời gian này do kết quả của việc truyền bá học thuyết Mác ở nhiều nước tư bản tiên tiến, các đảng công nhân, các đảng xã hội hay các nhóm có khuynh hướng tiến bộ cách mạng của giai cấp công nhân được thành lập,như: Đảng công nhân xã hội dân chủ Đức (1875), Đảng Công nhân xã hội Mỹ (1876), Đảng công nhân Pháp (1879), nhóm giải phóng lao động Nga (1883), Liên minh xã hội dân chủ Anh (1884)…. Thực tế trên đặt ra yêu cầu phải thành lập một tổ chức Quốc tế mới của giai cấp vô sản thế giới tiếp nối nhiệm vụ của Quốc tế I. Sau khi C.Mác qua đời 1883, sứ mệnh lãnh đạo phong trào công nhân quốc tế thuộc về Ph. Ăngghen.

2. Quốc tế II thành lập và hoạt động

Đại hội công nhân quốc tế họp ở Pa-ri ngày 14-7-1889, thành lập một tổ chức quốc tế mới - Quốc tế xã hội chủ nghĩa (Quốc tế II). Đại hội đã thảo luận những vấn đề hệ trọng, như: Hoạt động hợp pháp của giai cấp công nhân; thủ tiêu đội quân thường trực; lấy ngày 1-5 làm ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân; đấu tranh kinh tế và đấu tranh chính trị…

Đồng thời, Đại hội ra nghị quyết khẳng định rằng chủ nghĩa cộng sản khoa học là cơ sở tư tưởng của phong trào công nhân xã hội chủ nghĩa, Nghị quyết chỉ rõ: ''Sự nghiệp giải phóng lao động và toàn thể nhân loại chỉ có thể đạt được do giai cấp vô sản đã được tổ chức lại, với tư cách là một giai cấp, trên phạm vi quốc tế; giai cấp ấy phải giành lấy chính quyền để thực hiện việc tước đoạt tư sản và biến tư liệu sản xuất thành sở hữu công cộng''. 

Bên cạnh đó, Nghị quyết Đại hội đã nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường đấu tranh chính trị và tăng cường phong trào công nhân, đồng thời cho rằng cuộc đấu tranh hợp pháp, không phải là mục đích mà chỉ là điều kiện để thực hiện mục đích giải phóng cho giai cấp vô sản. Mục đích cuối cùng của giai cấp công nhân là giành lấy chính quyền, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Cuộc đấu tranh chống phái vô chính phủ trở thành nhiệm vụ quan trọng của Quốc tế II. Về đấu tranh kinh tế, nghị quyết của Đại hội đề ra phải đấu tranh rộng rãi vì lợi ích bức thiết của giai cấp công nhân: yêu sách đòi ngày làm việc 8 giờ, tăng lương cho công nhân, hủy bỏ chế độ trả lương bằng hiện vật. Nhằm biểu dương sức mạnh đoàn kết của giai cấp công nhân, Đại hội quyết định lấy ngày 1-5 hàng năm làm ngày hội truyền thống của giai cấp công nhân - Ngày Quốc tế lao động. Đại hội còn tiếp tục nêu những yêu sách mà trước đây Quốc tế đã nêu ra và đòi cho công đoàn quyền tự do, kêu gọi giai cấp công nhân gia nhập các đảng xã hội chủ nghĩa và đấu tranh giành chính quyền. 

Có thể khẳng định: Đại hội thành lập Quốc tế II (Quốc tế Xã hội chủ nghĩa) ở Pa-ri năm 1889 có ý nghĩa lịch sử quan trọng đặc biệt, khôi phục được tổ chức quốc tế của giai cấp công nhân, tiếp tục gương cao ngọn cờ đấu tranh cho sự thắng lợi cuối cùng của chủ nghĩa xã hội. Ngay sau khi Quốc tế II ra đời, phong trào công nhân phát triển mạnh mẽ ở khắp các châu lục trên thế giới, thu hút hàng chục vạn người tham gia. Trong thời gian tồn tại, quốc tế II trải qua 9 kỳ Đại hội: Đại hội I (Pa-ri ngày 14-7-1889), Đại hội II (Brúcxen, tháng 8/1891), Đại hội III (Duyrích, tháng 8/1893), Đại hội IV (Luân Đôn, tháng 7/1896). Đại hội V (Pari, năm 1900), Đại hội VI (Amxtecđam, năm 1904), Đại hội VII (Stútga, năm 1907), Đại hôi VIII (Côpenhaghen, tháng 8/1910, Đại hội IX (Balơ, năm 1912).

3. Sự tan rã của Quốc tế II

 Sau khi Ph. Ăng-ghen qua đời (1895), những phần tử cơ hội chủ nghĩa chống lại học thuyết Mác dần dần chiếm ưu thế trong Quốc tế II. Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa cơ hội - xét lại đã tận dụng những điều kiện lịch sử mở cuộc tiến công vào chủ nghĩa Mác và phong trào cách mạng của giai cấp công nhân và sau một thời gian hoạt động trong phong trào công nhân, một số phần tử cơ hội - xét lại đã trở thành lãnh tụ của phong trào. Trước bước ngoặt của lịch sử, những lãnh tụ này không những tự tách mình ra khỏi phong trào công nhân mà còn lái phong trào công nhân đi chệch quỹ đạo của chủ nghĩa xã hội khoa học. Một số lãnh tụ phong trào công nhân nhận thức mơ hồ về tự do, dân chủ tư sản, say sưa vời thắng lợi của con đường nghị viện, lãng quên bản chất của cuộc đấu tranh giai cấp. Trong khi đó, các tổ chức và phong trào của giai cấp công nhân tiếp tục lớn mạnh không ngừng, nhưng vấn đề về tổ chức và kỷ luật thì chưa được củng cố. 

Đầu thế kỷ XX, trung tâm cách mạng thế giới từ Đức chuyển sang Nga. Nước Nga đế quốc phong kiến quân chủ trở thành mắt xích yếu nhất của sợi dây chuyền đế quốc chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, giữa nông dân và địa chủ, đấu tranh chống áp bức dân tộc đều diễn ra đồng thời và rất quyết liệt. Cách mạng dân chủ tư sản Nga năm 1905 do Đảng của giai cấp vô sản lãnh đạo, đứng đầu là V.I.Lênin, đã có ảnh hưởng rất to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới. Những vấn đề cơ bản của cách mạng Nga đồng thời cũng là những vấn đề cơ bản của giai cấp vô sản thế giới đã dần sáng tỏ, cần giải quyết triệt để, như: vấn đề bá quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản, vấn đề liên minh công nông, vấn đề cách mạng không ngừng từ cách mạng dân chủ tư sản tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa. 

Trước những vấn đề cơ bản của cách mạng của giai cấp công nhân, các lãnh tụ Quốc tế II bị phân chia ra làm ba phái: phái hữu, phái giữa và phái tả. Phái hữu do Bécxtanh đứng đầu phản đối tất cả những vấn đề cơ bản của cách mạng, phản đối mạnh mẽ quyền lãnh đạo của giai cấp vô sản trong cách mạng dân chủ tư sản và tư tưởng cách mạng không ngừng .v.v. Phái giữa do Cauxky đứng đầu là đại biểu của chủ nghĩa cơ hội - xét lại giấu mặt luôn khoác áo mác-xít để chống lại những vấn đề cơ bản của chủ nghĩa Mác. Đây chính là tư tưởng của những phần tử quý tộc tư sản nhằm tìm mọi biện pháp thoả hiệp quyền lợi của giai cấp vô sản với quyền lợi của giai cấp tư sản. Thực chất phái giữa là người bảo vệ giai cấp tư sản. Đây là kẻ thù rất nguy hiểm của phong trào công nhân, bởi vì tính chất không công khai và vỏ bọc mác-xít của họ rất dễ lừa bịp quần chúng. Phái tả là phái cách mạng triệt để, do V.I.Lênin đứng đầu và có nhiều nhân vật nổi tiếng khác như Rôđa Lucxămbua, Claraxitkin... Phái này luôn luôn trung thành với chủ nghĩa Mác, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác vào điều kiện cụ thể của cách mạng mỗi nước, lên án chủ nghĩa cơ hội - xét lại trong và ngoài nước, đánh giá cao những bài học kinh nghiệm quý báu của quần chúng lao động sáng tạo trong cách mạng. 

Chiến tranh thế giới thứ I nổ ra đã bộc lộ bộ mặt phản bội của lãnh tụ cơ hội - xét lại trong Quốc tế II đối với phong trào công nhân. Họ đã làm cho Quốc tế II phá sản, phản bội sự nghiệp cách mạng của giai cấp vô sản, công khai tiếp tay cho giai cấp tư sản phản động nắm quyền, xô đẩy giai cấp vô sản và nhân dân lao động các nước trên thế giới lao vào những cuộc chém giết lẫn nhau rất tàn bạo chỉ vì lợi ích của giai cấp tư sản. 

          Tóm lại: Có thể nói, trong suốt quá trình tồn tại và hoạt động, Quốc tế II có vai trò quan trọng đối với phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, góp phần gây dựng lực lượng, tổ chức lãnh đạo hoạt động của phong trào công nhân trên thế giới, thúc đẩy phong trào công nhân đi từ đấu tranh rời rạc, tự phát trở thành phong trào có tổ chức, có mục đich và định hướng hoạt động. Quốc tế II cũng đã để lại cho phong trào cách mạng thế giới nói chung và phong trào cách mạng Việt Nam nói riêng bài học quý giá về sự đoàn kết, thống nhất tư tưởng hành động, chống chủ nghĩa cơ hội, chủ nghĩa xét lại.

ThS. Nguyễn Thanh Tâm

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Sách giáo khoa lịch sử 10, Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam

2. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam hệ thống – tư liệu văn kiện Đảng - “https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ho-so-su-kien-nhan-chung/phong-trao cong-san-cong-nhan-quoc-te/quoc-te-cong-san/quoc-te-ii-1889-1914-102”

            3. “Những đóng góp của Ph.Ăngghen đối với quốc tế II” Tạp chí Lý luận chính trị số 10-2012, ThS Nguyễn Văn Quyết.