Có bao nhiêu nhà máy xi măng ở việt nam năm 2024

Theo báo cáo mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường FiinGroup, tiêu thụ xi-măng Việt Nam ghi nhận mức giảm nhẹ vào năm 2022 xuống còn 62,2 triệu tấn do giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm và thị trường bất động sản đang gặp khó khăn. Ngoài ra, thủ tục cấp phép xây dựng kéo dài đã khiến nhiều dự án bất động sản bị chậm trễ, do đó hoạt động xây dựng nhà ở bị đình trệ khiến lượng tiêu thụ xi-măng đi xuống.

Tổng khối lượng xuất khẩu clinker và xi-măng chứng kiến mức giảm mạnh chủ yếu do nhu cầu từ Trung Quốc suy yếu. Đặc biệt, lượng clinker xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc bị giảm bốn năm liên tiếp. Điều này một phần là do chính sách Zero-Covid của Trung Quốc, cũng như thị trường nội địa của nước này gặp khó khăn sau vụ vỡ nợ của công ty bất động sản Evergrande vào năm 2021.

Tuy nhiên, xuất khẩu xi-măng từ Việt Nam sang Philippines vẫn ổn định. Điều này một phần là do cam kết của tân Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đối với chương trình phát triển cơ sở hạ tầng “Xây dựng, Xây dựng, Xây dựng”. Với mức đầu tư công mạnh mẽ và sự phục hồi trong hoạt động xây dựng khu dân cư và thương mại, nhu cầu xi-măng ở Philippines dự kiến sẽ vẫn tăng mạnh. Do nhu cầu thấp từ thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc trong năm 2022, các nhà sản xuất xi-măng Việt Nam đang đa dạng hóa việc xuất khẩu sang các nước khác, trong đó bao gồm thị trường Mỹ, chiếm 16% khối lượng xuất khẩu xi-măng trong năm 2022.

Hiện tại, Việt Nam có 122 cơ sở sản xuất xi-măng thuộc sở hữu của 78 công ty với tổng công suất sản xuất là 138,3 triệu tấn. Ngành xi-măng vẫn đang đầu tư vào các dự án tăng công suất và các nhà máy sản xuất mới. Trong năm 2022, các dây chuyền bắt đầu đi vào hoạt động thương mại là: xi-măng Long Sơn 4 (công suất clinker 1,86 triệu tấn); dây chuyền xi-măng Xuân Thành 3 (công suất clinker 3,6 triệu tấn); Công ty CP Đại Dương 1 (công suất xi-măng 2,3 triệu tấn). Ngoài ra, xi-măng Long Thành đã hoàn thành việc xây dựng nhà máy xi-măng công suất 2,3 triệu tấn vào tháng 12/2022. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn chưa bắt đầu hoạt động thương mại do điều kiện thị trường hiện tại.

Trong tương lai, nhiều dự án mở rộng khác - bao gồm trạm nghiền của dây chuyền 3 xi-măng Xuân Thành, dây chuyền 5 của xi-măng Đại Dương 2 và Thành Thắng - dự kiến sẽ đi vào hoạt động thương mại trong ba năm tới. Sau khi hoàn thành, các cơ sở này sẽ nâng công suất xi-măng của Việt Nam lên 141,8 triệu tấn vào năm 2026.

Do nhu cầu trong nước suy giảm và sự sụt giảm mạnh ở một số thị trường nước ngoài vào năm 2022, các nhà sản xuất xi-măng niêm yết ở Việt Nam đã ghi nhận biên EBITDA (lợi nhuận trước lãi vay, thuế và khấu hao) trung bình giảm xuống còn khoảng 11,2% vào năm 2022. Điều này chủ yếu là do doanh thu bán hàng sụt giảm do nhu cầu xuất khẩu suy yếu, cũng như chi phí sản xuất (như giá than) tăng cao. Hơn nữa, do sự cạnh tranh khốc liệt trong bối cảnh mức cầu thấp, các nhà sản xuất xi-măng phải chịu chi phí tiếp thị và bán hàng cao hơn nhằm nỗ lực thúc đẩy doanh số bán hàng, điều này cũng góp phần khiến tỷ suất lợi nhuận EBITDA thấp hơn vào năm 2022.

Trong điều kiện thị trường có nhiều thách thức và chi phí sản xuất cao hơn, hiệu quả sử dụng năng lượng và giảm phát thải đã trở thành xu hướng phát triển chính trong ngành xi-măng Việt Nam. Những biện pháp này đang giúp các nhà sản xuất tối ưu hóa hoạt động cũng như giảm chi phí năng lượng tới 20-30% năng lượng tiêu thụ và giảm lượng khí thải carbon, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh, đáp ứng tiêu chuẩn ESG (môi trường - xã hội - quản trị) tại thị trường xuất khẩu.

Ngay từ đầu những năm 2000, các nhà sản xuất xi-măng trong nước (đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân) đã dần lắp đặt WHR - hệ thống lò hơi thu hồi nhiệt thải. WHR đã được chứng minh là một trong những công nghệ khử carbon khả thi nhất và phát triển nhanh nhất hiện có trong lĩnh vực xi-măng do tính dễ áp dụng cũng như hiệu quả về hoạt động và tài chính cao. WHR có thể tiết kiệm tới 30% tổng nhu cầu điện của nhà máy xi-măng. Tính đến tháng 4/2023, 24 trong số 66 nhà sản xuất xi-măng tư nhân đã lắp đặt hệ thống WHR với tổng công suất 46,9 MW.

Phương pháp đồng xử lý các nhiên liệu thay thế và nguyên liệu thô cũng rất được chú trọng trong ngành xi-măng. INSEE Việt Nam, xi-măng Bút Sơn của VICEM và Nhà máy xi-măng Lam Thạch của Công ty Xi-măng & xây dựng Quảng Ninh là một trong những đơn vị tiên phong về đồng xử lý trong ngành xi-măng Việt Nam. Hiện tại, INSEE là nhà sản xuất xi-măng duy nhất có được giấy phép đầy đủ về đồng xử lý và được phép xử lý tất cả các loại chất thải, bao gồm cả chất thải nguy hại. Tuy nhiên, hoạt động đồng xử lý ở Việt Nam vẫn gặp phải một số trở ngại, đặc biệt là về nguyên liệu (như sự sẵn có, thiếu nhà cung cấp và xử lý chất thải), khung pháp lý, thách thức công nghệ và chi phí vận chuyển cao.

Trong thời gian tới, tổng doanh số bán clinker và xi-măng (bao gồm cả xuất khẩu) tại Việt Nam được dự báo sẽ giảm nhẹ ở mức 9% trong năm 2023 do triển vọng của thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm. Xét về các thị trường nước ngoài trọng điểm của Việt Nam, xuất khẩu xi-măng được dự báo tuy ổn định nhờ nhu cầu vững chắc từ việc phát triển cơ sở hạ tầng ở Philippines nhưng xuất khẩu clinker sẽ giảm hơn nữa do nhu cầu từ Trung Quốc thấp. Tuy nhiên, thị trường có thể chứng kiến một số sự phục hồi trong quý III.

Xi măng C91 là gì?

Xi măng C91 Long Sơn là dòng sản phẩm dành riêng cho xây trát, vữa của C91 có sự ổn định cao, tạo nên chất lượng đồng nhất giúp cho công trình có khả năng chống thấm cao, hạn chế tối đa các vết nứt chân chim trên bề mặt.

Tỉnh Thanh Hóa có bao nhiêu nhà máy xi măng?

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 5 nhà máy xi măng đang hoạt động với tổng công suất thiết kế 24,4 triệu tấn/năm. Tổng sản lượng sản xuất xi măng và clinke 9 tháng năm 2023 đạt 20,8 triệu tấn, tăng 0,97% so với cùng kỳ năm 2022.

Người ta sử dụng xi măng vào những việc gì?

Công dụng quan trọng nhất của xi măng chính là sản xuất vữa và bê tông, chất kết dính của các kết tủa tự nhiên hoặc nhân tạo để hình thành nên vật liệu xây dựng vững chắc, chịu được tác động thường thấy của môi trường.

Tính chất của xi măng là gì?

Xi măng là loại vật liệu kết dính thủy lực ở dạng bột mịn hỗn hợp, có màu đen xám, khi nhào trộn với nước sẽ tạo thành hỗn hợp dẻo và dưới tác dụng của các quá trình hóa lý nó sẽ trở nên đặc sệt lại rồi chuyển sang trạng thái rắn chắc như đá.