Chính sách kiểm soát lạm phát năm 2015

Hệ thống đang trong quá trình nâng cấp.
Hệ thống sẽ hoạt động trở lại ngay sau khi hoàn thành việc bảo trì, nâng cấp.

Hôm qua, 24/12, Tổng cục Thống kê chốt chỉ số kinh tế vĩ mô đầu tiên của trọn năm 2015, và đó thực sự là một thông tin gây sốc. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2015, theo cơ quan này công bố, chỉ tăng 0,02% so với tháng trước. Và như vậy, cả năm CPI chỉ tăng có 0,6%, mức thấp nhất trong khoảng 15 năm trở lại đây.

Chính sách kiểm soát lạm phát năm 2015
Ảnh minh họa

Khởi động cho một mùa công bố thông tin vĩ mô 2015, con số về lạm phát cả năm chẳng còn “hù dọa” được túi tiền người thu nhập thấp, khiến nhà đầu tư “cảnh giác”… như những năm về trước.

Sự ổn định nêu trên thực tế được thiết lập trên nền giá cả tương đối hỗn loạn. Thông thường, CPI tại Việt Nam định hình diễn biến tăng cao về đầu năm, đi ngang giữa năm và lại leo dốc vào cuối năm. Nhưng trong vài năm trở lại đây, diễn biến giá cả không theo quy luật đó.

Chính sách kiểm soát lạm phát năm 2015

Kéo dài từ năm ngoái đến nay, CPI của đa số các tháng trong năm đều tương đối ổn định, tăng hoặc giảm rất nhẹ quanh mốc 0%. Những cú sốc giá dịp Tết, những dịp tăng giá dịch vụ y tế hay giáo dục... ghi dấu ấn rất mờ nhạt trên đường biểu diễn CPI. Với năm nay là những lần sốc nhẹ vào tháng 1, hay “sụp ổ gà” tháng 8 và 9. Sự hỗn loạn của các chỉ báo về giá cả - CPI theo tháng - đã đi vào dĩ vãng.

Những đo đếm của cơ quan thống kê cho thấy lực trì kéo và thúc đẩy đối với CPI năm nay thể hiện sự giằng co khá cân bằng. Phía đầu đẩy, điều chỉnh giá dịch vụ y tế góp vào mức tăng chung của CPI cả năm chỉ có 0,07%; giá điện tăng “chung tay” 0,19%; tăng học phí thêm 0,12%... Trong khi đó, phía trì kéo có sự “cộng sức” của việc giảm giá lương thực và hàng loạt mặt hàng thiết yếu khác. Riêng giá xăng dầu giảm 24,77% so với năm trước đã góp phần giảm CPI chung năm 2015 khoảng 0,9%.

Chính sách kiểm soát lạm phát năm 2015

Hóa giải các “mối nguy” có thể tác động đến CPI, chính sách tiền tệ khống chế ở “cửa trên”. Thực tế, cân đối với tốc độ tăng trưởng cải thiện trong năm nay (dự báo khoảng 6,5%), tổng phương tiện thanh toán (M2) được kiểm soát khá tốt. Trong đó, tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức khoảng 18% được cho là phù hợp.

Cũng trong năm nay, NHNN đã điều hành lãi suất và tỷ giá linh hoạt phù hợp với tình hình kinh tế vĩ mô. Năm 2015, tỷ giá được điều chỉnh 3% vào ngày 7/1/2015, ngày 7/5/2015 và ngày 19/8/2015, biên độ giao dịch tỷ giá cũng được tăng lên (+/-)3% nhằm ổn định thị trường ngoại hối, ứng phó kịp thời với tình hình biến động của thị trường tài chính của các nước có quan hệ thương mại lớn với Việt Nam và hỗ trợ xuất khẩu…

Chính sách kiểm soát lạm phát năm 2015

“Lạm phát chung và lạm phát cơ bản có xu hướng giảm dần và tiến tới ổn định, qua đó có thể nhìn rõ điều hành của Chính phủ và NHNN đã linh hoạt và chủ động trong kiểm soát lạm phát. Tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán (M2) và tín dụng đã phù hợp hơn. Lạm phát cơ bản trong 2 năm gần đây ở mức khoảng 2-3% là cân bằng để ổn định kinh tế”, bà Đỗ Thị Ngọc, Phó vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) nhìn nhận.

Tuy nhiên, lạm phát thấp cũng đặt ra những nghi ngại về khả năng tạo động lực cho sản xuất và tăng trưởng. Nhưng ở góc độ của cơ quan thống kê, vấn đề không hẳn là như vậy.

“Không phải lạm phát cao mới có tăng trưởng. Giá cả chỉ là một yếu tố kích thích sản xuất. Yếu tố khác là sức mua của nền kinh tế. Giá thấp thì người dân có xu hướng dành nhiều thu nhập cho chi tiêu, qua đó làm tăng tổng cầu, vẫn kích thích sản xuất. Tôi cho rằng, giá thấp kích thích tổng cầu là quan trọng hơn”, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nêu quan điểm.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá chia sẻ thêm: Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng vẫn tăng cao hơn trước, nên CPI tăng thấp không phải do sức mua giảm mà do tác động từ nhân tố chi phí đẩy. Điều này là rất có lợi cho người dân và nền kinh tế. “GDP năm nay đạt mức tăng cao nhất trong 5 năm vừa qua cho thấy sự vận hành tốt của nền kinh tế. Chúng ta không phải đánh đổi lạm phát lấy tăng trưởng”, bà Thủy nhấn mạnh.

Trên thực tế, với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng sang chất lượng, từ chiều rộng sang chiều sâu, nâng cao hiệu quả đầu tư, nâng cao năng suất lao động… nền kinh tế Việt Nam đang hình thành nên các yếu tố cơ bản của việc kiềm chế lạm phát một cách bền vững. “Với Việt Nam, lạm phát cao luôn tiềm ẩn. Do đó, trong điều hành những năm gần đây, Chính phủ và NHNN đã rất quan tâm kiểm soát lạm phát. Theo đuổi lạm phát thấp là rất quan trọng để tăng trưởng bền vững”, bà Đỗ Thị Ngọc chốt lại.

Bà Vũ Thị Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá:

Vẫn phải cẩn trọng với lạm phát

Năm 2016 có thể có một số yếu tố ảnh hưởng đến diễn biến giá cả. Phía tác động gây tăng giá dự báo có: việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu và dịch vụ công, giá điện có khả năng tăng, lương cơ bản tăng… Ngược lại, giá dầu có thể giảm tiếp, giá nông sản tiếp tục chịu sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu… sẽ tác động làm giảm CPI. Đồng thời, theo dõi trên thực tế, giai đoạn CPI tăng cao thường kéo dài hơn so với giai đoạn CPI tăng thấp. Vì vậy, dự báo của chúng tôi, có khả năng CPI tăng cao. Nếu Chính phủ không có giải pháp điều hành sát sao thì có khả năng CPI còn vượt quá mức chúng ta dự báo là 5% trong năm 2016.

TS. Vũ Đình Ánh, Chuyên gia kinh tế:

CPI đã tốt nhưng chưa đẹp

Chúng ta đặt mục tiêu CPI năm 2015 ở mức 5%, nhưng cả năm nay chỉ 0,6%. Tôi cho rằng, mức độ lạm phát năm 2015 là “tốt” nhưng chưa “đẹp”. Rõ ràng khoảng cách quá xa giữa mục tiêu lạm phát với CPI thực tế cả năm 2015 chứng tỏ công tác dự báo và điều hành lạm phát thiếu đồng bộ. Nhìn tương quan lạm phát với tăng trưởng năm nay (khoảng 6,5%), đây là một ví dụ cho thấy mối quan hệ rất lỏng lẻo giữa tăng trưởng kinh tế và lạm phát ở nước ta. Nguyên nhân cơ bản là mô hình tăng trưởng không thay đổi nên lạm phát và tăng trưởng GDP vận động tương đối độc lập với nhau dưới tác động của những yếu tố khách quan là chủ yếu.

Về năm 2016, theo tôi với tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5-7% thì lạm phát tốt nhất nên ở mức 3-4%, là mức có thể tạo động lực thúc đẩy cả sản xuất cũng như tiêu dùng. Tôi cho rằng, điều hành lạm phát năm 2016 nên hướng đến mục tiêu này.

TS. Nguyễn Tú Anh, Trưởng ban Chính sách kinh tế vĩ mô CIEM:

Cẩn trọng với cả tài khóa và tiền tệ

Về mặt lý thuyết, đối với các nước như Việt Nam cần có mức lạm phát khoảng 5-7% để thúc đẩy tăng trưởng. Do đó có lập luận cho rằng chúng ta cần nới lỏng tài khoá và tiền tệ để thúc đẩy tăng trưởng hơn nữa mà không cần lo đến lạm phát. Tuy nhiên điều này chỉ đúng khi cầu suy giảm.

Năm 2015, tổng cầu của nền kinh tế đã tăng mạnh nhất trong 5 năm qua. Dư nợ tín dụng dự kiến tăng khoảng 18% trong khi tốc độ tăng tổng phương tiện thanh toán trong 10 tháng chỉ tăng 10,5%. Như vậy, dư nợ tín dụng tăng mạnh chủ yếu do cầu tín dụng tăng chứ không phải do cung tiền đẩy. Xét trên cầu hàng hoá, thì tổng mức bán lẻ hàng hoá dịch vụ và tiêu dùng cũng tăng mạnh.

Như vậy, lạm phát thấp trong năm 2015 không phải do yếu tố cầu thấp mà do chi phí sản xuất giảm. Điều này là do sự sụt giảm tăng trưởng mạnh mẽ của các nền kinh tế mới nổi, làm cho cầu hàng cơ bản (xăng dầu, nguyên vật liệu…) giảm.

Trong bối cảnh hiện nay cần thận trọng thực hiện các chính sách nới lỏng tiền tệ vì tác động của chính sách tiền tệ có độ trễ, và khi các yếu tố thuận lợi như giá nhập khẩu thấp thay đổi thì việc nới lỏng chính sách tiền tệ vào lúc này lại là nhân tố làm bất ổn vĩ mô, và đẩy nền kinh tế vào giai đoạn bất định mới. 

Còn với chính sách tài khóa, lạm phát thấp sẽ làm cho tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa thấp, qua đó làm trầm trọng hơn tình trạng thâm hụt ngân sách và đẩy tỷ lệ nợ công so với GDP lên cao. Do đó trong bối cảnh lạm phát thấp thì càng cần cẩn trọng hơn đối với chính sách tài khoá để đảm bảo cân đối ngân sách và nợ công trong giới hạn an toàn.

Theo tin từ Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,02% so với tháng trước và tăng 0,6% so với cùng kỳ. Tính bình quân, CPI cả nước năm 2015 tăng 0,63% so với năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5% của Quốc hội đặt ra.

Chính sách kiểm soát lạm phát năm 2015

Nguồn: GSO

Đây cũng là mức tăng thấp nhất của chỉ số giá tiêu dùng kể từ năm 2001 trở lại đây. Bình quân mỗi tháng trong năm 2015, CPI chỉ tăng 0,05%.“CPI giữ ở mức thấp và ổn định tạo điều kiện cho các chính sách tiền tệ tích cực, kích thích sản xuất kinh doanh phát triển và tạo điều kiện cho giá một số mặt hàng do Nhà nước quản lý được tính đầy đủ vào chi phí theo giá thị trường”, Tổng cục Thống kê nhận xét.

Bà Vũ Thị Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá cho hay nguyên nhân chính khiến CPI năm nay thấp là chi phí đẩy giảm. Cụ thể, nguồn cung về lương thực, thực phẩm trong nước dồi dào, cùng với sự cạnh tranh với các nước đã khiến chỉ số giá nhóm lương thực năm 2015 giảm 1,24% so với cuối năm trước. Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới gần đây giảm mạnh, đặc biệt là giá dầu cũng khiến nhóm hàng "nhà ở và vật liệu xây dựng” và “giao thông” năm 2015 lần lượt giảm 1,62% và 11,92%, so với năm trước, trong đó riêng giá xăng dầu giảm gần 25% góp phần giảm CPI chung 0,9%.

Giá gas sinh hoạt trong nước cũng được điều chỉnh theo giá gas thế giới, bình quân năm nay giảm 18,6% so với năm trước, cùng với đó là việc điều chỉnh giá của nhóm hàng do Nhà nước quản lý như dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế thấp hơn so với năm trước.

Ngoài các nguyên nhân như đã đề cập, bà Thủy cho rằng người dân hiện đã tính toán chi tiêu kỹ hơn. Do đó, người cung cấp hàng hóa, dịch vụ cũng không tăng giá cao vào dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán hay các ngày lễ hội như những năm trước đây.

"Theo đuổi mục tiêu lạm phát thấp để tăng trưởng bền vững là rất quan trọng. Những năm gần đây, chu kỳ lạm phát thấp rất ít, do đó chúng tôi khuyến nghị phải kiểm soát lạm phát chủ động, chứ không phải lạm phát rồi mới kiểm soát. Như vậy nền kinh tế mới phát triển bền vững", đại diện Vụ Thống kê giá nhận định.

Phương Linh