Châu quỳ là gì


Châu quỳ là gì


Quang cảnh của bệnh viện.
Bệnh nhân tâm thần không đáng sợ như những gì chúng ta thường nghĩ về họ, vì vậy, vòng tay đón nhận, sẻ chia của người thân, và cả xã hội mới là phương thuốc thần diệu giúp họ trở lại với cuộc sống bình thường.Người bị tâm thần có nên lập gia đình?Trong cuộc sống, người nào hơi có tí “hấp” lập tức bị nói “Châu Quỳ sổ lồng”. Người bình thường, dù khôn ngoan sắc sảo đến mấy cũng không tránh khỏi thi thoảng do phấn khích quá mức mà có những giây phút “chập cheng”, “leng keng” trong mắt mọi người, và rồi người ta đùa “cho sang Châu Quỳ thôi”. Địa danh này nổi tiếng đến mức nhắc tới là người ta nghĩ ngay đến những người bị mắc bệnh tâm thần.Thực chất đó là Bệnh viện Tâm thần Hà Nội nằm trên thị trấn Sài Đồng, Gia Lâm, Hà Nội. Địa phận đất Châu Quỳ cách bệnh viện 3 cây số. Tại sao người ta lại gọi vậy? Hóa ra là từ thời bao cấp, các nhân viên y tế của bệnh viện đi ôtô buýt tuyến từ Hà Nội sang Châu Quỳ, xuống đến bến Châu Quỳ họ đi bộ lộn lại bệnh viện, thế là tự nhiên thành quen miệng mà gọi vậy. Bệnh viện nằm trong một khu đất rộng gần 3 hécta với bồn hoa, cây cảnh, ghế đá, tượng đá, nhà vòm. Hoàn toàn yên tĩnh. Sạch sẽ. Nếu không có biển hiệu Bệnh viện Tâm thần Hà Nội ngoài cửa, ai vào cũng nghĩ đây là một công viên xanh, địa điểm lãng mạn, mơ mộng, cho những đôi trai gái hò hẹn. Chỗ này chính là nơi để người bệnh và gia đình gặp nhau chuyện trò. Đang hít hà không khí quả là dễ chịu, một bác sĩ đi tới, sau màn chào hỏi ngắn gọn, tôi biết anh là Nguyễn Văn Bính - Trưởng khoa B (Khoa Cấp tính nam). Bệnh viện trước đây có 5 khoa, giờ thêm 2 khoa. Khoa H mới có từ tháng 2-2007, điều trị loạn thần do các chất gây nghiện. Khoa G, khoa dành cho người già, mới thành lập tháng 5/2008. Bệnh viện có khoảng 400 bệnh nhân. Chúng tôi đi men hành lang, bỗng dưng, nghe tiếng hát véo von dội đến. Tôi đi nhanh về phía có tiếng hát. Một cô gái khoảng 25 tuổi đang bậu vào cửa sổ, mặt hướng ra khoảng không gian xanh. Nếu không phải trong bệnh viện tâm thần này, không phải cô bé kia đang mặc bộ quần áo của bệnh nhân, thì ối anh sẽ sẵn sàng “xin chết” vì sắc đẹp và giọng hát lôi cuốn của nàng. Tôi buột miệng, thốt lên: “Vào đây rồi mà yêu đời quá nhỉ!”. Anh bác sĩ “chỉnh” ngay: “Thực ra là bị hưng cảm chứ không phải yêu đời. Tâm thần có hai loại trầm cảm và hưng cảm là một dạng rối loạn của cảm xúc. Có thể cô ấy sẽ hát hàng chục bài và bài nào cũng hưng phấn thế”. Tôi ngạc nhiên vì bệnh nhân này thần thái sáng sủa, cử chỉ khá linh hoạt, trông không có vẻ gì là “điên” cả. Anh bác sĩ cho biết, khoa học bây giờ tiên tiến, mỗi năm ra một vài loại thuốc mới nên bệnh nhân trông mặt mũi không còn ngây ngô, đáng sợ như trước. Có những người thoạt trông không biết họ mắc bệnh, chỉ trò chuyện mới phát hiện ra. Tự nhiên tôi nảy ra ý định tìm hiểu những bệnh nhân bị điên vì tình. Anh bác sĩ cười: “Người trẻ tuổi bị tâm thần người ta hay bảo điên tình. Có trường hợp vì yêu nhau say đắm quá, sắp sửa đến ngày cưới người yêu phản bội, nên phát “điên”. Đó là rối loạn stress sau sang chấn tâm lý. Người ta thấy khởi phát bệnh rất đột ngột. Cái đột ngột đấy là nhân tố thúc đẩy, là giọt nước cuối cùng làm tràn ly. Có khi vì “điên” nên mới bị người yêu bỏ. Đấy là hậu quả chứ không phải nguyên nhân”. “Người lớn tuổi độc thân hay cau có, quạu cọ, thể nào cũng được khuyên nên lập gia đình hết “hâm” là sao?”. Tôi vẫn thường thấy ngoài cuộc sống như vậy, và đem cái thắc mắc đó hỏi anh bác sĩ. Anh bảo: “Nhiều người gọi điện thoại đến đây xin tư vấn: “Con tôi đang chuẩn bị kết hôn. Bố mẹ người yêu của con tôi bị tâm thần, liệu sau này có di truyền sang cho cháu tôi không?”, hay: “Thằng bé con tôi trước đây bị tâm thần bây giờ cháu nó đã ổn định, chỉ hơi hâm hấp tí chút, liệu lấy vợ cho nó, nó có hết “điên”?, liệu bệnh cũ có tái phát?”. Thật là câu hỏi cực khó giống như người bệnh yêu cầu cắt dạ dày bảo bệnh viện này tai biến 5%, bệnh viện kia 1/1.000. Biết đâu 1/1.000 nó lại rơi vào anh. Theo thống kê bệnh tâm thần phân liệt là loạn thần nặng nhất thì 1/4 khỏi hoặc thuyên giảm gần như hoàn toàn người ta có thể quay về với cộng đồng. Còn 1/4 diễn biến vẫn cứ liên tục, gần như không lúc nào trở về bình thường. 50% còn lại diễn biến thành giai đoạn có khi ổn định một vài ba năm, có khi ổn định mấy tháng xong lại phát bệnh. Bác sĩ không dám chắc chắn điều gì, nhưng bệnh nhân trẻ sau điều trị có tiến triển tốt, chúng tôi khuyên nếu có điều kiện nên lập gia đình. Vì có gia đình cuộc sống ổn định, điều hòa âm dương, cân bằng về tâm sinh lý. Các nguy cơ tái phát về sau ít đi. Thực tế cho thấy rất nhiều bệnh nhân điều trị một, hai lần ở đây sau đó lấy vợ có cuộc sống vui vẻ. Nếu tái phát, bệnh thường nhẹ hơn so với người không lập gia đình”.Những giây phút thư giãn.Bệnh tâm thần không chừa aiTôi vào Khoa E, (Khoa Hồi phục chức năng của nam) có 60 bệnh nhân. Ngoài sân, sau song sắt khoảng trên 30 bệnh nhân tha thẩn hưởng gió trời, mặt ngơ ngác như mấy chú gà rừng. Cậu trẻ nhất khoa mới 17 tuổi lăng xăng đến bên tôi chỉnh lại quần áo và xin chụp vài kiểu ảnh, dặn đi dặn lại rửa ảnh nhớ gửi về cho mẹ cậu ở phố Minh Khai (nhưng nhất định không nói số nhà). Một bệnh nhân nữa mặt khá sáng sủa tuổi chưa đến 30 cũng muốn chụp ảnh gửi về cho vợ. Được thôi, không hề gì. Tôi bấm máy lia lịa.

Xem thêm: Xe Win Liên Doanh Là Gì ? Có Nên Mua Xe Liên Doanh Hay Không

Thế là cả hai cậu đều đứng trước máy ảnh, tạo dáng, lên hình trông rất điệu. Một bệnh nhân khác đứng chen vào, cậu trẻ nhất kêu toáng lên là không được chụp ba. Các bệnh nhân khác tò mò đến xem chúng tôi chụp ảnh, dần dần gần như cả khoa vây kín lại và cũng muốn chụp. Thi thoảng có một, hai người lù lù tiến tới gần, phản xạ tự nhiên tôi né sang một bên, lùi xuống mấy bước. Hai cậu trẻ thấy dáng vẻ của tôi, toe toét cười: “Không sao đâu, trông thế thôi chứ ông ấy hiền lắm”. Bác sĩ Bính (Trưởng khoa B) và bác sĩ Bình (Phó khoa E) đi tới, tôi được biết “ông hiền lắm đấy” khoảng 60, tên là Diên. Ông đã ra rồi lại vào bệnh viện dễ đến 20 năm. Thật ra, ông đã quá tỉnh táo, về gia đình, ông muốn mang cái bơm xe ra đầu phố, nhì nhằng có thể ngày kiếm được chục nghìn. Nhưng sự có mặt của ông làm cả khu phố náo loạn lên, thậm chí các cháu nhỏ còn hét lên “Điên điên”. Ông ấy rất bực mình. Bọn trẻ trêu một câu, ông cho qua. Nhưng hai, ba câu, hàng chục câu, chúng bủa vây ông, có khi ném đất, ném đá, ông quát tháo, sừng sộ. Ai đúng, ai sai? Mọi người lại bảo ông ấy điên rồi đấy, cần phải cho vào trại ngay thôi. Trường hợp của cậu trẻ nhất khoa E vừa nũng nịu đòi tôi chụp ảnh, mới đưa vào 3 tháng, bác sĩ cho biết. Mẹ cậu thấy cậu hay ra đường, lần nào về nhà má cũng đỏ lựng, nhìn kỹ thấy trên má con trai hằn 5 đầu ngón tay. Sau bà phát hiện, cậu con nhố nhăng này rất thích nghí ngoáy, động chạm vào thân thể phụ nữ, như một cái tật, không thể bỏ. Nó ám ảnh đến nỗi cậu chẳng thể học hành. Bà mẹ cho con đi khám và biết con mình mắc bệnh rối loạn cảm xúc một dạng của tâm thần, nên khẩn trương đưa ngay vào viện.Khoa B cấp tính nam, cách đây mấy hôm có cháu 15 tuổi ở thị trấn Sóc Sơn vừa khai giảng vào học được 5 -7 ngày, đang học trên lớp thì xỉu xuống, hơi co giật. Cháu bé mắc chứng hoang tưởng, lúc nào cũng cảm giác bị người khác theo dõi làm hại. Trao đổi với tôi, Trưởng khoa Bính cho biết. Gần như 80-90% bệnh nhân tâm thần biểu hiện đầu tiên bao giờ cũng là rối loạn cảm xúc, rối loạn giấc ngủ, đau đầu. Một cháu bé 15 tuổi chưa tiếp thu đầy đủ nhận thức, nhân cách chưa hình thành đã bị bệnh. Điều trị cho cháu xong, về học được hay không bác sĩ không dám chắc. Bệnh nhân phát bệnh ở độ tuổi càng sớm thì bệnh phát càng nặng. Một bệnh nhân 15 tuổi mắc bệnh 4, 5 năm sau bệnh sa sút lắm rồi. Người 40 tuổi phát bệnh có khi hơn 10 năm sau vẫn cứ ở dạng như thế. Những bệnh tâm thần nội sinh do cơ thể sinh ra không có sự khác biệt lớn giữa giai tầng xã hội, giới nào cũng có thể bị. Bệnh này có chừa ai đâu. Vừa tuần trước, bên Khoa Cấp tính nữ nhận bệnh nhân là trưởng khoa của một bệnh viện đang học thạc sĩ bên Australia người ta trả về.Bác sĩ diễn kịch và khó khăn trong phương pháp điều trịĐến 80-90% người bệnh phủ nhận mình không có bệnh, không chấp nhận điều trị, không uống thuốc vì thế bệnh nặng lên. Bệnh nặng lên người ta lại không uống thuốc. Nhân viên y tế phải thuyết phục, cưỡng bức để người bệnh dùng thuốc bệnh mới thuyên giảm. Người bệnh nhận thức được rồi mới uống thuốc. Uống thuốc xong, bệnh thuyên giảm. Đấy là vòng tròn. Có trường hợp bệnh nhân không thừa nhận mình mắc bệnh, bác sĩ khám lần đầu phải giấu kín bệnh nhân, làm “diễn viên bất đắc dĩ” với tư cách là bạn của ông chú, ông anh đến khám. Thậm chí không chỉ bệnh nhân mà một vài người nhà không biết đấy là bác sĩ tâm thần. Bác sĩ nói chúng tôi làm ở khoa nội của Bệnh viện Đa khoa Quốc gia, hoặc học ở khoa tâm lý nghe thấy anh không được khỏe nhân tiện đi qua đây ghé thăm. Rồi khuyên bảo như một điệp khúc: “Anh mất ngủ triền miên ư? Có vẻ như anh không được khỏe lắm thì phải, trông hơi gầy đấy”. Hay: “Dạo này anh hay cáu kỉnh nhỉ, hình như có điều gì làm anh bức xúc, mệt mỏi đúng không? Anh yếu thì nên dùng thuốc bổ”. Và bác sĩ kê đơn. Thực chất thuốc bổ là thuốc đặc trị tâm thần. Không phải bệnh nhân nào cũng được người nhà quan tâm chăm sóc, nhiều bệnh nhân gần như bị người nhà bỏ quên, chẳng buồn đón về, mặc dù bệnh của họ đã tiến triển bình phục. Mặc kệ những lời giải thích của bác sĩ rằng đây là bệnh viện không phải trại tập trung hay là nơi để giữ lại. Nói về khó khăn trong điều trị cho bệnh nhân tâm thần, Giám đốc Bệnh viện Lý Trần Tình cho biết:Nhận thức của cộng đồng về bệnh lý tâm thần còn hạn chế. Số đông quan niệm bị mắc điên là động mồ động mả, do “ma làm” nên gia đình đưa người bệnh đi thầy cúng, và cứ để như vậy thời gian dài, một vài năm, thậm chí hàng chục năm, người bệnh quá nặng đập phá, hành hung, thậm chí giết người lúc đó người ta mới đưa đến bệnh viện. Để lâu quá bệnh nặng chữa trị rất khó. Có lẽ cần tuyên truyền cho cộng đồng, nếu thấy có biểu hiện bất thường như rối loạn giấc ngủ, tự nhiên không muốn giao tiếp, không muốn quan hệ, hoặc có những hành vi lời nói kỳ lạ, khác thường tốt nhất nên đến các cơ quan điều trị bệnh tâm thần để được tư vấn chữa trị vì trong ngành y tế phát hiện bệnh chữa càng sớm càng tốt.Một khó khăn nữa mà các bác sĩ chuyên khoa tâm thần đang phải đối mặt, đó là phải chịu sự quấy rối của các bệnh nhân. Người đời thường nghĩ, ở bệnh viện tâm thần chắc chỉ có nhân viên nữ mới bị sàm sỡ. Thực chất bác sĩ nam cũng bị. Khoa Cấp tính nữ có những bệnh nhân mắc chứng “cuồng loạn” tên gọi của bệnh này là loạn thần cảm xúc, thích phô bày phần kín trên cơ thể. Mặc đồ cho họ, họ lại cởi ra. Bác sĩ điều trị rất khó khăn, nhất là những bác sĩ trẻ, đang điều trị bệnh nhân như vậy gặp bạn đến thăm thì rất ngượng. Có khi người yêu giận dỗi cả buổi... Nghề nào cũng có tai nạn. Bác sĩ chuyên khoa tâm thần coi đó như một tai nạn nghề nghiệpTrần Mỹ Hiền